Những con đường “6+ 4” ở Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/7/2015 | 2:30:00 PM

YênBái - YBĐT - Giữa cái nắng cuối tháng 6 đầu tháng 7 như thiêu như đốt, chúng tôi về thăm một số vùng nông thôn ở huyện Văn Yên. Đi trên những con đường mới được bê tông hóa, nhìn bà con nông dân các xã trong huyện chở các hàng hóa nông - lâm sản đi tiêu thụ, chở phân bón ra các cánh đồng chăm sóc lúa mùa không còn vất vả như trước nữa, mới cảm nhận hết được ý nghĩa của những con đường “6+4” (Nhà nước hỗ trợ 60%; nhân dân đóng góp 40% bằng tiền của, ngày công để bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT).

Nhân dân xã Yên Phú tham gia bê tông hóa đường giao thông tại thôn Giàn Khế.
Nhân dân xã Yên Phú tham gia bê tông hóa đường giao thông tại thôn Giàn Khế.

Dân chung sức bê tông hóa đường 

Đưa chúng tôi đi tham quan tuyến đường liên xã nối từ thôn Giàn Khế, xã Yên Phú với thôn Khe Hóp, xã Yên Hợp mới được bê tông hóa, hoàn thành đưa vào đưa vào sử dụng đầu tháng 6/2015, đồng chí Ngô Quyết Chiến - Phó chủ tịch UBND xã Yên Phú phấn khởi cho biết: “Các anh ạ! Thế là niềm mơ ước hàng chục năm nay của bà con nhân dân hai xã Yên Phú, Yên Hợp nói riêng và các xã trong vùng nói chung đã được thực hiện. Tuyến đường từ thôn Cánh Tiên đến thôn Giàn Khế, xã Yên Phú nối với thôn Khe Hóp, xã Yên Hợp có chiều dài trên 7km, những năm trước, nhân dân hai xã đã bê tông hóa được trên 5,6km, còn khoảng 2,4km đường đi lại hết sức khó khăn, nhất là trời mưa bà con đi lại khổ lắm, đường sạt, tắc vài ngày không đi được…

Đầu năm 2015, huyện thông báo cho xã bê tông hóa gần 1,5km và xã Yên Hợp được 1km nối tuyến đường từ thôn Cánh Tiên, Giàn Khế (Yên Phú) với thôn Khe Hóp (Yên Hợp), nhân dân hai xã rất phấn khởi, có hộ thì hiến đất, có hộ thì vừa hiến đất vừa đóng góp tiền của, ngày công, lại còn nấu cơm chiêu đãi thợ bê tông làm đường mà không tính toán gì cả…”.

Đồng chí Chiến vừa dừng lời, chúng tôi đã tới địa phận thôn thôn Giàn Khế giáp ranh với thôn Khe Hóp. Dừng chân trên tuyến đường mới bê tông xong, anh Chiến giới thiệu mọi người vào thăm gia đình ông Nguyễn Quốc Lịch, ở thôn Giàn Khế là một hộ dân tích cực ủng hộ công sức, tiền của để bê tông hóa tuyến đường này. Thấy cán bộ xã, huyện về thăm đường mới bê tông xong, ông Lịch vui lắm! Vừa pha trà mời khách ông vừa khoe: “Nhân dân chúng tôi ở các thôn giáp ranh giữa xã Yên Phú và Yên Hợp rất phấn khởi, khi nghe lãnh đạo xã về họp thôn thông báo được Nhà nước đầu tư bê tông hóa nốt con đường này. Sau cuộc họp đó ít hôm, ông Bùi Văn Sơn - Trưởng thôn Giàn Khế lại tiếp tục mời bà con đến họp một buổi nữa là thôn đã bàn bạc, thống nhất đưa ra mức đóng góp mỗi khẩu là 400.000 đồng, các hộ đều đồng tình ủng hộ, không phải họp nhiều lần như trước…”.

- Thưa bác, đợt làm đường vừa rồi những hộ nào ở đây hiến nhiều đất nhất? Tôi hỏi.

- Việc này ông Lịch không nhớ hết đâu, phải để tôi. Ông Bùi Văn Sơn - Trưởng thôn Giàn Khế, mở cuốn sổ công tác, ghi chép rồi đọc lên: Trước tiên, xin biểu dương hộ nhà ông Lịch đây đã hiến trên 130m2 để mở rộng đường; đóng đầy đủ 4 khẩu là 1.600.000 đồng và tham gia hàng chục ngày công để làm mặt bằng; những hôm đội bê tông của xã làm đường qua đây, gia đình ông Lịch còn nấu cơm chiêu đãi thợ ăn 4 - 5 bữa, phục vụ nước uống mà không nề hà gì cả. Ngoài gia đình ông Lịch ra còn có rất nhiều hộ hiến hàng trăm mét vuông đất và công sức để làm đường như gia đình các ông: Đinh Văn Lực, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Tính, Trần Văn Dũng…

- Còn cách làm ở thôn Khe Hóp, xã Yên Hợp được triển khai như thế nào?

- Ở thôn chúng tôi cũng làm hết sức cẩn thận, đầu năm, xã xuống kết hợp với thôn triển khai họp dân để thông báo cho dân biết kế hoạch làm đường. Sau đó, chúng tôi tổ chức thêm 3 cuộc họp nữa để bàn bạc, thống nhất mức đóng góp của 109 hộ dân, với gần 400 khẩu, mỗi khẩu là 300.000 đồng và mỗi hộ đóng góp thêm từ  5 - 7 ngày công làm mặt bằng và đắp lề đường. Ông Tống Văn Phương- Trưởng thôn Khe Hóp, cùng đoàn đi tham quan đường đáp lời.

- Tuyến đường này có hộ nào trong thôn hiến đất làm đường không?

- Có chứ, chỉ tính riêng đợt này, thôn Khe Hóp có hàng chục hộ hiến đất, trong đó, có những hộ hiến đất nhiều như gia đình các ông: Mai Văn Mạnh hiến 500m2 ruộng; Đinh Văn Lâm hiến 200m2đất ruộng; Bùi Quang Thịnh hiến 150m2 đất ruộng… để mở rộng đường, thuận lợi cho việc bê tông hóa.
Trong đợt bê tông hóa đường GTNT đầu năm 2015, UBND huyện Văn Yên giao cho xã Yên Phú bê tông hóa 1.440m tại thôn Cánh Tiên và thôn Giàn Khế, trị giá 1 tỷ 218 triệu đồng; xã Yên Hợp làm 1.000m tại thôn Khe Hóp, trị giá trên 737 triệu đồng, trong đó, Nhà nước đầu tư 60% vốn, còn lại là nhân dân hai xã đóng góp 40%. 

Đầu tháng 6/2015, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở các xã trong vùng đi lại thuận tiện hơn, hàng hóa nông - lâm sản của bà con nông dân không bị tư thương ép giá vì lý do đường khó đi như trước đây nữa... Ở Văn Yên có rất nhiều những con đường “6+4” như thế. Nhưng cũng có nơi, ngoài con đường “6+4” ra, còn có cả những đoạn đường từ 200m đến 300m được bê tông hóa bằng nguồn vốn của nhân dân đóng góp 100%, như đoạn đường ở thôn Trung Tâm, xã An Thịnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: “Hiện nay, xã còn 12km đường liên thôn chưa được bê tông, đi lại rất khó khăn song năm nay, xã chỉ được giao kế hoạch bê tông hóa trên 1km, vốn ít quá nhân dân muốn làm nhưng không xin được vốn. Chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện bố trí nguồn vốn “kích cầu” những năm tới nhiều hơn để nhân dân sớm hoàn thành việc bê tông hóa các con đường liên thôn trong xã”.

Và cũng có nhiều tấm gương hiến đất để mở rộng đường liên xã, liên thôn ở các xã Xuân Ái, Yên Hưng, Yên Thái, An Thịnh, Đại Phác, Mậu Đông… Một trong số đó phải kể đến hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đào ở thôn Cầu Dài, xã Yên Hưng đã hiến 240m2 đất và tường rào, công trình nhà vệ sinh cây cối... để mở mới đường từ thôn 3 đi Cầu Dài. Những việc làm hết sức ý nghĩa, vì lợi ích chung cho cộng đồng của ông Đào và gia đình ông đã được UBND tỉnh tặng bằng khen cho cá nhân ông Đào vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Cũng có những tuyến đường GTNT ở Văn Yên “vạn sự khởi đầu nan” nhưng khi cấp ủy Đảng ở cơ sở vào cuộc tuyên truyền, vận động, người dân đã hiểu được lợi ích lâu dài và họ sẵn sàng hiến đất để mở rộng, bê tông hóa con đường liên xã. Ông Nguyễn Hữu Chính - Bí thư Chi bộ thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông cho hay: “Cuối năm 2014, huyện giao cho xã bê tông hóa 327m/3km, tuyến đường liên xã Mậu Đông đi Quang Minh. Tuy đoạn đường bê tông không dài nhưng lại là đoạn rẽ từ đường Yên Bái - Khe Sang vào thôn Cầu Khai, đã có nhiều hộ dân xây nhà kiên cố ở từ ngã ba vào; nhiều hộ đã xây tường rào trước sân nhà cẩn thận nhưng mặt đường chỉ rộng 2,5m, không đủ điều kiện để bê tông hóa đường liên xã theo quy định.

Trước tình hình đó, Chi bộ và thôn cùng với các đoàn thể đã tới từng hộ gia đình vận động các hộ dân ở mặt đường hiến đất để mở rộng mặt đường ra 3,5m, bê tông hóa đoạn đầu tuyến đường liên xã được rộng rãi, đi lại vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Các hộ dân nghe cán bộ tuyên truyền, vận động họ đã hiểu ra lợi ích lâu dài của việc mở rộng đường, thế là 12 hộ ở mặt đường đều sẵn sàng hiến đất mở rộng đường như hộ gia đình các ông: Phạm Kiên Cường hiến 90m2 đất mặt đường, 15m tường rào và một số cây ăn quả; Lê Văn Dân hiến 100m2; Lê Đức Ngọc 60m2 đất mặt đường... Đây là tiền đề để những hộ ở các thôn phía trong của xã Mậu Đông và Quang Minh làm theo, khi Nhà nước tiếp tục bố trí vốn bê tông hóa tuyến đường này những năm tới… 

Cần có nguồn vốn “6+4” nhiều hơn

Còn rất nhiều con đường “6+4” ở các xã của huyện Văn Yên và một số địa phương khác trong tỉnh đang cần được bê tông hóa, nhân dân đã sẵn sàng hiến đất, đóng góp tiền của, công sức để bê tông hóa đường GTNT. Tuy nhiên, nguồn vốn “kích cầu” để bê tông hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm của tỉnh dành cho các huyện còn ít so với nhu cầu thực tế. Năm 2015, huyện Văn Yên được tỉnh phân bổ nguồn vốn 6,5 tỷ đồng từ nguồn vốn “kích cầu” để bê tông hóa 19,5km đường GTNT, nguồn vốn này mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của các xã trong huyện.

Đồng chí Hà Đức Anh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên khẳng định: “Nếu được tỉnh bố trí nguồn vốn “kích cầu” nhiều hơn cho huyện thì mỗi năm, nhân dân các xã của huyện Văn Yên có thể bê tông hóa được từ 40 - 45km”. Hiện nay, các xã của huyện Văn Yên nói riêng và nhiều địa phương khác trong tỉnh nói chung đều mong muốn tỉnh xem xét bố trí tăng thêm nguồn vốn “kích cầu” trong năm 2015 và những năm tới, để nhân dân cùng đóng góp tiền của, công sức bê tông hóa những con đường GTNT. Đó là mong muốn chính đáng của nhân dân ở các địa phương đang trong giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Minh Hằng 

Các tin khác
Không kể tuổi cao, hàng ngày Lão “Thái học” Lò Văn Biến vẫn nhiệt tình truyền dạy chữ Thái cổ cho lớp trẻ.

YBĐT - Những “di sản sống” về văn hóa như các “nghệ nhân” ở Nghĩa Lộ thực sự là những “báu vật Mường lò” đang “rút ruột nhả tơ” từng ngày làm giàu thêm kho tàng kiến thức văn hóa khổng lồ của dân tộc. Những báu vật ấy đang tỏa sáng vì một nền văn hóa dân tộc Việt Nam đậm đà bản sắc.

Ngày 5/7/2015, quê hương và dòng tộc họ Đinh và họ Vũ tổ chức lễ công bố truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ Vũ Thị Mậu.

YBĐT - Năm 2014, bà Đinh Thị Nghĩa được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Đúng một năm sau, bà Vũ Thị Mậu - mẹ đẻ của bà Nghĩa cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu này.

Một điểm ngách nuôi cá lồng và bến cá của người dân thôn Mạ.

YBĐT - Nằm ở phía tây dãy Cao Biền - một trong hai dãy núi bao quanh hồ Thác Bà, thôn Mạ thuộc xã Vũ Linh, huyện Yên Bình có 183 hộ chủ yếu là người dân tộc Cao Lan sinh sống. Trước đây, người dân trong làng mưu sinh dựa vào đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ, thu nhập không ổn định, đời sống gặp vô vàn khó khăn. Những năm gần đây, tận dụng mặt nước hồ, người dân đã biết kết hợp nuôi cá lồng với chăn nuôi đại gia súc trên đảo hồ nên đời sống đã khấm khá hơn rất nhiều.

Ông Vũ Văn Hảo phải làm nghề sửa xe máy để duy trì cuộc sống gia đình.

YBĐT - Sau nhiều năm chờ đợi, tới đây một số lao động tại Công ty cổ phần Chè Văn Hưng (gọi tắt là Công ty Chè Văn Hưng) sẽ được hoàn thiện các thủ tục để được nghỉ theo chế độ, kết thúc chuỗi ngày dài sống trong điều kiện khó khăn về kinh tế, mòn mỏi chờ được hưởng mọi chế độ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục