Khi nông dân ly nông bất ly hương

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2015 | 7:51:23 AM

YBĐT - Mấy năm trở lại đây, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đã có sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Có nhiều nguyên nhân để Nga Quán đổi mới đi lên, trong đó có chuyện người dân đã biết tận dụng những tiềm năng, lợi thế có thể nói là rất nhỏ bé của mình. Tư tưởng "ly nông bất ly hương" đã khiến nông dân xã ven sông Hồng này không chân lấm, tay bùn mà mặc quần áo công nhân đi làm thợ. Đó chính là gốc rễ của vấn đề.

Nga Quán là một xã thuần nông nhưng rất ít ruộng. Toàn xã chỉ có gần 70ha lúa, đã vậy phần lớn ruộng của bà con nơi đây lại nằm tiếp giáp với ngòi Nga Quán, đầm Nâu, đầm Chảy, hễ sông Hồng có lũ là nước trắng gần hết diện tích lúa. Nông dân Nga Quán tuy có yêu nghề trồng lúa đến mấy nhưng cũng không thể sống nhờ vào ruộng bởi bình quân mỗi khẩu nông nghiệp chỉ có hơn sào ruộng.

Với diện tích nhỏ lẻ như thế, lúa có tốt đến mấy, dù không gặp thiên tai, địch họa, nhà nông vẫn không đủ thóc ăn chứ nói gì đến làm giàu. Màu bãi ở đây cũng không nhiều, dải đất ven sông vài héc-ta đất pha cát; đồi gò cũng chỉ đủ chia nhau làm đất ở chứ đất trồng rừng, đất canh tác gần như là con số không. Xã thuần nông mà không có ruộng nên nhiều năm liền Đảng bộ, chính quyền và người dân luẩn quẩn trong bài toán xóa đói, giảm nghèo.

Theo thống kê, thời điểm năm 2005, toàn xã vẫn còn 45 hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu rất thấp. Có lẽ Nga Quán là một trong số rất ít vùng quê ở huyện Trấn Yên và tỉnh Yên Bái này chán ruộng! Tuy không có đám nào bỏ hoang nhưng tư tưởng cấy đám ruộng cho vui, để đàn gà có rơm bới khá phổ biến; phần lớn người có ruộng đã cho người khác thầu lại hoặc mượn cấy cho… đỡ nhớ.

Ông Lê Quang Đề - nguyên Bí thư Đảng ủy xã cho rằng: "Hoặc là phải có nhiều ruộng đất hoặc là rất ít ruộng như quê chúng tôi thì người dân mới khá lên được! Ruộng nhiều thì đầu tư, thâm canh, làm lúa hàng hóa, ruộng ít thì đi làm cái khác luôn. Mỗi khẩu có sào ruộng "dở trăng, dở đèn", giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn chứ không thể thoát nghèo được". Câu nói của người cựu cán bộ xã giống như lời tổng kết con đường vươn lên của người dân nơi đây. Không có nhiều ruộng đất, cấp ủy, chính quyền hướng mạnh cho dân chuyển đổi ngành nghề và người dân trong xã đã đồng tình hưởng ứng như một lẽ tự nhiên. Nông dân ở đây không ly hương mà chủ động ly nông, làm nhiều nghề phụ để nuôi sống bản thân và vươn lên làm giàu. Đó thực sự là cái hay, cái tốt của một xã ít đất sản xuất. "Thời buổi này có sức khỏe, chịu khó lao động là đủ ăn, là ổn định ngay thôi mà". Chúng tôi đã nghe câu nói ấy từ thanh niên, trung niên đến các bậc cao tuổi. Lời khẳng định ấy cho chúng tôi một kết luận rằng, người dân đã nhìn ra được con đường đi của mình; đặc biệt là bà con nơi đây rất chịu khó lao động, có ý chí vươn lên.

Nga Quán nằm tiếp giáp với thị trấn Cổ Phúc và thành phố Yên Bái, hai trung tâm kinh tế, chính trị của huyện và tỉnh, nơi chứa đựng nhiều cơ hội, nông dân trong xã đã biết nắm lấy cơ hội ấy để tạo việc làm và thu nhập. Cái đáng quý ở đây là những anh, chị nông dân rời tay cày, tay cuốc lên phố lao động nhất định không chọn những việc giản đơn theo kiểu "bán sức" lấy tiền. Theo nhau học lấy cái nghề để kiếm sống là suy nghĩ rất đúng đắn của người lao động, chọn nghề xây, mộc, cơ khí, điện nước, nấu ăn… rồi thành lập tổ, đội, phường, hội. Anh Phạm Quang Dân (thôn Ninh Phúc) là anh cả trong một tốp thợ nề, dưới anh là em chú, em thím trong nhà, trong họ và cả mấy người trong thôn, trong xóm, cũng nhờ suy nghĩ ấy mà lên. Anh bảo: "Chưa biết nghề cần đi học lấy nghề từ trồng mộc, ghép cốt pha, vào áo, lát nền, học rồi lại dạy cho người khác". Anh nói vui: "Thông minh, tài cao, học rộng đã không phải đi làm thợ hồ". Nói vậy thôi, làm nghề cũng phải có kỹ thuật, có "con mắt" như các anh, người ta mới thuê mượn. Trời cũng phú cho nhiều người dân ở đây có sức khỏe lại sáng dạ và khéo tay, theo thợ cả mấy hôm đánh giấy ráp là đã biết cưa, biết đục; đánh vữa, bê gạch mấy công trình là biết xây, biết trát chẳng kém thợ lành nghề.

Có lẽ thế nên hàng chục tốp thợ nề ở đây đã xây gần như toàn bộ các công trình trong thôn, ngoài xã, rồi lên huyện, ra tỉnh, bất kể công trình có đòi hỏi kỹ, mỹ thuật cao đến mấy. Thợ mộc, thợ sắt không tự mở xưởng nhưng cũng được chủ lớn, chủ nhỏ ở thị trấn và thành phố mời về làm.

Ông Phạm Quang Trung - Chủ tịch UBND xã tự hào cho biết: "Nghề phụ đã trở thành nghề chính của nông dân trong xã. Chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng có thể khẳng định, đại bộ phận người dân trong độ tuổi lao động ở đây đã không còn phụ thuộc vào cây lúa; ai không đi làm nghề cũng phát triển chăn nuôi. Đây là lý do quan trọng để xã hoàn thành tiêu chí tỉ lệ lao động trong nông nghiệp dưới 35%, một tiêu chí đặc biệt khó với rất nhiều địa phương khác trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới".

Quá trình đô thị hóa ở xã diễn ra không nhanh nhưng dọc tuyến đường Yên Bái - Khe Sang cũng đã khá tập nập, mở ra cơ hội cho những hộ sống ở mặt đường. Nhiều cửa hàng may mặc, sửa chữa xe máy và các loại hình dịch vụ thương mại khác đã xuất hiện, giải quyết việc làm cho nông dân.  

Thời buổi này, nghề phụ vữa cũng có thu nhập 150 nghìn/ngày công, những người làm nghề chế biến gỗ, xây dựng, điện, nước… có tay nghề khá, bình quân thu nhập trên dưới 200.000 đồng/ngày, nói theo kiểu người lao động "quy ra thóc, mỗi hôm kiếm được vài yến". Vậy là thu nhập của đại bộ phận người lao động ở đây đã khá cao so với mặt bằng chung và rất cao nếu so với làm ruộng! Với mức thu nhập ấy, cuộc sống đã hết đói, bớt nghèo đi rất nhiều.

Thống kê mới đây cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện nay còn 7,8%; xã đã có gần 500 nhà xây, nhà nào cũng có 1 hoặc 2 ti vi, xe máy; bình quân thu nhập năm 2014 đạt 28,1 triệu đồng/người. Đời sống đã khấm khá lên nhiều, nếu được Nhà nước quan tâm đầu tư thì xã đã sẵn sàng trở thành xã nông thôn mới của huyện ngay năm 2015. Nói như vậy vì tất cả những tiêu chí địa phương chưa đạt đều phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước như: trường học, nhà văn hóa xã, sân vận động… Tất cả những tiêu chí thuộc về địa phương và nguồn lực từ người dân đều đã cơ bản hoàn thành, kết quả ấy nhờ một phần đóng góp từ tư tưởng ly nông bất ly hương của bà con và từ sự chú trọng phát triển nghề phụ và cả việc trồng cấy, chăn nuôi gắn liền với thị trường mà Đảng bộ, chính quyền đã định hướng cho người dân.

Đi dọc tuyến đường bê tông bằng phẳng qua các thôn Ninh Phúc, Ninh Thuận, Hồng Hà, Hồng Thái, những người nông dân đã hết cảnh lam lũ, bớt hẳn chuyện chân lấm tay bùn. Không ít người đã khoác lên mình những bộ quần áo công nhân, tuy không sang trọng nhưng đã gọn gàng và tươm tất. Quê hương Nga Quán đã đổi mới đi lên mà không nhờ những tiềm năng, lợi thế tự nhiên.

 Tấn Đạt

Các tin khác
Chị Thào Thị Dở (thứ 3, trái sang) trao đổi kinh nghiệm công tác với các hội viên phụ nữ xã La Pán Tẩn.
(Ảnh: Anh Hải)

YBĐT - Là một trong năm đại biểu ưu tú của huyện Mù Cang Chải được tham dự Hội nghị biểu dương bí thư chi bộ thôn, bản tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2014, có lẽ Thào Thị Dở là nữ Bí thư Chi bộ trẻ tuổi nhất nhưng cũng là đại biểu để lại nhiều ấn tượng nhất tại Hội nghị với những nhận xét đáng trân trọng: cán bộ nữ dân tộc Mông trẻ tuổi, luôn tươi cười, thân thiện và có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nuôi bò bán công nghiệp
tại xã Mậu Đông, huyện Văn Yên.

YBĐT - Trước những thách thức phải đối mặt như hiện nay, việc thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi là việc làm cấp bách để phát triển chăn nuôi bền vững. Vậy đâu là giải pháp để đạt mục tiêu đề ra? Bài 1: Thực trạng và rào cản

Chăn nuôi hàng hóa theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp ở Côg ty TNHH Vật tư nông nghiệp Yên Bái.

YBĐT - Mặc dù tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi, giúp nhiều hộ chăn nuôi có mức lợi nhuận cao, tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn không khỏi lo lắng về một thị trường thức ăn và sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bấp bênh.

Trung tá Vũ Xuân Hải - Trưởng Công an phường Hồng Hà trao đổi với cán bộ khu dân cư Hồng Phú.

YBĐT - Từ một điểm "nóng" về an ninh trật tự (ANTT), Hồng Hà đã gây dựng thành công thế trận an ninh nhân dân vững chắc khi cả 9/9 khu dân cư và 4/4 đơn vị trường học trên địa bàn phường đều đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT, trở thành điểm sáng về phương trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" của thành phố. Thành công ấy theo Trung tá Vũ Xuân Hải là khởi nguồn từ sức mạnh lòng dân...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục