Đòn bẩy giúp vùng cao thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 26/8/2015 | 2:53:45 PM
YênBái - YBĐT - Nhằm giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên trong cuộc sống, nhiều chính sách đã được triển khai một cách kịp thời, nghiêm túc, có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Người dân thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn tích cực khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước.
|
Là tỉnh miền núi có trên 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 53% dân số. Yên Bái có 70 xã vùng cao, 72 xã đặc biệt khó khăn, hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong 62 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước.
Ở bản Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn - nơi có 100% là đồng bào Mông sinh sống có một ngôi nhà xây 2 tầng khang trang, khác hẳn so với những ngôi nhà theo kiểu truyền thống của đồng bào Mông. Ngôi nhà xây ấy được Trưởng bản Mùa A Chang khánh thành vào cuối năm 2014, trị giá trên 500 triệu đồng. Trong ngôi nhà mới xây đầy đủ tiện nghi, anh Chang đã khiến tôi đi từ ngạc nhiên này lại đến ngạc nhiên khác.
Từ chuyện xây nhà 2 tầng giữa “phố bản” đến thành lập tổ hợp tác làm chè ở Bu Cao, Chang đều là người đi tiên phong. Được biết, gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên tại thôn Bu Cao tự nguyện “hạ sơn” xuống ở tại khu tái định cư Bu Cao vào năm 2009. Về nơi ở mới, được sự giúp đỡ của bà con cùng chính quyền địa phương, gia đình anh và những người dân trong bản đã dựng ngôi nhà gỗ 3 gian, mái lợp phi-bro-xi-măng để ổn định nơi ở và bắt đầu làm quen với cuộc sống mới.
Anh Chang chia sẻ: “Người dân Bu Cao rất phấn khởi khi được “hạ sơn” đến nơi ở mới, không còn nỗi lo sạt lở đất. Đến nay, cuộc sống của mọi người đã từng bước ổn định. Có được thành quả đó chính là nhờ vào sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước thông qua việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS”.
Hôm nay, nhà anh Giàng A Khua ở bản Bu Cao làm mấy mâm cơm cho những người dân trong bản đến đổi công khai hoang, mở rộng diện tích ruộng nước của gia đình. Nhìn vào mâm cơm có thịt, có rau và có cả rượu đưa cay đủ thấy cuộc sống của người dân Bu Cao khác xưa rất nhiều. Sau gần 5 năm “hạ sơn”, cuộc sống của người dân thôn Bu Cao đã thuận lợi hơn rất nhiều do được ở gần trường học, trạm y tế. Việc giao lưu trao đổi hàng hóa với các thôn, bản khác được thuận lợi hơn. Nhân dân yên tâm lao động sản xuất. Con đường đến bản Bu Cao giờ đã được bê tông hóa, xe máy, ô tô bon bon chạy đến tận cuối bản, chở hàng nông sản của bà con ra phố huyện. Vóc dáng “phố bản” đang hình thành ở Bu Cao với những ngôi nhà mọc lên san sát, thẳng đều tăm tắp.
Đến nơi ở mới, cách nghĩ, cách làm của người Mông cũng đã có nhiều đổi mới. Nhiều hộ đã mạnh dạn mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Chăn nuôi gia súc, gia cầm đã chuyển từ hình thức thả rông sang nuôi nhốt, nuôi bán chăn thả. Nhiều hộ mạnh dạn phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. 112 hộ dân ở bản tái định cư đều được sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước sạch.
Hiện, 80% số hộ trong bản có xe máy, gần 50% số hộ có ti vi. Bản đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng phục vụ cho việc sinh hoạt tập thể của bà con; có một điểm trường mầm non cho các cháu trong độ tuổi đến trường. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật (KHKT). Cuộc sống của người dân ở bản Bu Cao ngày một no ấm càng củng cố vững chắc niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.
Còn tại huyện vùng cao Trạm Tấu - một trong 62 huyện nghèo của cả nước, nhờ thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đối với đồng bào Mông, kinh tế - xã hội của huyện đã có những bước phát triển. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dần từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Sản lượng lương thực từ 11.005 tấn năm 2011 tăng lên 19.129 tấn năm 2014. Diện tích rừng được nhân dân bảo vệ và chăm sóc tốt. Đàn gia súc phát triển ổn định, chuyển từ thả rông sang hình thức chăn nuôi bán chăn thả. Nhân dân đã tích cực làm chuồng trại và trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc; người dân đã biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông - lâm nghiệp.
Việc chuyển đổi các diện tích lúa nước kém hiệu quả sang trồng ngô đồi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn từng bước được đổi mới. Đời sống của người dân được nâng cao. Đến nay, 100% các thôn, bản có đường xe máy; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% trường phổ thông dân tộc bán trú được xây dựng kiên cố. Các chính sách hỗ trợ học sinh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao. Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng.
Các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đến được với đồng bào, góp phần nâng cao chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều tập tục lạc hậu dần xóa bỏ. Hầu hết người dân trên địa bàn huyện đều có đất để sản xuất. Phong trào xây dựng kho thóc khuyến học được nhân rộng. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, góp phần nâng cao chất lượng dân trí, cuộc sống cho người dân. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện, đưa tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2009 - 2014 bình quân mỗi năm giảm 6,5%. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 49,5%.
Những đổi thay ở Bu Cao hay tại huyện vùng cao Trạm Tấu càng khẳng định thêm tính hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào các DTTS, nhanh chóng giúp họ thoát khỏi đói nghèo, xây dựng cuộc sống mới ngày càng no ấm. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Yên Bái được triển khai nhiều chính sách đối với đồng bào các DTTS như: Chương trình 135 với tổng mức kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng; đầu tư cho hỗ trợ phát triển sản xuất cho 4.525 lượt hộ nghèo; xây dựng, duy tu 616 công trình trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất đối với đồng bào DTTS theo Quyết định số 54/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp cho 3.490 hộ nghèo vay trên 20,1 tỷ đồng, tạo cơ hội để các hộ đồng bào DTTS khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo…
Cùng với việc thực các chính sách đối với đồng bào các DTTS của Chính phủ, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với đồng bào như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh ngoài hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh đến năm 2020… Nhờ vậy, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có bước phát triển mạnh; kết cấu hạ tầng đã được cải thiện rõ rệt; công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 4 - 5% (riêng hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 6%/năm) đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 20,56%.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tỷ lệ này chưa cân đối giữa các vùng miền, các thành phần dân tộc. Hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 20,56%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 9,09% thì tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo chiếm 79,8%; hộ đồng bào DTTS cận nghèo chiếm 65,7%.
Ông Giàng A Câu - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng này là do kinh tế - xã hội ở một số xã và một số vùng đồng bào DTTS còn chậm phát triển; tập quán canh tác sản xuất còn lạc hậu, năng suất lao động thấp; thu nhập thấp, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; nguồn lực hỗ trợ cho đầu tư phát triển tuy có tăng nhưng so với yêu cầu còn thấp; cơ sở hạ tầng còn thiếu, giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận KHKT và dịch vụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về công tác dân tộc và chính sách dân tộc chưa sâu sắc; chưa chủ động khơi dậy và phát huy nguồn lực tại chỗ cho đầu tư phát triển; một bộ phận nhân dân còn thiếu đất sản xuất; chưa chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm”.
Để triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, thời gian tới, Phó trưởng Ban Dân tộc - Giàng A Câu cho biết: “Các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức rõ trách nhiệm thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương; nâng cao vai trò phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp trong việc tổ chức thực hiện các chính sách và công tác dân tộc. Người cán bộ làm công tác dân tộc phải am hiểu chính sách, tận tâm, tận lực với đồng bào. Cần đi sâu nghiên cứu, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất nắm chắc đặc điểm tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng, nhu cầu thiết yếu trong đời sống của đồng bào dân tộc; biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân thực hiện tốt các chính sách về công tác dân tộc, khơi dậy truyền thống cần cù lao động, tạo điều kiện để đồng bào phát huy nội lực vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Có như vậy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mới thực sự phát huy được hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân”.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Sau 4 năm thực hiện Quyết định 327 của Ban Thường vụ Thành ủy Yên Bái về việc ban hành quy chế phân công cấp ủy viên, trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể thành phố tăng cường chỉ đạo và tham gia sinh hoạt tại cơ sở đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ thành phố Yên Bái luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng nói chung và phát triển Đảng nói riêng nên đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã kết nạp được 1.000 đảng viên, đạt mục tiêu đề ra.
YBĐT - Có những lớp học, điểm trường được dựng xây không chỉ bằng vật liệu xây dựng mà còn bằng nhiệt huyết, tình yêu thương của thầy cô giáo với học trò đất khó.