An cư mới lạc nghiệp
- Cập nhật: Thứ năm, 18/8/2016 | 7:48:27 AM
YBĐT - Chị Giàng Thị Mỷ - hộ dân nằm trong diện được di dời đến nơi ở mới chia sẻ: “Lúc còn ở chỗ cũ, cứ mỗi lần có mưa là cả nhà không sao ngủ được, chỉ lo đất sạt. Bây giờ thì yên tâm rồi, ở đây an toàn mà vẫn có đất sản xuất”.
Khu tái định cư thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn là nơi ở ổn định của gần 100 hộ dân.
|
Là tỉnh nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, Yên Bái đã có nhiều giải pháp tích cực, chủ động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân. Đồng thời, vận dụng các chính sách để hỗ trợ kịp thời cho người dân, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống lâu dài khi di chuyển đến nơi ở mới.
Nỗi lo mùa mưa bão
Trong đợt mưa lớn cuối tháng 5 vừa qua, gia đình anh Hoàng Văn Toản ở thôn Búng Tàu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu bị sạt lở một phần ngôi nhà. Do được chính quyền địa phương cảnh báo trước nên mức độ thiệt hại không lớn. Ngay sau khi sạt lở đất xảy ra, xã đã huy động lực lượng đến giúp đỡ gia đình anh dọn dẹp nhà cửa, đồng thời lập biên bản yêu cầu gia đình cam kết di dời đến nơi ở an toàn hơn mỗi khi có mưa bão đến.
Anh Toản cho biết: “Mưa to, gió lớn gia đình không ai dám ở trong nhà mà phải di chuyển sang ở nhờ nhà anh em. Nhà mình nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền cũng đến vận động di dời đến nơi ở mới an toàn hơn song nhà mình gặp khó khăn về kinh phí nên chưa di chuyển được. Mình sẽ cố gắng di dời vào cuối năm nay”.
Vào năm 2014, có 4 hộ dân tại thôn Búng Tàu được di dời đến nơi ở mới an toàn theo Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, xã còn 4 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở; trong đó, thôn Búng Tàu 1 hộ, thôn Lừu 2 có 2 hộ và thôn Hát 2 còn 1 hộ. Hầu hết các hộ trên đều thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn. Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân, chính quyền địa phương đã gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, yêu cầu các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới. Trong quá trình di chuyển, xã sẽ huy động lực lượng đến giúp các hộ vận chuyển đồ đạc, dựng nhà mới...
Chúng tôi đến với thôn Pá Lau, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu. Hơn 1 năm trước, 17 hộ dân của thôn còn ở trong vùng có nguy cơ bị sạt lở cao khi mưa lũ xảy ra. Những vết nứt rộng trên 10 cm khiến chính quyền địa phương và các hộ dân ở đây không khỏi lo lắng. Ông Hứa Hoàng Thuyên - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Do địa chất ở vùng này yếu nên nguy cơ xảy ra sạt lở cao. Các hộ dân ở đây đều có kinh tế khó khăn nên việc di chuyển đến nơi ở mới an toàn không thể thực hiện được nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước. Do vậy, chúng tôi đã đề nghị huyện giúp đỡ kinh phí để tổ chức di chuyển các hộ đến nơi ở mới an toàn”.
Thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, huyện Trạm Tấu giao cho UBND xã Pá Lau sắp xếp quỹ đất, hỗ trợ 20 triệu đồng để 17 hộ dân này chuyển đến nơi ở mới an toàn mà vẫn đảm bảo ổn định sản xuất. Xã đã lựa chọn chòm đất Đở Dê thuộc thôn Tàng Ghênh làm nơi ở mới của các hộ dân ở thôn Pá Lau di chuyển đến. Đây là khu đất rộng vừa dựng được nhà vừa đảm bảo có đất để trồng cấy lại gần đường giao thông, thuận lợi cho sinh hoạt. Các công trình cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, điện, nước sinh hoạt... cũng được đầu tư xây dựng.
Chị Giàng Thị Mỷ - hộ dân nằm trong diện được di dời đến nơi ở mới chia sẻ: “Lúc còn ở chỗ cũ, cứ mỗi lần có mưa là cả nhà không sao ngủ được, chỉ lo đất sạt. Bây giờ thì yên tâm rồi, ở đây an toàn mà vẫn có đất sản xuất. Giờ chẳng phải lo nữa, chỉ tập trung làm ăn thôi”.
Với địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt trong mùa mưa bão. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, huyện Trạm Tấu đã có nhiều giải pháp tích cực phòng chống sạt lở cho người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu - Nguyễn Thành Hưng cho biết: “Toàn huyện có 25 hộ gia đình có nguy cơ bị sạt lở cao cần phải di dời, tập trung ở các xã: Tà Xi Láng, Phình Hồ, Pá Lau, Bản Công và Hát Lừu. Huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; phân công lực lượng cảnh giới tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra; rà soát, thống kê các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm để chủ động phương án di dời”.
