Ghi ở bản Mông Đồng Ruộng

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/4/2015 | 9:48:36 AM

YênBái - YBĐT - Cái nghiệp làm báo luôn gắn liền với những chuyến đi! Vừa Liễu Đô, Vĩnh Lạc (Lục Yên) đã lại Phù Nham, Sơn Thịnh (Văn Chấn). Bữa nay, “con ngựa sắt” ngoan ngoãn cõng chủ nhân băng dốc, lội suối lên bản Mông Đồng Ruộng, xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên).

Bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.
Bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.

“Vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Trấn Yên đấy, không phải vừa đâu!”, cảm ơn mấy anh bạn ở Trấn Yên nhắc vậy nhưng họ đâu hiểu đối với dân làm báo thì chẳng có gì là cao, là xa hết, hơn nữa, lên được Đồng Ruộng sẽ có khối chuyện kể.

Đúng là đường khó đi thật, quãng bảy cây số từ trung tâm xã Kiên Thành lên đến bản Đồng Ruộng mà đi như đánh vật, tuyến đường vẫn mang bóng dáng của con đường lâm sinh thời Công ty Lâm nghiệp Trấn Yên được “giao chỉ tiêu chặt gỗ tự nhiên”. Thời ấy, chỉ có những chiếc xe "ba cầu" như Zin 157, Zin 131 và Praha mới đủ sức cõng những cây phay, chò, dổi, sến… từ rừng Kiên Thành ra Vực Tròn (trụ sở lâm trường bộ). Phải đi trên con đường cực kỳ gồ ghề, lầy lội mới gợi nhớ lại một thời xa xưa ấy.

“Kia là đỉnh Chóp Nồi, dịch xuống là khe Ruộng, chân núi là Đồng Ruộng đó, anh ạ” - anh Hà Việt Hưng - Xã đội phó Kiên Thành dẫn đường cho chúng tôi nói lớn để át tiếng xe đang căng sức leo dốc. Cảnh tượng quá đẹp hiện ra trước mắt: bản Mông Đồng Ruộng đúng là một bức tranh thủy mặc, bồn địa rộng đến chục héc ta khá bằng phẳng được bao bọc bởi những ngọn núi cao ken đặc cây rừng, dòng suối nhỏ trong vắt uốn lượn quanh những nếp nhà sàn và những ruộng lúa đang thì con gái.

Chúng tôi đến thẳng nhà ông Giàng A Nhà, người mà mấy anh cán bộ xã Kiên Thành khuyên tôi nên gặp ở bản Đồng Ruộng. Nói là “nên gặp” là vì ông như “ thành hoàng làng” ở Đồng Ruộng. Chính ông là người đầu tiên định canh, định cư ở bản Đồng Ruộng, có công vận động bà con định canh, định cư theo mình. Ông cũng là người tích cực lao động, đưa cây, con mới vào sản xuất. Đặc biệt, ông Nhà, con trai ông và hiện nay là cháu nội của ông được bà con tín nhiệm bầu là Trưởng thôn Đồng Ruộng này. “Chào cán bộ! Lên nhà đi, mình băm tý sắn nuôi con cá”. Ông Nhà đã 75 tuổi mà đi thoăn thoắt, bưng rổ sắn đổ ào xuống ao rồi quay vào mời khách. Cả lũ cá trắm, cá trôi xô nhau lao vào ăn. Đúng là một lão nông khỏe mạnh và một cơ ngơi khang trang với đầy đủ vườn, ao, chuồng, rừng.

