Thời hoa lửa
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/5/2017 | 8:12:43 AM
YBĐT - Đi B không chỉ là khát khao mà còn là niềm kiêu hãnh, hào khí một thời cả nước lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Với những chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 phiên hiệu Trường Sơn ở Yên Bái ngày ấy, chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng ngời lên trong mắt họ là lửa nhiệt thành cách mạng và cả những ký ức thiêng liêng của một thời trai trẻ hào hùng, đẹp đẽ và ý nghĩa nhất song cũng đầy gian khổ và hy sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Tới cùng vợ chuẩn bị hành trang đi tìm đồng đội.
|
Ghi nhớ lời kêu gọi của Bác “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và Lệnh tổng động viên năm 1972, trong số 600 chiến sỹ của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn ngày ấy có người là sinh viên Đại học Sư phạm miền Bắc, lại có những người đã là giáo viên đứng trên bục giảng, người là thanh niên nông thôn tay cuốc tay cày, cũng có không ít người là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp.
Gác lại ước mơ để vào Nam - đi B, họ xông pha ra tuyến lửa, thề quyết tử cho Tổ quốc với sức trẻ phơi phới và niềm tin kiêu hãnh vào chiến thắng chính nghĩa của dân tộc. Với ông Đỗ Hải Nam, thương binh hạng ¾ ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình và nhiều đồng đội thì cuộc đời lính chiến ngắn ngủi ấy thực sự là quãng thời gian ý nghĩa nhất bởi trên tất cả là Tổ quốc thiêng liêng, chẳng có ai sống riêng cho mình mà tất thảy hy sinh, tất thảy cống hiến máu xương, tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho dân tộc.
Hội ngộ sau 40 năm nhập ngũ và đi B, ông Nam xúc động kể: “Anh em chúng tôi mỗi người một quê nhưng ra trận khí thế, quyết tâm lắm, không ai có tư tưởng không hoàn thành nhiệm vụ, trốn lính hay đảo ngũ. Tất cả tình nguyện, vô tư đi không cần biết mình sống hay sẽ chết mà chỉ nghĩ là đi có lâu không? Chiến tranh có dài không? Những đêm luyện tập trên đồi sim, một, hai giờ sáng, nằm ngửa mặt nhìn lên bầu trời đầy sao, nhớ nhà vô cùng. Chuẩn bị đi chiến trường đến nơi rồi. Nghĩ ở quê nhà giờ này có còn ai thức? Nhìn lên ngôi sao sáng nhất mà ước mơ một ngày chiến tranh kết thúc, đoàn tụ gia đình…”.
Trong cuốn nhật ký hành quân của Hà Lâm Kỳ - nhà văn, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, từng là lính của của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn phiên hiệu đi B - 1972 ngày ấy, có trang viết: “… Ngày 20/2/1973, 5 giờ sáng có lệnh hành quân. Chặng đường đi Trạm 33 khá xa. Suốt từ Trạm 32 trở đi, cây cối xác xơ, chết vì chất độc hóa học của Mỹ. Đây rồi! Đường 9 Nam Lào lịch sử, nơi diễn ra trận chiến đấu vô cùng ác liệt giữa quân ta và địch mùa khô năm 1971. Những thân cây chết đứng, xơ xác… Chao ôi, chiến tranh. Phải tiêu diệt chiến tranh…”.
Chiến tranh là đổ máu, là hy sinh, kết nên tình đồng đội, nghĩa anh em, duyên tri kỷ trong bom rơi, đạn nổ, sự sống và cái chết cận kề. Với thương binh hạng ¼ Nguyễn Văn Soạn, đó còn là môi trường khắc nghiệt để thử thách lòng quả cảm, chí kiên trung, tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng. Ông rưng rưng kể: “Tôi nhớ năm 1974 chiến sự rất ác liệt. Có thời gian, cả một tháng trời chúng tôi chỉ ăn độc có măng le và rau tàu bay, gạo rất thiếu vì hậu cần của quân ta không thể chuyển lương thực vào trận địa được. Khi ấy, chỉ biết cầm cự chiến đấu một mất, một còn. Tôi bị thương nằm tại chỗ, đến đêm thứ 2 đồng đội mới tìm thấy. Mọi người không nghĩ tôi còn có thể sống. Tôi được anh Đỗ Bá Tỵ giờ là Phó Chủ tịch Quốc hội cõng ra ngoài, anh em cáng lên phẫu tiểu đoàn… Cuộc sống của mình có được là đồng đội cho nên nặng ơn nghĩa lắm!”.
Nghe câu chuyện ông Nguyễn Ngọc Tới - thương binh hạng 4/4 ở thôn 4, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên gần hai chục năm lặn lội về lại các chiến trường Tây Nguyên để kiếm tìm những đồng đội thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 Trường Sơn ngày ấy đã anh dũng hy sinh khiến tôi cảm phục.
