“Báu vật Mường Lò” tỏa sáng
- Cập nhật: Thứ tư, 22/7/2015 | 10:11:15 AM
YênBái - YBĐT - Những “di sản sống” về văn hóa như các “nghệ nhân” ở Nghĩa Lộ thực sự là những “báu vật Mường lò” đang “rút ruột nhả tơ” từng ngày làm giàu thêm kho tàng kiến thức văn hóa khổng lồ của dân tộc. Những báu vật ấy đang tỏa sáng vì một nền văn hóa dân tộc Việt Nam đậm đà bản sắc.
Không kể tuổi cao, hàng ngày Lão “Thái học” Lò Văn Biến vẫn nhiệt tình truyền dạy chữ Thái cổ cho lớp trẻ.
|
Mường Lò có 17 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, đa dạng giúp cho văn hóa nơi đây trở thành “trung tâm văn hóa truyền thống các dân tộc”. Nhưng giờ đây trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, của cơ chế thị trường, lớp thế hệ trẻ của các dân tộc Thái, Tày, Khơ Mú ... ở Mường Lò đang dần phôi phai tình yêu văn hóa “vốn cổ” dân tộc mình. Hy vọng giữ gìn truyền thống lại đang trông chờ vào lớp những nghệ nhân tâm huyết đã trên dưới “thất thập cổ lai hy” - họ chính là những báu vật, những “di sản sống” đang tự mình thấy có trách nhiệm phải lưu giữ, truyền thụ văn hóa truyền thống cho lớp thế hệ mai sau…
“Nghệ nhân” duy nhất của dân tộc Khơ Mú
Chúng tôi đến thăm ông Vì Văn Sang, thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn huyện Văn Chấn đúng vào lúc ông đang tất bật chuẩn bị tổ chức lễ Chọc lỗ tra hạt - lễ tục nông nghiệp quan trọng trong hệ thống các lễ tục của đồng bào Khơ Mú. Đã gần tuổi 70, ông Sang còn khá lanh lẹ, đôi mắt sáng tinh nhanh, tràn đầy nhiệt huyết. Trong câu chuyện của mình, ông luôn tự hào được lớn lên trong “bầu sữa” văn hóa của đồng bào dân tộc Khơ Mú: “Dù số lượng không lớn lại sống chung với cộng đồng các dân tộc có nền văn hóa đa dạng, phong phú nhưng người Khơ Mú nơi đây vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc riêng trong đời sống sinh hoạt”.
Với những cống hiến của mình cho nền văn hóa dân tộc, ông Sang được người dân Khơ Mú rất coi trọng và ví như “pho sách sống”, người giữ gìn, phát huy “hồn cốt” văn hóa của dân tộc Khơ Mú. Không chỉ sưu tầm, quản lý số lượng lớn các vật dụng, đồ lễ, các loại nhạc cụ truyền thống, ông Sang còn hiểu rất sâu sắc ý nghĩa của từng dụng cụ, linh vật và những lễ tục trong hoạt động văn hóa dân tộc mình. Suốt 30 năm, dù đảm nhận nhiều công việc khác nhau, từ tham gia quân ngũ rồi giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn, trên cương vị nào ông cũng luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ông đã vận động con cháu, bà con trong xã khôi phục lại các lễ hội truyền thống, sưu tầm các loại nhạc cụ, các điệu múa dân gian. Hoạt động của ông đã góp phần phục dựng được hàng chục lễ hội như: Cầu mùa, Cầu mưa, Mừng cơm mới… Ngoài ra, ông còn sưu tầm, tạo dựng lại được 10/13 loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khơ Mú cùng nhiều câu châm ngôn, ca dao, tục ngữ rất ý nghĩa.
Em Vì Thị Hương Giang - thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn tâm sự: “Em rất khâm phục nghệ nhân Vì Văn Sang, dù tuổi cao nhưng lúc nào ông cũng tận tình chỉ bảo, truyền dạy cho con cháu. Em học được từ nghệ nhân rất nhiều điều và sẽ cố gắng gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình”.
Ông Sang chia sẻ: “Tôi rất vui vì thế hệ trẻ của dân tộc Khơ Mú hiểu và nhiệt tình đón nhận kiến thức mà nghệ nhân truyền đạt. Các phong tục như: Lấy nước mới, thờ cúng tổ tiên, tục cưới xin… dần dần được thế hệ con cháu trong và ngoài dòng họ thực hiện ngày càng phổ biến hơn. Dân tộc Khơ Mú có rất nhiều nét văn hóa độc đáo, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, vì vậy tôi luôn cố gắng sưu tầm, phục dựng làm sao để những giá trị ấy không bị mất đi”. Hiện, ông đang ấp ủ tâm nguyện xuất bản cuốn sách ghi lại một cách đầy đủ và sinh động nhất những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Khơ Mú duy nhất của tỉnh Yên Bái ở xã Nghĩa Sơn này.
Lão “Thái học”
Người dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc đều coi ông Lò Văn Biến là một pho sử sống về văn hóa truyền thống dân tộc Thái và thường gọi ông bằng cái tên quen thuộc: “Lão Thái học”. Đến bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, chưa kịp hỏi thăm thì mấy đứa trẻ chăn trâu đã chỉ cho chúng tôi đến thẳng nhà ông, bởi chúng đã quá quen việc khách tìm đến nhà “Lão Thái học” rồi. Ông Biến năm nay tám mươi ba tuổi, mái tóc dài phủ gáy bạc trắng như cước nhưng lưng rất thẳng, mắt rất sáng, da mặt hồng hào và bước đi nhanh nhẹn. Ông thu hút người tiếp chuyện bởi một trí tuệ mẫn tiệp và cách nói chuyện rất hóm hỉnh.
Ông kể: “Năm lên bảy tuổi, tôi được cha cho đi học chữ Thái ở nhà ông mo Phớ, là người nhiều chữ nhất vùng. Học vào buổi tối, cái giá cho mỗi buổi học là mười lăm cân thóc - cả một “ngân khoản” đáng kể nên chỉ có gia đình khá giả mới có thể kham nổi. Học không có giấy bút gì cả. Cứ đốt củi lấy than vạch lên mo cau, thầy viết chữ nào trò viết theo chữ ấy, rồi ê a đọc”.
Ông vốn sáng dạ, chỉ qua bốn buổi học đã “thanh toán” xong toàn bộ vốn liếng chữ nghĩa của thầy. Lớn lên, ông đi theo ngành sư phạm và có mười năm làm thầy giáo dạy học ở hầu hết các tỉnh Tây Bắc. Càng đi nhiều, ông thấy những cuốn sách chữ Thái bị quăng quật, bị bỏ quên, thậm chí bị vứt, xé không thương tiếc. Không đành lòng để những thứ quý giá mất đi trong sự vô tri của người đời, ông Biến bắt đầu nhận lấy công việc sưu tầm thư tịch chữ Thái cổ, sau đó dịch ra tiếng phổ thông. Ngày qua ngày “năng nhặt chặt bị” cho đến giờ ông đã có trong nhà đến hơn trăm đầu sách. Những cuốn sách cũ đến mốc meo, khô giòn, phai chữ, nhiều trang bị mủn hay dính chặt vào nhau đều được ông nâng niu.
Một phần trong số đó đã được ông dịch cho bà con cùng đọc như: Đạo lý làm người (Quan xon côn), Chuyện bản Mường (Quan tố mướng), Bước đường chinh chiến của cha ông (Táy puk xấc), Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng (Căm Hánh tặp sấc Cớ lương), Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao)… Đây chính là những tác phẩm nổi tiếng trong kho tàng văn học dân gian của người Thái. “Những cuốn sách này được người Thái chép lại bằng văn tự của chính mình. Chúng hiện hình thành thư tịch, thành thứ mà ở nhiều nước trên thế giới, nếu may mắn có, người ta sẵn sàng bỏ ra cả núi tiền để giữ cho bằng được”, ông kể vậy. Năm 2007, ông Biến quyết định mở lớp dạy chữ Thái cổ cho bà con trong vùng, tự tay biên soạn giáo án và đích thân đứng lớp. Ông biên soạn thành công bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò dùng cho cán bộ viên chức đang công tác tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có đông đồng bào Thái sinh sống.
Ngoài việc truyền dạy chữ, ông Biến còn chú trọng đào tạo mỗi khóa từ 1 đến 2 học viên giỏi có năng khiếu, để có thể thay ông kế tục sự nghiệp truyền chữ cho mai sau. Cả một phong trào học chữ Thái cổ được hình thành và phát triển từ đó. Đến nay thì đã là lớp thứ tư. Nhiều nghiên cứu sinh ngành Thái học người nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp... nghe tiếng ông đã lặn lội tìm đến Mường Lò để học hỏi, trao đổi về chữ Thái, văn hóa Thái. Ông Biến cũng đã cùng với Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ tổ chức 13 lớp dạy chữ Thái cổ cho gần 300 học sinh; thử nghiệm chữ Thái cổ vào nghệ thuật thư pháp, hát đồng dao, câu đố, trò chơi dân gian Thái và sưu tầm, truyền dạy 6 điệu xòe cổ.
Trong màn đại xòe cổ - xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam tại thị xã Nghĩa Lộ năm 2013, ông Biến là người được thị xã Nghĩa Lộ tin tưởng giao cho trọng trách tổng đạo diễn hướng dẫn 2.013 diễn viên quần chúng tập luyện 6 điệu xòe cổ. Ông chia sẻ: “Trong trí nhớ của nhiều người già, Mường Lò xưa có nhiều đội xòe chuyên nghiệp, nhiều điệu xòe quyến rũ, đủ sức làm ngây ngất lòng và níu chân khách phương xa, nhưng qua thời gian thì cứ mai một dần. Mình phải cất công sưu tầm và truyền dạy, người Mường Lò nay mới biết đến sáu điệu xòe cổ tưởng đã thất truyền”.
“Nhạc sỹ” của những bài dân ca Thái
Ai đã một lần đến với Mường Lò đều mong muốn được nghe những giai điệu dân ca Thái như: “Xống chụ xon xao”, “Chuyện kể bản Mường”… làm say đắm lòng người. Đây là những bài dân ca Thái cổ được nghệ nhân Điêu Thị Xiêng - nghệ nhân được công nhận duy nhất của Mường Lò sưu tầm và truyền dạy. Từng giành được nhiều giải thưởng tại các hội diễn nghệ thuật của tỉnh và toàn quốc.
Bà Xiêng chia sẻ: “Được học Khắp Thái từ khi mới 5 tuổi, 8 tuổi tôi đã đi biểu diễn, 15 tuổi cả bản trên xóm dưới đã biết tiếng hát của mình. Thủa nhỏ mỗi khi được nghe các mẹ, các chị, các anh chị hát “hảng cống” trong ngày tết, “khắp báo sao” (hát giao duyên) trong những đêm tình Hạn Khuống, những đêm trăng đẹp hay mùa lễ hội, tôi như được đắm mình trong những giai điệu thiết tha, trữ tình ấy, tâm hồn được nuôi dưỡng trong điệu khắp, điệu pí để bây giờ hát khắp không thể thiếu được như thức ăn, nước uống trong cuộc sống”.
Gần 20 năm qua, cứ rảnh là nghệ nhân Điêu Thị Xiêng lại ngồi vào bàn sáng tác những bài khắp ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước, lao động sản xuất, xây dựng thôn bản văn hóa. Trong sổ tay của chị có hàng trăm bài khắp, trong đó nhiều bài hát cổ nhờ thuộc lời mà chép lại, cùng trên 100 bài do chị sáng tác như: “Cảm ơn Đảng vì dân bản có cuộc sống ấm no”, “Vui làm lúa lai”, “Nậm Đông có điện”, “bản làng đổi mới”… Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng đã mở nhiều lớp dân ca dạy cho con em dân tộc Thái. Đến nay, đội dân ca của xã Nghĩa An đã thu hút người dân từ bản Đêu, bản Vệ, Nà Vặng rồi Nậm Đông tham gia học hát dân ca, học múa xòe, học khắp, học pí. Nhờ có nghệ nhân Điêu Thị Xiêng mà 8/8 thôn bản của Nghĩa An đều có đội văn nghệ đội múa xòe giỏi, hát hay.
Mong ước truyền dạy văn hóa truyền thống
Những “di sản sống” về văn hóa như “nghệ nhân” Vì Văn Sang, “Lão Thái học” Lò Văn Biến, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng hay ông Lò Văn Tâm - bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, bà con vẫn gọi là “Quảng Khắp” (người hát Thái giỏi, như danh hiệu nghệ nhân), ông Cầm Văn Long ở phường Pú Trạng đã hơn 40 năm dày công nghiên cứu, khèn bè và pí tham gia truyền dạy niềm say mê hát khắp, các làn điệu dân ca và bài khắp cho lớp trẻ… đều luôn trăn trở để giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Họ thực sự là những “báu vật Mường Lò” đang “rút ruột nhả tơ” từng ngày làm giàu thêm kho tàng kiến thức văn hóa khổng lồ của dân tộc. Những báu vật ấy đang tỏa sáng vì một nền văn hóa dân tộc Việt Nam đậm đà bản sắc.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Năm 2014, bà Đinh Thị Nghĩa được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Đúng một năm sau, bà Vũ Thị Mậu - mẹ đẻ của bà Nghĩa cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu này.
YBĐT - Nằm ở phía tây dãy Cao Biền - một trong hai dãy núi bao quanh hồ Thác Bà, thôn Mạ thuộc xã Vũ Linh, huyện Yên Bình có 183 hộ chủ yếu là người dân tộc Cao Lan sinh sống. Trước đây, người dân trong làng mưu sinh dựa vào đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ, thu nhập không ổn định, đời sống gặp vô vàn khó khăn. Những năm gần đây, tận dụng mặt nước hồ, người dân đã biết kết hợp nuôi cá lồng với chăn nuôi đại gia súc trên đảo hồ nên đời sống đã khấm khá hơn rất nhiều.
YBĐT - Sau nhiều năm chờ đợi, tới đây một số lao động tại Công ty cổ phần Chè Văn Hưng (gọi tắt là Công ty Chè Văn Hưng) sẽ được hoàn thiện các thủ tục để được nghỉ theo chế độ, kết thúc chuỗi ngày dài sống trong điều kiện khó khăn về kinh tế, mòn mỏi chờ được hưởng mọi chế độ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình.
YBĐT - Tôi cứ muốn nhìn thành phố trẻ bên sông từ nhiều góc độ khác nhau, để khám phá hết mọi vẻ đẹp tiềm ẩn không phải ai cũng có thể nhìn ra. Có những buổi chiều, một mình lần mò lên một ngọn đồi cao của xã Hợp Minh phía hữu ngạn sông Hồng nhìn sang thành phố. Cũng có lần leo lên ngọn đồi cao của Nam Cường gần như vị trí trung tâm địa lý, để nhìn trực diện thành phố.