Hành trình ký ức tháng Tư

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/4/2015 | 10:17:25 PM

YBĐT - Cuộc trường chinh thần thánh của dân tộc Việt Nam đã đi vào lịch sử vẻ vang với những mốc son chói lọi. Tròn 40 năm đất nước trọn vẹn niềm vui độc lập, hai miền Bắc – Nam sum họp một nhà. Những ngày này, người dân cả nước rưng rưng sống lại với quá khứ hào hùng của dân tộc...

Những cái tên, những địa danh như: Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị… mà chúng tôi qua, đã ghi vào tâm khảm mỗi người dân đất Việt -  trở thành huyền thoại một thời hoa lửa của thế hệ cha anh trong cuộc trường chinh vệ quốc. Một huyền thoại có thật – huyền thoại làm nên Đại thắng mùa xuân vĩ đại 1975, nhắc nhớ ta biết trân trọng, nâng niu giá trị của hoà bình, của tự do, độc lập dân tộc.

Cũng như cả triệu người dân sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước tròn 40 năm sum họp một nhà, trong hành trình tri ân về nguồn của những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi háo hức về lại dải đất miền Trung ruột thịt, can trường và khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc cách đây hơn 40 năm về trước. Đoàn chúng tôi gồm gần 40 cán bộ, phóng viên Báo Yên Bái, mỗi người một tâm trạng, một xúc cảm, nhưng với riêng tôi – lớp người được sinh ra và lớn lên sau ngay sau ngày đất nước hòa bình, độc lập thì hành trình về nguồn lần này là một chuyến đi vô cùng ý nghĩa.

Đặt chân đến Quảng Bình – mảnh đất có bề ngang hẹp nhất cả nước, chỉ vẻn vẹn 55km, nhưng lại có tới 3 tuyến đường chiến lược cực kỳ quan trọng phục vụ chiến trường, đó là đường Hồ Chí Minh với 2 nhánh Đông, Tây; quốc lộ 1A và đường biển. Mỗi làng quê trên mảnh đất này trong những năm chiến tranh chống Mỹ được gọi là đất lửa. Đây là quê hương và cũng là nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người được tôn vinh là anh hùng dân tộc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị tướng đã đi vào huyền thoại chống giặc ngoại xâm của đất nước.

Cái nắng của trời miền Trung như dịu lại, dòng người đổ về Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày này càng nhiều hơn. Trung bình mỗi này có khoảng 5-7 nghìn người đến viếng mộ Đại tướng. Những nén hương trầm trao tay, lòng người trang nghiêm, thành kính trước anh linh vị tướng tài của dân tộc. Trong số những người tới viếng thăm Đại tướng dịp này nhiều nhất là những cựu chiến binh ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Họ về đây để tri ân tưởng nhớ vị tướng tài giỏi của dân tộc, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cán bộ, phóng viên Báo Yên Bái thắp hương trên mộ phần các liệt sỹ của tỉnh Yên Bái yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.

Điểm đến tâm linh trong hành trình về nguồn mà mỗi chúng tôi mong đợi đó là Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15 thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn là nơi quy tập trên 10.200 mộ phần của các liệt sỹ - nơi yên nghỉ đời đời của các chiến sỹ đã hy sinh trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại; cũng là nơi tôn vinh các chiến sỹ đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và những năm chiến tranh thống nhất đất nước. Đây là nghĩa trang liệt sỹ lớn nhất Việt Nam. Vút cao uy nghi chính giữa khu tưởng niệm là tượng đài tưởng niệm bằng đá trắng khuyết 3 mặt, công trình kiến trúc độc đáo, không giống bất cứ với nghĩa trang nào trên cả nước. Quanh tượng đài là các mộ phần liệt sỹ được phân khu theo từng tỉnh, thành phố. Tỉnh Yên Bái có trên 60 người con ưu tú của quê hương đang yên nghỉ vĩnh hằng cùng đồng đội tại đây, xung quanh là mộ phần của liệt sỹ các tỉnh bạn: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lào Cai…

Phút thành kính...

Lặng người trước đài tưởng niệm; lần đọc từng dòng tên trên bia tưởng niệm hay kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương trầm lên mộ phần các anh hùng liệt sỹ của quê hương đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc mà lòng trào dâng xúc động. Mỗi tên tuổi liệt sỹ sao nghe thân thương, gần gũi đến lạ kỳ.

Liệt sỹ Nguyễn Văn Lễ, sinh năm 1944, chức vụ thượng sỹ, quê quán: xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, hy sinh ngày 28-11-1971; liệt sỹ Nguyễn Văn Vượng, sinh năm 1950, nhập ngũ tháng 4 năm 1968, chức vụ hạ sy, quê quán: xã Giới Phiên, huyện Trấn Yên, hy sinh ngày 27/2/1970; liệt sỹ Lê Xuân Huệ, chức vụ hạ sỹ, nguyên quán: xã Tuy Lộc, huyện Trấn Yên, hy sinh ngày 21/4/1970…; có cả những liệt sỹ chưa biết tên. Các anh ngã xuống cho Tổ quốc hồi sinh, cho dân tộc trường tồn và đất nước trọn vẹn niềm vui độc lập.

Trời Quảng Trị những ngày đầu tháng Tư nắng dịu dàng và cát trắng trầm tư, gió vừa đủ lay động khói hương trầm  bảng lảng. Đứng trước hơn 10 nghìn mộ phần các liệt sỹ nằm cạnh nhau, trắng một màu tinh khôi trải dài giữ núi đồi mênh mông cũng toàn những cát trắng, một cảm xúc không nói thành lời, chỉ biết là nước mắt đã rơi. Tuổi thanh xuân trong sáng, máu những người con trung dũng, kiên cường đã hòa vào đất mẹ, góp phần tô thắm màu cờ chiến thắng. Các anh nằm xuống khi tuổi mới mười tám đôi mươi. 80% các anh, các chị hy sinh ở tuổi 18 – 22. Tôi đã gặp tại nghĩa trang này những người đồng đội thân yêu ngày nào của các anh các chị. Dẫu âm - dương cách biệt nhưng vẫn vẹn nguyên tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng.

Cuối hành trình về nguồn, chúng tôi đã đặt chân đến vùng đất lửa linh thiêng mà thành cổ Quảng Trị là điểm đến tâm linh có ý nghĩa rất đặc biệt. Với những giá trị và chiến công đúc kết bằng xương máu của hàng ngàn chiến sỹ, Di tích thành cổ Quảng Trị hôm nay trở thành một khu tưởng niệm để tri ân cho các anh hùng liệt sỹ.

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh cành cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào.

Thành cổ Quảng Trị được coi như người lính đi đầu trong chiến dịch Xuân – Hè 1972. Nơi đây, trên một diện tích chưa 4km2 đã phải hứng chịu 328 nghìn tấn bom, trên 1 triệu 230 nghìn viên đạn pháo các loại và hơn 2 nghìn lượt máy bay oanh kích với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirôsima Nhật Bản. Cho đến hôm nay, chưa có một con số nào chính thức được công bố có bao nhiêu liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm. Nhưng ai cũng biết chắc rằng, các anh nằm lại nơi đây khi đang mang trong mình một khát vọng sống có nhiều ước mơ và hoài bão. Một thế hệ thanh niên đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời cho núi sông gấm vóc một dải.

Những kỷ vật thiêng liêng còn đó; những câu chuyện có thật mà tưởng như huyền thoại của gần nửa thế kỷ trước còn đây, vẫn vẹn nguyên cảm xúc nghẹn ngào, thương nhớ. Xúc động nhất là bức thư - di vật của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh. Trong thư có đoạn viết:

“...Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Công mang nặng đẻ đau.... Con của mẹ đi xa, để lại cho mẹ nỗi bao buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ tận nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn. Song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng...”.

Lá thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh.

Bao kỷ vật của 81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin sắt son với Đảng, đã có khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sỹ đã nằm lại mãi mãi, máu xương trộn từng tấc đất trong Thành cổ. Họ hóa thân cùng với sông nước, cỏ cây để trường tồn trong lòng đất mẹ, sống mãi trong lòng nhân dân.

Đài tưởng niệm tri ân các chiến sỹ đã ngã xuống trong 81 ngày đêm chiến đấu khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị.

... Những người con trên quê hương đất Việt vẫn lặng lẽ ngày ngày về bên thành cổ Quảng Trị để được tri ân, được ngưỡng vọng và còn để nhắc nhớ thế hệ cháu con mình về những hy sinh xương máu lớn lao của lớp lớp cha anh đi trước để có nền độc lập, hòa bình thống nhất hôm nay.  Tôi nhớ mãi câu nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi thăm Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”...

Nhóm PV. YBĐT

Các tin khác

YBĐT - Ở thị xã Nghĩa Lộ có một hội đồng đội thật đặc biệt. Đó là Hội đồng đội 30/4/1975 với 37 hội viên sinh hoạt tại 5 chi hội, được thành lập ngày 30/4/2007 theo nguyện vọng của các cựu chiến binh (CCB) từng vinh dự được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hiện đang cư trú trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Mặc dù là tổ chức tự nguyện nhưng Hội có quy chế hoạt động với tôn chỉ, mục đích rõ ràng.

YBĐT - Nếu ai đó đã một lần đến với Nghĩa Lộ - Mường Lò, hình ảnh đọng lại là các thiếu nữ Thái với chiếc áo cỏm mềm mại, váy nhung huyền căng tràn sức trẻ, thướt tha như bước ra từ trong câu truyện cổ. Câu hát mời gọi đưa nhịp chân du khách cuốn vào vòng xoè. Và người truyền dạy những điệu dân ca, dân vũ này không ai khác chính là nghệ nhân Điêu Thị Xiêng.

Bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.

YBĐT - Cái nghiệp làm báo luôn gắn liền với những chuyến đi! Vừa Liễu Đô, Vĩnh Lạc (Lục Yên) đã lại Phù Nham, Sơn Thịnh (Văn Chấn). Bữa nay, “con ngựa sắt” ngoan ngoãn cõng chủ nhân băng dốc, lội suối lên bản Mông Đồng Ruộng, xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên).

Với công suất 1,5 triệu sản phẩm/năm, Nhà máy may của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

YBĐT - Trong những năm qua, các sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Bình phát triển khá đa dạng về qui mô sản xuất và phong phú về sản phẩm. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu của nền kinh tế. Năm 2014, giá trị sản xuất CN - TTCN toàn huyện đạt gần 1.700 tỷ đồng, dự ước năm 2015 đạt trên 1.900 tỷ đồng, tăng 47,6% so với năm 2010, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục