Kỳ 1: Ảo vọng cuộc sống mới
- Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2016 | 3:29:12 PM
YBĐT - Rời nhà, bỏ bản chỉ sau những cuộc điện thoại với kẻ xa lạ chưa một lần gặp mặt, nhiều phụ nữ vùng cao vượt biên trái phép trong ảo vọng về một cuộc sống mới an nhàn, sung sướng. Nhưng, sự thật lại là những câu chuyện đắng lòng!
Công an huyện Mù Cang Chải tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ người dân tộc thiểu số không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu.
|
Nỗi niềm người ở lại
Sán Trá là thôn đặc biệt khó khăn ở xã Bản Công (Trạm Tấu). Cuộc sống vốn đã nhiều khó khăn, nay nhiều gia đình người Mông ở Sán Trá lại thêm trĩu nặng nỗi lòng vì chuyện người phụ nữ trong gia đình bỗng dưng bỏ nhà, rời bản. Lên Sán Trá, chúng tôi thật chẳng khó khăn gì để gặp nhiều người đàn ông Mông trong nỗi niềm đau đáu về những người phụ nữ trong gia đình bỗng vắng nhà, không hẹn ngày về.
Ông Thào A Câu kể về câu chuyện có tới 2 cô con gái cùng rời nhà ra đi bằng ánh mắt thẫn thờ, bần thần đến tội: "Đứa lớn tên là Thào Thị Sông đã bỏ đi được 8 năm nay rồi. Đứa thứ hai tên Thào Thị Dua bỏ đi 7 tháng nay. Hai đứa nó trước khi đi đều chỉ nói xin bố mẹ xuống chợ huyện mua dép và sắm đồ rồi không thấy trở về. Tôi giận con lắm! Vất vả nuôi nấng chúng mà chúng nỡ bỏ bố mẹ đi".
Cùng nỗi niềm như ông Câu, người đàn ông Mông đã ở tuổi 50 Thào A Say lại phải bận lòng về người vợ bỏ nhà đi từ cuối năm ngoái, còn mang theo cả đứa con gái mới 3 tuổi. Ông Say bảo: "Sau khi bỏ đi, vợ gọi điện về cho tôi biết là đã lấy chồng bên Trung Quốc rồi. Lúc vợ gọi điện, nghe tiếng con khóc qua điện thoại, thương lắm!".
Câu chuyện về những người phụ nữ trong bản đi khỏi nhà, khỏi bản, khỏi địa phương không còn xa lạ gì nữa ở Sán Trá trong một vài năm qua và gia tăng mạnh nhất là 3 năm trở lại đây. Trưởng thôn Sán Trá - ông Thào A Chống cho biết: "Từ năm 2008 đến nay, cả bản có 15 phụ nữ rời khỏi địa bàn, trong đó 7 người gọi điện về nói cho gia đình biết là đã bị lừa bán sang Trung Quốc".
Ở Trạm Tấu, các xã: Bản Công, Bản Mù, Xà Hồ, Trạm Tấu, Pá Hu, Túc Đán, Làng Nhì, Hát Lừu đều có trường hợp phụ nữ vắng mặt tại địa phương lâu ngày. Theo số liệu thống kê của Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu, đến thời điểm cuối tháng 3 năm 2016, trên địa bàn huyện có 79 phụ nữ vắng mặt lâu ngày tại địa phương.
Nậm Có (Mù Cang Chải) cũng là một trong những địa phương gia tăng tình trạng phụ nữ đi khỏi địa bàn. Dân cư Nậm Có phần lớn là người Mông. Theo thống kê của Công an xã, từ năm 2010 đến nay, Nậm Có đã có 59 chị em phụ nữ đi khỏi địa bàn. Ở xã Lao Chải (Mù Cang Chải), theo thống kê của Công an xã, tính từ năm 2008 đến nay, có 164 chị em phụ nữ đi khỏi địa phương; trong đó, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 có 60 trường hợp bỏ đi, trong số đó có 4 trường hợp đã quay về.
Mỗi một người phụ nữ rời bản ra đi là để lại một nỗi niềm đau đáu cho người thân là cha mẹ, là chồng, là con… Những người đàn ông vùng cao cũng chẳng mấy khi vượt qua dốc núi quen thuộc của bản làng cũng chỉ biết bần thần, buồn tủi nhớ vợ, thương con mà chẳng thể làm gì hơn.
Nghìn lẻ nguyên cớ ra đi
Thường thì người ta sẽ nghĩ ngay đến cái nghèo, cái khó khiến những người phụ nữ nọ đi tìm một cuộc sống mới.
Anh Lù A Dình ở bản Có Mông, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) kể rằng: "Hai vợ chồng lấy nhau 10 năm, cuộc sống rất khó khăn. Sáng hôm ấy vợ bế con mới 8 tháng tuổi theo và bảo tôi là đi chợ mua sắm nhưng rồi không thấy về nữa. Một thời gian sau, vợ gọi điện về bảo là vì ở nhà nghèo khổ quá nên bỏ đi sang Trung Quốc nhưng giờ cũng khổ lắm, muốn về mà không về được".
Chị Sùng Thị Già ở bản Dào Xa, xã Lao Chải (Mù Cang Chải) cũng là người đã trở về sau khi vượt biên trái phép sang Trung Quốc cho hay, vì cuộc sống ở nhà khó khăn nên nghe theo người ta dụ dỗ rằng đi sang Trung Quốc làm được 350.000 đồng tiền công một ngày mà chị đi theo. Thế nhưng, chuyện những người phụ nữ này bỏ đi nếu chỉ vì cuộc sống nghèo khó thì có lẽ đơn giản hơn nhiều.
Một cán bộ ở xã Bản Công (Trạm Tấu) cũng đành ngậm ngùi tâm sự: "So với nhiều gia đình khác trong bản, kinh tế của gia đình tôi cũng chả đến nỗi nào, không đến mức dư giả nhưng tôi chẳng để cho vợ con phải đói bữa nào. Vậy mà, cô ấy vẫn bỏ đi. Tôi không biết vì sao nữa. Mâu thuẫn vợ chồng cũng không có".
Còn chị Chang Thị Dí ở xã Nậm Có (Mù Cang Chải), sinh năm 1984, so với chị em thì đã quá tuổi lấy chồng nên muốn sang Trung Quốc để tìm chồng. Giờ, chị đã trở về địa phương, chuyện chồng con không rõ thế nào, chỉ biết thể chất tàn lụi, tinh thần bất thường rồi ốm nằm liệt một chỗ, phải để mẹ già phục vụ, chăm sóc.
Mỗi người một điều kiện sống, một hoàn cảnh, một nguyên cớ nhưng dường như đều chung ảo vọng về một cuộc sống mới. Một mẫu số chung nữa cho những cuộc ra đi của họ ấy là cái cách họ rời nhà, bỏ bản. Và chuyện những người phụ nữ ấy không biết họ cũng chính là nạn nhân của những trò lừa gạt, dụ dỗ có lẽ cũng là một mẫu số chung hiển nhiên, từ chính trải nghiệm thực tế của họ.
Sau những cuộc điện thoại
Chuyện những người phụ nữ ở vùng cao bị lừa gạt, dụ dỗ vượt biên trái phép không mới. Nhưng hẳn rằng, chưa bao giờ những người phụ nữ vùng cao lại chủ động bỏ lại chồng con, gia đình, rời khỏi địa phương, vượt biên trái phép thường chỉ sau những cuộc điện thoại lại xảy ra nhiều như bây giờ.
Chúng tôi gặp hai phụ nữ trẻ người Mông ở Sán Trá, xã Bản Công (Trạm Tấu) vừa trở về sau một chuyến bỏ đi hụt: Chang Thị Dệ và Mùa Thị Chu, đều đã có gia đình. Hai chị kể lại câu chuyện của mình trong e dè, ngần ngại, có lẽ vì cũng hiểu việc làm của mình ít nhiều không đúng, không hay. Cũng may, cũng vì ít nhiều nhận thức được thế nên hai người phụ nữ này giờ còn được ở bên chồng con.
Chang Thị Dệ bảo: "Kẻ xấu liên lạc với em và Mùa Thị Chu qua điện thoại, nói ngon ngọt là sẽ đem lại hạnh phúc và cuộc sống nhàn hạ cho bọn em. Sau ba lần bọn chúng gọi điện, chúng em đồng ý đi. Đầu tháng 3 năm nay, chúng hẹn đón bọn em ở bến xe Yên Bái. Kẻ xấu hướng dẫn bọn em bắt xe từ huyện Trạm Tấu ra thành phố Yên Bái rồi bọn chúng đón. Khi đến nơi, thấy người đàn ông đến đón bọn em vừa xấu vừa béo, trông lại đáng sợ nên chúng em nghĩ mình đã bị lừa. Chúng em đã gọi điện ngay cho chồng và xã nói rằng bị lừa, đang ở bến xe Yên Bái. Nghe bọn em gọi điện, người đàn ông đó đã bỏ đi".
Chị Sùng Thị Dùa ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù (Trạm Tấu) thành thật kể rằng, chị vốn không dùng điện thoại nhưng một ngày cô em dâu bảo chị có người họ hàng ở Mộc Châu (Sơn La) đã sang Trung Quốc nói rằng, bên đó sống sung sướng lắm, nếu chị muốn đi thì sẽ cho chị nói chuyện với họ. Rồi em dâu đưa cho chị dùng luôn điện thoại của mình. Chị Dùa lén lút giấu chồng mua một cái sim mới, giấu chiếc điện thoại lên chái nhà, khi nào chồng vắng nhà thì mới liên lạc với một người đàn ông bảo là sẽ giúp chị đi Trung Quốc nếu chị muốn.
"Người đàn ông ấy bảo ở bên đấy không phải làm gì cả, có cả bao tải tiền để tiêu. Đi sang thì cứ việc gọi điện cho họ, họ sẽ hướng dẫn cách đi" - chị Dùa kể. Thế rồi, chỉ với cái cớ sau lần bị chồng mắng vì bị công an phạt khi tham gia giao thông, chị Dùa đã bỏ đi theo lời người ta hướng dẫn qua điện thoại với mơ tưởng rằng, cuộc sống phía bên kia biên giới sẽ sung sướng, nhàn hạ.
Không mơ một cuộc sống nhàn hạ như nhiều phụ nữ vượt biên khác, Vàng Thị Nu - một cô gái trẻ, có học thức lại trở thành người vượt biên trái phép bởi một chiêu trò khác của kẻ lừa đảo.
Năm 2015, Nu đang là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng ở Yên Bái, đã quen biết với một người đàn ông nói tên Sì Hở qua mạng xã hội. Qua nhiều lần liên lạc, trò chuyện, Nu được Sì Hở bày tỏ tình cảm yêu đương. Sau một thời gian chuyện trò yêu đương, Sì Hở mời Nu lên Lào Cai để giới thiệu với gia đình. Nhưng khi đến Lào Cai, Nu đã bị lừa đưa sang Trung Quốc bán. Bị giam giữ một thời gian, rồi Nu bỏ trốn được và tìm được công an Trung Quốc giúp đưa cô về nước.
Nu kể lại câu chuyện của mình trong ngân ngấn nước mắt: "Nếu không vì nhẹ dạ, cả tin thì em đã không bị lỡ dở học hành như bây giờ". Lỡ dở học hành, giờ Nu trở về lụi cụi với đồi nương trong bao điều tiếc nuối.
Chỉ sau vài ba cuộc điện thoại với kẻ lạ mặt, nhiều phụ nữ ở vùng cao đã sẵn sàng bỏ lại chồng con để đi, không chút mảy may suy nghĩ. Vùng cao, sóng điện thoại dư thừa. Chuyện mua được chiếc điện thoại cũng chẳng khó khăn gì, có khi chỉ dăm chục, một trăm, như chính nhiều người dân đã nói. Còn những người phụ nữ, họ liên lạc với ai, nhiều khi, người thân của họ cũng chẳng hề hay biết.
Thu Hạnh - Đức Hồng
Kỳ II: “Thấy sự thật, lòng mới chừa”
(Kỳ sau đăng tiếp)
Các tin khác
YBĐT -Nếu như nỗi đau của mẹ Sinh là mất đi 2 người con dứt ruột đẻ ra, thì Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Tha, 92 tuổi cũng là nỗi đau mất đi người chồng, người con trai của mình.
YBĐT - "Trong vòng 2 tháng, Đội du kích Đại Lịch đã đánh 3 trận liên tiếp giành thắng lợi cả 3, chú ạ! Đấy là chưa kể tới những trận phục kích bắn tỉa ở đèo Đát, khe Căng, khe Sén…" , ông Hoàng Đình Tỵ - đội viên đầu tiên của Đội du kích năm xưa kể.
YBĐT - Từ thị trấn huyện lỵ Mù Cang Chải, theo con đường bê tông chạy ngoằn ngoèo lên đỉnh núi với độ dốc trên 10 phần trăm, qua những cánh rừng thông, khoảng nửa giờ đi xe máy, chúng tôi đến với Kim Nọi, một xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải.
YBĐT - "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Trong cuộc đời này vẫn luôn có những tấm lòng không "để gió cuốn đi" mà ở lại những nơi cần nó cho hoa trái thương yêu lan tỏa giữa cuộc đời.