Chuyện từ vùng tre măng Bát độ Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/8/2016 | 9:42:25 AM

YBĐT - Được triển khai trồng từ đầu những năm 2000, đến nay Trấn Yên đã có một vùng tre măng rộng lớn, diện tích lên đến hàng nghìn héc-ta, tập trung ở Kiên Thành, Quy Mông, Y Can, Tân Đồng, Hồng Ca. Rất nhiều hộ gia đình, nhiều làng quê đã trở nên giàu có nhờ cây tre măng Bát độ.

Chế biến măng tre Bát Độ xuất khẩu tại huyện Yên Bình.
Chế biến măng tre Bát Độ xuất khẩu tại huyện Yên Bình.

Cây tre măng Bát độ đã “đứng vững” trên núi, đồi Trấn Yên! Với những ưu thế như: phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; dễ làm, phù hợp với trình độ canh tác của bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; mùa vụ thu hoạch kéo dài (4 đến 5 tháng), thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán khá cao; trồng một lần, thu hoạch nhiều năm.

Về mặt lợi ích xã hội, rừng tre măng Bát độ còn phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái… Được triển khai trồng từ đầu những năm 2000, đến nay Trấn Yên đã có một vùng tre măng rộng lớn, diện tích lên đến hàng nghìn héc-ta, tập trung ở Kiên Thành, Quy Mông, Y Can, Tân Đồng, Hồng Ca. Rất nhiều hộ gia đình, nhiều làng quê đã trở nên giàu có nhờ cây tre măng Bát độ.

Năm 2016, thời tiết, khí hậu đặc biệt thuận lợi cho cây tre măng Bát độ sinh trưởng và phát triển. Mới đầu tháng 6 dương lịch mà măng đã mọc tua tủa (sớm hơn mọi năm gần 1 tháng); mưa xuống rồi nắng lên, ngọn nào, ngọn nấy bật đất vươn lên mập mạp. Nông dân được mùa măng là điều mà cả cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và người dân đều khẳng định.

Không chỉ được mùa, niên vụ 2016 măng còn được giá, doanh nghiệp mua sô (cả ngọn, cả ống) với giá 4.500 đồng/kg; măng củ đem bán tươi cho các bà nội trợ làm thức ăn lên đến 10.000 đồng/kg; măng ngọn được các chủ lò sấy măng khô thu mua giá từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng/ kg. Vậy là chặt ngọn măng bán được hơn chục nghìn, ngọn to thu về cả mấy chục nghìn; tải măng bán được mấy trăm nghìn đồng. Năng suất măng bình quân đạt 20 tấn/ha, nhiều hộ nhờ chăm sóc, thu hoạch đúng kỹ thuật còn thu được trên, dưới 30 tấn/ha.

Vậy là bạc tỷ chắc chắn về tay người trồng măng. Tuy nhiên, ngay trong niềm vui lớn bởi được mùa, được giá ấy đã xuất hiện những nỗi lo, đòi hỏi cả người trồng măng, cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến măng và chính quyền nhìn nhận một cách thấu đáo, đưa ra giải pháp hợp lý, để vùng măng tiếp tục ổn định và phát triển.

Nông dân đang ồ ạt chặt măng củ! Đó là điều mà bất cứ ai cũng nhận ra: măng bày bán ở chợ; măng theo xe máy, ô tô tải vận chuyển đi tiêu thụ; đống măng cao chất ngất tại các điểm thu mua của doanh nghiệp… ngọn nào, ngọn nấy ngắn cũn, phần củ chiếm tới trên 70% trọng lượng. Kỹ sư Trần Thị Hoàn Liên - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Trấn Yên, kiêm Phó Ban quản lý Dự án Tre măng Bát độ nhận định: “Tỷ lệ măng củ lớn là dấu hiệu không hề tốt cho vùng măng.

Bà Liên giải thích thêm: “Chúng tôi đã khuyến cáo kỹ, tuyên truyền rất mạnh, để người trồng măng nào trong huyện cũng nắm rõ, cần phải hạn chế thu hái măng củ, đợi cây măng lên cao mới được chặt bán, vì khi cây măng lên cao, phần củ còn lại sau khi chặt đã già nên măng sẽ tiếp tục mọc; ngược lại khi chặt măng củ, gốc măng còn quá non, gặp phải nước mưa sẽ thối và chết, măng sẽ không mọc tiếp”.

Đúng như lời khẳng định của Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện, không có người trồng măng nào là không nắm rõ kỹ thuật thu hoạch cơ bản này nhưng vì cái lợi trước mắt nên bà con cứ làm bừa. Bà Hoa ở xã Hồng Ca cho biết: “Cũng chỉ vì tâm lý khách hàng (người thu mua măng tươi về ăn) thích măng củ cho thật non nên chúng tôi mới chiều”.

Thực tế, sản lượng măng làm thức ăn tươi hàng ngày đã tăng mạnh, nhất là sau khi người ta phát hiện ra “trò” đưa chất vàng ô độc hại vào nhuộm măng có màu vàng. Số măng đem bán ở chợ Yên Bái, Cổ Phúc, Hà Nội… chẳng thấm tháp gì so với tổng sản lượng hàng ngàn, hàng vạn tấn.

Nhưng câu chuyện tại các cơ sở chế biến thì lại khác, rất nhiều cơ sở chế biến măng Bát độ đưa ra mức giá thu mua măng ngọn, măng củ với giá 5.000 đồng đến 5.500 đồng/ kg, măng ống chỉ mua với giá 3.500 đồng đến 4.000 đồng/kg; đặc biệt, các lò sấy măng chỉ mua măng ngọn loại ngon với giá 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, tuyệt nhiên không mua măng ống.

Sự chênh lệch về giá quá lớn đã đẩy người trồng măng đứng trước sự lựa chọn và họ đã ngả theo hướng sản phẩm bán được giá cao. Tình trạng chặt măng củ đem bán còn đẩy doanh nghiệp thu mua cả măng ngọn, cả măng ống dẫn đến hoàn cảnh dở khóc, dở cười; không ít đại lý sau một tháng toàn thu mua được măng ống, vì vậy đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất và đơn hàng đã ký kết với đối tác tiêu thụ sản phẩm.

Cứ chặt măng củ đem bán thì chắc chắn sản lượng măng sẽ giảm và phần thiệt hại lớn nhất sẽ thuộc về người nông dân. Một bác nông dân ở Khe Chè xã Y Can (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Người ăn măng tươi cứ thích thật non là sai lầm, bởi măng Bát độ củ non mà đem luộc hay hầm vịt, hầm xương thì nhũn lắm, để già mới giòn, mới ngon. Đừng lo măng già ăn xơ nhé vì măng Bát độ thành phần xen-lu-lô thấp lắm! Bà con mình còn vì cái lợi trước mắt mà chặt măng củ đi bán, làm thế sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của rừng măng, sản lượng chắc chắn sẽ giảm đi nhanh chóng”.

Sau nỗi lo “măng củ, măng non” là nỗi lo tranh mua, tranh bán măng Bát độ. Có thể khẳng định rằng, thị trường măng Bát độ ở Trấn Yên đang có dấu hiệu lộn xộn. Đa dạng hóa khách hàng, hay nói một cách đơn giản là càng nhiều người đến mua sản phẩm cho nông dân thì càng tốt, nhưng sự cạnh tranh phải lành mạnh, vì mục tiêu phát triển chung, không được thu mua bằng mọi cách, bất chấp phẩm cấp, ảnh hưởng đến vùng măng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn Trấn Yên đã xuất hiện ít nhất 5 doanh nghiệp thu mua măng với khối lượng lớn, điều đáng nói là có những doanh nghiệp ở Lạng Sơn, Lào Cai và hàng trăm lò sấy măng thủ công chỉ mua măng ngọn. Vùng măng Bát độ ở huyện Trấn Yên đã hình thành “đội quân” thu gom măng khá hùng hậu lên tận rừng măng mua gom rồi vận chuyển đi tiêu thụ.

Nếu như nhiều doanh nghiệp cùng đến thu mua măng, thu mua theo đúng phẩm cấp, tiêu chuẩn kỹ thuật và cạnh tranh để tạo nên giá tốt cho dân thì quý quá nhưng chỉ tập trung mua loại măng ngọn, không mua hoặc mua với giá rất thấp măng ống, gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, sự sinh trưởng và phát triển của rừng măng thì cần phải xem xét lại. Huyện Trấn Yên, chính quyền các xã và nhất là người trồng măng cũng cần phải lưu tâm đến Công ty Vạn Đạt.

Là doanh nghiệp có công lớn trong việc hình thành và phát triển vùng măng Bát độ ở Trấn Yên, Công ty Vạn Đạt đã bỏ ra khá nhiều tiền bạc, công sức để cùng với chính quyền và cán bộ tuyên truyền người dân trồng măng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái tre măng.

Vạn Đạt cam kết và thực hiện nghiêm chỉnh cam kết bảo đảm đầu ra cho cây măng, bất chấp thị trường lúc thuận lợi hay khi khó khăn; các đại lý thu mua măng của Vạn Đạt đặt tận thôn bản, hàng năm tổ chức thu mua sớm nhất (ngay khi có những ngọn măng đầu tiên) và kết thúc cuối cùng (thường vào cuối tháng 10); đặc biệt Vạn Đạt còn ứng tiền mua giống và phân bón cho dân trồng măng, chỉ thu tiền sau 3 năm (khi rừng tre măng cho thu hoạch) và mỗi năm thu 1/3 số nợ.

Chính sự quyết tâm của Vạn Đạt nên ngay từ khi triển khai dự án, huyện Trấn Yên đã chọn doanh nghiệp này là đối tác, cam kết làm ăn lâu dài với hợp đồng thỏa thuận. Tiếc là mối liên kết ba bên (Nông dân - Doanh nghiệp - Chính quyền) đang bị không ít bà con mình bội tín, phá vỡ! Chỉ vì một trăm đồng mỗi cân măng tươi, bà con quên luôn người bạn trung thành của mình; không ít hộ dân không bán măng cho Công ty Vạn Đạt hoàn toàn không phải vì giá chênh nhau mỗi cân 100 đồng lẻ mà vì bán cho Vạn Đạt sẽ bị thu tiền giống!

Thật đáng buồn và đáng trách! Họ giúp mình có rừng măng, thu bạc triệu, bạc tỷ; xây nhà, mua xe từ tiền bán măng rồi, không cảm ơn họ thì thôi, ai đời quỵt luôn tiền giống, vốn họ ứng cho mình?!

Ông Trần Hữu Thành - Phụ trách Công ty Vạn Đạt tại Yên Bái cho biết: “Hiện nay nông dân Trấn Yên vẫn còn nợ Công ty hơn 1,6 tỷ đồng tiền giống măng, nhiều món nợ từ năm 2003, 2004. Tiền có đồng, cá có con, người trồng măng sớm muộn gì cũng phải trả, nhưng điều quan tâm lớn nhất đối với chúng tôi là khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu; nhiều doanh nghiệp chẳng cần đầu tư tiền bạc, công sức gì cứ nhảy vào vùng nguyên liệu cạnh tranh thiếu lành mạnh. Chuyện chẳng khác gì đợi Vạn Đạt trồng cây xong, đợi đến khi có quả là nhảy vào cùng hái”.

Niên vụ 2016, thời tiết rất thuận lợi cho tre măng phát triển. (Trong ảnh: Sơ chế măng Bát độ tại Công ty Vạn Đạt).

Nói về vấn đề này, một lãnh đạo UBND xã Hồng Ca tâm sự: “Dân mình nợ tiền giống măng suốt từ năm 2006, số tiền lên đến 390 triệu đồng, bà con mình không chịu bán măng cho Công ty mà cũng chẳng chịu trả nợ cho họ; nhiều khi anh em chúng tôi cũng thấy ái ngại mỗi khi gặp cán bộ Công ty Vạn Đạt. Khi vận động bà con bán măng cho Công ty Vạn Đạt để vùng măng được phát triển bền vững thì có người xấu bụng bảo: Cán bộ xã được Công ty trích phần trăm nên mới làm thế!”.

Khi măng được mùa, được giá và nhất là có nhiều người cùng đến mua, vùng măng còn xuất hiện tình trạng trộm cắp măng đem bán. Vì mải chơi, lười lao động, nhất là mắc nghiện ma túy, không ít kẻ xấu mang dao và bao tải lên rừng nhà hàng xóm chặt măng đem bán lấy tiền.

Rừng măng rộng bao la; trên đồi, trên núi làm sao mà rào dậu, trông nom hết, nỗi lo trộm măng chẳng khác nào nỗi lo bị bóc trộm quế một thời, bà con lo lắng lắm! Mới đây, thấy tình trạng mất cắp măng xảy ra, bà con xã Hồng Ca đã báo với chính quyền.

Lực lượng Công an xã vào cuộc, giải pháp tạm thời đưa ra là thông báo cho người thu mua măng phải hỏi rõ tên và địa chỉ người bán măng, khi công an viên hỏi thì trả lời được để tiện cho việc xác minh. Cách làm này tuy chưa nhận được sự hợp tác tốt từ phía người buôn măng nhưng qua đó đã phát hiện được mấy trường hợp trộm măng và tiêu thụ của gian, có người buôn măng còn bỏ lại mấy tải măng để “chạy lấy người”.

Chia tay vùng măng khi hoàn lưu cơn bão số 1 đang gây mưa trên diện rộng. Mưa xuống, măng lại mọc lên tua tủa. Măng được mùa, được giá nhưng vẫn còn đó những nỗi lo. Chuyện từ vùng tre măng cho thấy cấp ủy, chính quyền các xã vùng tre măng cần thể hiện hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình; người trồng tre măng nên tính toán thiệt hơn, đừng vội chặt măng củ, đừng nghĩ đến cái lợi trước mắt và đừng bội tín với “bạn” mình; Doanh nghiệp Vạn Đạt cũng cần có chính sách thu mua, nhất là áp dụng mức giá hợp lý, sát với thị trường, cạnh tranh được với doanh nghiệp khác.

Lê Phiên

Các tin khác
Cán bộ phụ nữ xã Hồng Ca (Trấn Yên) thăm hỏi, động viên chị Hờ Thị Kề (người phụ nữ thứ 2, phải sang) sau khi từ Trung Quốc trở về.

YBĐT - Trước mặt chúng tôi là người đàn bà Mông khá lầm lũi. Chị tên Phàng Thị Mai, ở thôn Sán Trá, xã Bản Công (Trạm Tấu) cũng trở về sau vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Dân bản bảo từ khi chị trở về cứ hay lầm lũi thế, ít nói, ít cười. Khi chúng tôi nhắc chuyện vượt biên, người đàn bà ấy bật khóc ngay lập tức...

Công an huyện Mù Cang Chải tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ người dân tộc thiểu số không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu.

YBĐT - Rời nhà, bỏ bản chỉ sau những cuộc điện thoại với kẻ xa lạ chưa một lần gặp mặt, nhiều phụ nữ vùng cao vượt biên trái phép trong ảo vọng về một cuộc sống mới an nhàn, sung sướng. Nhưng, sự thật lại là những câu chuyện đắng lòng!

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Tha quây quần bên con cháu.

YBĐT -Nếu như nỗi đau của mẹ Sinh là mất đi 2 người con dứt ruột đẻ ra, thì Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Tha, 92 tuổi cũng là nỗi đau mất đi người chồng, người con trai của mình.

Thế hệ trẻ bên di tích trận đánh đèo Din tại xã Đại Lịch (Văn Chấn).
(Ảnh: Sơn Nam)

YBĐT - "Trong vòng 2 tháng, Đội du kích Đại Lịch đã đánh 3 trận liên tiếp giành thắng lợi cả 3, chú ạ! Đấy là chưa kể tới những trận phục kích bắn tỉa ở đèo Đát, khe Căng, khe Sén…" , ông Hoàng Đình Tỵ - đội viên đầu tiên của Đội du kích năm xưa kể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục