Tâm huyết của thầy Thành

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/10/2017 | 7:50:36 AM

YBĐT - Là Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Nậm Búng, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, nhưng 3 năm nay, kể từ ngày Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện điều động lên đây công tác, phòng làm việc, cũng là nơi nghỉ của thầy giáo Nguyễn Đức Thành vẫn bố trí ở gầm cầu thang tầng trệt. Ban đầu, nhiều người bảo hâm, thích thể hiện… Thầy chỉ cười, không đáp.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thành (thứ 2, bên phải) giới thiệu nơi ở bán trú của học sinh nhà trường.
Thầy giáo Nguyễn Đức Thành (thứ 2, bên phải) giới thiệu nơi ở bán trú của học sinh nhà trường.

Đón chúng tôi tại phòng làm việc, tôi hỏi lý do thầy Thành chọn cách bố trí phòng làm việc, cũng là nơi ăn nghỉ như vậy. Thầy cười mà đáp: "Câu hỏi của nhà báo cũng là câu hỏi của nhiều phụ huynh học sinh đấy. Mình nói: làm việc, ăn nghỉ ở đây để tiện việc trông coi con em của đồng bào mà! Bà con nghe vậy, nhiều phụ huynh bắt tay, ôm mình, rất cảm động. Vì sao ư, vì con em của họ luôn được trông coi, bảo ban chu đáo, nhiệt tình. Nhà báo thấy có hạnh phúc không?”

- Vẫn còn các giáo viên chủ nhiệm mà thầy?

- Nhưng tôi chỉ thật sự yên tâm khi các em đã ngon giấc và tránh việc buổi tối ra ngoài vui chơi quên mất việc học.

- Từ khi lên đây công tác, việc gì khiến thầy vui và tâm đắc nhất?

- Tôi tâm đắc nhất chính là tất cả các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha, mẹ, thậm chí mồ côi cả cha lẫn mẹ đều được Đảng ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay giúp đỡ. Riêng tôi, đã trực tiếp vận động các nhà hảo tâm trên cả nước giúp đỡ ba anh em mồ côi mẹ, còn người bố cũng bỏ nhà đi nốt là: Bàn A Sên, Bàn Thị Ton, Bàn A Nhị với số tiền 300 triệu đồng gửi tiết kiệm do UBND xã làm chủ trì và chỉ đạo quản lý số tiền của các em; giúp hai anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ là Triệu Tòn Liều, Triệu Thị Ton lang thang từ huyện Văn Yên sang xã Nậm Búng sinh sống vào Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh và trường hợp hai chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ là Lò Thị Viên, Lò Văn Vạng ở thôn Nậm Cưởm, xã Nậm Búng hàng tháng có đủ số tiền ăn học do các nhà tài trợ đỡ đầu…

Sinh năm 1971 trong một gia đình nghèo có sáu anh chị em ở thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Học xong THPT, do gia đình khó khăn nên thầy Thành đã ở nhà ba năm phụ giúp cha mẹ. Năm 1991, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Thành đã xung phong nhập ngũ và biên chế vào C16-E174-F316, huyện Yên Bình. Với mơ ước được đứng trên bục giảng, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh đã thi đỗ vào Khoa Vật lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.
 
Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại ưu, thầy Thành đã được Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn tuyển dụng. Sau nhiều năm làm công tác giảng dạy tại các điểm trường của 8 xã vùng ngoài của huyện, với chuyên môn nghiệp vụ giỏi lại đặc biệt yêu nghề, thầy đã được Phòng GD&ĐT huyện tạo điều kiện đi học nâng cao và thi đỗ vào Khoa Lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, thầy được điều động về làm Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thượng Bằng La, rồi Hiệu trưởng Trường THCS xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.
 
Bấy giờ, Nậm Búng vừa là xã nghèo, khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất của huyện nên cần có một người quản lý tốt để đưa công tác giáo dục nơi đây đi lên và thầy Thành xung phong lên đường. Ngày 01/8/2014 thầy Thành nhận quyết định của UBND huyện Văn Chấn chuyển công tác lên đơn vị mới.

Nậm Búng là xã có địa bàn rộng, nhiều đồi núi, địa hình bị chia cắt nhiều nên việc đi lại của học sinh bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là vào mùa mưa. Phần lớn học sinh là con em gia đình nghèo nên việc học tập của các em ít được quan tâm, nhiều học sinh phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nhiều hủ tục lạc hậu của đồng bào như: kiêng cầm cuốc xẻng, kiêng không cầm bút trong những ngày gia đình có việc hiếu và sinh con ra là để lao động kiếm tiền, đi học không ra tiền…
 
Cùng với đó, nhiều học sinh ở xa có nhu cầu ở trọ, nhưng nhà trường lại không có chế độ bán trú, cơ sở vật chất thiếu thốn… Vì vậy, Trường TH&THCS Nậm Búng luôn là một trong những đơn vị có số học sinh trong độ tuổi đến trường bỏ học cao nhất trong toàn huyện.
 
Năm học 2011 - 2012, Trường có 7 học sinh bỏ học; năm học 2013 - 2014 có 10 em bỏ học... Vì thế, nhiều người rất ngại khi phải lên đây công tác, song với thầy Thành đây lại là dịp để cống hiến, khẳng định năng lực quản lý cũng như lòng yêu nghề, mến trẻ của mình.
 
Xác định việc đầu tiên cần phải làm trên cương vị quản lý, thầy Thành đã nhanh chóng tổ chức họp chi bộ, hội đồng sư phạm nêu ra những khó khăn vướng mắc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, đồng thời, động viên cán bộ giáo viên trong nhà trường phải cùng nhau xác định công tác duy trì số lượng đặt lên hàng đầu, bởi đây là cơ sở để đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh Phong trào thi đua "Hai tốt”, các hoạt động văn hóa văn nghệ, ngoại khóa để thu hút học sinh; giao số lượng cụ thể cho từng giáo viên, đặc biệt mỗi đảng viên phải chịu trách nhiệm đảm bảo duy trì số lượng học sinh được giao.
 
Hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường và thường xuyên có biện pháp phối hợp cùng gia đình phụ huynh vận động các em ra lớp, nhằm đảm bảo tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần. Khi có học sinh nghỉ học, kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể vận động, trao đổi với các bậc phụ huynh, tạo điều kiện cho con tiếp tục ra lớp học tập...

Thầy Thành chia sẻ: "Trong bất cứ thời điểm nào cũng phải lấy dân làm gốc và tôi đã đúng khi làm việc với suy nghĩ và trái tim mách bảo”... Khẳng định lời mình nói, từ ngày đầu và cho tận đến bây giờ ngày nào cũng vậy, thầy luôn dành thời gian để vào thăm gia đình các em học sinh. Dù mùa hè nắng nóng, mùa đông trời lạnh thấu xương hay những trận mưa rừng như trút của vùng cao, thầy vẫn đi bản để nắm tình hình.
 
Có những lần lên bản, thầy đã rơi nước mắt trước cảnh cơm không đủ ăn, áo khủ đủ mặc của đồng bào, mới hiểu khó khăn là vậy sao các em có thể đến trường. Khi đến nhà học sinh ở thôn Sài Lương và Nậm Tộc (hai thôn 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống) để vận động gia đình cho các em ra lớp. Đáp lại thầy, các phụ huynh học sinh nói: "Đi học có ra tiền đâu”... nhưng thầy vẫn kiên trì với phương châm "mưa dầm thấm lâu”. Một lần không được, thì mười lần, đến nhà ban ngày không gặp thì ban tối lại đến…
 
Cứ thế, nhiều gia đình học sinh đã hiểu và ủng hộ thầy. Thầy Thành kể, nhiều học sinh không có xe để xuống trường, mình sẵn sàng chở các em xuống. Đã có một buổi sáng, thầy lên bản 3 lần để đưa các em xuống học chữ, trong đó, bản xa nhất là Sài Lương cũng cách trường 14 km. Hơn 3 năm gắn bó với Nậm Búng, hình ảnh thầy giáo Thành đã in đậm trong tâm trí đồng bào nơi đây. Thầy đến với mọi nhà, mọi người để làm công tác tư tưởng, rồi thăm hỏi và hướng dẫn cho bà con cái gì nên làm, cái gì nên bỏ, nên tránh và họ đã dần tin tưởng và nghe theo lời thầy. Từ con số gần 30 học sinh bỏ học trong 3 năm, đến nay đã trắng bảng về số học sinh bỏ học.

- Thầy nghĩ sao nếu phải rời xa nơi đây? - Tôi hỏi.

- Biết làm sao đây, vì quả thật tôi đã quá quen với cuộc sống cùng ăn, cùng ở, cùng học tập và làm việc với bà con, với các học sinh thân yêu nơi đây rồi! Nếu chưa hoàn thành được ước mơ của mình, tôi sẽ không rời đi! - Thầy Thành chia sẻ.

- Thầy có thể "bật mí” ước mơ của mình không?

- Mơ ước cháy bỏng của tôi là thời gian tới sẽ thành lập được Quỹ Nhân ái dành cho trẻ em vùng cao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường và vươn lên trong cuộc sống.
Không chỉ là người cán bộ quản lý giỏi, người thầy giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục vùng cao, thầy Thành còn khiến chúng tôi đặc biệt khâm phục khi làm công tác dận vận.
 
Với cách làm sáng tạo, nhiệt huyết và một mơ ước cháy bỏng để học sinh vùng cao có một ngôi trường khang trang đầy đủ trang thiết bị dạy và học ngày hôm nay, chủ trương xã hội hóa giáo dục vùng cao của thầy đã và đang là điểm sáng mà ít đơn vị trường học nào trên địa bàn huyện Văn Chấn có thể làm được.
 
 Hơn 3 năm thầy Thành đến công tác, Trường TH&THCS Nậm Búng đã thực hiện việc mở rộng quỹ đất 5.000m2 (làm sân vận động 3.495m2); đã và đang tiếp tục mở rộng thêm 3.000m2 đất làm khu nhà công vụ và nhà ở cho học sinh bán trú, làm lại đường lên  khu  B Sài Lương 100m (chiều dài trên 300m, chiều rộng 3m); huy động mọi nguồn lực làm nhà đa năng bằng sắt với tổng diện tích 672m2, trị giá 500 triệu đồng; làm sân vận động 3.495m2 trị giá trên 200 triệu đồng; tiết kiệm kinh phí nhà trường xây bếp ăn một chiều, cổng trường, hàng rào kiên cố, sân khấu di động 60m2, cổng trường kiên cố trị giá 350 triệu đồng… Tổng kinh phí việc mở rộng quỹ đất và xây dựng cơ sở vật chất của trường lên tới trên 1 tỷ đồng.
 
Đồng chí Phạm Bá Dư - Chủ tịch UBND xã Nậm Búng cho biết: "Nhờ có thầy mà Trường TH&THCS Nậm Búng vinh dự là một trong những đơn vị có chất lượng giáo dục tốt nhất hiện nay của huyện Văn Chấn đấy!”.
 
Từ những việc làm, biện pháp cụ thể của thầy Thành và toàn thể đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường, những năm gần đây, công tác duy trì số lượng và nâng cao chất lượng của Trường TH&THCS Nậm Búng luôn đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
Năm học 2014 - 2015, đầu năm học nhà trường có 477 học sinh, cuối năm học là 481 học sinh tăng 4 học sinh (4 học sinh bỏ học năm trước được vận động ra lớp), đạt tỷ lệ 101%; năm học 2015 - 2016, đầu năm 510 học sinh, cuối năm 510 học sinh, duy trì tỷ lệ số lượng học sinh đạt 100%; năm học 2016 - 2017, đầu năm 727 học sinh, cuối năm 727 học sinh, duy trì tỷ lệ đạt 100%. Về chất lượng giáo dục hàng năm số lượng học sinh khá giỏi tăng từ 0,5% đến 1%; giáo dục toàn diện của nhà trường trong 3 năm học gần đây luôn là đơn vị đứng đầu trong toàn huyện Văn Chấn.

Chia tay thầy giáo Nguyễn Đức Thành khi nắng chiều đã ngả. Mỗi chúng tôi đều cảm nhận được tấm chân tình của thầy với những trẻ em vùng cao. Tâm huyết của thầy như mạch nguồn ngày đêm không ngừng nghỉ, để cống hiến cho sự nghiệp "trồng người” nơi non cao Nậm Búng.

Ngọc Sơn

Các tin khác
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trao quà hỗ trợ cho gia đình anh Giàng A Chu có vợ bị lũ cuốn trôi.

YBĐT - Cách quốc lộ 32 và trung tâm xã không xa và lại có đường bê tông được xây dựng cách đây hơn một năm, song Khe Kẹn vẫn là một trong 7 thôn nghèo nhất của xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Toàn thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo cũng là ... 100% (theo tiêu chí nghèo đa chiều)!

Chị Hoàng Thị N bên ban thờ chồng.

YBĐT - Phần lớn người chết ở Ngọc Chấn - Yên Bình trong thời gian qua là đàn ông trong độ tuổi lao động. Câu chuyện càng trở nên "âm u" khi được thêu dệt thêm bằng những câu chuyện tà ma, bỏ độc. Chết bởi tà ma hay ma men là câu hỏi mà chúng tôi đi tìm câu trả lời.

Vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Ngọc Khiêm bị thiệt hại do sạt lở.

YBĐT -  Vùng bưởi Đại Minh, Hán Đà những ngày này chuẩn bị vào chính vụ. Bưởi là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Là thôn trồng nhiều bưởi nhất, bưởi được mùa, được giá, lý ra bà con  thôn Quyết Tiến 12 phải vui mừng nhưng những ngày qua, bao trùm toàn thôn là sự lo lắng, bức xúc khi nhiều cây bưởi đang có nguy cơ trôi theo dòng nước do bờ sông Chảy bị sạt lở.

 

Do được đào tạo kỹ thuật cơ bản, nông dân nhiều xã trồng cây ăn quả có múi ở huyện Yên Bình đã có cơ hội làm giàu. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Việc học nghề sửa chữa xe máy đã có lúc trở thành trào lưu của thanh niên nông thôn huyện Yên Bình. Có xã có trên 200 xe máy thì có tới 30 học viên theo học lớp sửa xe máy. Học xong, nhận chứng chỉ nghề, học viên nhìn nhau... cười vì bằng ấy người sửa xe máy một xã thì lấy đâu ra khách!  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục