Hành trình kết nối yêu thương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/8/2015 | 9:43:42 AM

YênBái - YBĐT - Có mặt cùng các thành viên Nhóm Thiện nguyện Yên Bái (TNYB) tại Gian hàng từ thiện ở khu vực Trung tâm Km5, thành phố Yên Bái để vận động, kêu gọi cộng đồng chung tay, góp sức, xây dựng cuộc sống cho những mảnh đời còn nhiều khốn khó. Những cơn mưa to cuối tháng 7, đầu tháng 8 không ngăn được tấm chân tình của tuổi trẻ đang thực hiện một hành trình đẹp trong cuộc đời mình, mang đến cuộc sống nhiều ý nghĩa cho tất cả mọi người và cho chính họ.

Để có những bát cháo thơm ngon đến tay các bệnh nhân, các bạn trẻ trong nhóm thiện nguyện dậy từ 5h sáng để chuẩn bị.
Để có những bát cháo thơm ngon đến tay các bệnh nhân, các bạn trẻ trong nhóm thiện nguyện dậy từ 5h sáng để chuẩn bị.

Từ chương trình “Mỗi trái dưa -  một tấm lòng”...


Cách đây không lâu, thông tin về cơn mưa lũ trái mùa khiến hàng trăm héc - ta dưa hấu tại Quảng Nam, Quảng Ngãi ngập chìm trong nước làm cho nông dân trồng dưa rơi vào cảnh khốn đốn với nguy cơ trắng tay hoặc bị thương lái ép giá. Trước thông tin đó, những bạn trẻ cùng chung một tấm lòng đã thông qua Facebook kêu gọi mọi người trong nước cùng chung tay giúp đỡ người dân các tỉnh trên lúc khó khăn, hoạn nạn với thông điệp “Mỗi trái dưa - một tấm lòng”.

Sau lời kêu gọi đó, người thì qua bạn bè, người thì nhận được thông tin qua Facebook, cũng có người nhìn thấy câu khẩu hiệu trên băng rôn mà rẽ vào mua dưa ủng hộ. Cùng với cả nước, số dưa trên 60 tấn mà các bạn trẻ Yên Bái mang về đã được tiêu thụ nhanh chóng. Ai cũng mua dưa với cả tấm lòng sẻ chia với khúc ruột miền Trung. Không có mục đích thương mại hay cá nhân đặt trong đó, các bạn trẻ đã bỏ biết bao công sức với mong muốn đóng góp, kêu gọi, thức tỉnh trái tim nhân ái của cộng đồng.

Bạn Đoàn Thị Lương - thành viên nhóm TNYB chia sẻ: “Chương trình “Mỗi trái dưa - một tấm lòng” là chương trình khởi đầu để gắn kết chúng tôi - những con người có chung lý tưởng sống hướng về cộng đồng. Chúng tôi mong muốn sẽ làm được nhiều việc có ích và ý nghĩa cho quê hương, tập hợp được nhiều bạn trẻ năng động, thực sự tâm huyết với các hoạt động xã hội tình nguyện, góp phần nhỏ bé vào các hoạt động giúp đỡ những người còn nhiều khó khăn trong cuộc đời”.

Đến Gian hàng thiện nguyện và “Nồi cháo nghĩa tình”

Các bạn là những người trẻ tuổi, thế hệ 8x, 9x; người đang công tác trong cơ quan Nhà nước, người làm kinh doanh online... song, tất cả đã gắn kết với nhau trong nhịp đập của trái tim nhân ái, mong muốn được sẻ chia, cứu giúp những mảnh đời nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Và những con người ấy đã tự lập ra  nhóm TNYB với 12 thành viên nòng cốt.

Bạn Bùi Thị Thu Hằng - Trưởng  nhóm cho biết: “Thời gian đầu hoạt động, nhóm cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ những cuộc đời còn kém may mắn. Khó khăn, nhưng không phải là không thể làm được nên tất cả các thành viên đã không nản chí mà cùng bàn cách giải quyết. Để gây được quỹ, ngoài việc các thành viên tham gia đóng góp, kết nối với nhiều nhóm thiện nguyện khác trên cả nước thì nhiều bạn có ý tưởng sáng tạo bằng những hình thức kinh doanh khác nhau để gây quỹ từ thiện, liên hệ lấy các nguồn hàng tận gốc... để bán online và kêu gọi hỗ trợ trực tiếp cũng như thông qua Facebook”.

Từ hơn một tháng nay, cứ vào ngày thứ 7 ở khu vực trung tâm Km5, nhiều người dễ dàng bắt gặp hình ảnh của các bạn trẻ trong chiếc áo đồng phục màu xanh dương có mặt từ sáng sớm để bày bán các mặt hàng trong gian hàng từ thiện. Chỉ với vài chiếc bàn nhỏ để bày hàng, một chùm bóng bay được treo bên cạnh chiếc hòm ủng hộ nhỏ và một chiếc băng rôn ghi “Gian hàng từ thiện, góp quỹ xây trường, nồi cháo tình thương” nhưng gian hàng đã thu hút rất đông khách hàng đến mua với sự đồng cảm cũng là một cách tự thức tỉnh cái tâm trong mỗi người. Những mặt hàng được bán ở đây chủ yếu do chính tay các bạn trẻ tự làm ra như: sấu dầm mắm, sấu ngâm đường, măng ớt, bánh tẻ, vải khô hay nhiều mặt hàng như: gạo, bánh, rau, các loại quả... mà các bạn tự liên hệ để lấy được nguồn hàng tận gốc.

Để có được các sản phẩm phục vụ gian hàng từ thiện, ngoài thời gian đi làm, mỗi người trong nhóm lại dành thời gian ít ỏi vào buổi tối để tranh thủ làm các sản phẩm. Lợi nhuận từ kinh doanh được các bạn chi vào hoạt động từ thiện với việc 2 tuần một lần vào sáng thứ 7, các bạn tổ chức nấu cháo nghĩa tình tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Yên Bái nhằm giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây. Những bát cháo nghĩa tình được các bạn phát tới tận tay các bệnh nhân kèm theo lời chúc chân thành của tấm lòng người trẻ như là liều thuốc tinh thần quý giá, chữa lành những vết thương, những căn bệnh về tinh thần cho nhiều bệnh nhân.

Bác Trần Quang Tuyến - người có thời gian dài điều trị bệnh tại đây xúc động: “Tôi cảm động lắm trước tấm lòng của các bạn trẻ. Đúng là nồi cháo nghĩa tình, rất ngon và ấm áp. Cái no, cái ngon là một chuyện, nhưng tôi đã cảm nhận được cái tình rất sâu sắc. Tôi cũng như các bệnh nhân ở đây rất phấn khởi và cảm ơn sự quan tâm của Bệnh viện cũng như tấm lòng của những người trẻ đã vì bệnh nhân nghèo”.

Gian hàng từ thiện là những sản phẩm chủ yếu do chính tay các bạn trẻ làm ra.

Cùng với “Nồi cháo nghĩa tình”, các thành viên trong nhóm còn tham gia các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các chương trình thiện nguyện tại các địa phương trong tỉnh. Chỉ mới đi vào hoạt động gần 3 tháng, nhóm đã kêu gọi sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm, các nhóm thiện nguyện ở các tỉnh, thành khác và đã tổ chức trao quà cho các bé ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Yên Bái với những hiện vật thiết thực như: cầu lông, bộ bóng bàn, bàn học, bát ăn, giúp một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn... với số tiền gần 30 triệu đồng. Nhóm cũng đang tích cực gây quỹ với mong muốn góp sức cùng các nhóm tình nguyện khác trong cả nước để giúp đỡ những điểm trường đặc biệt khó khăn ở các huyện vùng cao, vùng sâu.

Dù đã có gia đình và 2 con nhỏ, nhưng bạn Nguyễn Bảo Ngọc - nhân viên của Công ty Vận tải thủy bộ Yên Bái là một trong những thành viên rất tích cực. Hết giờ làm việc ở công sở, Ngọc dành nhiều thời gian cho việc làm những món ăn vặt vừa lạ vừa ngon để bán online. Số tiền lãi đó, Ngọc dành để góp cùng các thành viên trong nhóm làm từ thiện và tự tay nấu những món ăn ngon để cải thiện phần nào bữa ăn cho những trẻ em, người già neo đơn tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Yên Bái.

