Đánh thức tiềm năng

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/6/2015 | 10:14:42 AM

YênBái - YBĐT - Năm 1995, thị xã Nghĩa Lộ được tái lập. Với 4 phường của những ngày đầu, đến nay, thị xã có 7 xã, phường. 20 năm sau ngày tái lập, thị xã đã có những đổi thay vượt bậc, tuy nhiên để đánh thức các tiềm năng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vẫn là bài toán khó. Nhiều chuyên gia vẫn thường ví: “Nghĩa Lộ, Mường Lò như một cô gái đẹp đang ngủ quên”.

Du lịch cộng đồng - một trong những điểm nhấn cho du lịch văn hóa Mường Lò.
Du lịch cộng đồng - một trong những điểm nhấn cho du lịch văn hóa Mường Lò.

Không gian văn hóa Mường Lò

Đã đi qua nhiều làng, bản, phố, phường từ các tỉnh vùng thấp đến vùng cao, thị xã Nghĩa Lộ luôn để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Nghĩa Lộ là miền đất giàu có về kho tàng chuyện dân gian, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các lễ hội của người Thái, người Mường, người Khơ Mú… cùng các làn điệu dân ca bay bổng trong những âm thanh tuyệt vời của các nhạc cụ dân tộc Mường Lò.

Điều đó càng trở nên có ý nghĩa hơn khi vào năm 2003, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Yên Bái chọn Nghĩa Lộ làm điểm tổ chức xây dựng thị xã văn hóa - du lịch ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện xây dựng thị xã văn hóa, Nghĩa Lộ đã triển khai nhiều đề án chuyên ngành “vệ tinh” nhằm thực hiện đồng bộ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, gắn với những giá trị vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Sau hơn 10 năm phát huy nội lực, tranh thủ sự đầu tư của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, thị xã đã tạo mọi điều kiện để cấp ủy, chính quyền, các nghệ nhân trong việc sưu tầm, truyền dạy các giá trị văn hóa nên bước đầu đã có những thành công đáng khích lệ như: biên soạn thành công bộ tài liệu dạy tiếng, chữ Thái cổ Mường Lò; mở các lớp dạy chữ Thái, tiếng Thái cổ; khôi phục và truyền dạy 6 điệu xòe cổ dân tộc Thái, các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ truyền thống; xây dựng một số nhà sàn văn hóa cổ của người Thái đen ở xã Nghĩa An để phục vụ nghiên cứu và hoạt động du lịch.

Nghệ nhân Lò Văn Biến luôn được thị xã Nghĩa Lộ mời làm “cố vấn” trong các sự kiện lớn của địa phương, nhất là tham gia xây dựng Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch. Với ông, văn hóa Mường Lò gắn liền với văn hóa dân tộc Thái. Những điệu xòe hình thành, phát triển và hoàn thiện mô phỏng những bước đi của cha ông khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung còn, mời rượu... Cùng với các điệu xòe, văn hóa nhà sàn ở Nghĩa Lộ cũng rất độc đáo. Chính vùng đất này là nơi cung cấp các món ngon trong ẩm thực văn hóa nhà sàn, từ thịt trâu sấy khô, canh rêu đá, gà xào măng, nộm hoa chuối rừng đến xôi nếp, cơm lam, cá xỉnh nướng, mía nướng...

Nắm bắt những thế mạnh đó, nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm của tỉnh, thị xã đang tiếp tục xây dựng các giải pháp để xây dựng thành công thị xã văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, Nghĩa Lộ vẫn đang gặp nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn; việc chỉnh trang đô thị chưa được đầu tư thỏa đáng, nếp sống văn minh đô thị chưa hình thành rõ nét; công tác gìn giữ, bảo tồn và đầu tư phát triển các giá trị văn hóa truyền thống gặp nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin, du lịch còn thiếu về số lượng, một số chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nhất là ở cơ sở....

Thương hiệu gạo Mường Lò 

Câu ca “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu. Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi Tây Bắc, chỉ sau Mường Thanh (Điện Biên). Tiểu vùng khí hậu Mường Lò ôn hòa, mát mẻ, trong lành; thổ nhưỡng phù hợp với cây lúa nước, hạt gạo thơm, dẻo. Theo địa giới hành chính, Mường Lò một nửa nằm ở huyện Văn Chấn và một nửa ở thị xã Nghĩa Lộ. Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đang chật vật trong việc tìm thương hiệu lúa, gạo Mường Lò cho riêng mình.

Thị xã hiện có 2.249ha đất nông nghiệp, trong đó đất sản xuất 2 vụ lúa trên 719ha. Hàng năm, thị xã đặt ra mục tiêu sản xuất trên 7.000 tấn gạo hàng hóa. Năm 2008, thị xã đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao ở 7 xã, phường với tiến độ thực hiện 2 vụ/năm. Xã Nghĩa An được thử nghiệm đưa vào thực hiện dự án trồng thử nghiệm trên 50% diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao với các giống Chiêm Hương và TL6, HYT100.

