Trò chuyện với người chiến sỹ du kích Đại Lịch năm xưa
- Cập nhật: Thứ ba, 14/6/2016 | 2:49:50 PM
YBĐT - "Trong vòng 2 tháng, Đội du kích Đại Lịch đã đánh 3 trận liên tiếp giành thắng lợi cả 3, chú ạ! Đấy là chưa kể tới những trận phục kích bắn tỉa ở đèo Đát, khe Căng, khe Sén…" , ông Hoàng Đình Tỵ - đội viên đầu tiên của Đội du kích năm xưa kể.
Thế hệ trẻ bên di tích trận đánh đèo Din tại xã Đại Lịch (Văn Chấn).
(Ảnh: Sơn Nam)
|
Tôi vào Đại Lịch (Văn Chấn) tìm hiểu thực tế để viết bài về hoạt động du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Lãnh đạo xã giới thiệu gặp ông Hoàng Đình Tỵ - đội viên đầu tiên của Đội du kích năm xưa còn sống ở Đại Lịch. Nghe các anh nói ông 89 tuổi, đã lo tuổi cao có lẽ ông không nhớ hết những chuyện xảy ra 70 năm trước, nhưng khi gặp, tôi thở phào vì ông còn khỏe, minh mẫn, chuyện trò vui và rất lính.
Ông bảo, nhà nghèo lại đông anh em nên ông phải đi ở từ nhỏ, năm 1945 đã 17 tuổi vẫn phải ở đợ. Ông nhớ ngày 3/7/1945, đang chăn trâu cho chủ thì gặp một đoàn quân từ Chiến khu Vần đi vào, ông liền chạy theo, đến trường học Thanh Bồng thấy một lá cờ đỏ sao vàng kéo lên, mọi người tập trung rất đông, hô vang “Hoan hô Giải phóng quân!”.
Đêm đó, đoàn quân nghỉ ở Đại Lịch, đồng chí chỉ huy nói: “Sáng mai, đồng bào mang theo thúng, chậu, quang gánh cùng quân giải phóng vào Mỵ phá kho thóc của Nhật”. Mọi người vỗ tay hoan hô rào rào, còn ông chỉ mong trời mau sáng để đi phá kho thóc.
Ngừng một lát rồi ông Tỵ nói tiếp:
- Tôi không thể quên ngày 2/8/1945, Đại Lịch được giải phóng, nhân dân bầu ra Ủy ban Cách mạng, Đội du kích cũng được thành lập. Tuy chưa đủ 18 tuổi, nhưng tôi vẫn xin vào Đội, chấm dứt cuộc đời ở đợ từ đó. Vũ khí hồi đó thô sơ lắm, chỉ có súng săn, giáo, mác, nỏ, bàn chông nhưng tinh thần rất hăng.
- Vậy, Đội du kích Đại Lịch được thành lập ngay từ năm 45 chứ không phải năm 46 khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ?
- Đúng vậy. Nhưng khi Pháp từ Phù Yên sang tái chiếm Văn Chấn, chúng lập Đồn Mỵ, Đồn Đồng Bồ (Chấn Thịnh), Đồn Dọc (Việt Hồng), Đồn Ca Vịnh (Hưng Khánh). Vào khoảng cuối tháng 10/1947, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái vào Đại Lịch làm việc với lãnh đạo Huyện bộ Việt Minh Văn Chấn, chỉ thị phát triển mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch hậu, xây dựng Đại Lịch thành căn cứ du kích của huyện. Sau đó, các xã đều thành lập đội du kích.
Riêng Đại Lịch chọn những đồng chí trung kiên vào Đội du kích vũ trang, do đồng chí Hoàng Minh Lưu làm Đội trưởng, đồng chí Đào Tiến Lộc làm Chính trị viên; thành lập Đội nữ du kích, cử đồng chí Hoàng Thị Chinh làm Đội trưởng và Đội du kích thiếu niên do Hoàng Văn Thọ vừa làm liên lạc cho Xã bộ Việt Minh vừa làm Đội trưởng. Căn cứ du kích đặt ở gò Bút và gò Bằng - ông Tỵ kể.
- Tại sao Pháp không lập đồn ở Đại Lịch?
- 2 lần Pháp kéo quân đến gò Dổi định lập đồn nhưng du kích bao vây nổ súng quấy nhiễu khiến chúng phải rút về Đồng Bồ. Song, Đại Lịch lại nằm kẹp giữa đồn Đồng Bồ, đồn Mỵ và đồn Dọc trong thế chân kiềng. Xã bộ Việt Minh dự đoán, lập xong đồn, nhất định Pháp sẽ càn vào Đại Lịch nhằm phá vỡ cơ sở kháng chiến và cướp của cải của dân nên chỉ thị Đội du kích vũ trang sẵn sàng chiến đấu chống càn - ông nói.
- Bác tham gia những trận nào của Đội du kích?
Ông Tỵ nhấp ngụm nước rồi tiếp:
- Tôi tham gia tất cả các trận, sau đó thì vào bộ đội. Trận đầu tiên là ngày 15/11/1947 tại đèo Cuồng. Khi trinh sát báo có một toán lính áp tải đoàn phu gánh gạo, thực phẩm từ đồn Đồng Bồ sang Dọc, Đội du kích quyết định ra quân. Đây là trận đầu nên anh Lưu quán triệt nhất định phải thắng, mục tiêu là giải thoát cho đoàn phu và cướp lương thực, thực phẩm, vũ khí của địch. Đội chọn phương án phục kích, địa điểm mật phục là đèo Cuồng, nơi đây đèo dốc quanh co, lại có thể rút xuống khe về căn cứ.
Để bảo đảm tính mạng cho dân phu, anh Lưu không cho gài mìn, chỉ dùng súng săn và giáo, mác. Khi đoàn tải lương lọt vào ổ phục kích, du kích nhằm vào bọn lính nổ súng. Bị đánh bất ngờ, bọn lính tháo chạy về Dọc, ta giải thoát cho các dân phu, thu toàn bộ gạo, thực phẩm và một khẩu súng rồi rút về căn cứ.
Còn trận thứ 2 - giọng ông Tỵ chợt nghẹn lại - là trận đèo Din chú ạ! Trận này, ta cũng thắng lớn nhưng bị mất anh Thọ. Giặc chặt đầu anh treo ở cây sâng. Ông Phó Vinh là người của ta gài vào làm Phó Lý, mật báo sau khi bị mất hết lương thực ở đèo Cuồng, địch tức tối, tên đồn trưởng Đồng Bồ bị chuyển đi nơi khác. Tên quan ba Pháp về thay rất hung hăng, sẽ mở một trận càn từ Đồng Bồ vào Đại Lịch, có thể đánh cả vào Khe Liền - nơi có cơ quan Huyện bộ.
Xã bộ Việt Minh chỉ thị cho Đội du kích phải bẻ gãy trận càn này để bảo toàn căn cứ kháng chiến. Đội trưởng Lưu lên phương án tác chiến. Lần này, ta chọn mật phục ở đèo Din, có địa hình hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, chỉ có một đường độc đạo lại giáp Việt Hồng nên địch ít ngờ tới. Vũ khí lần này có thêm 3 quả mìn tự chế.
Đúng 3 giờ sáng du kích chiếm lĩnh trận địa. Hoàng Văn Thọ khi chuyển công văn của Xã bộ cho Đội du kích đã xin ở lại chiến đấu được anh Lưu đồng ý giao cho nhiệm vụ giật mìn. Đến 9 giờ sáng địch mới tới đèo Din, lực lượng có 1 trung đội do 2 tên sĩ quan Pháp chỉ huy. Khi 2 tên Pháp đến vị trí gài mìn, anh Lưu ra hiệu giật mìn, 3 quả mìn tự chế đồng loạt nổ, giặc đổ vật xuống đường, bọn bị thương kêu la inh ỏi, số còn lại chạy toán loạn.
Bỗng Hoàng Văn Thọ từ bìa rừng nhảy thốc xuống đường, chạy tới tên Pháp bị thương, giật khẩu Xten trên tay nó rồi quay trở lại nhưng tốp lính đi sau đã định thần, bắn trúng Thọ làm anh ngã quỵ xuống đường. Lúc này, địch cũng tập trung hỏa lực bắn vào trận địa của ta. Biết khó chống đỡ nổi, anh Lưu hạ lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng. Ta diệt 2 tên Pháp, trong đó có tên trung úy chỉ huy, 5 tên ngụy, làm bị thương 11 tên, thu 3 súng.
Trận đèo Din thắng lợi, tạo bước ngoặt về chiến tranh du kích trong vùng địch hậu Văn Chấn. Sự dũng cảm của Hoàng Văn Thọ cũng tạo nên Phong trào "Cướp súng giặc đánh giặc" trong toàn huyện và tỉnh lúc bấy giờ. Bọn Pháp, không lập được đồn, không càn được Đại Lịch, lại bị du kích đánh thắng 2 trận liền khiến chúng càng tức tối. Tên đồn trưởng đồn Đồng Bồ quyết tổ chức trận càn dài ngày vào Đại Lịch nhằm tiêu diệt đội du kích, bắt cho được lãnh đạo Chi bộ, Ủy ban kháng chiến và Huyện bộ Việt Minh. Chúng tăng cường quân, đầu tháng 12/1947 càn lớn vào Đại Lịch, đốt nhà, phá lúa, bắt trâu, bò.
Ông Hoàng Đình Tỵ
Trước tình hình đó, Tỉnh đội Yên Bái điều 1 trung đội bộ đội vào Đại Lịch cùng Đội du kích quyết chặn càn, để giữ vững cơ sở kháng chiến. Lần này, ta phục kính tại bãi chằm Lũng Bũm đón lõng chúng. 2 đại đội địch, do tên quan hai Pháp chỉ huy từ Đồng Bồ hành quân ra, tưởng như mọi ngày, nghênh ngang đi vào trận địa phục kích, lúc đó khoảng 2 giờ chiều. Ta cho nổ địa lôi, rồi súng máy, súng trường đồng loạt khai hỏa.
Địch bất ngờ, không có phương án ứng phó, 1 tên Pháp, 9 tên ngụy bị chết tại chỗ, nhiều tên bị thương, hơn 20 tên bị ta bắt sống, số còn lại chạy tán loạn. Ta thu 2 súng máy, 4 súng trường và nhiều đạn dược.
Như vậy, trong vòng 2 tháng, Đội du kích Đại Lịch đã đánh 3 trận liên tiếp giành thắng lợi cả 3 chú ạ! Đấy là chưa kể tới những trận phục kích bắn tỉa ở đèo Đát, khe Căng, khe Sén…
Ta thắng nhưng cũng tổn thất, ngoài anh Thọ, còn có anh Hoàng Văn Vinh, tức Phó Vinh cũng bị địch bắt tra tấn dã man đến chết nhất quyết không khai. Anh Hoàng Văn Quang - Xã đội trưởng đi trinh sát lọt vào ổ phục kích, không để cho địch bắt sống đã dùng dao găm đâm trọng thương 2 tên địch, cũng bị chúng bắn chết...
Ông Tỵ dừng kể, pha ấm trà mới, ông giục:
- Chú uống đi! Chè bà nhà tôi sao suốt đấy!
Tôi nhấm nháp hương vị đậm đà của chè Đại Lịch, rồi chuyển câu chuyện:
- Bác xây dựng gia đình năm nào ạ?
Nét mặt ông Tỵ chợt tươi tắn:
- Đầu năm 55 chú ạ, đơn vị tổ chức cho. Chúng tôi yêu nhau từ năm 49, lúc ấy tôi đã vào bộ đội, phục kích trên đèo Lũng Lô chặn địch từ Phù Yên sang. Còn nhà tôi là thanh niên xung phong Đại Lịch mở đường đèo Lũng Lô, nhưng bà ấy bảo để đến hòa bình mới được cưới.
- Vậy, hai bác hò hẹn nhau từ nhà chứ? - tôi nói vui.
- Đâu có, lên đấy mới biết nhau. Bộ đội mà gặp thanh niên xung phong thì chú biết rồi đấy - ông Tỵ cười lớn.
Tôi cũng cười theo ông mà nói:
- Như cá gặp nước, phải không bác?
Ông Tỵ cầm tay tôi giật giật, tôi cũng nắm chặt tay ông, cảm thấy như nhiệt huyết thời tuổi trẻ của người du kích Đại Lịch năm xưa đang truyền niềm hứng khởi sang tôi.
Hiền Lương
Các tin khác
YBĐT - Từ thị trấn huyện lỵ Mù Cang Chải, theo con đường bê tông chạy ngoằn ngoèo lên đỉnh núi với độ dốc trên 10 phần trăm, qua những cánh rừng thông, khoảng nửa giờ đi xe máy, chúng tôi đến với Kim Nọi, một xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải.
YBĐT - "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Trong cuộc đời này vẫn luôn có những tấm lòng không "để gió cuốn đi" mà ở lại những nơi cần nó cho hoa trái thương yêu lan tỏa giữa cuộc đời.
YBĐT - Chỉ một lần thôi đã đủ để người đến đây cảm nhận muôn bề khó khăn, thiếu thốn, mới thấy được sự hy sinh, lòng yêu nghề, mến trẻ của những người gánh vác trên vai trọng trách nặng nề nhưng rất đỗi vinh quang của nghiệp “trồng người” ở bản Háng Tày - nơi xa xôi nhất huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Rau - món ăn không thể thiếu trong bữa ăn mỗi gia đình. Nhưng hiện nay, rau đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi thị trường rau đang “nhập nhằng” giữa rau sạch và rau không sạch.