Đi qua những ngày mưa
- Cập nhật: Thứ năm, 27/10/2016 | 7:10:56 AM
YBĐT - Đi qua những ngày mưa để đón những ngày nắng đẹp, ấm áp hơn, hay đi qua những ngày mưa để tĩnh tâm và chiêm nghiệm lại những ngày gian khổ đã qua để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Bưởi Đại Minh (Yên Bình) quả không to nhưng vỏ mỏng, múi dày, vị ngọt thơm, mát dịu. Ai đã một lần thưởng thức thì mãi không quên.
Anh Tạ Quang Tỉnh (đứng giữa) giới thiệu vườn bưởi của mình với cán bộ đoàn của huyện và xã.
|
Tạ Quang Tỉnh - chàng thanh niên sinh năm 1988 ở thôn Quyết Tiến, xã Đại Minh cũng như giống bưởi quê mình. Dáng người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, mắt sáng và nụ cười rất tươi. Ai đã trò chuyện với Tỉnh, đều có một ấn tượng khó quên, bởi anh luôn tạo cho người đối diện sự gần gũi, tin tưởng và cảm phục.
Đi qua những ngày mưa để đón những ngày nắng đẹp, ấm áp hơn, hay đi qua những ngày mưa để tĩnh tâm và chiêm nghiệm lại những ngày gian khổ đã qua để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Dù hiểu theo nghĩa nào thì đi qua những ngày mưa cũng hợp với những gì Tạ Quang Tỉnh đã trải qua. Chàng thanh niên tuổi Mậu Thìn đã có những bước thăng trầm, gian khó trên con đường lập nghiệp nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua.
“Em đã trải qua nhiều ngày mưa rồi anh ạ!”- Tỉnh dí dỏm. Những câu chuyện của Tỉnh chia sẻ với chúng tôi lại ẩn chứa một sự trải nghiệm và có phần “triết lý” khá sâu sắc về cuộc sống so với tuổi đời khá trẻ của mình.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống trồng bưởi, nên ngay từ nhỏ, Tỉnh đã xác định rõ hướng đi của mình sau này. “Ở đất này, học được chuyên ngành thú y, hoặc trồng trọt sẽ rất hữu ích anh ạ!”- Tỉnh chia sẻ.
- Tại sao cứ phải chuyên ngành thú y và trồng trọt? Tôi ngạc nhiên.
- Đất này rất thuận lợi cho việc chăn nuôi và giống cây bưởi truyền thống, nên học về và áp dụng vào thì sẽ hiệu quả hơn!
Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, Tỉnh đã lập tức đăng ký thi vào Khoa Thú y, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Với nỗ lực học tập, Tỉnh đã trúng tuyển và từng bước thực hiện ước mơ của mình sau này. Những lúc không lên giảng đường, Tỉnh tìm đến thư viện để nghiên cứu tài liệu về cách chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là việc phòng chống bệnh dịch, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để trau dồi kiến thức thực tế và học hỏi thêm kinh nghiệm, tốt nghiệp đại học năm 2012, Tỉnh không về quê mà xuống Hà Nội làm thêm ở Công ty Sản xuất chăn nuôi CP.
“Năm 2014, sau một thời gian được trải nghiệm thực tế và nghiên cứu sâu hơn chuyên ngành mình đã học, tôi quyết định trở về địa phương” - Tỉnh chia sẻ.
Khi về quê, cũng là lúc những gì được học, được trải nghiệm, Tỉnh muốn nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn bằng chính khả năng của mình. Tỉnh bàn bạc và xin ý kiến gia đình vay vốn nuôi gà. Không giống với những người có kinh nghiệm trong chăn nuôi, lúc ban đầu thường đi thăm quan các mô hình, tham khảo thông tin trên báo chí, học tập kinh nghiệm về cách chọn con giống, cách làm chuồng trại sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, địa phương.
Khi đã có kinh nghiệm, cẩn thận hơn, họ sẽ đi tìm đầu ra cho sản phẩm và chỉ đầu tư quy mô nhỏ để trải nghiệm thực tiễn và rút ra bài học, sau đó mới dần đầu tư, phát triển rộng thêm mô hình cả về số lượng và chất lượng. Như vậy, hiệu quả của những người có kinh nghiệm sẽ cao hơn và có tính bền vững hơn.
