Liên kết phát triển kinh tế: Bản lĩnh thanh niên
- Cập nhật: Thứ ba, 29/11/2016 | 7:48:50 AM
YBĐT - Đến Trấn Yên, hỏi mô hình thanh niên liên kết giúp nhau phát triển kinh tế tốt nhất của huyện hiện nay? Câu trả lời là, Hội Liên kết chăn nuôi, kinh doanh gà đồi Yên Bái! Hội có gần trăm hội viên là những thanh niên trong toàn tỉnh có cùng sở thích, tâm huyết kinh doanh, chăn nuôi gà đồi, do Hoàng Huy Tuấn, sinh năm 1987 ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc làm Hội trưởng.
Hội viên Nguyễn Mạnh Hưng ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc (đứng giữa) đang chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi gà.
|
Chúng tôi đến gia đình Nguyễn Mạnh Hưng, sinh năm 1998 ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc - một trong những hội viên trẻ nhất của Hội Liên kết chăn nuôi, kinh doanh gà đồi Yên Bái.
Hưng đang khá bận rộn chăm đàn gà gần 2.000 con vừa được cắt mỏ và tiêm thuốc tối qua. Chỉ về phía đàn gà, Hưng chia sẻ: “Đã tham gia vào Hội của chúng em, đảm bảo không bao giờ thua lỗ, vì Hội trưởng đã giúp chúng em từ con giống, thức ăn, vắc - xin phòng bệnh và kỹ thuật trong chăn nuôi. Đặc biệt, chúng em còn được bao tiêu sản phẩm, nên không phải lo tìm đầu ra".
"Em tham gia Hội từ năm 2014. Ở đây, chúng em rất thân nhau và luôn tạo điều kiện tốt nhất để cùng vươn lên làm giàu. Ban đầu, em chỉ nuôi 500 con và được Hội tư vấn về cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn gà theo cách cầm tay chỉ việc. Khi đã có kinh nghiệm, em chủ động nuôi từ 1.000 đến 2.000 con mỗi lứa. Nuôi giống gà này được lắm anh ạ! Mỗi lứa, trừ chi phí cũng thu về 40 đến 50 triệu đồng!”. Hưng nói.
Nhìn đàn gà của Hưng, tôi hiểu được vai trò liên kết giúp nhau phát triển kinh tế theo mô hình tổ, hội, nhóm hiện nay là rất quan trọng. Hội Liên kết chăn nuôi, kinh doanh gà đồi Yên Bái cũng là Hội có tổ chức và cách làm việc bài bản.
Họ có những “bí quyết” trong chăn nuôi và kinh doanh rất riêng, nhưng cũng luôn tuân thủ theo đúng các biện pháp khoa học trong quá trình chăn nuôi. “Nuôi gà sợ nhất là là bị bệnh cầu trùng (xuất huyết nội tạng), nhưng chúng em tuyệt đối không để điều đó xảy ra”- Hưng bày tỏ.
- Các bạn có vẻ khá tự tin? Tôi hỏi.
- Tự tin là đúng rồi anh ạ! Vì từ khi tham gia nuôi và được tư vấn của Hội, đàn gà của em phát triển tốt và đặc biệt là ngăn chặn tối đa các dịch bệnh.
- Các bạn phải có bí quyết gì chứ?
- Có chứ anh! Trước tiên, con giống phải tốt, sau đó là phần kỹ thuật. Khi đàn gà được 15 đến 20 ngày rồi 25 ngày theo mốc là phải định kỳ tiêm phòng và cắt mỏ; 16 ngày phải cắt lần một; 50 đến 60 ngày cắt mỏ lần 2. Đặc biệt, khi con gà bị chết mà không có biểu hiện bất thường thì phải mổ bụng để chẩn đoán tìm biện pháp điều trị.
