Người thủ lĩnh sáng tạo
- Cập nhật: Thứ năm, 15/6/2017 | 12:14:28 PM
YBĐT - Đó là anh Nghiêm Đắc Huỳnh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Mù Cang Chải, người đã gần 7 năm làm Chủ tịch CĐCS.
Khi ruộng bậc thang vào mùa nước đổ, thì nơi đó lại cuốn hút chúng tôi đến với vùng cao. Gọi điện thoại cho anh Nghiêm Đắc Huỳnh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Mù Cang Chải thì nghe tiếng nói lẫn trong tiếng ào ào của gió núi: "Mình đang ở vườn ươm Tiểu khu 2 kiểm tra chất lượng cây giống sơn tra".
Đã hơn 2 giờ chiều mà mặt đường nhựa vẫn nóng rẫy. Khu thị tứ Ngã Ba Kim, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải vắng hoe người. Cả dãy phố chỉ còn lại vài người phụ nữ Mông đang miệt mài thêu tay bên các sạp thổ cẩm. Trụ sở BQLRPH Mù Cang Chải là một dãy nhà cấp 4 nằm cách mặt đường chính khoảng 30 m, xung quanh dân cư khá đông đúc.
Bật số mạnh nhất của chiếc quạt tường mà hơi nóng vẫn cứ hầm hập quanh gian phòng. Rót chén nước chè đặc sản của địa phương mời khách, anh Huỳnh bắt đầu kể cho tôi nghe những ngày đầu về Lâm trường Púng Luông, nay là BQLRPH huyện Mù Cang Chải.
Quê ở tỉnh Hưng Yên, năm 1993 học xong THPT, anh theo người dì ruột lên huyện Mù Cang Chải. Đến tháng 8 anh xin vào làm công nhân tổ đóng gạch của Lâm trường. Năm 1995, đi học tại Trường Công nhân Kỹ thuật Trung ương 4 ở tỉnh Phú Thọ. Đến tháng 8 năm 1997, anh được điều động về làm cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Lâm nghiệp Khu 4 tại xã Khao Mang. Tháng 4 năm 2011 làm Trưởng Trung tâm Khu 1 ở xã Cao Phạ và từ 2011 đến nay, làm Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chủ tịch CĐCS - BQLRPH Mù Cang Chải.
Anh tâm sự: "Được cái tính vui vẻ, nên năm 34 tuổi mình được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Công đoàn Lâm trường. Hồi ấy, thấy làm công đoàn đơn giản lắm! Ví dụ như việc đi phát quà cho anh chị em công nhân vào những ngày cuối năm và mọi thứ toàn màu hồng. Cho đến năm 2011, Lâm trường Púng Luông chuyển sang mô hình đơn vị sự nghiệp là BQLRPH Mù Cang Chải nên cuộc sống rất khó khăn, công nhân không có việc làm. Nguyên nhân là do trước đây Lâm trường thực hiện từ gieo cây giống đến trồng rừng, bảo vệ rừng, lúc đó cả đơn vị có trên 150 công nhân. Khi chuyển sang mô hình BQLRPH thì việc trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng được chuyển cho chính quyền địa phương, nên Ban chỉ cung cấp giống, vốn và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, nên phải giảm biên chế. Để giải quyết chế độ cho những người trong diện giảm biên chế, Ban đã phối hợp với chính quyền địa phương giao những diện tích rừng cần khoanh nuôi, bảo vệ cho công nhân để có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống".
Với cương vị là Chủ tịch CĐCS - BQLRPH huyện Mù Cang Chải, anh Huỳnh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Anh cùng với tập thể Ban Chi ủy, Ban Chấp hành CĐCS, cán bộ đoàn viên, công nhân, viên chức và nhân dân các xã trong vùng dự án hoàn thành các kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rừng. Anh vận động đoàn viên công đoàn cùng các hộ nhận rừng bảo vệ ký cam kết thực hiện tốt các quy định về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Cụ thể, đã làm mới 45,6 km đường ranh cản lửa, tu sửa 44,9 km hệ thống đường ranh cản lửa; ngoài ra, còn tu sửa toàn bộ đường bao lô, bao khoảnh và các đường băng cản lửa phân chia ranh giới giữa các bản, giữa các loại rừng... Ban cũng đã tu sửa và làm mới toàn bộ hệ thống, bảng biểu phục vụ công tác bảo vệ rừng với 1.109 biển cấm, 35 biển cấp dự báo, làm mới 1 bảng tin xây, 1 bảng cấp dự báo sắt...
Xác định quản lý, bảo vệ rừng là một nhiệm vụ rất lớn và cực kỳ quan trọng được tỉnh giao cho, anh đã tham mưu giúp lãnh đạo BQLRPH tổ chức cho anh em xuống các đơn vị cơ sở và UBND các xã nắm vững từng địa bàn, từng vùng trọng điểm, giáp ranh hay bị lấn chiếm và có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng để ngăn chặn phát rừng làm rẫy, chặt phá rừng, đốt rừng.
Nói về quãng thời gian gần 7 năm làm Chủ tịch CĐCS, anh bảo: "Năm 2015, đơn vị được UBND tỉnh giao kế hoạch xây dựng và phát triển vốn rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ hiện có là 46.779 ha. Từ nhiệm vụ được giao, với yêu cầu công việc, tôi nhận thấy để làm tốt nhiệm vụ cần phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân các xã trong huyện, trong đó công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân với công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR".
Để đạt hiệu quả trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, PCCCR trong điều kiện thời tiết hàng năm vào mùa khô hanh rất khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài là một đòi hỏi vô cùng cấp thiết, vì đây lại là thời vụ đốt nương, làm rẫy của nhân dân trong huyện, nên thường xuyên có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Công tác này gặp nhiều khó khăn do kinh phí dành cho tuyên truyền, vận động còn nhiều hạn chế; ý thức, nhận thức của nhân dân chưa cao, phong tục, tập quán còn lạc hậu, đặc biệt là việc dùng lửa của nhân dân và các cháu học sinh là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng.
Nghĩ là làm, anh đã vận dụng, đưa ra sáng kiến tham mưu với Ban Giám đốc tổ chức các buổi truyền thông về quản lý và bảo vệ rừng, PCCCR tại các trường tiểu học và THCS các xã. Ngoài ra, mỗi buổi truyền thông sẽ mời các trưởng bản, bí thư chi bộ, công an viên, già làng, người có uy tín trong dòng họ.
Nội dung của buổi truyền thông là thi tìm hiểu về tác dụng của rừng đối với đời sống con người, quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, những hành vi bị cấm, những hành vi được khuyến khích, những thành tích nào được khen thưởng... làm cho nhận thức của học sinh, nhân dân được nâng lên. Từ khi sáng kiến của anh được áp dụng, công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2014, cháy rừng trên địa bàn là 100,8 ha thì đến 2015 chỉ còn 9,15 ha.
Anh còn cùng tổ chức công đoàn thường xuyên động viên các đoàn viên tích cực tham gia phong trào thi đua lao động, xây dựng cuộc sống, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có Phong trào "3 xanh" (xanh nhà, xanh đồng ruộng, xanh rừng). Đồng thời, vận động đoàn viên đầu tư thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới có hiệu quả cao vào sản xuất.
Với nhiều thành tích đạt được trong thi đua lao động, sản xuất, cùng với chăm lo đời sống cho đoàn viên công đoàn, anh Nghiêm Đắc Huỳnh nhiều năm liền được Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen.
Mù Cang Chải tháng 6 năm 2017
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Không những là giảng viên trẻ, năng động, nhiệt huyết mà cô giáo Hoàng Thị Vân Mai - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch (VHNT&DL), Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng VHNT&DL còn được Ban Giám hiệu, đồng nghiệp và sinh viên luôn yêu quý, trân trọng bởi đức tính khiêm nhường, trách nhiệm với nghề và tấm lòng luôn chia sẻ, động viên, quan tâm đến đời sống của đồng nghiệp cũng như sinh viên nhà trường.
YBĐT - Là công ty may Hàn Quốc đặt tại huyện Trấn Yên, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF có cả hệ thống dây chuyền may hiện đại, tổng mức đầu tư lên đến gần 10 triệu USD với nhiều chế độ bảo đảm cho công nhân song đang rất khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân người lao động. Vậy, đâu là nguyên nhân?
YBĐT - Đó là chàng kỹ sư công nghệ thông tin người dân tộc Dao - Bàn Tiến Nhị, sinh năm 1992 ở thôn 1 Khe Giang, xã Đại Sơn, Văn Yên đã chọn làm giàu bằng mô hình nuôi ếch thương phẩm.
YBĐT - Khu tái định cư Táng Khờ 1 nằm giữa lưng chừng núi, phía đầu nguồn của Nhà máy Thủy điện Vực Tuần. Bản nhỏ này là nơi định cư của 73 hộ dân Làng Lao của xã Cát Thịnh. Gần 6 năm "xuống núi", giờ đây, khu tái định cư Táng Khờ 1 đã nhiều đổi khác.