Tuy nhiên, Tỉnh lại khá “tự tin” vào khả năng, kiến thức của mình đã học được, nên anh đầu tư nuôi 2.000 con gà - một con số tương đối lớn so với một thanh niên mới vào nghề. “Lúc đó, gia đình, người thân, bạn bè cũng có khuyên nhủ tôi, nhưng vì tính cách thanh niên luôn muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình, nên đã phải trả cái giá khá đắt!”. Năm đó, đàn gà 2.000 con của Tỉnh vừa mắc bệnh dịch và đầu ra lại không ổn định nên thua lỗ nặng.
May mà nguồn thu nhập chính của gia đình là trồng bưởi nên số tiền thua lỗ trong chăn nuôi gà cũng không ảnh hưởng nhiều. Song, “cú ngã” để đời trên con đường lập nghiệp, có phần khiến anh suy sụp nhiều. “Nhiều hôm nó bỏ cơm, một mình lang thang khắp xóm cứ như kẻ mất hồn, nhìn mà thấy tội” - bố của Tỉnh nhớ lại.
Nắng lên chan hòa, ấm áp, xóa tan âm u của những ngày mưa. Những mầm non xanh tơ, nụ bưởi chúm chím đón những tia nắng mới để bung sắc trắng và một mùa quả trĩu trịt cành. Tạ Quang Tỉnh cũng vậy, đi qua những ngày mưa, để hiểu thêm giá trị của ngày nắng, để cảm nhận, để đúc rút và trưởng thành hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp.
“Sau những ngày buồn chán, em nhận thấy mình còn trẻ, cơ hội còn nhiều. Tự mình “ngã” thì tự mình đứng dậy và ngẩng cao đầu bước tiếp. Có như vậy, mới xứng đáng với sự tin tưởng của cha mẹ và người thân” - Tỉnh bày tỏ. Lúc này, Tỉnh đã thực sự “tỉnh” như cái tên cha mẹ đặt. Anh chín chắn hơn, kinh nghiệm hơn và điều quan trọng nhất là đức tính khiêm tốn, chịu khó học hỏi.
Không vội vã, Tỉnh tập trung quan sát và xác định hướng đi cụ thể theo đúng chuyên ngành được đào tạo - chuyên ngành thú y. Với kiến thức được đào tạo bài bản, Tỉnh xin làm cán bộ thú y xã. Qua công việc, Tỉnh đã giúp cho người dân nơi đây cách chăm sóc vật nuôi phát triển tốt; hướng dẫn, tư vấn cách sử dụng thuốc thú y trong phòng chống dịch bệnh; chủ động đến các thôn tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc...
“Nhận thấy chất lượng và nguồn cung ứng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tại địa phương khá hạn chế, nên tôi chủ động mở cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc và các loại thuốc, vắc - xin, vật tư thú y nhằm cung cấp cho bà con trong xã và các địa phương lân cận của tỉnh Phú Thọ”. Cửa hàng kinh doanh thuốc, vật tư thú y và thức ăn chăn nuôi không những đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình Tỉnh, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Khi Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình có chương trình phối hợp với xã Đại Minh mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc và hướng dẫn các loại phân bón cho giống bưởi phát triển tốt, Tỉnh đã chủ động tham gia và tiếp cận với các đơn vị cung ứng phân bón để mở rộng mô hình trồng bưởi của gia đình.
Lần này, Tỉnh chủ động chọn giống bưởi Diễn - giống bưởi rất thích hợp với thổ nhưỡng ở đây. Với 300 gốc bưởi được Tỉnh nghiên cứu khá kỹ về kích thước của mỗi hố; bón lót tỷ lệ phân ra sao, mật độ trồng thế nào cho phù hợp...? “Khi bưởi đã phát triển ổn định thì kỹ thuật chăm sóc, phun thuốc chống sâu bệnh là đặc biệt quan trọng.
Đơn cử, mùa xuân cây ra lộc thường hay bị sâu vẽ bùa, sâu nhớt; mùa hè mưa nhiều có thể nấm lá, nhện đỏ phá hại thì phải phun thuốc gì, liều lượng ra sao để giúp cây sinh trưởng tốt”. Tỉnh vanh vách hướng dẫn chúng tôi về “nghệ thuật” trồng bưởi cho giá trị kinh tế cao của gia đình mình.
Trước đây, 200 gốc bưởi của gia đình Tỉnh hàng năm chỉ cho thu nhập trên 100 triệu đồng, nay có Tỉnh chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc nên luôn cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Vườn bưởi của Tỉnh vừa ra quả đã có tư thương đến tận nhà đặt mua cả cây. 200 gốc bưởi sẵn có, cộng với 300 gốc bưởi Diễn trồng mới, đến mùa thu hoạch, trừ mọi chi phí cũng đem về cho gia đình tỉnh 450 - 500 triệu đồng.
Đưa chúng tôi thăm quan mô hình chăn nuôi trên 20 lợn nái của gia đình, Tỉnh chỉ: “Đây là chuồng dành cho lợn đực phối giống. Đây là khu vực dành cho trên 20 lợn nái. Đây là chuồng dành cho lợn con mới đẻ. Còn đây là chuồng dành cho đàn lợn chuẩn bị xuất bán. Tất cả đều theo quy mô, hướng dẫn khoa học bài bản”.
Chẳng là, gần đây, khi Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh được triển khai đến các xã của huyện Yên Bình, đặc biệt là vấn đề phát triển chăn nuôi.
Gia đình nào tham gia chăn nuôi lợn nái trên 15 con sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng và được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cách ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trong chăn nuôi.
Tham khảo thị trường tốt, tập trung nghiên cứu cách thức chăn nuôi, cách làm chuồng trại khoa học, Tỉnh mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi lợn nái với quy mô trên 20 chục con. Mỗi việc làm, cách thức kinh doanh đều được Tỉnh triển khai bài bản và khoa học nên mô hình chăn nuôi lợn nái phát triển tốt. Hàng năm, anh thường xuất từ 3 đến 4 lứa, trừ mọi chi phí, còn cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Khu vực chăn nuôi lợn nái của anh Tỉnh.
Đi qua những ngày mưa, để đón ánh nắng ban mai, đi qua vấp ngã để Tỉnh có những thành công của ngày hôm nay. Một cửa hàng kinh doanh thuốc, vật tư thú y, thức ăn chăn nuôi; trên 500 gốc bưởi; mô hình nuôi trên 20 con lợn nái, trừ mọi chi phí, mỗi năm cho gia đình Tỉnh thu về tiền tỷ.
Mặc dù còn khá trẻ, nhưng những gì Tỉnh có, đều khiến mọi người nơi đây nể phục. Đặc biệt, các đoàn viên thanh niên đều coi Tỉnh là hình mẫu, tấm gương học tập, noi theo. Với Tỉnh có lẽ niềm tự hào lớn nhất, chính là những ngày mưa để anh có được sự trưởng thành như ngày hôm nay. Nắng lên sẽ tiếp thêm nguồn sinh khí để Tỉnh thực hiện giấc mơ “đưa bưởi Đại Minh đến với mọi miền Tổ quốc”.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Nghề chưng cất tinh dầu quế ở Yên Bái đang có dấu hiệu đi theo “vết xe đổ” của chế biến chè và chế biến gỗ bóc - một thực trạng đáng lo ngại, cần có sự ra tay của các cơ quan quản lý Nhà nước để không xuất hiện tình trạng sản xuất đìu hiu, doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm và ngân hàng thương mại thêm những khoản nợ khó đòi.
YBĐT - Tháng Chín Âm lịch, nắng gay gắt hanh hao. Chúng tôi đi hết xã này đến xã khác của huyện Trấn Yên đúng trong kỳ thu hoạch. Dưới đồng ngào ngạt lúa vàng. Trên đồi, quế nồng nàn tỏa hương. Mùa thu hoạch quế gần như kết thúc, nhưng tất cả lại bắt đầu với quế ở chu kỳ mới - vụ trồng mùa thu.
YBĐT - Sau Lễ hội Tuần Văn hóa - Du lịch khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chúng tôi trở lại huyện vùng cao này để tìm hiểu về câu chuyện xóa ruộng một vụ ở đây.
YBĐT - “Cuộc đời người lính giản đơn lắm, nhưng mục tiêu luôn xác định rõ ràng, đó là sống phải biết hy sinh, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào… Chỉ có những tình yêu cháy bỏng như vậy, mới giúp chúng tôi trưởng thành. 43 năm theo nghiệp nhà binh cho đến khi về nghỉ chế độ, tôi chưa khi nào phải băn khoăn về những việc mình đã làm bởi tất cả những điều đó đều xuất phát từ tâm mình” - Thiếu tướng Lý A Sáng - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu II tâm sự.