Bà Dương Thị Ngọ - vợ thương binh Nguyễn Ngọc Tới bộc bạch: “Lương thương binh hạng 4/4 và trợ cấp chế độ chất độc da cam hàng tháng cũng được hơn 2 triệu đồng, vợ chồng tiêu pha tằn tiện, còn thì ông ấy dành dụm cất đi. Tôi bòn mót thêm ít tiền từ tỉa bán quế, quả trứng, con gà, con lợn rồi góp nhặt, dồn vào được món kha khá, vài ba năm một lần cho ông ấy vào Nam tìm đồng đội. Biết ông ấy nặng tình, nặng nghĩa với bạn thuở chiến trường nên tôi chỉ động viên chứ không dám can ngăn. Mỗi lần trở về, biết thêm được một hai đồng đội nằm ở nghĩa trang nào đó là ông ấy vui lắm, lại gom góp lên đường...”.
Người ta bảo thế nào, ông Tới cũng chỉ cười: “Ai có sống trong hoàn cảnh mà sự sống, cái chết chỉ cận kề gang tấc; có sống trong cảnh bạn chiến đấu nhường nhau miếng cơm, chia nhau từng ngụm nước mới hiểu tình đồng đội thiêng liêng đến thế nào. Với đồng đội đã khuất tôi không bao giờ quên ơn họ”.
Chỉ riêng năm 2009, ông Tới đi cả thảy 3 tháng liền, qua nhiều nghĩa trang: Rạch Giá, Di Linh, Gia Lai, Kon Tum... Nghĩa trang Gia Lai, ông đã tìm thấy tên tuổi của liệt sỹ Đỗ Quang Việt ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; liệt sỹ Nguyễn Ngọc Sơn ở xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái; liệt sỹ Vũ Ngọc Quang ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nghĩa trang Kon Tum, ông Tới đã tìm được 2 đồng đội đã mất: liệt sỹ Nguyễn Xuân Định ở Cẩm Khê, Phú Thọ và liệt sỹ Nguyễn Ngọc Ánh ở Quốc Oai, Hà Tây...
Đau đáu trong lòng nỗi niềm với đồng đội đã ngã xuống, ông Tới phân trần: “Giá kể được các ngành chức năng của tỉnh cấp cho chiếc giấy giới thiệu đi tìm đồng đội thì tôi cũng đỡ khó khăn hơn vì đến các nghĩa trang sẽ được tạo điều kiện về chỗ nghỉ, đỡ phải thuê mướn nhà trọ bên ngoài. Ngày nào còn sống tôi vẫn sẽ đi tìm đồng đội”.
Đoàn 3005 phiên hiệu đi B Trường Sơn Yên Bái có 600 cán bộ chiến sỹ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, Bắc - Nam thống nhất, phần lớn các chiến sỹ của Đoàn 3005 Trường Sơn đã nằm lại trên các chiến trường, gần 200 đồng đội may mắn trở về quê hương. Năm 2000, với ý tưởng tìm lại đồng đội, Ban Liên lạc Đoàn 3005 Trường Sơn tại Yên Bái đã tập hợp được nhiều đồng đội sinh sống và công tác tại các địa phương của tỉnh Yên Bái và trên cả nước.
Với các hoạt động ý nghĩa từ giúp đỡ các gia đình đồng đội khó khăn; thăm hỏi động viên gia đình đồng đội qua đời; thăm viếng, đến tri ân, tìm kiếm đồng đội đã hy sinh trên các chiến trường Tây Nguyên…, Ban Liên lạc Đoàn 3005 Trường Sơn tại Yên Bái đã trở thành sợi dây bền chặt nối gần đồng đội đang sống với những đồng đội đã hy sinh bằng với tất cả tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm cao cả của người lính.
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Khuôn mặt hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, không ai có thể nghĩ Trưởng thôn 15 Cát Lem, xã Đại Minh, huyện Yên Bình Nguyễn Trung Thành lại có một quá khứ đầy sóng gió như vậy. 17 năm ngập chìm trong ma túy nhưng bằng sự quyết tâm của bản thân, sự đùm bọc của gia đình và giúp đỡ của cộng đồng, anh đã từ bỏ được "cái chết trắng" để tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng hạnh phúc và tương lai cho mình.
YBĐT - Tôi và Dũng “khàn” lên tới thành phố Yên Bái, được đồng chí Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái vui vẻ, ân cần đón tiếp và chiêu đãi bữa cơm trưa với cá dúi trứng (đặc sản vùng hồ Thác Bà), cơm xong anh chỉ đường cho chúng tôi lên đất Lục Yên (đường vào nhà anh Hoàng Văn Viết). >> Ký ức người anh hùng
YBĐT - Hơn 40 năm qua, chúng tôi (3 anh em còn lại của đoàn 6 cán bộ hôm đó - 3 đồng chí đã hy sinh trên chiến trường Trường Sơn) vẫn mong muốn có một ngày được gặp lại anh, người ân nhân đã cứu mình để nói lời cảm ơn chân thành nhất nhưng do hoàn cảnh chiến đấu và công tác vẫn chưa thực hiện được ước nguyện.
YBĐT - Nước sinh hoạt do Công ty Cấp nước Yên Bái mà người dân thành phố Yên Bái và thị trấn Yên Bình sử dụng là nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định, không gây bệnh như dư luận lan truyền trên mạng xã hội.