Ban đầu kiểm tra nội tạng gồm: thận, phổi, ruột... thấy thận có hơi tím là con gà đó bị suy thận, hay gan, phổi có chấm đen hoặc đổi màu khác thường, đường ruột nhiều chấm nhỏ li ti... nhìn là chúng em đoán được bệnh hết. Nuôi gà mà không tuân thủ điều này, coi như thất bại. Câu trả lời mạch lạc như đọc trong sách ra, khiến chúng tôi không khỏi “giật mình”, bởi Hưng mới chỉ 18 tuổi mà đã có nhiều kinh nghiệm như vậy.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Lê Quang Hậu - Phó Bí thư Đoàn thị trấn Cổ Phúc giải thích: “Chẳng phải Hưng, mà ai là hội viên của Hội thì cũng đều như vậy cả. Bởi đơn giản đã là thành viên của Hội thì đều phải tuân thủ theo nguyên tắc làm việc chung. Có như vậy, trong quá trình chăn nuôi, kinh doanh, các hội viên ở đây chưa bao giờ bị thua lỗ”.
Với gia đình đoàn viên Hoàng Minh Thăm, sinh năm 1982 ở thôn 4, xã Minh Quán, việc được tham gia Hội Liên kết chăn nuôi, kinh doanh gà đồi Yên Bái như là vớ được “phao cứu sinh”. “Đầu năm 2014, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn. Vợ vừa sinh con nhỏ, còn tôi thì công việc không ổn định. Trong cái rủi có cái may.
Đầu năm 2014, tôi đi làm thuê ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, thấy tấm biển ghi: “Ở đây cung cấp giống và bao tiêu gà thịt” của Hoàng Huy Tuấn. Vậy là, tôi tìm đến Tuấn xin làm thành viên của Hội. Bây giờ cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, xây được nhà và tôi đang mở rộng quy mô chuồng trại để lứa sau nuôi từ 4.000 đến 5.000 con” - anh Thăm cho biết.
Cũng như bao hội viên khác khi tham gia Hội, anh Thăm đã được Hoàng Huy Tuấn và những hội viên đi trước có kinh nghiệm giúp đỡ nhiệt tình từ khâu làm chuồng trại, đến con giống, vật tư thú y, thức ăn và đầu ra cho các sản phẩm. Thăm đã coi Hội như ngôi nhà thứ 2 của mình, bởi nơi đây anh đã tìm được niềm vui, chỗ dựa tinh thần và động lực vươn lên thoát nghèo.
“Cũng giống như các hội viên khi tham gia Hội, đến nay, giống gà mà chúng tôi nuôi chưa thua lỗ bao giờ. Khi gà đến kỳ xuất bán là có 2 xe của tư thương đến tận nhà chở đi; giá cả phù hợp và cho thu nhập tương đối ổn định”- anh Thăm phấn khởi.
Về thôn 3, thị trấn Cổ Phúc để gặp Hoàng Huy Tuấn là Hội trưởng. Bên trang trại, Tuấn nhiệt tình trao đổi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn gà cùng các thành viên mới tham gia mô hình liên kết phát triển chăn nuôi gà của thị trấn Cổ Phúc như: lượng thức ăn, ánh sáng, vệ sinh chuồng trại, thời gian, cách tiêm, cắt mỏ...
“Tôi bắt đầu nuôi gà từ năm 2009. Ban đầu, kinh nghiệm ít, đầu ra lại không ổn định nên tôi chỉ dám nuôi nhỏ lẻ. Sau khi tích lũy kinh nghiệm, tôi chủ động xuống các chợ đầu mối ở Hà Nội tìm gặp tư thương học hỏi về con giống và tiêu thụ sản phẩm. Khi quy trình đảm bảo, tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại nuôi trên 1000 con và đến bây giờ thì các anh thấy đấy!” - Hoàng Huy Tuấn chia sẻ.
Với 3 chuồng gà được xây dựng kiên cố, quy mô, hệ thống chăn nuôi khoa học, áp dụng đúng công nghệ trên diện tích gần 200 mét vuông luôn đảm bảo nuôi từ 3.000 đến 5.000 con mỗi lứa. Lứa vừa rồi nuôi 5.000 gà giống, trừ mọi chi phí, Tuấn đã thu về bạc tỷ.
Giống gà của Tuấn nuôi là gà Minh dư ở tỉnh Bình Định. Giống gà này sinh trưởng tốt, thịt chắc, nên các tư thương ở Hà Nội, Lào Cai, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng... đều rất thích.
Bởi vậy, Tuấn quyết định mở rộng quy mô bằng cách kêu gọi các thanh niên trẻ có cùng sở thích vào Hội của mình để mở rộng việc chăn nuôi và kinh doanh, cũng như đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tuấn đứng ra cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, bao tiêu đầu ra và hướng dẫn kỹ thuật trong chăn nuôi cho các hội viên. Ban đầu, Hội có 20 đến 30 hội viên. Đến nay, Hội của Tuấn đã thu hút, tập hợp được gần trăm hội viên.
Với phương châm: “Làm nhanh, bán nhanh, con giống đều và đẹp”, Hội của Tuấn đã trở thành nơi cung ứng sản phẩm gà chất lượng tốt cho thị trường trong và ngoài tỉnh. “Các bạn tham gia Hội phải tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn cũng như những quy định của Hội. Người có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn những người mới tham gia. Đồng thời, phân công các nhóm trưởng ở các khu vực gần nhau, khi gà đến thời điểm phải tiêm thuốc, cắt mỏ là tất cả cùng bắt tay vào giúp nhau. Tại sao như vậy? Vì quá trình làm việc cùng nhau sẽ đoàn kết và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Có như vậy, hiệu quả chăn nuôi và tinh thần đoàn kết của Hội mới luôn ổn định được” - Tuấn khẳng định
Anh Nguyễn Tuấn Anh - Bí thư Huyện đoàn Trấn Yên cho biết: “Đây là một mô hình liên kết phát triển kinh tế của các bạn đoàn viên thanh niên trong Hội Liên kết chăn nuôi, kinh doanh gà đồi Yên Bái do Hoàng Huy Tuấn làm Hội trưởng là rất khoa học và bài bản. Đặc biệt, các hội viên còn luôn giúp đỡ nhau với tinh thần đoàn kết, gắn kết cùng phát triển đi lên. Đây cũng là một mô hình của thanh niên hiện đại, xứng đáng là điển hình để các bạn trẻ học tập, noi theo. Cũng chính vì lý do đó, thời gian tới, Huyện đoàn Trấn Yên sẽ tập trung vào giúp đỡ đoàn viên đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, nhằm tạo việc làm và thu nhập cho thanh niên nông thôn hiện nay”.
Trong công việc của mình, tôi có dịp được quen và gặp khá nhiều mô hình kinh tế tập thể, cá nhân do các bạn đoàn viên thanh niên làm chủ khá hay và ấn tượng. Tuy nhiên, để có một mô hình liên kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế hộ gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững như Hội Liên kết chăn nuôi, kinh doanh gà đồi Yên Bái thì thật hiếm. Những gì mà Hội đã giúp đỡ cho gần trăm hội viên trong toàn tỉnh có công việc ổn định, thu nhập khá, thật là việc làm rất đáng trân trọng.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - “Mùa xuân ai đi hái hoa mà em đi nuôi dạy trẻ…”- cô giáo Thanh Hoa cất giọng hát nhè nhẹ rồi quay ra nói với tôi: “Hay không anh, đẹp nữa chứ? Lời ca hay và đẹp nhưng giáo viên mầm non chúng em thiệt thòi và tủi thân lắm!”.
YBĐT - Ba Khe- ngã ba đường mang tên ấy bởi đây là đất của thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) - một xã nổi tiếng thời chống Pháp với đội du kích Cát Thịnh, đây cũng có đỉnh núi Hồng - nơi dân quân dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ năm nào
YBĐT - Xã Suối Giàng nằm cách trung tâm huyện Văn Chấn khoảng 10 km nổi tiếng với cây chè Shan tuyết cổ thụ và các loại đá vân, đá cảnh. Mặc dù nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá này chưa được Nhà nước cấp phép cho bất kỳ một doanh nghiệp nào khai thác nhưng khoảng 10 năm nay, bất chấp nguy hiểm, người dân các nơi vẫn đổ về đào đá kiếm sống.
YBĐT - Đi qua những ngày mưa để đón những ngày nắng đẹp, ấm áp hơn, hay đi qua những ngày mưa để tĩnh tâm và chiêm nghiệm lại những ngày gian khổ đã qua để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Bưởi Đại Minh (Yên Bình) quả không to nhưng vỏ mỏng, múi dày, vị ngọt thơm, mát dịu. Ai đã một lần thưởng thức thì mãi không quên.