Mù Cang Chải: "Bộ đội Cụ Hồ" tỏa sáng lòng dân

  • Cập nhật: Thứ bảy, 12/8/2017 | 3:54:18 PM

YênBái - YBĐT - Bữa cơm ăn vội, có lúc nhai tạm gói mì tôm sống, mệt quá thì bất cứ nền đất, tảng đá, thậm chí cả đống rơm, chuồng bò... cũng là nơi chợp mắt lý tưởng rồi tất cả lại hối hả, miệt mài lao vào việc. Đó chính là những người lính  trên "đại công trường" khắc phục hậu quả lũ quét từ vùng cao Mù Cang Chải nhiều ngày qua.

Các chiên sĩ giúp dân di dời nhà tại bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình.
Các chiên sĩ giúp dân di dời nhà tại bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình.

Những cung đường vùng cao Mù Cang Chải sau trận lũ quét lịch sử. Sự ngổn ngang sau cơn lũ dữ đang từng ngày được dọn dẹp, khắc phục với tinh thần khẩn trương cao độ. Sức mạnh của bàn tay, khối óc con người đang đẩy lùi sự tàn phá của thiên nhiên để sớm đưa cuộc sống bình yên trở lại với người dân.

Một trong những cảm nhận thực sự ấn tượng chính là hình ảnh màu xanh áo lính trên "đại công trường" khắc phục hậu quả lũ quét. Với số lượng đông đảo, tinh thần lao động miệt mài, không ngại khó ngại khổ, bằng tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm với nhân dân, các anh đang ngày đêm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ một cách khẩn trương nhất.

Những cống hiến âm thầm của lực lượng tìm kiếm

21 giờ 30 phút ngày 03/8 tìm thấy 1 người còn sống, đã đưa về đến gia đình an toàn; 15 giờ ngày 04/8 tìm thấy 1 thi thể; 9 giờ ngày 05/8 tìm thấy thêm 1 thi thể nữa; 8 giờ 30 phút ngày 06/8 lại  thêm 1 thi thể; 8 giờ 30 phút ngày 08/8 thêm 1 thi thể; 15 giờ ngày 09/8 phát hiện thêm 2 thi thể, đến nay chỉ còn 1 người mất tích tại khu vực hồ thủy điện Khao Mang… Những con số người mất tích được trừ dần theo thời gian là kết quả của những nỗ lực tìm kiếm nạn nhân bất chấp thời gian, thời tiết, địa hình,... của những người lính, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà ngay sau lũ quét  là "tập trung ưu tiên tìm kiếm người mất tích".
 
Thượng tá Dương Anh Tuấn - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: "Hơn 30 năm trong quân ngũ, đã từng tham gia khắc phục hậu quả trận lũ quét lịch sử năm 2005 tại xã Cát Thịnh, lũ năm 2007 tại thị xã Nghĩa Lộ, các vụ sạt lở đất ở Chế Cu Nha nhưng trận lũ tại Mù Cang Chải và công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do lũ, với tôi và cán bộ chiến sỹ, có thể nói là đã trải qua nhiều cảm xúc nhất".
 
Anh kể: Đầu tiên là sự trở về an toàn, khỏe mạnh của anh Sùng A Tổng - bản Háng Gàng, xã Lao Chải ngay ngày đầu tiên lũ đi qua. Lúc đó, tất cả lực lượng vỡ òa sung sướng và là động lực để nuôi hy vọng điều tương tự sẽ xảy ra. Ngày hôm sau tìm được thêm 1 người mất tích nhưng đã không là thế. Ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa, trên tay các anh đưa về chỉ còn là những thi thể lạnh ngắt.
 
"Chứng kiến nỗi đau đớn tột cùng của các gia đình có người thân mất tích, sự mong ngóng phập phồng theo bóng các chiến sỹ đang miệt mài tìm dấu trên lòng hồ, những giọt nước mắt hòa mưa chan để đón những người thân về với đất mẹ khiến chúng tôi không khỏi đau lòng", anh bày tỏ.
 
Có tận mắt chứng kiến lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại chỗ mới thấy những khó khăn, vất vả và thấy được sự kiên cường, tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân của những người lính Cụ Hồ ngay giữa vùng tâm lũ. 
Sau khi xác định các nạn nhân mất tích sẽ trôi dạt đến vùng lòng hồ thủy điện Khao Mang, lực lượng tìm kiếm đã huy động 2 xuồng cứu hộ, 10 bè mảng cùng 50 chiến sỹ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, 22 dân quân tự vệ thị trấn Mù Cang Chải tập trung tìm kiếm tại khu vực này.
 
Cả vùng lòng hồ ngổn ngang những rác, gỗ rừng, có những cây gỗ lớn đường kính vài chục centimet, xác động vật, rác thải, vật dụng gia đình dày đặc trên mặt hồ, cảm giác mặt hồ đặc quánh lại, che kín những gì giấu dưới, cảm thấy như có thể bước đi trên bề mặt nhưng thực tế phía dưới nước rất sâu, có những điểm đo được trên 10 mét. Thêm nữa, đây cũng là nơi lực lượng tìm kiếm xác định các nạn nhân mất tích bị trôi dạt đến.
 
Chính vì thế, chỉ huy Dương Anh Tuấn chỉ lệnh: "Các đồng chí phải hết sức cố gắng, bằng tinh thần của người lính, khẩn trương tìm kiếm bằng được nạn nhân. Chúng ta làm không chỉ vì tinh thần trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị mà còn là làm việc thiện, tìm kiếm nhanh, hiệu quả cũng là để phần nào an ủi gia đình các nạn nhân”.
 
Trời Mù Cang Chải mấy ngày nay mây đen vẫn vần vũ xám ngắt, từng cơn mưa rừng vẫn đều đều thử thách lòng kiên nhẫn của những người lính. Khu vực hồ thủy điện Khao Mang, không gian nồng nặc ám khí do xác chết động vật đang trong quá trình phân hủy, mặt nước ken dày cỏ rác, cành cây khiến việc di chuyển trong lòng hồ hết sức khó khăn…

Không thể khuất phục, những chiếc mảng được đóng chắc chắn bằng cây vầu loại lớn cùng các loại xuồng chuyên dụng vẫn  rẽ rác, so hàng thẳng tắp tiến đến từng khu vực tìm kiếm với phương châm "không bỏ sót”, hy vọng sẽ tìm thấy nạn nhân một cách nhanh nhất.
 
 
Lực lượng vũ trang giúp dân di dời nhà tại bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình.

Niềm vui trên bản định cư

Cũng đặc quánh bùn là con đường đất ngược dốc cheo leo lưng chừng trời lên bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình khiến chúng tôi không thể di chuyển bằng phương tiện nào khác ngoài phương tiện "căng hải" cùng đôi ủng chuyên dụng mượn được của mấy anh em bộ đội.
 
Đây là bản xa nhất của xã, cách trung tâm 8km, giáp ranh rừng già thuộc xã Chế Tạo – xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải. Đây cũng là nơi vết nứt trên đỉnh núi Nả Hấu Chông đã lộ ngày càng rõ, đe dọa đến sự an toàn của 23 hộ dân, 130 nhân khẩu sinh sống phía dưới.
 
Từ ngày 9/8, được chỉ đạo của cấp trên, lực lượng bộ đội của Sư đoàn 316 với 220 chiến sĩ đã trực tiếp đến hiện trường, phối hợp cùng với chính quyền và người dân của xã giúp san nền, vận chuyển, di dời và dựng nhà cho 30 hộ gia đình bị mất nhà cửa và phải di chuyển khẩn cấp đến nơi ở mới. Những người lính mồ hôi đẫm lưng áo quện với mưa rừng vẫn miệt mài, khẩn trương cùng nhau khiêng gỗ, bê tấm lợp, đặt nóc nhà. 



 
Những ngôi nhà mới đang được dựng lên ở những vị trí đất an toàn trên bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình.

Vừa đưa tay quệt những giọt nước mưa trên trán, binh nhất Nguyễn Hoàng Lâm vừa vui vẻ: "Khi đơn vị nhận nhiệm vụ và thấy có tên mình, em rất háo hức muốn đến đây để giúp bà con ở bản nghèo này. Công việc của chúng em là di chuyển vật liệu, nhà ở cho người dân đến nơi ở mới an toàn, phối hợp với các lực lượng của địa phương làm nền, dựng nhà mới cho người dân. Dù cũng gặp chút ít khó khăn khi di chuyển vì địa hình đồi núi dốc, lại mưa liên tục nhưng em cũng như các đồng đội không hề thấy mệt mỏi, trái lại còn cảm thấy vui mừng, phấn khởi vì được góp chút công sức nhỏ bé của mình cho bà con”.
 
Với khối lượng công việc khá lớn (bản Phình Hồ có tới 30 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp), sự có mặt của những người lính đã rất kịp thời, cần thiết. Khắp các đỉnh núi xung quanh, tiếng máy cưa, máy xúc hòa lẫn với tiếng nhịp "một - hai - ba" của các chiến sỹ tạo nên không khí của một đại công trường giữa lưng chừng trời mây phủ.
 
 
Các anh nuôi chuẩn bị bữa cơm chiều cho đồng đội làm nhiệm vụ di dời nhà dân tại bản Phình Hồ.
 
Có mặt trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trên bản Phình Hồ, Thượng tá Nguyễn Văn Xuân – Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, Quân khu 2 cho biết: "Do trời mưa liên tục nên việc cơ động của lực lượng từ vị trí đóng quân đến các điểm thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn, chúng tôi phải hành quân từ 5 giờ sáng, gần 9 giờ mới đến được các địa điểm. Tuy vậy, tinh thần của anh em rất tốt, tất cả đều vui vẻ, nhiệt tình. Quan trọng nhất là từ những ngày đầu đến thời điểm này, quân số và phương tiện đều an toàn, không xảy ra tai nạn lao động, công tác hậu cần cũng đảm bảo tuyệt đối. Ngày hôm nay, chúng tôi chia lực lượng thành 5 mũi tới các vị trí theo kế hoạch, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương nhất để giúp bà con nhân dân sớm có được chỗ ở ổn định”. 

Bữa cơm ăn vội, có lúc nhai tạm gói mì tôm sống, mệt quá thì bất cứ nền đất, tảng đá, thậm chí cả đống rơm, chuồng bò... cũng là nơi chợp mắt lý tưởng rồi lại lao vào việc. 
 
Lời chia sẻ của vị chỉ huy Sư đoàn 316 được chứng minh bằng hình ảnh chân thực, sống động ngay trước mắt chúng tôi:  cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 316, lực lượng dân quân, lực lượng tăng cường của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng bà con nhân dân đang cùng nhau phối hợp nhịp nhàng đưa vật liệu về nơi tập kết mới. Người khênh cột nhà, người gùi tấm lợp, người di chuyển vật dụng gia đình…, tất cả tạo thành làn sóng hối hả, nhịp nhàng, như hình ảnh đàn kiến khổng lồ đang tha mồi về tổ.
 
Vĩ thanh

Rời bản Phình Hồ trên con đường lầy lội khi trước, trong cơn mưa rừng mỗi lúc một nặng hạt, chúng tôi thực sự cảm nhận được tinh thần cống hiến, nỗ lực vượt qua gian khó để hoàn thành nhiệm vụ của các chiến sỹ lực lượng vũ trang. Chỉ không lâu nữa thôi, bà con trên bản sẽ có được những mái nhà vững chắc, được dựng trên những vị trí an toàn để thực sự khởi đầu một cuộc sống mới và cùng chung tay xây dựng bản định cư, an tâm sản xuất trên chính mảnh đất quê hương mình. Và một lần nữa, hình ảnh những người lính Cụ Hồ lại tỏa sáng trong lòng dân.
 
Sau lũ quét, ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm nạn nhân mất tích, là việc khẩn trương khắc phục hậu quả về đường sá, nhà cửa, công trình công cộng. Với sự tham gia tích cực, chủ lực của lực lượng vũ trang, công việc này đang cho kết quả tăng lên hàng ngày về khối lượng và số lượng: từ 132.000 m3 đất đá vùi lấp ban đầu, đến thời điểm này đã hót dọn đất đá bồi lấp được khoảng 90% khối lượng tại Sân vận động huyện; các công trình công cộng khác đã dọn dẹp, vệ sinh trên 90%, riêng điểm trường Tiểu học - THCS thị trấn Mù Cang Chải đã khắc phục được khoảng 40%, lòng suối Kháo Giống khắc phục được 45%, cơ bản hoàn thành hót sạt tại điểm trường Púng Luông của Trường THPT huyện...

Thiên Cầm

Các tin khác
Người nhà anh Giàng A Hù - tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải (một trong 15 nạn nhân bị chết và mất tích) đau đớn khi mất đi người thân.

YBĐT - Khung cảnh tan hoang, đổ nát; đất đá ngổn ngang, bùn lầy đặc quánh  bao phủ lòng đường, lớp học; khuôn mặt thất thần của những người chồng tìm vợ, mẹ tìm con, anh tìm em… Đó là những gì còn lại của cơn lũ ống, lũ quét lịch sử tại huyện Mù Cang Chải xảy ra vào rạng sáng 3/8. 

Kết quả xét nghiệm nước giếng vẫn đảm bảo an toàn.

YBĐT - Người dân Hưng Khánh phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng gây ô nhiễm của doanh nghiệp là điều dễ hiểu, nhưng có nên tụ tập đông người, hơn mười ngày qua mổ chó, mổ lợn ăn uống, bỏ bê ruộng vườn, rừng đồi như vậy hay không? Chưa kể chuyện rào đường, xây kè, đào rãnh... là đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thế hệ trẻ Đoàn khối các cơ quan tình nguyện nỗ lực rèn luyện trong học tập và công tác xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh. (Ảnh: Trần Minh)

YBĐT - Địa chỉ đỏ đầu tiên trong hành trình của chúng tôi là Ngã ba Đồng Lộc - cái tên mà chỉ cần nhắc tới thôi khiến ai cũng nghĩ ngay tới cụm từ “tọa độ chết”...

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Một thành viên Tân Phú bơm nước chống hạn.

YBĐT - Hiện, tỉnh Yên Bái còn 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Theo lộ trình giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung ứng dịch vụ thủy nông sẽ thực hiện cổ phần hóa.Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp này, việc cổ phần hoá gặp những khó khăn nhất định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục