Chợ vùng cao - gợi niềm xưa ấy!
- Cập nhật: Thứ tư, 24/6/2015 | 10:05:30 AM
YênBái - YBĐT - Phiên chợ vùng cao, người ta nhớ những người phụ nữ Mông kiên nhẫn đứng che ô cho chồng mà lây cả niềm vui bè bạn. Tan chợ có người quá chén được đặt nằm vắt ngang lưng ngựa, người vợ đi sau tay cầm đuôi ngựa vượt dốc. Mọi người lưu luyến chia tay, hẹn phiên chợ sau.
Gian hàng bán đồ thổ cẩm đặc trưng nổi bật giữa chợ Mường Lò.
|
Nhắc đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc hình ảnh ấn tượng nhất với mỗi người có lẽ là các buổi chợ phiên. Có lẽ vì đặc điểm khí hậu, phong tục, tập quán lâu đời mà những người dân ở xứ sở mây ngàn luôn coi trọng những nét văn hóa riêng của mình. Một phiên chợ tình, một phiên chợ giao lưu đầy ắp tình bác ái ấy bây giờ đang dần dần bị mai một. Sự xâm nhập của đô thị hóa ở các vùng nông thôn đã làm biến dạng các phiên chợ vùng cao một thời để thương để nhớ…!
Đối với bà Lò Thị Èn, 86 tuổi, người dân tộc Thái ở bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ thì đi chợ vùng cao vẫn luôn là ký ức không bao giờ quên: Trước đây, cả tháng mới có một phiên chợ. Người dân đi chợ như đi trảy hội. Những nhà xa chợ, mọi người dậy sớm từ tinh mơ gùi hàng, dắt ngựa, đốt đuốc náo nức nối đuôi nhau đến chợ. Những nhà quá xa ngủ nhờ nhà bạn từ chiều hôm trước. Phiên chợ nhộn nhịp với những tiếng chào hỏi vồn vã, nồng hậu, tay bắt mặt mừng. Các chị em hỏi thăm nhau việc nội trợ, sức khỏe con cái, khoe chiếc khăn mới thêu. Các cô gái thì thầm chuyện riêng tư, ánh mắt liếc nhanh về phía các chàng trai, đấm nhẹ vào vai nhau cười khúc khích. Còn trai làng trên, bản dưới người mang khèn, người khoe lồng chim họa mi, nói cười hào sảng.
Một trong những cái thú khi đi chợ của đồng bào vùng cao không thể không nhắc đến là ngoài mua sắm những vật dụng cần thiết thì chính nơi đây họ được cùng nhau thưởng thức những món ăn ưa thích: phụ nữ thường rủ nhau ăn phở, ăn kem, dù đã mang theo cơm nắm; còn cánh đàn ông lại rất khoái khẩu món thắng cố cùng nhau nâng chén chúc cho tình bền chặt, có khi mải vui say ngả nghiêng cả đất trời. Đặc biệt, hình ảnh những người phụ nữ Mông kiên nhẫn đứng che ô cho chồng mà lây cả niềm vui bè bạn. Tan chợ có người quá chén được đặt nằm vắt ngang lưng ngựa, người vợ đi sau tay cầm đuôi ngựa vượt dốc. Mọi người lưu luyến chia tay, hẹn phiên chợ sau. Nhưng có lẽ, độc đáo nhất vẫn là khu chợ trâu bò, lợn giống. Mỗi khi đến chợ mua trâu, lợn, gà hoặc hạt giống đồng bào dân tộc Mông, Thái ở Tây Bắc, vẫn thường nói: “Chia cho nhau về làm giống”.
Người vùng cao vốn chân thật, hào sảng, một lời nói ra như “dao chém đá”, ưng cái bụng thì bán, thậm chí cho không, không nói thách, không mặc cả, khi không ưng thì dù trả đắt mấy cũng không bán. Người bán được hàng cũng thấy nhẹ nhõm vì ngoài giá trị vật chất được đánh giá đúng mức còn đậm đà ẩn chứa cái tình, cái nghĩa, san sẻ giúp nhau trong cuộc sống. Phiên chợ của người vùng cao là như thế, giản dị và nồng hậu như chính những con người cần cù, dũng cảm lớn lên giữa gió núi, mây ngàn.
