Chuyện những bệnh nhân tâm thần rượu

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/4/2017 | 5:50:13 AM

YBĐT - Chị H, vợ bệnh nhân tâm sự : "Anh đã nghiện rượu nhiều năm nay, ngày nào cũng uống, gia đình can ngăn không nổi. Mấy hôm vừa rồi mưa gió, rỗi việc nên các ông hàng xóm tụ tập chén chú, chén anh, tôi đi làm xa, thấy điện báo về ngay anh T có biểu hiện phát điên, cứ bảo Lý Hùng (diễn viên điện ảnh Lý Hùng) đang ở nhà mình, sau đó cầm dao cậy tủ, cậy cửa, rồi bảo có người rình đánh mình...".

Bệnh nhân tâm thần rượu được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Yên Bái.
Bệnh nhân tâm thần rượu được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Yên Bái.

 Gặp những bệnh nhân tâm thần rượu và chia sẻ của những người làm công tác điều trị bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Yên Bái, một lần nữa chúng tôi không khỏi giật mình vì những tác hại do rượu mang lại!

Hoang tưởng, ảo giác, ảo thị, ảo thanh vì... rượu!

Nghe nói đến tâm thần ai cũng ngán, nhắc đến bệnh viện tâm thần càng ngán luôn vì có lẽ ai đến đây đều có vẻ “không được bình thường”, nhưng với mong muốn tìm hiểu về những biểu hiện tâm thần rượu, một ngày mưa gió, chúng tôi đã đến Bệnh viện Tâm thần Yên Bái. Đúng như suy nghĩ của mình, Bệnh viện không nhộn nhịp bệnh nhân như những cơ sở khám, chữa bệnh khác, ban công khu điều trị nội trú được hàn lồng sắt chắc chắn như boong-ke.

Đưa chúng tôi thăm khu điều trị, bác sỹ Trần Đức Quân - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Bệnh về tâm thần do rượu chúng ta chưa quan tâm nhiều nhưng thế giới người ta quan tâm lắm vì hậu quả của nó ngày càng lớn. Do mất năng lực định hướng và hành vi nên người nghiện rượu khi vào viện không bao giờ nhận tâm thần. Họ chống đối thực hiện y lệnh, sểnh một cái là trốn, người nhà và bác sỹ phải trông nom cẩn thận!”.

Thân hình gầy yếu, giọng nói hiền lành, không ai nghĩ bệnh nhân Trần Văn T, sinh năm 1965, thôn 9, xã Việt Thành, Trấn Yên vài ngày trước đây là người “đáng sợ” vì thường xuyên nổi khùng, chửi mắng vô cớ. Lân la tôi hỏi:

- Anh uống rượu lâu chưa?

- Lâu rồi! - anh T trả lời.

Tôi nhẩm tính, bệnh nhân này trên 50 tuổi đời nhưng đã có hơn 30 năm “tuổi rượu”. Thu mình bên góc giường bệnh, mặt đượm buồn, chị H, vợ bệnh nhân tâm sự: “Buồn lắm chú ạ. Anh nghiện rượu nhiều năm nay, ngày nào cũng uống, gia đình can ngăn không nổi. Mấy hôm vừa rồi mưa gió, rỗi việc nên các ông hàng xóm tụ tập chén chú, chén anh, tôi đi làm xa, thấy điện báo về ngay anh T có biểu hiện phát điên, cứ bảo Lý Hùng (diễn viên điện ảnh Lý Hùng) đang ở nhà mình, sau đó cầm dao cậy tủ, cậy cửa, rồi bảo có người rình đánh mình. Vậy là tôi đưa anh vào viện, được các bác sỹ chăm sóc tận tình giờ khá hơn rất nhiều”.

Trái với tưởng tượng của tôi, các bệnh nhân điều trị đều hiền lành, không nói là rụt rè. Tại căng-tin bệnh viện, tôi gặp bệnh nhân Hà Văn T, 40 tuổi, người xã Thạch Lương, Văn Chấn. Sau hai tuần điều trị, T đã khá tỉnh táo, nói năng khúc chiết, rõ ràng.

T tâm sự: “Em uống rượu hơn chục năm nay, bữa nào cũng uống vài chén, nghiện lúc nào không biết, không có rượu thấy nhớ và chua mồm. Vừa rồi dịp tết, rượu trong nhà, trong thôn nhiều, uống thoải mái. Uống nhiều, thấy trong tai một một bên vui, một bên buồn!”.

Do hoang tưởng, khi “vui” ra đường, gặp ai T cũng chào, cũng hát nhưng khi “buồn”, trong đầu có người đập phá, vậy là gào khóc, muốn gây sự đánh nhau với mọi người.

Chuyện về những “đệ tử Lưu Linh” đang điều trị trong Bệnh viện Tâm thần nhiều không kể hết, nghe cả ngày không chán vì chuyện nào cũng kỳ. Bà Đỗ Thị H, mẹ của bệnh nhân Lê Xuân T, xã Nghĩa Tâm, Văn Chấn, buồn bã: “Thằng T nhà tôi 2 tháng nay đêm kém ngủ,  nói nhiều một mình. Nó bảo, nghe tiếng nói trong đầu của vi khuẩn lúc khen, lúc chê, lúc nào cũng thấy có nhiều vi khuẩn bò bò trong đầu và bụng mình. Giữa đêm khuya, nó đứng trước gương cười một mình. Sợ quá gia đình phải cho vào viện!”.

Bác sỹ Vũ Hoài Anh - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, người có trên 10 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần đã chứng kiến nhiều trường hợp tâm thần về rượu cho biết: “Uống rượu nhiều rất ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là ảnh hưởng đến gan, quá trình tổng hợp dinh dưỡng nuôi não kém, gây thoái hóa tế bào não. Do đó, hầu hết người nghiện rượu ý thức thu hẹp, u ám mất ý thức, mất năng lực định hướng và hành vi. Từ ảo giác dẫn đến đánh người, đập phá, do rối loạn thần kinh thực vật người bệnh đi đứng run rẩy, ngã”.

Anh kể, mỗi người tâm thần vào viện mỗi biểu hiện hoang tưởng khác nhau. Có bệnh nhân ảo thị, lúc nào cũng nhìn thấy người bà đã chết, nghe tiếng bà nói trong đầu bảo lên rừng ở, rồi thường xuyên nửa đêm lên đồi ngủ. Có bệnh nhân nhìn chỗ nào cũng thấy rắn, kiến hay sâu bọ... rồi dùng tay bốc cả ngày, tay chảy máu không biết. Có bệnh nhân bị ảo thanh, nghe có tiếng nói của ai trong đầu, luôn tưởng tượng thấy người rình bắt mình. Thậm chí có người “ảo” đến nỗi luôn nhìn thấy ma quỷ, cho rằng có người muốn hại mình, tìm dao để tự cắt vào cơ thể hay tìm thuốc trừ sâu để uống...
  
Bệnh nhân tăng khó điều trị bệnh

“Tâm thần có liên quan đến rượu ngày càng có xu hướng gia tăng. Nếu quý I/2016, bệnh nhân tâm thần do rượu do bệnh viện điều trị chiếm tỷ lệ 10,6% tổng số bệnh nhân, sang quý I/2017, tỷ lệ này là 21%. Đây là những đối tượng đến bệnh viện điều trị, còn trên thực tế số người tâm thần do rượu rất nhiều” - đây là những thông tin nóng Giám đốc Bệnh viện - Trần Đức Quân cung cấp.

Theo phân tích của bác sỹ Quân, trên thực tế có thể khẳng định, xã, phường, thị trấn nào trên địa bàn tỉnh cũng có người nghiện rượu với đầy đủ thành phần, mức độ khác nhau. “Nhưng đáng báo động, vì chất lượng rượu, từ lúc uống rượu đến lúc nghiện phát bệnh trước đây là khoảng 10 năm, nay thời gian còn 5 - 7 năm. Đặc biệt, bệnh viện đã điều trị những bệnh nhân sinh năm 2000, tức là mới 17 tuổi” - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Yên Bái Trần Đức Quân cho biết.

Theo phác đồ điều trị, mỗi đợt điều trị từ 25 - 30 ngày là bệnh nhân có thể về với gia đình, như vậy cai nghiện không quá khó nhưng quản lý thế nào để bệnh nhân không tái nghiện mới là vấn đề đáng quan tâm. Theo các bác sỹ Bệnh viện Tâm thần, hầu hết người nghiện rượu sau điều trị tái nghiện trở lại! Lý giải tình trạng trên có thể thấy, cùng với lý trí của người bệnh, rượu giờ đây đã trở thành vấn nạn vì giờ nó được sử dụng tràn lan và khó kiểm soát.

Làm một điều tra xã hội, không tính số lượng rượu có nhãn mác, có địa chỉ sản xuất, trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có chục người nấu rượu thì mỗi ngày cả tỉnh có trên... 1 vạn lít rượu được nấu và tiêu thụ. Chưa bàn về công nghệ nấu rượu và chất lượng rượu với giá thành rẻ và bán tràn lan như hiện nay là điều lý giải vì sao số người nghiện rượu ngày càng tăng và càng “trẻ hóa”, kèm theo đó là hậu quả.

Chỉ cho tôi một bệnh nhân, bác sỹ Vũ Hoài Anh tiếc nuối: “Đây là Nguyễn Thanh B, người xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, lần đầu bệnh nhân này nhập viện mình rất ấn tượng vì bệnh nhân này rất đẹp trai, có tài, gia đình khá giả, vì B biết làm ăn buôn bán, cô vợ trẻ rất xinh gái. Nhưng sau lần thứ 4 quay lại nhập viện thì bệnh nhân này thân tàn ma dại, không thấy vợ đi chăm sóc, tìm hiểu do không chịu được chị vợ đã ly dị”.

Khu điều trị bệnh nhân tâm thần được hàn lồng sắt chắc chắn.

Thay lời kết!

Trong cuộc sống, nhất là đối với cánh đàn ông không thể thiếu được chất “cay cay” nhưng bên cạnh những mặt tích cực thì hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia, nhất là rượu bia kém chất lượng như hiện nay thật khôn lường. Cùng bị ảo giác, trầm cảm thường xuyên gây xích mích, bất hòa, làm tổn thương tình cảm với người thân, bạn bè, uống nhiều rượu, bia gây ra những bệnh nguy hiểm liên quan tới tiêu hóa, tim mạch, tiểu đường... gây tiêu tốn tiền bạc dẫn tới đói nghèo vì bệnh nhân không làm việc, lại điều trị bệnh tật dẫn đến kinh tế gia đình kiệt quệ.

Nặng hơn, nó gây băng hoại đạo đức, thậm chí có thể cướp đi mạng sống người vô tội. Những vụ tai nạn giao thông hay án mạng đau lòng thời gian qua tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên hay tại xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn là những ví dụ điển hình.

Từ những hậu quả do rượu gây ra, cùng những biện pháp của cơ quan chức năng trong việc quản lý bia rượu, có lẽ mỗi người cần tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, của tỉnh về thực hiện hạn chế rượu bia, đồng thời nhìn nhận lại mình. Chỉ từ những ly rượu được sử dụng thường xuyên, không kiểm soát, ai cũng có thể trở thành “đệ tử Lưu Linh”, là nạn nhân của rượu, bia!

Nguyễn Đình

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục