Suối Giàng cần chấm dứt khai thác đá cảnh trái phép
- Cập nhật: Thứ hai, 31/10/2016 | 7:56:29 AM
YBĐT - Xã Suối Giàng nằm cách trung tâm huyện Văn Chấn khoảng 10 km nổi tiếng với cây chè Shan tuyết cổ thụ và các loại đá vân, đá cảnh. Mặc dù nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá này chưa được Nhà nước cấp phép cho bất kỳ một doanh nghiệp nào khai thác nhưng khoảng 10 năm nay, bất chấp nguy hiểm, người dân các nơi vẫn đổ về đào đá kiếm sống.
Hoạt động khai thác đá cảnh trái phép ở thôn Suối Lóp.
|
Dân làm thuê trên đất của mình
Bí thư Chi bộ thôn Suối Lóp - Hảng A Gia đón chúng tôi ở khu vực km7 đường lên xã Suối Giàng. Đường rẽ vào thôn Suối Lóp hơn 5 km, dốc ngược lưng núi nhưng chốc chốc, chúng tôi lại gặp người dân chở bằng xe máy những khối đá ước chừng 1 - 2 tạ, bất kể đường trơn trượt và nguy hiểm, một bên là núi, một bên là vực sâu để chuyển ra điểm tập kết hoặc mang xuống xã Sơn Thịnh bán cho các xưởng chế tác đá cảnh. Khu vực thôn Suối Lóp là một trong hai điểm có mỏ đá lớn nhất của xã Suối Giàng.
Mỏ đá Suối Lóp nằm ngay bên cạnh khu vực sinh sống, canh tác của người dân. Cả thôn có 60 hộ người Mông sinh sống chủ yếu dựa vào hơn 40 ha đất sản xuất. Thế nhưng, từ khi “phong trào” khai thác đá cảnh nổi lên, người dân ở đây đang bán dần đất sản xuất của mình cho những chủ thầu khai thác đá.
Nguồn tiền bán được đa phần dùng để mua sắm phương tiện như xe máy, ti vi. Khi cạn tiền, đất sản xuất không còn, để mưu sinh, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, họ lại lên núi đào đá hoặc làm thuê trên mảnh nương của mình trước đây. Ngay đầu thôn Suối Lóp cũng đang trở thành một công trường khai thác đá nhỏ với đầy đủ các loại phương tiện: máy xúc, máy mài, máy xẻ, máy khoan… đủ cả.
Hiểm nguy rình rập và hệ lụy về môi trường
Đường vào thôn Suối Lóp cũng bị cản trở bởi lòng đường đã trở thành công xưởng của những ông chủ đá. “Nhiều khi phải đợi cả tiếng đồng hồ mới đi qua được để về nhà”- Bí thư Hảng A Gia than thở. Tại mỏ Suối Lóp đang có hàng chục người dân ra sức ghì mũi khoan vào phiến đá. Họ chia thành từng nhóm từ 2 - 3 người, một người cầm mũi khoan, hai người còn lại hỗ trợ...
Chừng 30 phút, mỗi nhóm khoan được một khối đá kích thước khoảng 60 x 40 cm. Khoan xong, có khoảng 10 người đến khiêng lên xe máy chở đi. Thấy chúng tôi đi cùng Bí thư Chi bộ thôn nên họ không để ý nhiều, chỉ quan sát vài phút rồi lại tập trung vào công việc. Câu chuyện với những phu đá trở nên cởi mở hơn.
Ông Hàng A Dơ là người bán mảnh nương của mình cho các chủ thầu khai thác thật thà: “Làm đá vất lắm, nguy hiểm nữa nhưng không làm lấy gì ăn”. Bí thư Hảng A Gia khẳng định: “Đã có người bị đá đè chết trong khi đào đá, còn bị thương hay gãy tay, gãy chân thì nhiều lắm”.
Được biết, toàn bộ các mảnh nương ở ven đường có đá cảnh đều đã được các chủ khai thác đá mua lại hết cả. Để lại sau đó là những vết thương lở loét đang ngày một ăn sâu vào lòng núi làm lộ ra những tảng đá cỡ lớn nham nhở và kỳ quái, trở thành mối nguy hiểm thường trực với người dân Suối Lóp khi đi lại qua con đường này.
Đặc biệt, trong mùa mưa bão, nước trên núi đổ về mang theo đất, đá sạt lở đe dọa tính mạng người dân, làm ách tắc giao thông và hư hỏng các công trình thủy lợi trong thôn. Tiếng máy xẻ, máy khoan ngày đêm, bụi đá phát tán ra xung quanh cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân lấy từ đầu nguồn Suối Lóp đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Cần sự kiên quyết của chính quyền
Việc khai thác đá cảnh ở Suối Giàng đã diễn ra nhiều năm nay, không phải là lén lút nữa mà đang công khai thách thức chính quyền địa phương. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, các mỏ đá ở Suối Giàng chưa được Nhà nước cấp phép cho bất kỳ một doanh nghiệp nào. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu huyện Văn Chấn kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan và huyện Văn Chấn cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, sau mỗi đợt kiểm tra, mọi hoạt động khai thác lại trở về bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, đời sống sinh hoạt của người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở cần vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn để chấm dứt tình trạng khai thác đá cảnh nói trên, trả lại môi trường sinh thái cho khu du lịch Suối Giàng.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Đi qua những ngày mưa để đón những ngày nắng đẹp, ấm áp hơn, hay đi qua những ngày mưa để tĩnh tâm và chiêm nghiệm lại những ngày gian khổ đã qua để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Bưởi Đại Minh (Yên Bình) quả không to nhưng vỏ mỏng, múi dày, vị ngọt thơm, mát dịu. Ai đã một lần thưởng thức thì mãi không quên.
YBĐT - Nghề chưng cất tinh dầu quế ở Yên Bái đang có dấu hiệu đi theo “vết xe đổ” của chế biến chè và chế biến gỗ bóc - một thực trạng đáng lo ngại, cần có sự ra tay của các cơ quan quản lý Nhà nước để không xuất hiện tình trạng sản xuất đìu hiu, doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm và ngân hàng thương mại thêm những khoản nợ khó đòi.
YBĐT - Tháng Chín Âm lịch, nắng gay gắt hanh hao. Chúng tôi đi hết xã này đến xã khác của huyện Trấn Yên đúng trong kỳ thu hoạch. Dưới đồng ngào ngạt lúa vàng. Trên đồi, quế nồng nàn tỏa hương. Mùa thu hoạch quế gần như kết thúc, nhưng tất cả lại bắt đầu với quế ở chu kỳ mới - vụ trồng mùa thu.
YBĐT - Sau Lễ hội Tuần Văn hóa - Du lịch khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chúng tôi trở lại huyện vùng cao này để tìm hiểu về câu chuyện xóa ruộng một vụ ở đây.