Chợ Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ ngày nay.
Chợ Mường Lò hình thành từ lâu đời do nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hoá nông sản, thực phẩm của đồng bào các dân tộc Mường Lò. Thời Pháp thuộc, chợ được mở rộng, chiếm cả khu đất vuông vức, xung quanh có suối trong mát. Chợ mở cửa suốt ngày, nhất là vào ngày lễ, ngày chủ nhật, cảnh họp chợ thật đông vui. Trong chợ đầy đủ các sắc màu hàng hóa, trang phục các dân tộc từ vùng thấp, vùng cao. Năm 2003, chợ Mường Lò được xây mới nhưng vẫn giữ được hình ảnh của một bông hoa ban - loài hoa đặc trưng của miền Tây Bắc. Cổng, mái vòm vừa hiện đại vừa thấp thoáng nét văn hóa vùng cao. Chợ có hai tầng rộng rãi với những dãy hàng, quầy hàng phong phú được sắp đặt ngăn nắp. Sắc màu nổi bật cả khu chợ là hai dãy hàng thổ cẩm với những đường nét, hoa văn sặc sỡ của các dân tộc Thái, Tày, Mông, Mường, Khơ Mú...
Chợ Mường Lò giờ đây đã trở thành trung tâm thương mại của khu vực 4 huyện, thị phía Tây tỉnh Yên Bái. Mỗi tấc đất ở chợ giờ đây được ví như tấc vàng. Chị Nguyễn Thị Tình, tiểu thương chợ Mường Lò cho biết: “Muốn đầu tư buôn bán ở chợ Mường Lò ít nhất cũng phải có tiền tỷ trong tay. Tiền mua đất, thế chấp cửa hàng đã mất hơn 80% vốn rồi”. Trong khi đó, đời sống ngày càng phát triển, giao thông đi lại thuận tiện ở vùng cao cùng tốc độ xâm nhập đô thị hóa đã làm nhòa dần bản sắc những buổi chợ phiên.
Không chỉ có chợ Mường Lò, mà chợ huyện Trạm Tấu, chợ huyện Mù Cang Chải cũng đã được xây dựng khang trang, hiện đại. Đất ở chợ vùng cao đều được tận dụng hết để xây ki ốt, cửa hàng lấn hết vỉa hè và các mặt hàng như thổ cẩm quần áo, giày dép đều được làm bằng máy, nhạt nhòa cùng một kiểu mẫu. Cả những khu đất như trước đây buộc ngựa của các chàng trai cô gái Mông xuống chợ, cũng có giá cả chục tỷ đồng. Hình ảnh những con ngựa đứng lâu dậm chân, lồng hí vang một vùng thung lũng ngóng đợi chủ gặp gỡ, tâm tình gái bản bên, hay đang ngồi bên chén rượu, thưởng thức các món ăn trong chợ đã trở thành quá khứ.
Bây giờ, khi có dịp đến các chợ của người vùng cao Tây Bắc, du khách lại cảm thấy “sợ hãi” khi bắt gặp những chàng trai cô gái Mông, Thái ngồi trên xe Win, đầu “quên” đội mũ bảo hiểm, tay cầm di động phóng băng băng không theo luật lệ nào. Trong những năm gần đây, phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch văn hóa vùng Mường Lò, những thảm đỏ trắng óng ánh mùa đổ nước và sắc vàng rực rỡ như bức tranh dựng ngang trời của những thửa ruộng bậc thang đã là một điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan, chiêm ngưỡng.
Bởi thế, tỉnh Yên Bái đã chủ động tổ chức nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc: Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghĩa Lộ - Mường Lò và Tuần lễ Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải - di tích danh thắng quốc gia… với các hoạt động chính như: Hội chợ “Thương mại - ẩm thực Miền Tây 2014” và Hội thi ẩm thực “Hương vị Mường Lò” với các gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm nổi tiếng của Mường Lò nói riêng, của các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung như: Thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, lạp xường, thịt hun khói, bánh chưng đen, rau dớn, gạo nếp Tú Lệ..., rồi các hoạt động sôi động khác như: Thi gặt lúa nhanh, chọi trâu, ném còn… Song với những người yêu văn hóa tộc người lại thấy bâng khuâng thiếu vắng một không gian văn hóa chợ vùng cao một thuở xa xưa. Chợ vùng cao, một thời gắn bó như người bạn tri ân, tri kỷ, nơi gửi gắm biết bao cảm xúc yêu thương, hòa quyện của những người con vùng Tây Bắc ấy giờ gần như đã lùi sâu vào dĩ vãng. Có chăng chỉ còn trong tâm trí của những người cao tuổi hoặc những người đã bước qua cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời.
Phụ nữ Mông Trạm Tấu lựa chọn vải trong chợ phiên. (Ảnh: Đức Hồng)
Trầm ngâm một hồi, bà Lò Thị Chao, người dân tộc Thái ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu bộc bạch: “Văn minh, hiện đại là tốt, song không thể bỏ qua truyền thống. Chúng tôi lớn lên bởi những giá trị ấy và rất trân trọng nét đẹp văn hóa của cha ông để lại, chỉ mong con cháu hiểu được truyền thống dân tộc mình mà gìn giữ, mà bảo tồn phát huy, có như vậy chúng tôi mới vui được!”. Những lời nói mộc mạc, chân tình rồi bùi ngùi nhớ về cái thủa đầu trần, chân đất tung tăng theo mẹ, cha xuống chợ, hay khi tuổi trăng tròn những câu hát, những điệu khèn, những vòng xòe, ngồi đắm say gửi lời tình tứ qua những buổi chợ phiên của bà Chao như quá xa xôi.
Yêu miền Tây với những nét đẹp văn hóa đặc sắc của các dân tộc Mông, Thái, Tày, Mường… hoài niệm về những phiên chợ vùng cao, lòng lại man mác buồn như mình vừa đánh mất một thứ gì rất quý giá, gợi lòng những hình ảnh trong bài hát “Phiên chợ vùng cao” mà thấy xa vời, tiếc nuối:
“…Ngựa đi phiên chợ ngày xuân
Miệng em cười áo em rực rỡ
Màu núi màu rừng cho lòng anh mê say
Noọng ơi.....
Bát rượu dưới chợ phiên
Anh uống uống thật say
Để lòng vơi nỗi buồn
Thương anh hãy về cùng anh”.
Ngọc Sơn - Nhật Thanh
Các tin khác
YBĐT - Năm 1995, thị xã Nghĩa Lộ được tái lập. Với 4 phường của những ngày đầu, đến nay, thị xã có 7 xã, phường. 20 năm sau ngày tái lập, thị xã đã có những đổi thay vượt bậc, tuy nhiên để đánh thức các tiềm năng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vẫn là bài toán khó. Nhiều chuyên gia vẫn thường ví: “Nghĩa Lộ, Mường Lò như một cô gái đẹp đang ngủ quên”.
YBĐT - Không phải học sinh nào trong vùng đồng bào Dao ở Văn Yên tốt nghiệp THCS cũng học lên THPT như mong muốn. Sao không học lên nữa đi em? Chúng tôi đem câu hỏi này đến bản người Dao ở Khe Tới xã Phong Dụ Hạ, Khe Viễn xã Viễn Sơn (Văn Yên) và nhận những câu trả lời từ các em, các phụ huynh, lãnh đạo nhà trường, cán bộ địa phương trong niềm day dứt và lo lắng về sự học ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số này...
YBĐT - Từ vai trò là một cây lương thực, sắn đã “vươn mình” trở thành “cây triệu đô” trên đồng đất Văn Yên. Đó là nhờ cái nhìn đúng hướng, hành động kiên quyết thay thế toàn bộ giống sắn địa phương bằng giống sắn cao sản gắn với chế biến.
YBĐT - Bằng ý chí, nghị lực của bản thân, chàng trai trẻ Nguyễn Cao Cường- đoàn viên thanh niên thôn Tồng Táng, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu với mô hình xưởng sản xuất, chế biến lâm sản cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.