Ông Điêu Văn Sai ở xã Nghĩa An cho biết: “Năm 2008, gia đình tôi áp dụng trồng lúa chất lượng cao trên toàn bộ diện tích 5.000m2 ruộng. Sau 3 vụ thử nghiệm, tôi nhận thấy, đây là mô hình sản xuất lúa rất có hiệu quả, năng suất và giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với cấy lúa thuần”. Tuy đã có chủ trương hình thành một vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao và xây dựng thương hiệu lúa, gạo Mường Lò nhưng hiện nay, trên địa bàn thị xã vẫn chưa có nhiều các cơ sở thu mua, chế biến gạo có uy tín chất lượng cao. Vì vậy, khách hàng vẫn khó khăn trong việc chọn gạo Mường Lò chính hiệu, trong khi các sản phẩm gạo như: Séng Cù Mường Khương, Tám thơm Điện Biên... được bày bán tràn lan.   

Hiện, thị xã đang tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong đầu tư công nghệ, nguồn lực cho sản xuất gắn với chế biến và bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho nông dân; xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP để tạo sản phẩm lúa, gạo sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người người tiêu dùng, từ đó, xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Mường Lò. Cùng với đó, thị xã cần phải “bắt tay” với các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất giống, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để hợp tác và tìm ra lối đi cho sản phẩm lúa, gạo Mường Lò không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhờ đưa các giống mới vào canh tác, năng suất và sản lượng lúa nước của thị xã Nghĩa Lộ đã không ngừng tăng lên.

Quy hoạch để phát triển

Từ khi tái lập đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng nhiều đề án quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Điển hình là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội năm 2004 trên cơ sở quy hoạch chung lập năm 1996, được thị xã triển khai thông qua kế hoạch 5 năm. Bám sát vào thực tế và mục tiêu xây dựng thị xã văn hóa, du lịch, giai đoạn 2010 - 2015, Nghĩa Lộ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; tạo sản phẩm chất lượng cao, phát triển ngành nghề khu vực nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với phục vụ phát triển du lịch. Nhưng trên thực tế, những quy hoạch trên vẫn chưa đưa Nghĩa Lộ đạt 2 mục tiêu lớn: trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội phía Tây và xây dựng thành công thị xã văn hóa-du lịch.

Quy hoạch để đánh thức tiềm năng là giải pháp ưu tiên được tỉnh Yên Bái nhìn nhận và đặt ra đối với thị xã Nghĩa Lộ theo hướng phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương. Điều nhìn thấy rõ nhất là thị xã đã được hưởng lợi trong quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất và tiến độ thi công tuyến đường tránh quốc lộ 32 (đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ) kết hợp với tuyến đường nông thôn 3, đi qua xã Nghĩa Lợi, phường Cầu Thia và phường Trung Tâm. Việc quy hoạch hai tuyến đường này nhằm giảm thiểu lưu lượng giao thông qua trung tâm thị xã, xây dựng khu ở đồng bộ, bảo đảm các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không gian kiến trúc hài hòa với cảnh quan đô thị; khai thác sử dụng đất có hiệu quả…

20 năm xây dựng và phát triển, Nghĩa Lộ vẫn là thị xã trẻ so với nhiều thị xã khác trong toàn quốc, việc đánh thức các tiềm năng, bước đầu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch chung xây dựng thị xã sẽ mở ra nhiều hướng đi mới, là bước đệm để Nghĩa Lộ sớm khẳng định mình có đủ thực lực, quyết tâm để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa khu vực phía Tây và xây dựng thành công thị xã văn hóa những năm tiếp theo.

Văn Tuấn - Nguyễn Thanh 

Các tin khác

YBĐT - Không phải học sinh nào trong vùng đồng bào Dao ở Văn Yên tốt nghiệp THCS cũng học lên THPT như mong muốn. Sao không học lên nữa đi em? Chúng tôi đem câu hỏi này đến bản người Dao ở Khe Tới xã Phong Dụ Hạ, Khe Viễn xã Viễn Sơn (Văn Yên) và nhận những câu trả lời từ các em, các phụ huynh, lãnh đạo nhà trường, cán bộ địa phương trong niềm day dứt và lo lắng về sự học ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số này...

Dây chuyền chế biến tinh bột sắn của Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên.

YBĐT - Từ vai trò là một cây lương thực, sắn đã “vươn mình” trở thành “cây triệu đô” trên đồng đất Văn Yên. Đó là nhờ cái nhìn đúng hướng, hành động kiên quyết thay thế toàn bộ giống sắn địa phương bằng giống sắn cao sản gắn với chế biến.

YBĐT - Bằng ý chí, nghị lực của bản thân, chàng trai trẻ Nguyễn Cao Cường- đoàn viên thanh niên thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu với mô hình xưởng sản xuất, chế biến lâm sản cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nông dân cánh đồng Mường Lò đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)

YBĐT - Đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Song bên cạnh thành công đó, vẫn còn hàng loạt vấn đề khó khăn khách quan do đặc thù của các xã miền núi...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục