Tránh “vết xe đổ” cho nghề nấu dầu quế
- Cập nhật: Thứ tư, 26/10/2016 | 4:33:12 PM
YBĐT - Nghề chưng cất tinh dầu quế ở Yên Bái đang có dấu hiệu đi theo “vết xe đổ” của chế biến chè và chế biến gỗ bóc - một thực trạng đáng lo ngại, cần có sự ra tay của các cơ quan quản lý Nhà nước để không xuất hiện tình trạng sản xuất đìu hiu, doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm và ngân hàng thương mại thêm những khoản nợ khó đòi.
Huyện Văn Chấn có vùng quế khá lớn nhưng chỉ có một nhà máy chưng cất tinh dầu quế, nên cơ sở chế biến này luôn chủ động được nguyên liệu. (Ảnh: Sơn Nam)
|
Con đường đi của nghề chưng cất tinh dầu quế đang rất giống với ngành nghề chế biến chè đen cách đây 20 năm và nghề làm gỗ bóc cách đây khoảng 10 năm. Bắt đầu từ nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, cơ chế quản lý thông thoáng; ngành chức năng, chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân mở doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mở đầu ra cho sản phẩm nông lâm nghiệp; tạo ra nguồn hàng, mang lại giá trị sản xuất công nghiệp và nộp thuế cho Nhà nước. Những xưởng chè mi ni, công nghệ lạc hậu, nhà xưởng tạm bợ mọc lên san sát, chẳng ai quan tâm đến vùng nguyên liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường...
Toàn những vấn đề đầu tiên, quan trọng cho một đơn vị sản xuất, chế biến nông lâm sản mà không được quan tâm, như vậy thì đừng mong là sẽ có chuyện đổi mới công nghệ, liên doanh liên kết, đa dạng hóa sản phẩm, tìm đường xuất khẩu, phát triển sản xuất bền vững. Nhiều nhà máy chè nhưng quy mô rất nhỏ, phần lớn công suất 5 đến 10 tấn chè búp tươi/ngày với vài cái cối vò, một cái máy sấy, một cái lò lấy nhiệt (đốt than hoặc củi) và ba cái hộc làm héo...
Mùa chè đến, các xưởng tiến hành tổ chức thu mua chè tươi, chế biến qua loa rồi đem mặt hàng bán thành phẩm, chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đi chào bán. Người này kiếm ăn được, người kia cũng vay mượn tiền, mua máy móc về làm. Toàn tỉnh đã có hàng trăm cơ sở chế biến chè như thế ra đời. Những vùng chè như Nghĩa Tâm, Đại Lịch (Văn Chấn) có cả chục nhà máy chè nằm ở hầu khắp các thôn bản.
Yên Bái là tỉnh có diện tích chè vào hàng lớn nhất cả nước, vậy mà công suất thiết kế đã nhanh chóng vượt xa sản lượng chè búp tươi. Điều đó, đồng nghĩa với việc các nhà máy đều “đói” nguyên liệu và giải pháp mà các cơ sở chế biến đưa ra chỉ có thể là nâng giá thu mua, hạ tiêu chuẩn kỹ thuật. Búp chè một tôm hai lá chỉ còn trên lý thuyết. Còn thực tế, mỗi búp dài 20 đến 30 cm và một tôm 5, 6, 7 lá là chuyện bình thường! Tình trạng thảm hại tới mức, cái máy hái chè - bước đột phá về công nghệ, giúp người dân giải phóng sức lao động được người ta coi là tội đồ “cắt đứt vùng nguyên liệu”.
Họ nói vậy mà không chịu nghĩ, cái máy nào có tội tình gì? Búp chè dài hay ngắn là do tay người điều chỉnh! Ở góc độ khác, búp chè dài mấy, già mấy mà các nhà xưởng cũng thu mua thì tội gì người nông dân không để chè già mới hái, cắt cho nặng cân, cho thêm tý tiền. Thu hái chè kiểu tận thu thì cây chè sẽ kiệt quệ, chế biến mà không quan tâm đến chất lượng đầu vào, công nghệ lạc hậu, bỏ qua yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm thì rất khó bán hoặc bán với giá rất thấp. Làm ăn kiểu chụp giật như thế thì con đường đưa nhau đi đến phá sản cũng là điều tất yếu.
Sau chè là gỗ bóc cũng ồ ạt đầu tư và cạnh tranh nguyên liệu bằng việc đẩy giá thu mua nguyên liệu; gỗ non, gỗ già, gỗ thẳng, gỗ cong... bất chấp hết, cứ tranh mua cho bằng được. Giá nguyên liệu chỉ có tăng và tăng, trong khi chi phí sản xuất không giảm, giá bán ván vẫn ổn định, đôi lúc còn hạ thì lấy đâu ra có lãi. “Cái khó ló cái gian”.
Không ít chủ xưởng gỗ làm ăn gian dối bằng cách bóc ván hụt ly (trà trộn ván mỏng vào ván đủ độ dày để bán). Nhưng đúng như các cụ đã nói “Cái kim trong bọc còn có ngày lòi ra”, đằng này là cả trăm, cả vạn m3 ván bóc. Kiểu ăn gian, làm dối nhanh chóng bị phát hiện để rồi thị trường Trung Quốc dễ tính và cần nguyên liệu ván bóc như vậy mà cũng phải từ bỏ ván bóc Yên Bái. 90% đầu ra của ván bóc là thị trường Trung Quốc, nên họ quay lưng thì 90% xưởng chế biến gỗ bóc ở ta đóng cửa. Hậu quả tiếp theo là, những khu vực như thôn Phương Đạo, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên có đến hơn 60 cái máy bóc gỗ chỉ đắp chiếu để đó rồi bán sắt vụn dần dần.
Không rầm rộ như xưởng chè mi ni ở Văn Chấn, không ồ ạt như gỗ bóc ở Trấn Yên, Yên Bình, lĩnh vực chưng cất tinh dầu quế phức tạp hơn nhiều, đặc biệt là tổng mức đầu tư. Theo tính toán, một cơ sở chưng cất tinh dầu quy mô nhỏ đầu tư cũng hết 5 đến 7 tỷ đồng; nhà máy quy mô lớn tốn ít nhất 40 đến 50 tỷ, chưa kể vốn lưu động cần tối thiểu 2 đến 3 tỷ đồng nữa...
Khó khăn, phức tạp thật, nhưng không phải là không thể làm được. Nếu công việc kinh doanh thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì vài trăm tỷ, vài nghìn tỷ, các doanh nhân, doanh nghiệp còn mạnh dạn đầu tư huống chi vài tỷ hay vài chục tỷ. Chuyện máy móc, công nghệ cũng không thành vấn đề. Đối tác Trung Quốc tới vùng quế chào bán rất nhiều. Bán xong còn chuyển giao công nghệ đầy đủ, chưa kể sẵn sàng liên doanh, liên kết hoặc trả chậm bằng sản phẩm tinh dầu quế mà doanh nghiệp làm ra.
Năm 2005, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu Đạt Thành (gọi tắt là Công ty Đạt Thành) triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy chưng cất tinh dầu quế ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Một nhà máy quy mô khá lớn, tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng, công suất 45 tấn cành, lá quế khô mỗi ngày đi vào vận hành, thực sự là tín hiệu rất đáng mừng, giải quyết triệt để cành, lá quế (là phụ phẩm hay nói đúng hơn là thứ bỏ đi trên nương sau khi thu hoạch thân, vỏ quế).
Cành lá quế chứa một lượng dầu nhất định, để lại trên nương, trên đồi còn hủy hoại môi trường và tạo nguy cơ cháy rừng rất cao. Giá thu mua lá quế từ 1,5 đến 2 nghìn đồng/kg trở thành nguồn thu đáng kể cho người nông dân, tạo việc làm cho nhiều lao động làm nghề thu gom, vận chuyển, buôn bán lá quế. Công ty Đạt Thành làm ăn hiệu quả, có những bước phát triển vững chắc, trở thành đơn vị tiêu biểu của huyện Văn Yên, đặc biệt là trên lĩnh vực đóng góp ngân sách.
Ở đời chẳng có sân khấu nào mà chỉ một nghệ sỹ độc diễn. Ngành nghề chưng cất tinh dầu quế ăn nên, làm ra thế thì có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư cũng là điều dễ hiểu. Sau nhà máy tinh dầu quế của Công ty Đạt Thành, trên địa bàn huyện Văn Yên đã xuất hiện nhiều nhà máy khác cũng chung ngành nghề chưng cất tinh dầu quế như ở các xã: Hoàng Thắng, Ngòi A, Đại Sơn... và đến nay toàn huyện có tới 11 nhà máy, công suất chế biến từ 25 tấn đến 45 tấn lá khô mỗi ngày.
Là huyện có diện tích quế rất lớn (khoảng 38.000 ha) nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu chế biến của các nhà máy. Sau mấy năm sản xuất và kinh doanh ổn định, các nhà máy đều tích trữ được nguyên liệu, tổ chức sản xuất quanh năm. Nhưng ba năm trở lại đây, phần lớn các nhà máy, nhất là các nhà máy quy mô lớn đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu.
Thời điểm này, đang là mùa thu hoạch quế mà nhiều nhà máy chỉ đủ nguyên liệu để sản xuất một ca/ngày. Nhiều nhà máy ra đời, tình trạng tranh mua nguyên liệu, tranh bán sản phẩm đã và đang diễn ra. Khách hàng mua tinh dầu lợi dụng tình hình đó mà ép cấp, ép giá. Nguy hiểm hơn là tình trạng giá thu mua cành lá quế cao, bà con hám lợi chặt tỉa vô tội vạ, bỏ qua hết quy trình kỹ thuật, ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây quế. Nhìn những cây quế to bằng bắp chân, cao 7 - 8 mét mà chỉ có túm lá trên ngọn, khiến người quan tâm đến cây quế ở Trấn Yên, Văn Yên không thể không lo lắng.
Không để ngành nghề chưng cất tinh dầu quế và những ngành nghề khác sau này đi theo “vết xe đổ” của ngành nghề sản xuất, chế biến chè và ván gỗ bóc, tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên nên dừng việc cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh chưng cất tinh dầu quế; đóng cửa những lò nấu thủ công, quy mô nhỏ kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, không làm nghĩa vụ nộp thuế; thực hiện việc rà soát, quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng nhà máy, không để tình trạng hai nhà máy quy mô lớn chỉ cách nhau 3 km, chung vùng nguyên liệu, rồi cạnh tranh gay gắt lẫn nhau như hiện nay ở khu vực Đông Cuông (Văn Yên). Chính quyền và ngành nông lâm nghiệp cần tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân khai thác, tỉa cành một cách hợp lý, đúng kỹ thuật, không vì cái lợi trước mắt mà phát quang cành lá quế để bán lấy tiền. Bởi vì, làm như vậy, cây quang hợp kém, không tạo độ ẩm và làm xói mòn, bạc màu đất.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Tháng Chín Âm lịch, nắng gay gắt hanh hao. Chúng tôi đi hết xã này đến xã khác của huyện Trấn Yên đúng trong kỳ thu hoạch. Dưới đồng ngào ngạt lúa vàng. Trên đồi, quế nồng nàn tỏa hương. Mùa thu hoạch quế gần như kết thúc, nhưng tất cả lại bắt đầu với quế ở chu kỳ mới - vụ trồng mùa thu.
YBĐT - Sau Lễ hội Tuần Văn hóa - Du lịch khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chúng tôi trở lại huyện vùng cao này để tìm hiểu về câu chuyện xóa ruộng một vụ ở đây.
YBĐT - “Cuộc đời người lính giản đơn lắm, nhưng mục tiêu luôn xác định rõ ràng, đó là sống phải biết hy sinh, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào… Chỉ có những tình yêu cháy bỏng như vậy, mới giúp chúng tôi trưởng thành. 43 năm theo nghiệp nhà binh cho đến khi về nghỉ chế độ, tôi chưa khi nào phải băn khoăn về những việc mình đã làm bởi tất cả những điều đó đều xuất phát từ tâm mình” - Thiếu tướng Lý A Sáng - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu II tâm sự.
YBĐT - Chỉ vài tháng nữa là tròn 10 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 33/QĐ-TTg về chính sách định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Mốc thời gian được Chính phủ cho phép kéo dài việc thực hiện Quyết định cũng sắp đi qua gần 1 năm nữa, nhưng xem ra việc triển khai chính sách này cũng còn nhiều dang dở.