Phúc An: Sáng đường, sạch ngõ
- Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2015 | 9:48:34 AM
YênBái - YBĐT - Các mô hình "Thắp sáng đường quê" và thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã Phúc An (Yên Bình) đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi, thói quen của người dân.
Triển khai lưới điện chiếu sáng tại thôn Đồng Tha.
|
Đồng thời, phát huy được năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn thể và các cá nhân tiêu biểu có tiếng nói đối với người dân trong thôn để huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Công trình "Thắp sáng đường quê"
Xa quê hơn 3 năm, anh Trần Mạnh Cường từng ở thôn Ba Chãng vào Sài Gòn làm ăn, mới đây có dịp trở về thăm quê đã xúc động chia sẻ: "Quê mình bây giờ đổi thay nhiều rồi, đường sá đi lại cũng khá thuận tiện. Sướng nhất là có hệ thống đèn của thanh niên nên buổi tối đi đâu cũng tiện, không như trước đây hễ ra khỏi nhà vào ban đêm mà không có trăng thì cứ phải kè kè bó đuốc, đèn pin thì không có". Chung cảm xúc với anh Cường, anh Nguyễn Văn Toàn ở thôn Đồng Tanh mới đi làm ăn tận Tây Nguyên nay trở về không khỏi bất ngờ quê hương mình thay đổi nhanh đến thế. Thực hiện chương trình hành động "Tuổi trẻ Yên Bái chung tay xây dựng nông thôn mới" do Tỉnh đoàn phát động, Đoàn xã Phúc An đã tích cực hưởng ứng và có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực. Một trong những hoạt động nổi bật có thể kể đến là chương trình "Thắp sáng đường quê".
Trước đây, mỗi khi nhìn cảnh quan nông thôn, xóm làng khi màn đêm buông xuống, khó khăn trong việc đi lại ban đêm và những mối lo về an ninh trật tự, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là với người già và các em nhỏ. Trăn trở, suy nghĩ bao ngày đêm, anh Trịnh Duy Tuấn - Bí thư Đoàn xã quyết định họp Ban chấp hành đưa ra nhiều phương án, xây dựng kế hoạch và xin ý kiến Đảng ủy. Từ năm 2013 đến nay, Ban chấp hành Đoàn xã đã triển khai chương trình "Thắp sáng đường quê" do đoàn viên thanh niên (ĐVTN) vận động đầu tư và tình nguyện góp ngày công lắp đặt hệ thống đèn, điện chiếu sáng, góp phần thay đổi diện mạo ở nhiều vùng nông thôn.
Đưa chúng tôi đi thăm đường điện chiếu sáng ở các thôn Đồng Tha, Làng Cại, Đồng Tanh… anh Tuấn cho biết: "Chúng tôi đã huy động ĐVTN tình nguyện đóng góp ngày công, thiết kế đường điện, bà con đóng góp tiền mua thiết bị ban đầu, và mỗi quý một hộ đóng 30 nghìn tiền điện. Năm 2013, triển khai lắp đặt được hơn 2km chiều dài với 33 bóng đèn. Khi thấy bóng đèn đầu tiên tỏa sáng đường làng, các hộ dân tiếp tục chủ động góp tiền mua dây điện, bóng đèn để lắp đặt tại tất cả các trục đường trong ngõ xóm".
Giờ đây điện sáng từ nhà ra ngõ, trẻ em đi sinh hoạt hè buổi tối thuận tiện đảm bảo an toàn giao thông, tệ nạn xã hội giảm… Chất lượng sống người dân được nâng lên, mọi người tranh thủ cả buổi tối đi thăm đồng, cuộc sống người dân giờ đây đã thay đổi và văn minh hơn. Đoàn xã Phúc An là đơn vị đi đầu trong chương trình này của huyện Yên Bình, sau 3 năm triển khai, toàn xã đã có 5/9 thôn được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đường quê. Tổng số đường dây được kéo là trên 10km với 250 bóng đèn. Tổng kinh phí thực hiện đến nay gần 100 triệu đồng, dự kiến tới đây tiếp tục triển khai tại thôn Cầu Trắng.
Quy hoạch, xử lý rác thải tập trung
Là xã nghèo thuộc vùng 135 của huyện, khu trung tâm của Phúc An gồm 3 thôn: Đồng Tha, Đồng Tâm, Đồng Tanh. Dân cư tập trung đông ở khu vực này chủ yếu kinh doanh dịch vụ, chế biến gỗ… mỗi ngày có khoảng 300 - 500kg rác thải đổ xuống ven hồ Thác Bà gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền đã thay đổi tư duy, cách nghĩ trong lãnh đạo xây dựng các mô hình gắn với xây dựng nông thôn mới, điển hình là tổ thu gom rác thải tự quản được thành lập, giao cho Hội Nông dân xã quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Thùy Dương - Chủ tịch Hội Nông dân xã, phụ trách tổ thu gom rác thải tự quản cho biết: "Chúng tôi đã tham mưu cho cấp ủy khảo sát tình hình thực tế, họp bàn và thống nhất thành lập tổ thu gom rác thải, xã đầu tư xe chở rác chuyên dụng, mua bảo hộ lao động... Phải khẳng định rằng, từ khi có mô hình này, việc bảo vệ môi trường trên địa bàn xã được cải thiện, các thôn xóm không còn rác thải ô nhiễm, đời sống và sức khỏe của nhân dân được bảo đảm. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên, từng bước đưa công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng. Đây là mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả thiết thực cần được nhân rộng".
Chứng kiến hoạt động của tổ thu gom rác thải tự quản mới thấy hết nỗi vất vả của họ. Hai lao động, một chiếc xe chuyên chở rác, người cầm chổi rễ, người dùng xẻng làm việc liên tục từ 16 giờ đến tối mịt mới gom hết rác, rồi tập kết ra bãi rác xa khu dân cư hơn 1km. Những giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo nhưng không ai phàn nàn bởi với họ, làm sạch đẹp môi trường là một việc làm ý nghĩa.
Ngày làm việc của tổ thu gom rác thải tự quản.
Chị Nguyễn Thị Hằng - tổ viên thu gom rác thải tự quản tâm sự: "Chúng tôi đi thu gom từ đầu xã đến cuối xã mỗi ngày chắc cũng ngót nghét 2 cây số, lượng rác rất nhiều, phải dùng xe thu gom từ các ngõ xóm ra bãi tập kết. Tuy vất vả nhưng được sự động viên của chính quyền và nhân dân nên chúng tôi luôn có trách nhiệm với công việc".
Được biết, mỗi hộ sản xuất kinh doanh nộp phí thu gom rác thải 25 nghìn đồng/tháng, hộ không kinh doanh nộp 10 nghìn đồng/tháng; mỗi lao động thu gom rác nhận được gần 200 nghìn đồng/tháng. Chỉ với số tiền nhỏ nhưng vô cùng quan trọng để duy trì hoạt động của các tổ tự quản thu gom rác thải của xã. Đồng thời, cũng là hành động thiết thực đẩy mạnh phong trào "Xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp", góp phần xây dựng nông thôn mới. Không chỉ thu gom rác thải trong khu dân cư, các tổ tự quản thu gom rác thải ở Phúc An còn huy động lực lượng tổ chức các buổi lao động nội đồng, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, khơi thông cống rãnh tại địa bàn tổ quản lý. Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, các tổ tự quản thu gom và xử lý rác thải luôn có ý thức vượt qua mọi khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bộ mặt nông thôn thay đổi
Những con đường liên thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, đang được nối tiếp duy trì ở các thôn trên địa bàn xã Phúc An. Đánh giá về hiệu quả về hai mô hình, ông Nguyễn Minh Việt - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Việc xây dựng các mô hình đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Đồng thời, phát huy được năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn thể và các cá nhân tiêu biểu có tiếng nói đối với người dân trong thôn để huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Mô hình thu gom rác thải tự quản, công trình "Thắp sáng đường quê" có ý nghĩa thiết thực, nhất là với địa bàn nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn nơi phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức hạn chế".
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Tôi từng đi, từng gặp và tiếp xúc với rất nhiều người vợ, song có lẽ vợ của lính thực sự là những phụ nữ đáng trân trọng bởi đức hy sinh, sự can trường, chịu thương, chịu khó và bởi tấm lòng nhân hậu, hiếu đễ, nhất mực thủy chung. Một lúc ba vai - vừa làm dâu, làm mẹ, làm cha, song chưa bao giờ nghe thấy ở họ một tiếng thở dài hay than vãn...
YBĐT - Giữa cái nắng cuối tháng 6 đầu tháng 7 như thiêu như đốt, chúng tôi về thăm một số vùng nông thôn ở huyện Văn Yên. Đi trên những con đường mới được bê tông hóa, nhìn bà con nông dân các xã trong huyện chở các hàng hóa nông - lâm sản đi tiêu thụ, chở phân bón ra các cánh đồng chăm sóc lúa mùa không còn vất vả như trước nữa, mới cảm nhận hết được ý nghĩa của những con đường “6+4” (Nhà nước hỗ trợ 60%; nhân dân đóng góp 40% bằng tiền của, ngày công để bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT).
YBĐT - Những “di sản sống” về văn hóa như các “nghệ nhân” ở Nghĩa Lộ thực sự là những “báu vật Mường lò” đang “rút ruột nhả tơ” từng ngày làm giàu thêm kho tàng kiến thức văn hóa khổng lồ của dân tộc. Những báu vật ấy đang tỏa sáng vì một nền văn hóa dân tộc Việt Nam đậm đà bản sắc.
YBĐT - Năm 2014, bà Đinh Thị Nghĩa được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Đúng một năm sau, bà Vũ Thị Mậu - mẹ đẻ của bà Nghĩa cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu này.