Tuy không nhiều, nhưng chọn nghề, mở lớp như thế là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng 70% lao động sau học nghề không có việc làm, đồng nghĩa thu nhập số đông nông dân nghèo những nơi này vẫn ... "ngày càng ổn định”.
Mô hình có nhưng chưa nhiều
Yên Bình thời gian qua phát triển khá nhanh các mô hình nuôi cá lồng, nuôi cá nước ngọt, thâm canh bưởi, phát triển trang trại. Trong nghề nuôi cá nước ngọt, nhiều người đã biết đến những cái tên như Trần Văn Thịnh, Nguyễn Văn Yến ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên; Nguyễn Ngọc Nhuyễn ở khu 7, thị trấn Thác Bà; Nông Văn Hiền ở thôn Đồng Tý, xã Phúc An… Nghề trồng bưởi có Dương Văn Hoan ở thôn Đồng Nếp và Phùng Đức Việt ở thôn Đại Thân 2, xã Đại Minh… Nghề xây dựng có Đường Ngọc Bằng, Triệu Văn Hồng ở thôn Đát Lụa, xã Bảo Ái…
Khi chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình anh Trần Văn Thịnh ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, anh Thịnh cho biết: năm 2014, anh nuôi cá bằng hình thức quây lưới tại eo ngách trên hồ Thác Bà với diện tích 5 ha mặt nước, vốn bỏ ra ban đầu con giống 30 triệu đồng và tiền lưới 50 triệu đồng, tổng chi phí và nhân công gần 100 triệu đồng. Cuối năm, gia đình đánh bắt, riêng cá rô phi và cá chép đã thu trên 2 tấn, cầm chắc 100 triệu đồng.
Anh Thịnh tâm sự: "Năm 2015, tôi tham gia học nghề nuôi cá nước ngọt và nuôi 3 lồng cá, hiện nay đã nhân lên 20 lồng với các loại cá như trắm cỏ, nheo, chép, rô phi đơn tính… Nuôi cá thì yếu tố đầu tiên là phải chọn cá giống đảm bảo chất lượng, đều con, bơi lội hoạt bát, không dị hình; vây cá phủ kín, không mất nhớt, không xây xát, quy cỡ tiêu chuẩn khoảng 8 - 12 cm; màu sắc cá tươi sáng, đặc trưng của từng loài. Nuôi cá phải biết chọn loại thức ăn cho phù hợp, khi cá nhỏ cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm cao và giảm dần khi cá lớn, ngoài ra còn nhiều biện pháp tăng cường sức đề kháng cho cá và phát hiện sớm để không để dịch bệnh xảy ra. Với việc áp dụng nuôi đúng kỹ thuật, hàng năm gia đình có thu nhập gần 200 triệu đồng từ nuôi cá”.
Sau con cá là bưởi, chúng tôi có dịp tới thăm mô hình trồng bưởi của gia đình ông Dương Văn Hoan ở thôn Đồng Nếp, xã Đại Minh. Hỏi về hiệu quả kinh tế từ việc học nghề trồng bưởi và thu nhập hiện nay của gia đình, ông Hoan cho biết: "Tôi học nghề, học kỹ thuật trồng bưởi từ năm 2014. Trước đây, từ trồng đến chăm sóc đều theo "cảm hứng”, bởi vậy bưởi nhà không sai quả và ngon. Bây giờ, kỹ thuật trồng bưởi tôi thuộc từng chữ từ thời vụ trồng, cách đào hố chiều rộng, chiều sâu, mật độ trồng, cách chăm sóc… nhờ có học. Hiện nay, gia đình có 200 gốc bưởi, 80 gốc đã cho thu hoạch, năm vừa qua thu gần 100 triệu đồng, vụ bưởi năm nay nắm chắc trong tay 150 triệu”.
Con số biết nói: trong 150 người học nghề theo mô hình thí điểm ở Yên Bình những năm qua, tất cả đều có việc làm với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Rõ là, hiệu quả đã có, mô hình đã có, nhưng so với hàng ngàn lao động qua đào tạo và hàng ngàn hộ nông dân ở Yên Bình thì con số đó cũng gợi nhiều suy nghĩ...
Nguyên nhân và thách thức
Nhìn qua 7 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ -TTg, có thể thấy việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã trao cho người dân chiếc "cần câu” để câu cá. Nông dân, thanh niên, phụ nữ nhờ học nghề và với sự cần cù chịu khó, nhiều người đã tự vươn lên thoát nghèo trên chính đồng đất quê hương. Yên Bình cũng như nhiều địa phương khác, triển khai Đề án này khá bài bản.
Từ việc triển khai các văn bản hướng dẫn, thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và cấp xã; tập huấn cho thành viên ban chỉ đạo cấp xã, thị trấn, cho cán bộ làm công tác lao động – thương binh và xã hội; điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề đến xây dựng mô hình dạy nghề phù hợp với phong tục tập quán và khả năng phát triển kinh tế của từng xã, thị trấn đến năm 2020...
Giai đoạn 2010 - 2015, huyện đề ra mục tiêu dạy nghề cho 3.000 lao động nông thôn, cơ cấu 60% dạy nghề nông nghiệp và 40% dạy nghề phi nông nghiệp. Giai đoạn 2015 - 2020, mục tiêu là dạy nghề cho 3.000 lao động, cơ cấu 70% là nghề nông nghiệp và 30% nghề phi nông nghiệp; quy mô 30 học viên/lớp học, thời gian đào tạo dưới 3 tháng theo chương trình đào tạo.
7 năm triển khai, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 4.038 người, đạt 95% kế hoạch. Trong đó, lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi có công với cách mạng 25 người; lao động khuyết tật 2 người; lao động là người dân tộc thiểu số 1.598 người; lao động thuộc diện hộ nghèo 438 người; lao động thuộc hộ cận nghèo 20 người; lao động thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh 134 người; lao động nông thôn khác 1.821 người.
Nhóm nghề đào tạo nông nghiệp đã có 2.505 người được học, chiếm 62,03%; nhóm phi nông nghiệp là 1.533 người, chiếm 37,97%. Kết quả đem lại là nhiều mô hình thí điểm đã khẳng định hiệu quả và khả năng nhân rộng. Đó là các mô hình trồng bưởi ở xã Đại Minh, các mô hình nuôi cá lồng ở thị trấn Yên Bình, Vĩnh Kiên, Thịnh Hưng…
Học viên Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường
xuyên huyện Yên Bình học nghề xây dựng.
Tìm hiểu sâu về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Yên Bình, chúng tôi có trong tay thêm những con số biết nói: số lượng đào tạo nghề chỉ đạt 95% mục tiêu kế hoạch; 600 người học nghề một năm nhưng chỉ có 65 hộ có người học nghề thoát nghèo/năm, chỉ có 7 xã có hộ gia đình sau khi học nghề trở thành hộ khá và số này chỉ chiếm 10% trong số đào tạo, hầu hết các địa phương khác chỉ chiếm 5%. Hình thức đào tạo chủ yếu là tập trung, tỷ lệ học viên lên lớp trung bình chiếm trên 80%.
Ông Hà Minh Đông - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện cho biết: "Lớp mở ở xã hay thôn, bản, mặc dù chúng tôi đã thường xuyên trao đổi thông tin với ban chỉ đạo cấp xã, thị trấn và các tổ chức đoàn thể, trực tiếp là giáo viên giảng dạy ngày nào cũng điểm danh, đôn đốc nhưng có tới 101 lý do xin nghỉ học: gia đình có giỗ, chồng mệt, con ốm, người nhà nằm viện, đám cưới... Hiện nay, Trung tâm dạy 3 nghề phi nông nghiệp là sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa máy nông cụ, kỹ thuật xây dựng; 8 nghề nông nghiệp, trong đó có kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật thâm canh bưởi, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật nuôi ong, chăn nuôi thú y…
"Do không có giáo viên dạy nghề nông nghiệp nên Trung tâm cứ mở lớp là lại phải hợp đồng thuê giáo viên của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy xuống cấp đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề thời gian qua” - ông Đông nói.
Giáo viên thì nhiệt huyết, anh Lý Phi Hưng dạy nghề điện dân dụng cho biết: "Học viên tham gia lớp học có nhiều độ tuổi khác nhau nên tiếp thu cũng khác nhau. Đối với học viên tiếp thu chậm, chúng tôi quan tâm nhiều hơn và hướng dẫn kỹ hơn. Niềm vui của giáo viên đứng lớp là kết thúc mỗi khóa học là học viên có thể vận dụng để phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là động lực để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua”.
Nhưng tìm hiểu ở một số địa phương thì sau khi hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng có thể thấy hiệu quả đào tạo mang lại chưa cao do việc xác định danh mục đào tạo nghề còn dàn trải; công tác kiểm tra, giám sát, quản lý theo dõi, thống kê kết quả… còn nhiều hạn chế; chỉ tiêu giao mở lớp đào tạo nghề hàng năm chậm nên khi có chỉ tiêu Trung tâm phải chạy theo số lượng cho đủ chỉ tiêu, trong khi chất lượng đào tạo còn có lúc bỏ ngỏ.
Thực tế này đã khiến cho nhiều lao động học nghề phi nông nghiệp dù đã qua 3 tháng đào tạo nhưng không đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng, khó tìm được việc làm sau khi học nghề. Có phản ánh là nhiều học viên không chịu khó phát huy nghề học mà đi học cho có hình thức và chủ yếu là... nhận tiền hỗ trợ. Lại có việc học nghề kiểu phong trào.
Mấy năm trước, việc học nghề sửa chữa xe máy được xem như một trào lưu của thanh niên nông thôn, có xã có trên 200 xe máy thì có tới 30 học viên học sửa xe máy. Học xong, nhận chứng chỉ nghề, mọi người nhìn nhau... cười, vì 30 người mở điểm sửa chữa xe máy thì kiếm đâu ra khách, lại động viên nhau: học cho biết và có kinh nhiệm sửa xe máy cho mình và người thân cũng được!
Kiểu chọn nghề, mở lớp như thế là một trong những nguyên do dẫn tới tình trạng Yên Bình cũng như một số địa phương khác không đạt tỷ lệ 70% lao động có việc làm sau học nghề...
Giải pháp "ba nhà”
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là cơ hội "vàng” giúp hàng ngàn lao động được học nghề và có việc làm mới, có thu nhập. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 đặt ra với Yên Bình là làm thế nào để vừa hoàn thành mục tiêu, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, để người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Để đạt được mục tiêu này, cần có những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, nhạy bén và thiết thực trong đào tạo. Quan tâm xây dựng mô hình, nhân rộng mô hình liên kết giữa nhà nông - nhà trường - nhà doanh nghiệp có thể coi là "chìa khoá” để hóa giải những khó khăn, bất cập, tồn tại, thách thức trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay, không chỉ với Yên Bình mà còn với nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Thạch Phong