Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính
- Cập nhật: Thứ hai, 11/5/2015 | 2:38:18 PM
YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Yên Bái đã đến mức báo động. Vậy, tình trạng này hiện như thế nào ? Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào nhằm khống chế và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh?
Tỷ lệ bé trai hiện nay cao hơn so với bé gái.
Ảnh: Cô và trò Trường mầm non xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trong giờ học. (Ảnh: Hồng Duyên)
|
Thực trạng
Thăm một lớp mẫu giáo thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Lãng (huyện Yên Bình), dễ nhận thấy số bé trai nhiều hơn bé gái. Được biết, trong tổng số học sinh của Trường thì tỷ lệ bé trai chiếm trên 60%. Đây không phải là trường hợp cá biệt mà hiện nay ở nhiều trường học, cấp học toàn tỉnh, tỷ lệ học sinh nam vẫn nhiều hơn số học sinh nữ.
Theo các nhà chuyên môn, chỉ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi là bình thường trong khoảng 103 đến 107 trai/100 gái. Tại tỉnh Yên Bái, theo báo cáo của Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) thì chỉ số giới tính khi sinh năm 2010 là 123,6 bé trai/100 bé gái; năm 2011 là 118/100; năm 2012 và 2013 là 112,3 đến 112,8/100 và năm 2014 là 111,5/100. Đây là con số báo động về mức chênh lệch giới tính giữa bé trai và bé gái. Qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn cho thấy, sự chênh lệch về giới tính đặc biệt tăng cao ở những trường hợp sinh con thứ 3.
Điều đáng quan tâm là sự chênh lệch giới tính khi sinh đang có xu hướng tăng ở chính những khu vực có điều kiện trình độ dân trí, mức sống cao hơn. Chỉ số giới tính khi sinh chung của toàn tỉnh năm 2014 là 111,5 bé trai/100 bé gái nhưng ở địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và khu vực thị trấn lại tăng cao với mức từ 112 đến gần 115 bé trai/100 bé gái. Riêng huyện Lục Yên, chỉ số này là 127/100, cao nhất tỉnh. Việc lựa chọn giới tính thai nhi hiện nay đã khiến không ít sản phụ, gia đình áp dụng biện pháp nạo phá thai sau khi biết được giới tính thai nhi. Nhiều cặp vợ chồng đã áp dụng đủ mọi cách để có được giới tính đứa con như mong muốn từ áp dụng ăn uống, thời điểm thụ thai cho tới áp dụng theo những thông tin có trên mạng Internet.
Nguyên nhân
Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại tại Việt Nam. Hiện ở nước ta, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 111,5 bé trai/100 bé gái (năm 2014) và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Một xã hội thừa nam, thiếu nữ sẽ dẫn đến mất cân bằng trong đời sống tình cảm của mỗi gia đình, xã hội. Và hệ lụy từ mất cân bằng giới, trước hết là phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng tình trạng bạo lực giới và tình trạng mại dâm, buôn bán phụ nữ… Chưa nói tới những hệ lụy kéo theo trong khoảng 15 đến 20 năm tới, tình trạng thừa nam, thiếu nữ đã và đang gây ra những phức tạp trong đời sống hiện nay. Đó là, để có được con trai, nhiều phụ nữ đã phải nạo hút thai, đẻ nhiều, chịu sức ép tinh thần rất lớn khi không sinh được con trai như mong muốn.
Năm 2014, trên địa bàn thành phố Yên Bái có khoảng 1.200 trẻ ra đời, trong đó tỷ lệ là 112 bé trai/ 100 bé gái. Ông Nguyễn Ngọc Long - Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ thành phố Yên Bái cho biết: Từ ảnh hưởng của quan niệm lạc hậu "trọng nam, khinh nữ" dẫn đến việc cố ý làm lệch cân bằng tự nhiên ở những người có hiểu biết, có ý thức về tác hại của mất cân bằng giới tính. Đặc biệt, ở những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, có mức độ vi phạm cố ý. Năm 2014, thành phố có 2 trường hợp sinh con thứ 3 và điều đáng chú ý là cả 2 trường hợp này đều là cán bộ, đảng viên có chức vụ trong cơ quan nhà nước.
Trong những năm qua, mặc dù Bộ Y tế cấm tuyệt đối các cơ sở y tế, phòng khám siêu âm công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nhằm tránh lựa chọn giới tính, nhưng thực tế cho thấy nhiều cơ sở vẫn phớt lờ, nhất là các cơ sở y tế tư nhân... Chính sự bất tuân thủ này, đang khiến sự chênh lệch giới ngày càng trầm trọng. Khi đến một khu dân cư ở phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) để tìm hiểu vấn đề này, qua trò chuyện với những phụ nữ đã và đang mang thai hoặc thông qua người thân của họ chúng tôi được biết hầu như họ và gia đình họ đều biết giới tính của con, cháu họ sau khi đi siêu âm.
Bà Phạm Thị Bé ở tổ 41 kể rằng: Khi có thai đứa con đầu, con dâu tôi đi siêu âm về và nói với tôi là cháu nội tôi sắp chào đời là con gái. Tuy vậy, tôi vẫn vui vì nó là đứa cháu đầu tiên của gia đình. 3 năm sau con dâu tôi lại mang bầu, đi siêu âm về nó buồn lắm và khi gặng hỏi nó bảo: Bác sỹ siêu âm nói đứa này “giống mẹ”!
Chị Phạm Thanh Hằng ở tổ 35 đang mang thai đứa con thứ hai ở tháng thứ 5 cũng không giấu giếm khi chúng tôi hỏi là đã biết đưa này là con trai hay con gái. Chị cười vô tư : "Mỗi lần đi siêu âm là mất 150 nghìn đồng mà không biết trai hay gái thì đi làm gì? Đứa thứ hai của em lại là “ con vịt giời" rồi chị ạ. Hai gái càng tốt, em đỡ phải lo nhà cho chúng nó".
Thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã có nhiều cố gắng trong triển khai các biện pháp nhằm giảm sự gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng chỉ số mất cân bằng khi sinh giữa bé trai vẫn cao hơn bé gái. Nghị định số 114 của Chính phủ ban hành ngày 2/10/2006 về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em đã quy định: Hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bắt mạch, xác định qua triệu chứng, bói toán hoặc bằng các hình thức khác không được pháp luật cho phép để xác định giới tính thai nhi mà có tính chất trục lợi, hoặc phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi qua sách, báo, tài liệu... bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Siêu âm, xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào, cung cấp hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp loại bỏ thai nhi khi biết người mang thai muốn lựa chọn giới tính, tàng trữ tài liệu, phương tiện chứa nội dung về phương pháp tạo giới tính... bị phạt từ 3 đến 7 triệu đồng. Dùng vũ lực, đe dọa, ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lí do lựa chọn giới tính, phá thai mà biết rõ người mang thai muốn lựa chọn giới tính sẽ bị phạt từ 7 đến 15 triệu đồng... Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Thanh tra Sở Y tế vẫn chưa xử lý được trường hợp nào.
Giải pháp
Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013 ngày 14-11-2011 đã lựa chọn phương án "can thiệp tích cực" với mục tiêu: "Chỉ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và 115/100 vào năm 2020". Để góp phần cùng các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện được mục tiêu trên, ngành y tế Yên Bái sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Đó là, tăng cường truyền thông để người dân hiểu và thực hiện việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.
Tiếp tục duy trì mô hình đã triển khai như mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Yên Bái sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Y tế và phòng y tế các huyện, thị, thành phố tổ chức các đợt thanh tra những cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai để tuyên truyền những văn bản, quy định về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách dân số. Tuy nhiên, để khống chế và từng bước giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, bên cạnh những nỗ lực của ngành dân số thì rất cần sự chung tay nhập cuộc của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương và phải coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Cùng với đó, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân trong việc quyết định sinh con theo tự nhiên.
Bạch Liên
Các tin khác
YBĐT - Tín dụng chính sách là kênh tín dụng đặc biệt, là nguồn vốn của Chính phủ cho người dân vay để thoát nghèo, giúp bà con vươn lên làm giàu. Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả, cần có trách nhiệm rất cao của ngân hàng, chính quyền, các hội, đoàn thể và mỗi người dân. Kinh nghiệm rút ra trong thực hiện mô hình xã điểm tín dụng chính sách ở xã Yên Thái, huyện Văn Yên thời gian qua đã cho thấy rõ điều này.
YBĐT - Chế biến gỗ rừng trồng là nghề đang phát triển khá rầm rộ tại các huyện, thị trong tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, do sự chủ quan, thiếu kiến thức về an toàn lao động của các nhà xưởng và chính người lao động, nhất là khi chủ xưởng chưa có sự đầu tư về các phương tiện và điều kiện bảo hộ lao động cho những lao động đang làm việc tại xưởng của mình... vẫn đang là những nguy cơ tiềm ẩn, rình rập gây mất an toàn lao động...
YBĐT - Sở dĩ gọi việc thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010 là một cuộc "cách mạng" bởi thực hiện Nghị quyết này, một bộ phận không nhỏ đồng bào Mông huyện Trạm Tấu lần đầu tiên làm nhà vệ sinh, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, người chết không để lâu trong nhà...
YBĐT- Nhờ phát huy nội lực, chủ động huy động được các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo phương châm xã hội hóa mà chất lượng giáo dục - đào tạo của huyện Yên Bình ngày càng được nâng cao nhất là ở các xã vùng sâu, vùng khó khăn.