Ngôi làng không bị lãng quên
- Cập nhật: Chủ nhật, 22/2/2015 | 9:04:22 AM
YBĐT - Nhường đất xây dựng thủy điện Thác Bà, rồi căn bệnh phong quái ác ập đến khiến Làng Ro trở thành biệt lập, cô độc vì không ai dám tới gần. Không đường, không điện, không thông tin liên lạc, không trường học… những tưởng ngôi làng bên hồ Thác đã bị lãng quên.
Đường vào Làng Ro hôm nay.
|
Hẹn hò mãi cuối cùng chúng tôi cũng đến được Phan Thanh, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên. Vì hẹn trước nên lãnh đạo xã đã đợi sẵn ở trụ sở. Sau phần chào hỏi xã giao, Bí thư Đảng ủy xã Vi Đình Vân thông tin nhanh về một số tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã và nhấn mạnh: “Phan Thanh hôm nay đã khá hơn trước rất nhiều, đặc biệt là Làng Ro, thôn khó khăn nhất của xã”.
Để vào Làng Ro, đường bộ và đường thủy đều được. Tuy nhiên, sau mấy cuộc điện thoại, Bí thư Đảng ủy xã Vi Đình Vân quyết định dẫn chúng tôi vào Làng Ro bằng xuống máy, bởi đường bộ đang đổ bê tông, nhiều cống, ngầm, đất đá ngổn ngang khó đi.
Chiếc thuyền máy nhẹ nhàng lướt sóng vượt qua những dãy núi đá vôi dựng đứng tiến vào Làng Ro. Trên đường đi, chúng tôi ghé vào ngôi nhà nổi giữa hồ nước mênh mông của gia đình anh Vương Văn Trung - nơi gia đinh nuôi cá lồng.
Sinh ra trong làng, gia đình đông anh em, đã xoay xở đủ nghề để kiếm sống song cũng chả khá lên là mấy. Nhận thấy tiềm năng về mặt nước hồ có điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản mà chưa ai dám làm, trong khi đó các địa phương khác mô hình này khá phát triển, với mong muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất của cha ông mình, anh Trung đã gom nhặt vốn liếng, vay mượn thêm tiền và quyết định ra hồ lập nghiệp.
Nhận thấy việc nuôi cá nheo không khó, chi phí cũng không nhiều, cá ít bệnh, Trung lân la tìm mua giống cá nheo của người dân đánh bắt được trên hồ đem về nuôi rồi tìm hiểu kỹ thuật qua sách báo. Đến nay, sau 4 tháng nuôi thử nghiệm, những con cá nheo lúc đầu mới chỉ bằng ngón tay cái nay đã đạt trọng lượng hơn 1 kg. Nếu bán từ 100 đến 120 ngàn đồng/kg thì 400 con cá nheo thương phẩm của gia đình anh Trung cho lãi trên 21 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Quang Hòa cho biết: Từ mô hình này, xã sẽ vận động nhân dân tiếp tục phát triển mở rộng quy mô để giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn lợi tự nhiên của hồ Thác Bà. Đây cũng là chìa khóa để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh Trung (ngồi giữa) đang kiểm tra sự sinh trưởng của cá nheo.
Rời mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Trung, chúng tôi chuyển sang chiếc thuyền nan của Phó bí thư Chi bộ thôn Nông Đồng Độ để tiến sâu vào làng tìm hiểu thêm cuộc sống người dân nơi đây sau 40 năm nhường đất xây dựng thủy điện Thác Bà.
Đón chúng tôi bằng cái bắt tay chặt và nụ cười tươi rói, Bí thư Chi bộ thôn Trương Văn Chiến tâm sự: Là thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Làng Ro này, chứng kiến biết bao sự thăng trầm, khó nhọc của mảnh đất này, cũng chỉ nghe các ông cha mình kể lại mà biết để răn dạy con cháu vươn lên làm ăn. Ngày ấy, cách đây 40 năm, 37 hộ dân trong thôn di dời lên đây để nhường chỗ cho thủy điện, thế rồi căn bệnh phong quái ác ở đâu ập đến. Từ một rồi tới mười hộ bị lây nhiễm, người làng sợ lây bỏ đi hết. Làng cứ thế xa dần, biệt lập, cô độc không ai dám tới gần. Không đường, không điện, không thông tin liên lạc, không trường học, Làng Ro dần bị lãng quên. Thế rồi, người bệnh phong đã được Nhà nước chữa trị, bệnh được thanh toán, Làng Ro cũng không còn biệt lập như trước nữa, giờ đây cả làng đã có 65 hộ dân, sống quây quần đùm bọc thương yêu nhau.
Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước giúp người dân xóa đói giảm nghèo được triển khai vào thôn đã mở ra cuộc sống mới cho người dân Làng Ro. Mùa nước nổi thì xuống hồ đánh tôm, đánh cá, mùa nước cạn lại canh tác trên những diện tích dưới cos để lấy lương thực sinh hoạt và phát triển chăn nuôi. Phong trào phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo đã phát triển mạnh.
Từ chăn nuôi trâu, bò và phát triển kinh tế đồi rừng, nhiều hộ đã vươn lên như gia đình ông Hoàng Minh Chiến, Vương Văn Học và Hoàng Minh Tiến có từ 3 - 5 ha đồi rừng đã bước vào kỳ thu hoạch, có từ 3 - 5 con trâu. Trong thôn, nhà nào cũng có từ 1 - 2 chiếc xe máy, tỷ lệ hộ nghèo nay giảm chỉ còn gần 60%. Đặc biệt, thôn đã thành lập được chi bộ Đảng với 5 đảng viên đều là những người trẻ có năng lực, năng nổ trong các phong trào. Vui hơn, năm 2006, trường tiểu học được xây dựng khang trang các thầy cô giáo ở xã, huyện tình nguyện về cắm bản dạy học cho đám trẻ trong làng. Sản phẩm từ lớp học đầu tiên ấy là có 4 em được học lên cao và tốt nghiệp đại học.
Chia tay Làng Ro khi gió xuân đã bung cánh những nụ đào phai chúm chím. Tiễn ra tận đầu làng, Trưởng thôn Hoàng Minh Chiến nắm chặt tay tôi nói: “Người dân Làng Ro cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm, nhờ có Đảng mà cuộc sống người dân trong làng mới được như ngày hôm nay. Chỉ nay mai thôi là đường liên thôn được bê tông sẽ vượt núi đến tận trung tâm thôn, thông thương hàng hóa thuận tiện, các sản phẩm nông sản, thủy sản, lâm sản làm ra đều tiêu thụ dễ dàng. Duy một điều mà 40 năm qua người dân chúng tôi mong mỏi ấy là mong Đảng, Nhà nước kéo điện lưới quốc gia về thắp sáng Làng Ro để người dân được nắm bắt các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật, biết được cuộc sống trong nước, trên thế giới thay đổi như thế nào để học tập, vươn lên xóa đói giảm nghèo và cũng là để giữ chân đám thanh niên ở lại lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Tôi mang mong ước của người trưởng thôn ấy gửi vào xuân mới để ước mơ ấy sớm trở thành hiện thực!
Thanh Tân
Làng Ro, tháng 12/2014
Các tin khác
YBĐT - Tháng Chín, tháng Mười, du khách tứ phương, xe cộ đủ loại nối nhau lên Mù Cang Chải. Đó là khi những triền ruộng bậc thang suộm vàng, hương lúa hòa hương thơm lừng của táo rừng chín. Tôi điện cho Khách sạn Suối Mơ đặt mấy phòng cho nhóm khách liên tỉnh Sài Gòn - Cần Thơ - Tây Ninh vì mê mẩn danh tiếng cao nguyên này mà kéo nhau ra Bắc lên Yên Bái thưởng ngoạn.
YBĐT - Tôi chẳng nhớ đã bao lần lên với Suối Giàng. Vẫn cứ ngỡ đã hiểu rõ lắm về cái xứ sở của mù mây và những cánh rừng chè Shan tuyết cổ thụ có đến vài trăm năm tuổi ấy. Vậy nhưng, mỗi lần đến là một lần bỡ ngỡ, là những đổi thay diệu kỳ. Như “nàng công chúa ngủ quên”, Suối Giàng chợt bừng tỉnh trước những khát khao, kỳ vọng của người dân bản địa…
YBĐT - Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại và bị dìm trong bể máu, nhiều chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ)bị kết án tử hình. Tại Yên Bái, thực dân Pháp đã tổ chức hai đợt hành hình các chiến sĩ VNQDĐ. Không run sợ trước cái chết, nhiều người bước lên máy chém còn hô vang “Việt Nam vạn tuế”… Kỳ I: Bi tráng cuộc khởi nghĩa Yên Bái
YBĐT - Khởi nghĩa Yên Bái cách nay 85 năm (10/2/1930 - 10/2/2015) do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo không chỉ đánh thức lòng yêu nước của toàn dân tộc mà còn làm rung chuyển nước Pháp...