Vũ Văn Thụ - người làm báo tài năng và đức độ
- Cập nhật: Thứ hai, 19/6/2017 | 6:59:33 AM
YBĐT - Không hiểu sao, tôi cứ thấy như mình còn mắc nợ không chỉ với ông mà cả với những người làm báo, nếu không viết được đôi điều về cuộc đời làm báo của ông.
Đồng chí Vũ Văn Thụ, nguyên Tổng biên tập, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hoàng Liên Sơn (người thứ hai trái sang, hàng trên) và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Đại hội IV Hội nhà báo Việt Nam.
|
Năm nay, ông bước vào tuổi 95, đang cư trú tại phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang với người cháu nuôi. Nếu tôi không nhầm thì ông sinh năm Nhâm Tuất. Cái tuổi này nếu là đàn bà thì tài giỏi, thông thạo nghề nghiệp, đời sống phong lưu; nếu là đàn ông thì vất vả, chỉ có thể tạo nên công danh bằng chính năng lực của mình chứ không phải bằng cái gì khác. Xem ra cuộc đời của ông cũng đúng như thế.
Tôi được biết tờ báo do ông làm Tổng biên tập trước khi được biết ông. Năm 1963, gần như Đảng bộ các tỉnh đều ra tờ báo theo Chỉ thị năm 1962 của Bộ Chính trị và lấy tên của tỉnh làm tên tờ báo. Duy nhất chỉ có hai tờ báo lấy tên khác, đó là tờ “Lào Cai đổi mới" của tỉnh Lào Cai và tờ "báo Sông Đào" của tỉnh Nam Định. Hai chữ đổi mới trên măng-sét của tờ Lào Cai khiến tôi và nhiều người làm báo chú ý. Quả thật, từ nội dung đến cách trình bày của tờ Lào Cai đổi mới luôn luôn thể hiện sự đổi mới, đi lên của một tỉnh miền núi và thấy được cả những khát vọng của Đảng bộ, nhân dân ở đây.
Mãi sau này, tôi mới được gặp ông, gặp anh chị em phóng viên, biên tập viên, như: Ma Văn Kháng, Trọng Bính, Quang Khánh, Phạm Gia Thanh, Vũ Hải, Trân Hậu, Vũ Thị Thoa, Huyền Dụ... Cơ quan báo thật sự là một tập thể yêu thương gắn bó với nhau như một guồng máy trơn tru, chạy hết công suất vì một tờ báo đổi mới. Có được một tập thể như thế chính là do phong cách lãnh đạo, do nhân cách và đạo đức của Tổng biên tập.
Với ông, thật dễ gần, dễ mến nhưng lại là nhà báo rất bản lĩnh. Nhớ chuyện, một đồng chí lãnh đạo của tỉnh thích làm thơ, làm được bài nào ông gửi đăng báo bài ấy. Thật ra thì thơ của ông không hay, phần lớn là loại ứng khẩu thành thơ. Hôm ông đến cơ quan báo, thấy Tổng biên tập ở ngay tiền sảnh liền hỏi luôn: “Tôi gửi mấy bài thơ chưa thấy báo đăng bài nào?”.
Tổng biên tập hóm hỉnh vừa cười vừa dẫn ông đi dọc hành lang đến chỗ có tờ báo tường của cơ quan: “Đây thôi, tôi cho đăng liền cả năm bài thơ của ông rồi còn gì nữa”. Đồng chí lãnh đạo tỉnh nhìn vào tờ báo tường cười gượng. Khách về rồi, Tổng biên tập nói với tôi: “Thơ của ông ấy như thế chú bảo đăng làm sao được. Cả nể, đăng để làm mất uy tín của tờ báo à! Người làm báo phải có bản lĩnh của người làm báo”.
Vâng, tôi hiểu vai trò của người Tổng biên tập là tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của cơ quan báo. Nhưng trên hết là "người gác đền", hàng ngày phải trực tiếp thẩm duyệt từ ma-két đến nội dung từng bài báo và nội dung cũng như hình thức của cả tờ báo, trước hết là nội dung chính trị.
Tổng biên tập Vũ Văn Thụ viết nhiều thể tài báo chí, đặc biệt là thể tài chính luận. Đó là những bài báo thể hiện quan điểm của tờ báo, của cơ quan truyền thông về một vấn đề nhất định, ở những thời điểm nhất định. Tờ báo nào, cơ quan truyền thông nào cũng sử dụng đến thể tài chính luận. Bài xã luận bao giờ cũng được đặt ở vị trí quan trọng nhất trên trang một của tờ báo. Tờ Lào Cai đổi mới gần như số nào cũng có xã luận do Tổng biên tập viết.
Tính ra như vậy, không biết ông viết bao nhiêu bài trong một năm, bao nhiêu bài trong cuộc đời của người Tổng biên tập. Viết xã luận thật khó, vì xã luận là dùng luận lý để thuyết phục, chỉ đạo người nghe, người đọc, những chi tiết, số liệu chỉ là để hỗ trợ cho luận lý của bài viết. Ông có tài viết báo rất nhanh. Chiều tối hôm trước ông còn tiếp khách ở trụ sở tôi nhắc ông, sáng sớm hôm sau đã có xã luận nộp cho tòa soạn.
Đầu năm 1976, ba tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, ba tờ báo của ba tỉnh sáp nhập thành Báo Hoàng Liên Sơn và nhà báo Vũ Văn Thụ được bổ nhiệm làm Tổng biên tập.
Trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, nhà báo Vũ Văn Thụ phát huy tài năng báo chí, tinh thần đổi mới, sáng tạo hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Tờ báo Hoàng Liên Sơn trở thành một trong số những tờ báo có uy tín nhất trong số những tờ báo Đảng địa phương.
Tư tưởng chủ đạo của ông là tờ báo phải luôn luôn đổi mới, coi đổi mới là thuộc tính của báo chí. Ngay từ khi Đảng ta mới thai nghén công cuộc đổi mới bằng chủ trương tự cởi trói cho mình, làm cho sản xuất bung ra, báo Hoàng Liên Sơn có nhiều tác phẩm xuất sắc cổ vũ cho tinh thần đổi mới.
Khi Trung ương Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới với tinh thần: nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nói rõ sự thật, Tổng biên tập Vũ Văn Thụ không ngần ngại chỉ đạo phóng viên viết bài, đưa lên mặt báo, những yếu kém, những vụ việc tiêu cực.
Cái tài, cái bản lĩnh của ông là không quá sa đà vào các vụ việc tiêu cực. Nhưng những vụ việc tiêu cực nào đã đăng trên báo thì phải đi đến cùng. Do đó, những bài báo chống tiêu cực có tác động lớn đến dư luận. Lần đầu ở thị xã tỉnh lỵ xảy ra vụ giết người cướp của, tác động rất xấu đến an ninh trật tự, ông giao cho tôi chỉ đạo phóng viên đi ngay vào điều tra. Đúng ba ngày sau, phóng viên cự phách Lê Năng chuyên viết chống tiêu cực đã viết xong bài điều tra "Tên cướp khoác chiếc áo bạt đen".
Tổng biên tập, một lần nữa bộc lộ tài năng, chính tay ông vẽ minh họa rất bắt mắt và cho đăng ngay bài báo. Tờ báo xuất bản, đáp ứng yêu cầu cháy bỏng của bạn đọc. Tờ báo bán rất chạy, chạy đến mức anh chị em không kịp đếm tiền, đành phải ngửa nón ra nhận tiền. Khuôn chữ vẫn cứ để nguyên trên máy, báo bán đến đâu in ngay đến đấy. Kết quả hàng vạn tờ báo được phát hành, con số kỷ lục chưa từng có của báo địa phương.
Trong điều kiện kinh phí Tỉnh ủy cấp cho báo hàng quý, hàng năm rất hạn hẹp, ông đã tổ chức liên kết với nhiều ngành như: khoa học, nông nghiệp, tư pháp, ngân hàng... để vừa có thêm kinh phí vừa làm cho nội dung tờ báo phong phú. Chính ông chứ không phải ai khác đã khởi xướng ra mối liên kết giữa báo với các ngành, các cấp để vượt qua khó khăn, những thế hệ làm báo sau ông tiếp tục phát huy.
Nhà báo Vũ Văn Thụ vừa là Tổng biên tập vừa là Thư ký Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn, ông đã có nhiều hoạt động phong phú: tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập các báo và hội nhà báo: Vĩnh Phú, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Bắc, Hà Nội Mới, Ninh Thuận, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh...
Được sự giúp đỡ của Trung ương Hội, Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn tổ chức được nhiều đợt phát hành xổ số quốc tế các nhà báo OIJ. Xổ số có nhiều giải thưởng có giá trị như: xe đạp, xe máy, đồng hồ... nên đã lôi cuốn nhiều người tham gia. Tổ chức xổ số vừa mở rộng ảnh hưởng của báo chí vừa có lợi nhuận trang trải cho hoạt động của Hội. Bằng lợi nhuận của xổ số OIJ, Hội đã sắm cho mỗi hội viên một bộ quần áo, đôi giầy, cùng một số trang bị khác. Trong điều kiện lúc bấy giờ, phóng viên có bộ comple, đôi giày da là sang lắm rồi!
Là Tổng biên tập tờ báo của một tỉnh lớn, ông luôn luôn coi trọng việc giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho những người làm báo. Nhưng trước hết và trên hết ông phải là tấm gương để anh chị em noi theo. Ông là người sống chan hòa, cởi mở với mọi người từ phóng viên, biên tập viên đến chị đánh máy, cô cấp dưỡng, chả ai thấy ông có tý gì gọi là quan cách. Thế nhưng ai có thiếu sót, khuyết điểm là ông thẳng thắn, phê bình trực diện. Thời kỳ hàng hóa khan hiếm, có ngành, có cơ sở sản xuất nể các nhà báo bán cho cái này, cái nọ. Ông gặp ngay phóng viên đó phê bình: “Lần sau, chú không được làm như thế, nay người ta bán, mai người ta cho, ngày kia người ta biếu, thế là người ta mua mất nhà báo đấy!”.
Một lần khác, có một nhà báo trẻ mới vào nghề hai, ba năm đã vi phạm đạo đức người làm báo. Anh ta tự ý vào nhà in bóc một bài viết phê bình đã lên khuôn, thay vào đó một bài khác vì người bị phê bình xin anh ta và biếu anh ta một món quà nhỏ thôi. Biết được chuyện đó, Tổng biên tập rất đau lòng phải ký quyết định kỷ luật anh ta với hình thức khá nặng.
Khi ông về nghỉ hưu được gần hai mươi năm, là người được dìu dắt tận tình và là người kế nhiệm ông, tôi đến thăm vẫn thấy ông làm Bí thư Chi bộ kiêm tổ trưởng tổ nhân dân, tôi buột miệng kêu lên:
- Anh vẫn làm tổ trưởng tổ nhân dân à?
Vẫn như ngày nào ở cơ quan ông phê bình luôn:
- Tư tưởng của chú rất sai, chú coi thường chức tổ trưởng tổ nhân dân à?
- Em hỏi thế vì thấy bác cao tuổi rồi, công việc của tổ trưởng lại rất vất vả - tôi phải thanh minh.
Ông lại cười hiền hậu như ngày nào:
- Khối anh muốn làm chức ấy đấy nhưng dân người ta không bầu. Chú có nghĩ thế không? - vừa phê bình tôi xong ông lại hỏi - tôi nghĩ lại hình như mình xử lý cậu nhà báo trẻ hồi ấy là nặng quá, mặc dù lỗi của cậu ấy là rất nặng.
- Đúng là quá nặng, hơn nữa cậu ấy còn quá trẻ - tôi trả lời ông. Hỏi lại chuyện ấy, quả thật ông là một nhà báo tài năng và đức độ.
Hải Đường
Các tin khác
YBĐT - Đó là anh Nghiêm Đắc Huỳnh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Mù Cang Chải, người đã gần 7 năm làm Chủ tịch CĐCS.
YBĐT - Không những là giảng viên trẻ, năng động, nhiệt huyết mà cô giáo Hoàng Thị Vân Mai - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch (VHNT&DL), Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng VHNT&DL còn được Ban Giám hiệu, đồng nghiệp và sinh viên luôn yêu quý, trân trọng bởi đức tính khiêm nhường, trách nhiệm với nghề và tấm lòng luôn chia sẻ, động viên, quan tâm đến đời sống của đồng nghiệp cũng như sinh viên nhà trường.
YBĐT - Là công ty may Hàn Quốc đặt tại huyện Trấn Yên, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF có cả hệ thống dây chuyền may hiện đại, tổng mức đầu tư lên đến gần 10 triệu USD với nhiều chế độ bảo đảm cho công nhân song đang rất khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân người lao động. Vậy, đâu là nguyên nhân?
YBĐT - Đó là chàng kỹ sư công nghệ thông tin người dân tộc Dao - Bàn Tiến Nhị, sinh năm 1992 ở thôn 1 Khe Giang, xã Đại Sơn, Văn Yên đã chọn làm giàu bằng mô hình nuôi ếch thương phẩm.