Cảnh giác với chiêu lừa lao động mức lương hấp dẫn
- Cập nhật: Thứ tư, 1/3/2017 | 8:14:16 AM
YBĐT - Vụ việc 4 cô gái trẻ dân tộc Dao là Nguyễn Thị Lợi, Hoàng Thị Duyên, Đặng Thị Hiền, Lý Thị Nghị ở thôn Đèo Quân, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình vì cả tin gã “cò mồi” tên Thắng đã cùng 11 người bị hại khác của tỉnh Tuyên Quang “khăn gói” xuống Bắc Ninh làm việc tại Công ty Sam Sung. Chẳng biết công việc tại Công ty Sam Sung ra sao, chỉ biết sau 5 ngày ở Bắc Ninh, các em đã tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ rồi trở về quê nhà đem theo những câu chuyện khiến người nghe vừa giận lại vừa thương...
Nguyễn Thị Lợi kể lại quá trình bị lừa đi làm việc với mức lương hấp dẫn.
|
Theo chân chị Triệu Thị Chí - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Lai, chúng tôi đến gặp Nguyễn Thị Lợi khi em đang phụ vữa tại một gia đình thuộc khu trung tâm xã. Ban đầu tiếp xúc, Lợi khá rụt rè, nhưng được chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã động viên, Lợi đã mở lòng: “Tối ngày 12/2/2017, khi tôi lên rừng lấy chít về thì nhận được điện thoại của anh Dương - người quen bên Tuyên Quang bảo, Công ty Sam Sung ở Bắc Ninh đang cần tuyển người vào làm việc. Chúng tôi đồng ý đi làm sẽ được hưởng mức lương 250.000 đồng/ ngày, chưa kể chăm chỉ tăng ca sẽ được hưởng thêm. Họ còn nói nếu không đi ngay người ta sẽ không tuyển nữa…”.
5 giờ sáng, ngày 13/2/2017, mặc cho gia đình, người thân ngăn cản, Lợi cùng với Duyên, Hiền, Nghị sang nhập nhóm với 11 người khác bên tỉnh Tuyên Quang cùng nhau xuống Bắc Ninh. “Sáng hôm đó, tôi ra sức can ngăn, song Lợi cứ như bị “bùa mê”, bỏ mặc 2 con đang ngủ mà đi” - anh Hoàng Ngọc Thiết - chồng của Lợi bức xúc kể.
Sau khi xuống Bắc Ninh, Lợi cùng cả nhóm được đưa đi khám sức khỏe ở Công ty Sam Sung. Tại đây, mỗi người sau khi kiểm tra sức khỏe phải đóng tiền lệ phí 168.000 đồng/ người. Rồi cả nhóm về nhà trọ nghỉ ngơi và liên lạc với Thắng - người môi giới lao động. Thắng xuất hiện, yêu cầu 15 người trong nhóm phải đóng tổng số tiền là 5 triệu đồng để chi phí đi lại, cũng như quan hệ công việc. Vì là dân lao động nghèo nên nhóm chỉ đáp ứng được mỗi người 200.000 đồng đặt cọc cho Thắng.
Sáng ngày 14/2/2017, Thắng tiếp tục yêu cầu mỗi người phải đóng 500.000 đồng để làm hồ sơ. “Các anh biết không, khi đi may mà em mang theo 1 chỉ vàng nên mới có tiền trang trải” - Lợi ấm ức. “Nhờ chị Lợi giúp đỡ, chứ chúng em đi có mang theo tiền đâu. Họ bảo đi làm bên đó lương cao thì mình đi thôi” - Đặng Thị Hiền chia sẻ.
Hai ngày sau, mọi người không nhận được thông tin nên lo lắng tìm cách liên lạc với Thắng và được biết sẽ đi ký hợp đồng tại một quán cà phê. Tại đây, Thắng cho mọi người xem hợp đồng. Trong hợp đồng ghi mỗi người tham gia làm việc tại Công ty Sam Sung Bắc Ninh sẽ được hưởng thù lao 300.000 đồng/người/ngày, nếu chịu khó tăng ca mỗi giờ sẽ được nhận thêm 45.000 đồng/người.
Sáng ngày 15/2/2016, mọi người trong nhóm đến Công ty Sam Sung để tham gia lớp tập huấn an toàn vệ sinh lao động. Sau khi tập huấn xong, cả nhóm được người của Công ty Sam Sung phổ biến về hợp đồng và mức lương. Đối với người tham gia ký hợp đồng lao động sẽ không mất tiền làm hồ sơ hợp đồng.
Đồng thời, mức lương thực hưởng mà người lao động khi tham gia vào Công ty Sam Sung, theo hồ sơ đối với nữ là 180.000 đồng/người/ngày, nếu tăng ca cũng chỉ được 1 đến 1 giờ 30 phút/ngày. Mọi người trong nhóm thắc mắc với người của Công ty Sam Sung: “Hôm trước, hợp đồng ghi chúng tôi được hưởng là 300.000 đồng/người/ngày, sao bây giờ chỉ được như vậy?”. Người trực tiếp hướng dẫn hồ sơ tuyển dụng lao động của Công ty trả lời: “Làm gì có hợp đồng nào trước đó, hợp đồng là do người của Công ty quyết định”.
Đến đây, mọi người mới biết mình bị lừa và hốt hoảng tìm cách liên lạc với Thắng và được trả lời: “Anh cũng chỉ đi lấy người nên không rõ, mà các em cứ vào làm đi, rồi tính tiếp”. Để đòi lại số tiền 500.000 đồng/người mà Thắng nói dùng mua hồ sơ hợp đồng, mọi người trong nhóm bàn bạc và tìm cách để gặp được Thắng.
Trưa ngày 16/2/2017, nhờ có người giúp nên cả nhóm đã gặp Thắng và được trả lại 300.000 đồng/người. Sau đó, Thắng bảo mọi người cứ vào làm tại Công ty Sam Sung với mức lương theo hợp đồng đưa ra và hắn sẽ tìm cách giúp mọi người có công việc tốt hơn.
“Bấy giờ, chúng tôi rất hoang mang, không biết nên đi hay ở lại. Nếu ở lại làm việc cho Công ty Sam Sung với mức lương 180.000 đồng/ngày và tự trang trải tiền thuê trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày thì không thể trụ được. Còn về thì bằng cách nào? Cũng may, trước đây được tham gia các lớp tập huấn do Hội Phụ nữ xã tổ chức nên tôi có số điện thoại của Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Hội Phụ nữ tỉnh và gọi về nhờ họ tư vấn” - Lợi cho biết thêm.
Vậy là, trong lúc mọi người còn bối rối, Lợi đã chủ động gọi điện cho cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Yên Bái nhờ tư vấn về sự việc của mình. Được cán bộ Trung tâm tư vấn, chị em phải trở về quê nhà và không được tin vào những gì Thắng nói. Bởi về sau, nếu như Thắng còn có những hành vi lừa đảo nào đó mà mọi người không kiểm soát được sẽ rất nguy hiểm. Khi hiểu ra, ngày 17/2/2017, Lợi cùng với 3 phụ nữ đi cùng đã nhanh chóng trở về quê nhà.
Ông Hoàng Phượng Vĩ - Chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái về trường hợp 4 phụ nữ ở thôn Đèo Quân bị lừa đi lao động xa, UBND xã đã yêu cầu Hội Phụ nữ phối hợp với Công an xã trực tiếp xuống từng hộ gia đình nắm tình hình và chủ động liên lạc để sớm đưa người bị hại về địa phương. Đồng thời, động viên gia đình, người thân bình tĩnh không gây hoang mang làm ảnh hưởng đến dư luận xã hội”.
“Đây là 4 trường hợp phụ nữ đầu tiên của thôn Đèo Quân nói riêng, của xã Xuân Lai nói chung vì cả tin đã bị kẻ xấu lợi dụng với “chiêu bài” kiếm được nhiều tiền khi đi làm ở nơi xa. Việc tự ý rời địa phương của 4 bạn trẻ này không những không giúp họ kiếm được việc làm mà còn gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng tới kinh tế gia đình. Nếu vụ việc không được phát hiện kịp thời để xử lý thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra” - chị Triệu Thị Chí, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Lai cho biết.
Việc tự ý rời địa phương theo người lạ đi làm ăn xa của Lợi, Duyên, Hiền, Nghị ở thôn Đèo Quân, xã Xuân Lai cũng chỉ vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nên mới bị dụ dỗ, lừa gạt. Tuy nhiên, được tiếp xúc, chia sẻ, chúng tôi mới hiểu thêm nỗi lòng và những lo lắng thường nhật của các em. Ở một làng quê nghèo ven hồ Thác Bà, thiếu kiến thức, cuộc sống của nhiều gia đình chỉ trông vào nghề đánh rọ tôm và lên rừng kiếm cây tế, bông chít, cây nứa về làm rọ tôm, rọ cá bán kiếm sống. Vì thế, khi có người giới thiệu việc làm với thu nhập cao, tất cả đều nghe theo cũng là điều dễ hiểu.
Qua sự việc trên cho thấy, công tác quản lý, tập hợp, tuyên truyền kiến thức pháp luật tới nhân dân và hội viên phụ nữ nói riêng của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể ở địa phương chưa thực sự hiệu quả, chưa sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em, lừa đảo người lao động đi làm ăn xa, không rõ địa chỉ đang có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hội viên nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng về các chính sách nghề, việc làm cho lao động nữ; khuyến khích chị em tích cực tham gia các hoạt động Hội và đi lao động khi các doanh nghiệp, tổ chức Hội LHPN tỉnh và các cơ quan chức năng giới thiệu việc làm có uy tín giới thiệu.
Trung tâm Giới thiệu việc làm Phụ nữ tỉnh Yên Bái cần phối hợp với các ngành liên quan và tổ chức Hội các cấp khảo sát nhu cầu việc làm của chị em; tổ chức tư vấn, cung cấp đầy đủ thông tin các tổ chức, các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động; cung cấp tài liệu, tờ rơi tuyên truyền để người lao động tiếp cận thông tin và lựa chọn nghề, việc làm phù hợp…
Ngọc Sơn - Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Đến với Văn Yên hôm nay là đến với quế, đến với vùng đất có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của đồng bào Dao, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ người Dao hôm nay và mai sau.
YBĐT - Mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô; cành, lá quế đạt khoảng 55.000 tấn; tinh dầu quế khoảng 290 tấn; gỗ quế đạt 62.000 m3. Nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây quế và hàng nghìn hộ đã xóa đói giảm nghèo, có cuộc sống ổn định hay trở nên giàu có nhờ cây quế.
YBĐT - Văn Yên có một thứ được gọi là “vàng xanh”. Đó là những vùng quế hàng chục, hàng trăm năm tuổi gắn liền với đời sống của đồng bào Dao. Cây quế gắn bó lâu đời, là niềm tự hào, là bản sắc văn hóa gắn với đời sống tâm linh của người Dao
YBĐT - Vùng đất quế ở lại bên kia khi tôi qua cầu Mậu A về bên này phố huyện. Xuân xôn xao chở hương sắc mùa sang theo ước hẹn. Xuân ơi, bao mùa bất tận mãi ngọt lành hương quế cội nguồn!