Tương lai thành phố quê hương
- Cập nhật: Thứ hai, 31/8/2015 | 3:10:06 PM
YênBái - YBĐT - Mới sáng sớm mà khí thế lao động trên công trình đường tránh ngập TP Yên Bái đã hối hả, sôi động để hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Tranh thủ thời gian mát mẻ của buổi sớm, hàng trăm công nhân miệt mài hoàn thiện công đoạn bó vỉa, làm dải phân cách, hệ thống rãnh...
Một đoạn đường tránh ngập thành phố Yên Bái đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
|
Anh Đỗ Việt Bách - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái, đơn vị chủ đầu tư tuyến đường tránh ngập thành phố (TP) Yên Bái điện thoại rủ tôi cùng đi kiểm tra những công đoạn cuối cùng của việc đầu tư xây dựng, chuẩn bị làm lễ khánh thành đại lộ hoành tráng nhất của tỉnh. Xe phóng êm ru trên tuyến đường tránh ngập, mặc dù đã được đi nhiều nhưng lần này, tôi thấy cảm xúc rộn ràng, háo hức trước vẻ đẹp của cung đường mới mở. Thay cho cảnh cây cối rậm rạp của quá khứ là hình ảnh một cung đường như dải lụa mềm vắt qua những quả đồi lộng gió. Những ô đất trồng cỏ, trồng hoa xen kẽ dưới những hàng cây xanh hai bên tuyến đường trải dọc chiều dài suốt hơn chục ki-lô-mét trong nắng sớm thanh bình vùng cửa ngõ TP.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, tuyến đường tránh ngập TP Yên Bái được khởi công từ tháng 4/2011, có tổng vốn đầu tư trên 995 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến hơn 10km, bề rộng mặt đường 50m với 4 làn xe, đạt tiêu chuẩn đường cấp II. Để thi công tuyến đường này, có trên 700 hộ dân thuộc phường Đồng Tâm, xã Tân Thịnh, Phúc Lộc (TP Yên Bái) và xã Minh Quân, Bảo Hưng (huyện Trấn Yên) phải di dời nhà cửa, công trình kiến trúc khác, hiến đất ruộng, vườn. Đây thực sự là một sự hy sinh to lớn của người dân khi mà phần lớn những gia đình phải di chuyển có thu nhập chính là làm nông, lâm nghiệp và mảnh đất đó đã gắn bó với họ từ rất lâu đời.
Mới sáng sớm mà khí thế lao động trên công trình đường tránh ngập TP Yên Bái đã hối hả, sôi động để hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Tranh thủ thời gian mát mẻ của buổi sớm, hàng trăm công nhân miệt mài hoàn thiện công đoạn bó vỉa, làm dải phân cách, hệ thống rãnh... Mấy năm gần đây, TP ưu tiên đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang hè phố, kè bờ sông Hồng, nâng cấp vườn hoa, công viên, xây dựng nhiều công trình theo hướng đạt chuẩn đô thị. Các tuyến đường đô thị được xây dựng theo hướng đồng bộ, bảo đảm tính kết nối cao trong toàn hệ thống. Ở khu vực nông thôn, đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn huy động đóng góp của nhân dân, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xe dừng trước khu đền Rối, anh Bách chỉ tay giới thiệu nút giao cắt của đường tránh ngập với đường dẫn vào cầu Tuần Quán, điểm cuối bên kia là thôn 5, xã Giới Phiên, nút giao cắt với quốc lộ 32C sắp được nâng cấp. Con đường dẫn 2 đầu cầu được thiết kế theo qui mô đường đô thị có chiều dài 3,5km. Cầu được thiết kế vĩnh cửu, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng HL 93 có chiều dài 414,6m, chiều rộng mặt cầu 17m, nghĩa là rộng gần gấp đôi cầu Văn Phú với tổng mức đầu tư 674 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 521 tỷ đồng, còn lại là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư...
Theo các nhà chuyên môn, đường dẫn vào cầu dự kiến sử dụng 19,25ha đất với 70 hộ dân nằm trong kế hoạch giải phóng mặt bằng, dự án thực hiện phân kỳ đầu tư thành 2 đợt để phù hợp với nguồn vốn bố trí hàng năm. Cầu Tuần Quán khi hoàn thành sẽ là cây cầu thứ 3 của TP chia đôi khoảng cách giữa cầu Văn Phú và cầu Yên Bái - một mạch kết nối để TP Yên Bái phát triển sang hữu ngạn sông Hồng. Cùng với đường tránh ngập nối từ trung tâm tỉnh đến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ là không gian mở cho TP Yên Bái lên đô thị loại II vào năm 2020. Cầu hoàn thành sẽ hiện thực hóa ý tưởng quy hoạch xây dựng TP Yên Bái trở thành một đô thị văn minh, hiện đại với đặc trưng là đô thị sinh thái.
Trong đó, sông Hồng đoạn qua TP là trục không gian phát triển liên kết giữa đô thị hiện tại và TP tương lai phía hữu ngạn sông Hồng gắn với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà đô thị hạt nhân là xã Giới Phiên. Các phường, xã Hợp Minh, Âu Lâu, Phúc Lộc kết hợp với Khu công nghiệp Minh Quân, Minh Tiến và dịch vụ du lịch Đầm Hậu - Minh Quân sẽ kết hợp cùng phát triển mang đặc trưng của đô thị sinh thái. Rồi đây khi cây cầu hoàn thành chắc chắn sẽ mở ra bước đột phá lớn, tôi háo hức mường tượng.
Công nhân khẩn trương thi công hệ thống rãnh thoát nước trên đường tránh ngập thành phố Yên Bái.
Đứng trên đường cao tốc ở nút giao cắt, nhìn về con đường tránh ngập thấy trời cao mây trắng trên đầu, con đường thênh thang xuyên qua núi, qua đồi. Mặt trời đã lên đến đỉnh đồi cao của thôn Thanh Hùng, xã Tân Thịnh, quả đồi vừa vạt đi một nửa để đường tránh ngập đi qua. Ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái chia sẻ: “Mục tiêu đến năm 2020, TP Yên Bái vẫn giữ nét của TP xanh, sinh thái, bảo đảm môi trường. Trong quy hoạch chung xây dựng TP Yên Bái là đô thị phát triển theo hướng mở lấy sông Hồng làm trục không gian, phát triển đô thị theo hai bên sông Hồng, theo đó thành phố sẽ phát triển theo hướng xây dựng một đô thị công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp hiện đại mang đặc trưng điển hình là đô thị sinh thái. Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, tập trung xây dựng các chương trình du lịch sinh thái, văn hóa theo tuyến dọc sông Hồng, sông Chảy, du lịch tâm linh”.
Điểm khác biệt nhất của TP Yên Bái là môi trường sinh thái tràn ngập màu xanh của cây, nước... với tổng diện tích sông suối và mặt nước chuyên dụng lên tới 802ha, có giá trị rất lớn về kinh tế và phù hợp với phát triển du lịch xanh, bền vững. Để thu hút được nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ được TP đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, TP đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác quảng bá các dự án đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin điện tử về môi trường đầu tư, các hoạt động hỗ trợ đầu tư, chính sách và dự án mời gọi đầu tư; duy trì và phát triển mối quan hệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ trong việc tuyên truyền, quảng bá về cơ hội đầu tư vào địa phương.
Có thể khẳng định rằng, đường tránh ngập là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và hết sức cần thiết trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, là nguyện vọng thiết tha và mong đợi của bao thế hệ cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây sẽ là cơ hội mở ra sự thông thương, kết nối với bên bờ hữu ngạn sông Hồng để mở ra không gian xây dựng và phát triển đô thị. Tôi nghĩ, đó thực sự sẽ là lực đẩy để đưa TP Yên Bái sớm trở thành đô thị loại II.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Đã gần 15 năm từ làng lên phố nhưng người dân ở các xã, phường ven đô như: Tuy Lộc, Văn Phú, Tân Thịnh, Minh Bảo, Âu Lâu, Nam Cường... vẫn quanh quẩn với cây lúa, cây rau, con lợn, con gà theo kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Những năm gần đây, thành phố cũng đã chú trọng đầu tư, hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất cho người dân để hướng tới một nền nông nghiệp mang tính hàng hóa tập trung, chất lượng cao, từ đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giỏi, gương điển hình…
YBĐT- Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 ra đời được coi là cơn gió mát thổi vào kinh tế tập thể vốn dĩ đang gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều HTX còn gặp không ít khó khăn cần nhiều trợ giúp. >> Bài 1: Khi "bà đỡ" mờ nhạt
YBĐT - Đã mấy năm nay, mỗi ngày cứ 4 ca đều đặn, người "thầy" bị bán thân bất toại vẫn truyền đạt kiến thức cho những đứa bé nghèo ở vùng quê đầy khó khăn mà không hề toan tính chuyện tiền bạc. Người "thầy" ấy đang vượt lên trên cả nỗi đau của bản thân để "gieo" những con chữ cho các học sinh nghèo này là anh Lý Xuân Tuyến ở thôn Phạ 3, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình.
YBĐT - Từ lâu, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vẫn được xem như "bà đỡ" cho bà con nông dân trong nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, qua thực tế, hoạt động của hầu hết các HTX vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân nông thôn cũng như vai trò cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, Nhà nước…