Trang trại lợn của Công ty TNHH Đầm Mỏ ở thôn Bảo Thịnh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái là trang trại chuyên chăn nuôi lợn với quy mô lớn. Trang trại được xây dựng trên diện tích 5 ha và được đánh giá là trang trại chăn nuôi lợn tư nhân lớn nhất và hiện đại nhất tỉnh Yên Bái.
Trang trại có quy mô lớn với 400 con lợn nái, 2.000 con lợn thương phẩm. Chuồng trại xây dựng theo thiết kế của Công ty cổ phần CP Việt Nam, nhiều thiết bị được nhập khẩu từ Đài Loan, Hà Lan, Đan Mạch, trong đó có hệ thống cho ăn, uống tự động.
Nhằm đảm bảo chất lượng lợn giống, Công ty đã nhập con giống tiêu chuẩn có nguồn gốc từ Đan Mạch. Đây là giống lợn siêu nạc, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Thức ăn do Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi De Heus Hà Lan cung cấp. Quy trình chăn nuôi của doanh nghiệp này được đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn VietGAP.
Trang trại chăn nuôi được chia thành các khu gồm: lợn nái sinh sản, lợn cai sữa, lợn thương phẩm. Đàn lợn được tiêm các loại vắc - xin theo quy định. Thức ăn cho lợn được phân theo từng giai đoạn phát triển, có chế độ ăn và thức ăn khác nhau. Tất cả các quy trình từ khâu chọn giống, vệ sinh, chăm sóc, giết mổ đều đảm bảo an toàn và khép kín.
Đặc biệt, người và phương tiện khi vào trang trại đều phải khử trùng, đảm bảo cách ly với các mầm bệnh. Sản phẩm thịt lợn của Công ty đã được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và là sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong "cơn bão” giá lợn suy giảm vừa qua, từ đầu năm 2017, doanh nghiệp đã tự tìm lối thoát cho mình bằng cách liên kết với Công ty De Heus Việt Nam và Công ty Thực phẩm sạch Vinh Anh - Hà Nội để thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Đầm Mỏ cho biết: "Công ty Thực phẩm sạch Vinh Anh có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giết mổ, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ thịt, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty Vinh Anh chuyên cung cấp thịt tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn như: thịt lợn mảnh, thịt lợn pha lọc, thịt đóng khay, phụ phẩm lợn, giò lụa, chả nướng, nem tai... cho các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn công nghiệp, chợ truyền thống. Chúng tôi rất yên tâm khi hợp tác với các doanh nghiệp này. Với Công ty De Heus Việt Nam, chúng tôi được cung cấp nguồn thức ăn bảo đảm và không phải lo đầu ra kể cả khi giá lợn xuống thấp”.
Thực hiện được chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm, Công ty TNHH Đầm Mỏ đã đứng vững trên thị trường và ngày càng phát triển.
Không chỉ có các doanh nghiệp liên kết với nhau để tạo nên chuỗi liên kết mà hiện nay nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn cũng liên kết với doanh nghiệp để phát triển. Là hộ chăn nuôi lợn với quy mô tương đối lớn nhưng những năm qua, khâu tiêu thụ sản phẩm của gia đình chị Dương Thị Lý ở thôn Đoàn Kết, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.
Cuối năm 2016, đầu năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp, gia đình thua lỗ trên 400 triệu đồng. Tưởng chừng sẽ phải bỏ chuồng vì không còn vốn đầu tư nhưng từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lợn hơi của Công ty cổ phần Nông sản sạch B&G Việt Nam, chị Lý đã yên tâm chăn nuôi trở lại.
Chị Lý cho biết: "Liên kết sản xuất, tôi có nguồn con giống tốt, được cung cấp thức ăn bảo đảm và quan trọng nhất là được Công ty bao tiêu sản phẩm”. Từ nay đến hết năm 2017, hộ chị Lý sẽ cung cấp 100 con lợn thịt cho Công ty.
Ông Nguyễn Phụ Giang - Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản sạch B&G Việt Nam cho biết: "Hiện nay, Công ty ký hợp đồng chăn nuôi với gần 50 hộ dân ở các huyện Yên Bình, Trấn Yên, thành phố Yên Bái với trên 3.000 con lợn thương phẩm. Các hộ liên kết với chúng tôi phải bảo đảm các nguyên tắc chăn nuôi theo quy trình thảo dược của doanh nghiệp”.
Nhân viên Công ty De Heus Việt Nam kiểm tra chất lượng thịt lợn thương phẩm được nuôi theo quy trình khép kín trong chuỗi liên kết của Công ty TNHH Đầm Mỏ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 3 chuỗi sản xuất chăn nuôi lợn khép kín từ hoạt động sản xuất chăn nuôi, giết mổ đến xuất bán tiêu thụ sản phẩm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn như: Công ty cổ phần Nông sản sạch B&G Việt Nam, thành phố Yên Bái; Công ty TNHH Hùng Đại Sơn, huyện Lục Yên; Công ty TNHH Đầm Mỏ, thành phố Yên Bái.
Nhờ liên kết, các hộ chăn nuôi được cung cấp con giống, thức ăn bảo đảm chất lượng, được tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến nên giảm rủi ro do dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hoàn toàn yên tâm về thị trường, không lo giá thị trường lên xuống như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: "Việc thực hiện liên kết theo chuỗi giúp chăn nuôi phát triển ổn định, vừa bảo đảm cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hộ chăn nuôi được ứng trước thức ăn chăn nuôi, tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, được cung cấp vật tư nông nghiệp có chất lượng, giảm rủi ro và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi”.
Sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp đột phá quan trọng, tuy nhiên việc xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh hiện còn hạn chế. Nguyên nhân là do chưa có nhiều doanh nghiệp vào cuộc lo đầu ra cho các hộ chăn nuôi; chăn nuôi trên địa bàn hiện chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa có sự kết nối giữa các hộ chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi an toàn, có nguồn gốc xuất xứ vẫn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá bán bởi các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh tới người chăn nuôi để mở rộng sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến thị trường.
Do đó, rất cần quan tâm nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, có chính sách thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các hộ chăn nuôi, tạo niềm tin với người chăn nuôi.
Hồng Duyên
Bài 3: Khó thay đổi thói quen của người tiêu dùng