 Ông Nhà rót cốc nước hãm bằng rễ cây rừng màu đỏ và có mùi thơm mát cho khách rồi vui vẻ kể câu chuyện về sự hình thành bản Mông Đồng Ruộng: “Chẳng biết đời cha, ông chúng tôi đi những đâu, sống trên những ngọn núi nào, từ bao năm trước, đến đời chúng tôi thì lang thang mãi trên khắp các ngọn núi từ Suối Giàng (Văn Chấn), qua Mỏ Vàng (Văn Yên)… Đi như con thú hoang, chịu đủ đói rét, mù chữ, bệnh tật, khổ sở rất nhiều. Rồi một ngày trên đường đi săn, tôi đến Đồng Ruộng, thấy đất này đẹp, có núi cao, suối trong, có nhiều đất tốt, cho rằng mảnh đất này sẽ giúp chúng tôi chấm dứt cuộc sống du canh, du cư nên tôi đã quay lại bản mình ở Khe Lóng (Mỏ Vàng) bảo mọi người đến đây lập nghiệp. Tiếc là không có nhiều người tin, chỉ có gia đình nhà tôi, gia đình em trai và hộ ông Vừ, tất cả hơn 30 khẩu nghe theo tôi về đây sinh sống. Đến nơi ở mới cũng khó khăn lắm, phải ăn củ mài, củ nâu thay cơm nhưng chúng tôi tin khó khăn rồi sẽ qua. Tôi, em trai và ông Vừ còn bảo nhau cố gắng trồng nhiều ngô, sắn, nuôi nhiều lợn, gà để có cuộc sống đầy đủ, để bà con Khe Lóng tin tưởng cùng về đây lập bản cho đông vui. Đúng như cái bụng mình nghĩ, khi cuộc sống đã dần ổn định, năm 1990 hơn hai chục hộ ở Khe Lóng cùng về Đồng Ruộng, chấm dứt cuộc sống du canh, du cư.

Cô và trẻ lớp mẫu giáo bản Đồng Ruộng trong giờ học.

Đến năm 1992, thôn Đồng Ruộng chính thức được thành lập. Ban định canh, định cư của tỉnh, các ban ngành của huyện, của xã đã không quản đường xa lên với chúng tôi, giúp chúng tôi dựng nhà, vỡ ruộng, hướng dẫn cấy lúa nước, rồi xóa bỏ phong tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới. Tiếp thu, ứng dụng cái mới cũng không dễ đâu nhưng cái hay, cái tốt nói mãi rồi cũng nghe, rồi bà con cũng làm theo. Hơn nữa, cán bộ nhiệt tình lắm, chỉ bảo ân cần từng ly, từng tý một, để rồi người Mông Đồng Ruộng không những biết làm ruộng mà còn biết bón phân, biết làm mạ khay, biết dùng giống lúa lai cho năng suất 160 cân mỗi sào, mỗi vụ. Người Mông còn học người Tày, người Dao trồng quế, trồng măng Bát Độ, nuôi trâu, bò lai Sind… Nhờ thế mà cuộc sống bớt đói, bớt nghèo”.

Hộ ông Giàng A Nhà chưa phải là hộ giàu của bản nhưng đã có 3 con trâu, 4 con bò, hai con lợn, một ao cá mỗi năm thu được vài tạ cá. Riêng rừng măng Bát Độ, năm rồi cũng cho thu mấy chục triệu đồng. Đó là những con số rất đáng kể đối với một hộ người Mông mà chủ hộ đã gần 80 tuổi ở một bản vùng cao, vùng xa như Đồng Ruộng.

Lên Đồng Ruộng giữa lúc mọi người đang tập trung lên rừng chăm sóc măng Bát Độ và thu hoạch quế vụ ba nên cả bản rất vắng. Lên nương thăm bà con chăm măng, bóc quế thì đã quá muộn, chưa biết tính sao thì gặp trưởng bản Giàng A Thắng đi mua phân về bón đón đầu vụ măng 2015. Được biết, Thắng là cháu nội của ông Giàng A Nhà. Bác của Thắng cũng từng làm trưởng bản Đồng Ruộng. Thắng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về bản làm thôn đội trưởng rồi bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản từ cuối năm 2014. Trưởng bản thông tin nhanh: “Đồng Ruộng có 11ha ruộng, năng suất ổn định khoảng 150kg/sào/vụ nên cơ bản đủ gạo ăn. Toàn thôn có hơn 40 hộ thì đã có tới 35ha quế, 40ha măng Bát Độ, 45 con trâu. Như vậy, tính bình quân thì người Mông Đồng Ruộng có thu nhập khá. Tuy nhiên, thống kê mới đây cho thấy trong thôn vẫn còn 11 hộ nghèo, chủ yếu là mới tách hộ hoặc thiếu lao động, thiếu đất đai”.

Được biết, gia đình trưởng bản cũng là điển hình về phát triển kinh tế với 4 con trâu, 5 con lợn và 3ha măng, riêng tiền bán măng năm 2014 cũng thu nhập 40 triệu đồng (năm 2014 tổng số tiền bán măng của cả thôn được gần một tỷ đồng).

Chúng tôi ghé qua thăm lớp mẫu giáo nằm gữa cánh đồng lúa xanh tốt. 19 đứa trẻ là con em trong bản đang mê say học. Anh cán bộ xã cùng đi cho biết: “Từ lớp mẫu giáo này mà cậu Sổng A Di vừa trúng tuyển Học viện Quân sự đấy, kết quả học tập của cháu Di vào loại nhất xã này nhưng chuyện “đổi đời” nhờ cái chữ thì phải gặp cậu Giàng A Lòng. Cậu ấy sinh ra ở Suối Giàng, lang thang theo gia đình du canh, du cư, nhờ cha mẹ định cư ở Đồng Ruộng nên năm 1991 khi lên 10 tuổi Lòng mới đi học lớp 1. Chậm nhưng chắc, cậu học một lèo trường xã, trường huyện, Trường Vùng cao Việt Bắc rồi vào Đại học Nông lâm, học xong về xã làm cán bộ.

Giàng A Lòng xây dựng gia đình cùng cô giáo người Tày địa phương. Họ đã có cuộc sống hạnh phúc. Người Mông Đồng Ruộng đều hiểu nếu không định canh, định cư, nếu không có Đảng, có Chính phủ thì Giàng A Lòng và nhiều gia đình người Mông đâu có được như ngày hôm nay. Vì thế, người Mông nơi đây không nghe lời kẻ xấu, chăm chỉ lao động và chấp hành rất tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp trên!

Chia tay Đồng Ruộng khi ngọn núi phía Tây đã đổ bóng xuống Đồng Ruộng, từng đám mây trắng là là quyện vào những nếp nhà khang trang. Tôi mãi ấn tượng với câu nói của người dân nơi đây rằng: Đồng bào nghe lời cán bộ không du canh, du cư, không bỏ rẫy đốt nhà, người Mông Đồng Ruộng đã có cuộc sống no đủ, họ biết ơn Đảng, nhà nước đã dành sự quan tâm.

Lê Phiên

Các tin khác
Với công suất 1,5 triệu sản phẩm/năm, Nhà máy may của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

YBĐT - Trong những năm qua, các sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Bình phát triển khá đa dạng về qui mô sản xuất và phong phú về sản phẩm. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu của nền kinh tế. Năm 2014, giá trị sản xuất CN - TTCN toàn huyện đạt gần 1.700 tỷ đồng, dự ước năm 2015 đạt trên 1.900 tỷ đồng, tăng 47,6% so với năm 2010, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Người dân Thanh Lương đã biết giữ gìn cảnh quan môi trường sống sạch, đẹp, xây dựng khu vực chăn nuôi riêng rẽ.

YBĐT - Vẫn những thôn ấy, bản ấy với những con người hiền lành, chân chất nhưng hôm nay mảnh đất và con người Thanh Lương (huyện Văn Chấn) đã mang trong mình một diện mạo mới - một sự thay đổi mà ở đó những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn không ngừng được phát huy, đời sống kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến.

Nông dân và doanh nghiệp cần tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thu hoạch lúa mùa ở xã An Thịnh (Văn Yên). (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển kéo theo những bước tiến dài trong sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, sự phát triển này vẫn chưa xứng với tiềm năng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho giá trị hàng nông sản của chúng ta thường thấp hơn từ 15 - 50% so với sản phẩm cùng loại từ nước khác. Vì thế, để công nghiệp chế biến nông, lâm sản và vùng nguyên liệu phát triển bền vững, giải pháp cấp thiết lúc này là tăng cường liên kết gắn với tái cơ cấu và qui hoạch bền vững từ vùng nguyên liệu cho đến nội ngành công nghiệp chế biến.

Học sinh bán trú ở Mù Cang Chải.

YBĐT - Phát triển giáo dục - đào tạo ở tỉnh miền núi có nhiều dân tộc với quá nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở 70 xã vùng cao và 58 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có hai huyện 30a nằm trong 62 huyện nghèo nhất nước như Yên Bái luôn là một khó khăn, thách thức lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục