Những thầy cô "dựng” lớp, “xây” trường
- Cập nhật: Thứ hai, 24/8/2015 | 9:31:31 AM
YênBái - YBĐT - Có những lớp học, điểm trường được dựng xây không chỉ bằng vật liệu xây dựng mà còn bằng nhiệt huyết, tình yêu thương của thầy cô giáo với học trò đất khó.
Thầy và trò điểm trường bản Lềnh bên lớp học cũ đã trên 20 năm sử dụng (ảnh trái) và điểm trường bản Lềnh mới khang trang (ảnh phải).
|
Gom nhiệt huyết dựng lớp
Con đường đất nhầy nhụa sau mưa; đôi bánh chiếc xe máy được chằng xích để bớt trơn trượt; người đồng nghiệp mướt mát mồ hôi vật lộn với con đường đến một lớp học tranh tre nứa lá siêu vẹo, trống hoác và lũ học trò tội nghiệp - những hình ảnh mà anh vô tình gặp ở điểm trường thôn Diềm, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm A (xã Nghĩa Tâm, Văn Chấn) không thể ra khỏi tâm trí.
Anh “vời” chỗ nọ, “ới” chỗ kia nhắn gửi xin tài trợ với khát khao mong làm gì đó cho thầy và trò ở Diềm. Nhiệt huyết vì cộng đồng của anh đã được những tấm lòng thiện nguyện đồng cảm, đón nhận, sẻ chia, trao gửi để làm lớp học mới. Những ngày dựng lớp ở Diềm, anh như con thoi sát sao từng việc, những để làm được lớp học tốt nhất trong điều kiện kinh phí có được. Cuối cùng, lớp học mới thôn Diềm đã được hoàn thành ngay trước thềm năm học mới này, với tổng kinh phí khoảng 40 triệu đồng, trong đó hơn 30 triệu đồng do anh kêu gọi tài trợ được. Một lớp học bằng gỗ giản đơn nhưng đã là điều tuyệt vời lắm so với trước, cho gần 80 học sinh ở đây.
Một sớm hè tháng 7, anh hối hả cùng thành viên Câu lạc bộ thiện nguyện “Nụ cười ấm” khởi công xây dựng đường ống dẫn nước cho Trường TH & THCS Suối Bu (xã Suối Bu, Văn Chấn). Anh tất bật lội suối, hì hụi đào đường chôn ống dẫn nước, rồi lại xăng xái đưa đường ống lên tận đầu nguồn, bắc qua con suối, dẫn theo rãnh vừa đào về tận trường. Trong cái nắng mỗi lúc một căng, anh không ngơi tay khỏi việc.
Giữa tháng 8, đúng một tháng sau ngày khởi công, công trình đường nước sạch cho Trường TH&THCS Suối Bu chính thức được bàn giao cho nhà trường. Không phải nhà đầu tư nhưng anh là "đường dẫn" quan trọng đưa nước sạch về nơi này. Đây là kết quả từ sự kết nối của anh với Câu lạc bộ thiện nguyện "Nụ cười ấm" do diễn viên Hồng Đăng phụ trách. Công trình có tổng trị giá khoảng 16 triệu đồng, gồm một bể lọc và 1.400m đường ống đã chính thức giúp chấm dứt bao ngày tháng cô và trò nhà trường phải ngược con đường núi lởm chởm đá hơn 1 cây số xách từng xô nước.
Những ngày hè cuối cùng trong kì nghỉ hè vừa qua, anh như chạy đua với thời gian để cùng các nhà hảo tâm và thầy cô Trường TH&THCS Suối Bu triển khai xây dựng một nhà bán trú với kinh phí được tài trợ khoảng trên 200 triệu đồng, thay thế cho căn phòng đã rất cũ nát và tiềm ẩn hiểm nguy bất cứ lúc nào. Nhưng công trình đã không được khởi công như dự kiến, vì lý do khách quan. Năm học mới đã bắt đầu, anh cứ như bị ám ảnh bởi bao đôi mắt đợi chờ nhà bán trú của lũ học trò Suối Bu. Những đêm nằm nghe mưa mùa bão, nghĩ đến mấy chục đứa học trò trong căn nhà đã xuống cấp quá thể ấy mà anh nghe lòng mình thắt lại. Rồi đây công trình vẫn sẽ được ấp ủ triển khai nhưng anh cảm như đang mắc nợ với những ánh mắt học trò kia, một cảm giác nợ nần chẳng ai bắt, như cái công việc “vác tù và” này cũng chẳng ai bắt mà anh cứ tự bắt mình làm.
"Một lần chứng kiến một tổ chức thiện nguyện lên tặng quà cho trường mình dạy học, một suy nghĩ cứ dấy lên trong mình: Sao người ta ở nơi khác còn đến đây giúp đỡ được mà mình ở chính nơi này lại không làm được gì?" - suy nghĩ tự làm khổ mình ấy đã thôi thúc anh bước chân vào con đường "vác tù và hàng tổng". Rồi công việc của một giáo viên cho anh chứng kiến nhiều nỗi vất vả của thầy và trò những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn càng khiến anh muốn góp sức mình làm điều gì đó có ý nghĩa.
Thầy giáo Vũ Mạnh Cường tham gia đào đường ống dẫn nước cho công trình nước sạch Trường TH&THCS Suối Bu, xã Suối Bu (Văn Chấn).
Làm lớp học thôn Diềm, công trình nước sạch tại các trường: TH&THCS Suối Bu, Mầm non, TH&THCS An Lương (xã An Lương - Văn Chấn); mở điểm đọc sách miễn phí ở các xã: Đại Lịch, Cát Thịnh, Nghĩa Sơn, Nghĩa Tâm; hỗ trợ 10 máy tính cho Trường TH&THCS Suối Bu, rồi cả máy lọc nước, sách vở… cho một số trường học là những việc anh đã làm được từ việc kết nối với các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm. Nhưng điều anh muốn làm hơn cả là làm sao kết nối, vận động được tài trợ xây dựng lớp học, nhà bán trú thay thế cho những lớp học, phòng ở đã quá xuống cấp mà anh đã được biết, được thấy và bị ám ảnh, để học trò vùng cao vơi bớt khó khăn, cũng là để ý nghĩa ủng hộ của những nhà hảo tâm được bền vững, dài lâu.
Từ khi bước chân vào hoạt động thiện nguyện, tranh thủ những lúc có thể, anh lại "mang xe ra và đi" - chiếc xe Drem đời cũ đã như một người đồng hành tri kỉ, đến với nhiều trường và điểm trường khắp huyện Văn Chấn, để mục sở thị những thiếu thốn của học trò vùng cao, để rồi lại "làm việc khuya hơn một tí, nỗ lực hơn một chút" cho công cuộc kết nối, kêu gọi tài trợ giúp học trò quê mình. Con người có cái vẻ ngoài xù xì, thô ráp ấy lại ngập tràn trong tâm hồn tình yêu thương, nhân ái mượt như nhung lụa. Anh là Vũ Mạnh Cường - một giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thọ (xã Đại Lịch) bình thường như ngàn giáo viên khác. Nhưng giờ đây, rất nhiều đồng nghiệp biết đến anh là Trưởng nhóm thiện nguyện Hoa Ban Trắng, một đầu mối kết nối tài trợ đầy năng động, nhiệt tình, một người "vác tù và" hết lòng vì học trò vùng cao.
Góp yêu thương xây trường
"Lớp học nghìn cửa sổ" là cách gọi đùa mà đầy xót xa cho điểm trường bản Lềnh, Trường Tiểu học Sơn Thịnh (xã Sơn Thịnh, Văn Chấn). Đó là một lớp học vách đất đã có hơn 20 năm tuổi, siêu vẹo, trống hơ trống hoác. Thầy giáo trực tiếp dạy ở bản Lềnh kể rằng, thương nhất là mùa đông, các em ngồi trong lớp mà da thịt tím tái, tay run có khi không cầm nổi bút vì những lỗ thủng như nghìn cửa sổ ấy trên bức tường đất tróc lở mong manh. Mỗi khi mưa to gió lớn, không chỉ khiến thầy và trò nơi này mà cả cô hiệu trưởng Vũ Thị Thanh Xuân cũng nơm nớp lo sợ bất trắc xảy ra.
May mắn đến với thầy trò nơi đây khi qua thầy Cường, cô Xuân kết nối được với nhà hảo tâm ở Hà Nội. Ban đầu, nhà hảo tâm định đầu tư vào đường điện nhưng cô Xuân đã tranh thủ xin tài trợ để xây lớp học: "Điện thì cũng quý nhưng tính mạng con người còn quý hơn. Một lớp học thay thế lớp học cũ nát hiểm nguy rình rập bây giờ là điều quý nhất ở đây đấy ạ" - tâm nguyện mà cô Xuân giãi bày đã thuyết phục nhà hảo tâm, cộng thêm việc tận mắt chứng kiến nỗi vất vả của thầy và trò ở bản Lềnh, họ - những nhà hảo tâm đã chung tay, dồn sức cho dự định này. Trong nỗ lực gây quỹ của những nhà hảo tâm để xây lớp học bản Lềnh có hoạt động bán đấu giá những hiện vật quyên góp được.
Mong muốn góp sức xây trường trong điều kiện có thể, cô Xuân đã cùng Ban giám hiệu vận động toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường ủng hộ để mua một con ếch tài lộc bằng đá cẩm thạch - một sản phẩm ở xã Sơn Thịnh, khắc 4 chữ "Bản Lềnh yêu thương" gửi để đấu giá. Qua đấu giá, chú ếch chứa đựng yêu thương của thầy cô với học trò mình đã đóng góp thêm 17 triệu vào quỹ. Sự nỗ lực từ tất cả các bên vì điểm trường bản Lềnh đã đi đến cái kết có hậu. Tháng 11/2014, trường được khởi công xây dựng. Nhà trường cũng đã huy động thầy cô và phụ huynh cùng tham gia đóng góp công sức xây trường và đầu tư làm đường ống dẫn nước.
Tháng 1 năm nay, điểm trường được khánh thành. 3 lớp học với công trình vệ sinh, sân và tường rào tổng diện tích 150m2 hiện hữu mà trước giờ thầy trò bản Lềnh chưa từng mơ. Hôm khánh thành trường là một ngày vui không kể xiết của thầy trò, các nhà hảo tâm và cả người dân bản Lềnh. "Bây giờ mưa gió thế nào cũng không còn phải lo lắng nữa. Thật cảm ơn những nhà hảo tâm đã đóng góp xây trường" - lời cảm ơn của cô Xuân và các thầy cô với các nhà hảo tâm xuất phát từ tận đáy lòng. Còn trong chia sẻ khi lớp học được hoàn thành, những nhà hảo tâm lại bảo rằng, ngoài sự khó khăn của học trò thì chính sự nhiệt tình và yêu thương của thầy cô giáo nơi đây đã thôi thúc họ làm điều có ý nghĩa này.
Trong điều kiện một tỉnh còn nghèo, đầu tư cho giáo dục còn nhiều khó khăn, thầy và trò nhiều nơi còn thiếu thốn trăm bề thì những nỗ lực, năng động, sáng tạo vì trường lớp, vì học sinh thân yêu của các thầy, các cô ấy thật đáng quý biết bao! Mong sao họ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện từ tất cả các phía để làm được nhiều điều ý nghĩa hơn, không phải cho mình, vì mình!
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Có mặt cùng các thành viên Nhóm Thiện nguyện Yên Bái (TNYB) tại Gian hàng từ thiện ở khu vực Trung tâm Km5, thành phố Yên Bái để vận động, kêu gọi cộng đồng chung tay, góp sức, xây dựng cuộc sống cho những mảnh đời còn nhiều khốn khó. Những cơn mưa to cuối tháng 7, đầu tháng 8 không ngăn được tấm chân tình của tuổi trẻ đang thực hiện một hành trình đẹp trong cuộc đời mình, mang đến cuộc sống nhiều ý nghĩa cho tất cả mọi người và cho chính họ.
YBĐT - Từ một thôn khó khăn nhất của xã Đông An (huyện Văn Yên), những năm gần đây, thôn Chèm đã có nhiều khởi sắc trong đời sống kinh tế. Đói nghèo, gian khó đã nhường chỗ cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cùng chung tay làm nên diện mạo mới cho quê hương là sự năng động của những nông dân đang hòa mình trên con đường làm giàu chính đáng. Khát vọng làm giàu của họ góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng phát triển nông thôn mới tại địa phương.
YBĐT - Ngược từ trung tâm huyện Mù Cang Chải chúng tôi đến với Nậm Khắt - nơi có địa hình cao nhất của huyện Mù Cang Chải. Ngút tầm mắt là màu xanh bạt ngàn của lúa, của ngô và những cánh rừng trùng điệp đẹp như tranh vẽ khiến chúng tôi có thêm động lực để đến với xã vùng cao này.