Không chỉ ở Trạm Tấu, các địa phương trong tỉnh như Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải... đều có các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời. Theo quy hoạch giai đoạn 2013 - 2015, toàn tỉnh có 3.181 hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị thiên tai đe dọa cần phải di dời. Tỉnh đã lập kế hoạch xây dựng 47 điểm dân cư mới theo hình thức tập trung và xây dựng 396 điểm dân cư theo hình thức xen ghép, ổn định tại chỗ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân.
Cán bộ xã Pá Lau thăm và động viên người dân di chuyển đến nơi ở mới an toàn tại chòm Đở Dê.
Tăng dần các khu tái định cư xen ghép
Đến hết năm 2015, toàn tỉnh mới di dời, ổn định cuộc sống 376 hộ. Trong đó, hình thức bố trí dân cư tập trung 108 hộ; xen ghép 266 hộ; ổn định tại chỗ 2 hộ. Theo ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai thực hiện các dự án di dân trong thời gian qua cơ bản đảm bảo quỹ đất sản xuất cho các hộ gia đình. Nơi không có điều kiện về quỹ đất thì thực hiện bố trí dân cư trong phạm vi gần để sản xuất tại đất cũ; hoặc tổ chức đào tạo nghề cho lao động để đồng bào có việc làm, ổn định đời sống. Những địa phương còn quỹ đất tổ chức khai hoang hoặc chuyển nhượng đất đai giữa hộ sở tại với hộ mới đến. Bình quân diện tích đất bố trí cho hộ ở các khu dự án tái định cư tập trung đạt trên 250 m2/hộ.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2013 - 2015 tại các dự án đầu tư bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 9,1 km đường giao thông, san lấp mặt bằng khu tái định cư 10,8 ha, xây dựng hệ thống điện gồm: 3 trạm biến áp, trên 6,1 km đường dây trung và hạ thế; xây dựng 3 công trình cấp nước sinh hoạt, 3 công trình hệ thống thoát nước, đào 10 giếng nước, 3 bể chứa nước và 1 chiếc cầu nông thôn. Thông qua các chương trình bố trí dân cư, nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống ổn định. |
Bên cạnh đó, các địa phương đã chỉ đạo tập trung đưa các giống cây lương thực, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp có năng suất cao, khả năng chống chịu thời tiết, sâu bệnh tốt vào sản xuất; chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hộ dân di cư. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung đầu tư mạnh cho sản xuất nông, lâm nghiệp; trong đó, ưu tiên các hộ gia đình di dân.
Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực, cố gắng của người dân, đời sống của các hộ di dân cơ bản đảm bảo, củng cố lòng tin của các hộ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện dự án tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ phía chính quyền các cấp và cả người dân.
Qua tìm hiểu tại các địa phương cho thấy, việc thực hiện các dự án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai đã mang lại những hiệu quả xã hội tích cực; việc di dân theo hình thức xen ghép phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, phong tục tập quán và phương thức sản xuất của đồng bào.
Ông Mai Mộng Tuân khẳng định: “Tỉnh Yên Bái sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho nhân dân, tập trung di dân theo hình thức xen ghép do mức vốn đầu tư thấp. Việc này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, đoàn thể các cấp, anh em trong dòng họ để họ tự nguyện nhường đất hoặc chuyển nhượng đất cho các hộ gia đình phải di chuyển, trong đó coi trọng phương án giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho nhân dân".
"Tỉnh sẽ chủ động rà soát, đánh giá lại toàn bộ nhu cầu tái định cư để kiến nghị với trung ương một cách chính xác, trên cơ sở tăng dần các khu tái định cư xen ghép, giảm dần các khu dân cư tập trung; rà soát, điều chỉnh lại quy mô một số dự án cho phù hợp với nhu cầu thực tế, trên cơ sở tăng diện tích đất sản xuất để người dân an cư, lạc nghiệp” - ông Tuân nói.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Được triển khai trồng từ đầu những năm 2000, đến nay Trấn Yên đã có một vùng tre măng rộng lớn, diện tích lên đến hàng nghìn héc-ta, tập trung ở Kiên Thành, Quy Mông, Y Can, Tân Đồng, Hồng Ca. Rất nhiều hộ gia đình, nhiều làng quê đã trở nên giàu có nhờ cây tre măng Bát độ.
YBĐT - Trước mặt chúng tôi là người đàn bà Mông khá lầm lũi. Chị tên Phàng Thị Mai, ở thôn Sán Trá, xã Bản Công (Trạm Tấu) cũng trở về sau vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Dân bản bảo từ khi chị trở về cứ hay lầm lũi thế, ít nói, ít cười. Khi chúng tôi nhắc chuyện vượt biên, người đàn bà ấy bật khóc ngay lập tức...
YBĐT - Rời nhà, bỏ bản chỉ sau những cuộc điện thoại với kẻ xa lạ chưa một lần gặp mặt, nhiều phụ nữ vùng cao vượt biên trái phép trong ảo vọng về một cuộc sống mới an nhàn, sung sướng. Nhưng, sự thật lại là những câu chuyện đắng lòng!
YBĐT -Nếu như nỗi đau của mẹ Sinh là mất đi 2 người con dứt ruột đẻ ra, thì Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Tha, 92 tuổi cũng là nỗi đau mất đi người chồng, người con trai của mình.