Gặp Ngọc vào một buổi sáng, khi bạn được nghỉ ca ở Công ty. Không dành thời gian cho bản thân, bạn nghĩ ngay đến việc vận động các bạn trẻ cùng tham gia góp công, góp sức để làm những món ăn ngon cho các cụ, các em nhỏ ở Trung tâm. Nhìn các bạn, người thì tay thoăn thoắt gói nem, người thì rán cá... trong tiếng cười nói rộn ràng, mới thấy được tấm lòng thơm thảo của các bạn trẻ. “Có thời gian là tôi lại mong muốn được làm gì đó cho những mảnh đời còn kém may mắn, bởi với tôi, đó là niềm vui. Quan điểm của tôi là sức trẻ không dành cho những việc vô bổ, mà hãy làm những việc có ích. Nhìn các cụ, các con ăn ngon miệng, chúng tôi thấy lòng thật ấm áp” - Ngọc chia sẻ.

Nói về những tấm lòng của các bạn trong nhóm TNYB đã dành tình cảm cho các cụ, các con ở Trung tâm, anh Phạm Công Quyết – Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Yên Bái xúc động tâm sự: “Xã hội ngày càng phát triển, nhiều người bị cuốn vào cơn lốc vô cảm thì vẫn còn có những bạn trẻ đi ngược lại xu hướng ấy và có một tư tưởng sống đẹp. Các bạn của nhóm TNYB đã mang đến niềm vui, niềm tin và hy vọng cho những mảnh đời kém may mắn ở đây”.

Gặp gỡ các bạn, rồi được đi cùng các bạn trong những chuyến làm từ thiện ấy mới thấy được, khi yêu thương kết nối con người, mỗi hành động đều có sức lan tỏa, lay động với cộng đồng. Những trang đời đẹp, kiêu hãnh sẽ xóa nhòa lối sống vô cảm, băng hoại đạo đức, tạo nên giá trị vĩnh hằng của cuộc sống. “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng” và “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” sẽ mãi là thông điệp sống của những hành trình kết nối yêu thương như thế!

Thanh Chi    

Các tin khác
Nhiều hộ nông dân ở thôn Chèm (xã Đông An, huyện Văn Yên) thu nhập hàng năm từ 300 - 400 triệu đồng, xây dựng nhà ở khang trang.

YBĐT - Từ một thôn khó khăn nhất của xã Đông An (huyện Văn Yên), những năm gần đây, thôn Chèm đã có nhiều khởi sắc trong đời sống kinh tế. Đói nghèo, gian khó đã nhường chỗ cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cùng chung tay làm nên diện mạo mới cho quê hương là sự năng động của những nông dân đang hòa mình trên con đường làm giàu chính đáng. Khát vọng làm giàu của họ góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng phát triển nông thôn mới tại địa phương.

Đường vào Nậm Khắt.

YBĐT - Ngược từ trung tâm huyện Mù Cang Chải chúng tôi đến với Nậm Khắt - nơi có địa hình cao nhất của huyện Mù Cang Chải. Ngút tầm mắt là màu xanh bạt ngàn của lúa, của ngô và những cánh rừng trùng điệp đẹp như tranh vẽ khiến chúng tôi có thêm động lực để đến với xã vùng cao này.

Ông Lê Cao Tấn - Phó chủ tịch UBND xã An Bình (bên phải) cùng ông Trần Đức Sơn - Trưởng thôn Cầu Cao kiểm tra tình hình phát triển của cây ngô hè thu.

YBĐT - Sau mưa, ngỡ nắng nhẹ, trong và dịu lắm nhưng đã lại gắt, chói và rát ngay được. Trụ sở UBND xã An Bình, huyện Văn Yên một buổi sáng đầy nắng như thế, tôi đến theo lời hẹn với Phó chủ tịch UBND xã - Lê Cao Tấn. Con người này đúng kiểu của nói và làm, việc nào ra việc nấy. Ông hỏi ngay sau vài câu trao đổi công việc: “Ý cô sao, ta xuống thôn trước đã, được chứ?”. Có lẽ cũng chỉ đợi sự đồng ý của tôi là ông “chỉ đạo” luôn: “Cô ngồi lên xe tôi, đường tới Cầu Cao phải xe số mới chịu nổi”.

Điều trị cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân (huyện Yên Bình).

YBĐT - Nghị định 62/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHYT nêu rõ: Trường hợp quỹ khám bệnh, chữa bệnh do BHXH tỉnh quản lý trong năm không sử dụng hết được sử dụng 60% để mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị y tế... để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại địa phương theo hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Tài chính. Thế nhưng, việc sử dụng quỹ kết dư quỹ BHYT tại địa phương trong những năm qua chưa được thực hiện theo các quy định trên…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục