Chăm cây, cây trả nghĩa

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/11/2017 | 7:27:39 AM

YBĐT - Tháng này, Đại Minh – Yên Bình rộn ràng lễ hội. Ấy là Lễ hội Bưởi - thứ quả thiết thân gắn bó với đất và người nơi này, giờ càng được tôn vinh.

Vườn bưởi của ông Nguyễn Văn Đông có 17 gốc bưởi già, mang lại thu nhập cao.
Vườn bưởi của ông Nguyễn Văn Đông có 17 gốc bưởi già, mang lại thu nhập cao.

Rộn ràng lễ hội trong lao xao gió, dìu dịu nắng đầu đông êm ả giữa những vườn bưởi trĩu trái đương mùa hái trẩy như những tươi mới vẽ thêm cho đời người, đời cây đã qua những thăng trầm bước vào quãng bình yên hằng ngóng đợi. Vườn bưởi kết trái sai mùa trả nghĩa đền ơn cho người bỏ bao nhọc nhằn công sức mà bền bỉ thủy chung với cây như thế! 

Chân chạm đất Đại Minh là mắt đã chìm trong miên man những vườn bưởi. Ngẩn ngơ bởi thích mắt từ Khả Lĩnh đến Đại Thân 1, Quyết Tiến 12 mà vẫn chẳng khỏi ngỡ ngàng trước mênh mông bưởi vườn ở Quyết Tiến 11 của lão nông Nguyễn Văn Đông. Vườn bưởi 400 cây cả thảy, 100 cây trong đó đương thời kỳ hái trái, thu tiền. Và nhất là 17 gốc bưởi già Đại Minh, chỉ 17 gốc thôi nhưng đã chiếm trọn 1.800 m2 đất vườn đủ thấy độ phủ của những tán những cành mỗi gốc bưởi già kia. 

Căn nhà bình dị của lão nông chủ nhân vườn bưởi như trở nên nhỏ bé trước một gốc buởi già đầu hồi đương trĩu trịt những quả là quả. 

Ông Đông bảo 30 năm tuổi trở đi mới được gọi là bưởi già đối với một gốc bưởi Đại Minh. 17 gốc bưởi già nhà ông, không chính xác đến từng năm nhưng chí ít số tuổi cũng hơn đôi lần 30 năm ấy. "Chẳng rõ những gốc bưởi này được đời bố, đời ông tôi trồng từ bao giờ, chỉ biết độ chín, mười tuổi tôi đã thuần tay bứt bưởi, gọt bưởi rồi. Ngày ấy, bán bưởi là cứ quẩy quang gánh đi bán thôi, đơn giản lắm” - ông Đông nhắc nhớ ngọn nguồn những gốc bưởi già vườn nhà. Thì ra, tuổi thơ lão nông này đã vẩn vương hương bưởi, để rồi vấn vít, thủy chung với bưởi đến mãi bây giờ. 

17 gốc bưởi "gia sản” đời cha ông để lại chẳng phải cứ thế làm nên "gia tài” cho lão nông ấy. Có những thăng trầm đời bưởi kéo theo thăng trầm đời người. Những năm trước 2000, bưởi Đại Minh cho thu nhập khá. Gia đình lão nông Nguyễn Văn Đông cũng sống nhờ bưởi. Người trong làng, trong xã trồng thêm chúng, chặt bỏ giống bưởi khác đi để trồng. 

Nhưng rồi, từ năm 2002, bưởi Đại Minh bỗng suy giảm năng suất, chất lượng không rõ vì đâu, liên tục nhiều năm liền. Không thể kiên nhẫn thêm, có những gia đình đã chặt bỏ những gốc bưởi gắn bó bấy lâu. "Nhiều nhà chặt bỏ lắm, để trồng cây khác. Nhưng nghĩ đến chuyện chặt bỏ những gốc bưởi từ đời cha ông thì tôi chẳng đành. Tôi nuôi ong, làm mộc để lo kinh tế gia đình nhưng trong lòng vẫn cứ nghĩ đến cây bưởi. Đất này là đất của cây bưởi, không giống này thì giống khác, chắc chắn là vậy” - đau đáu với cây bưởi là vậy, nên làm sao lão nông ấy bỏ bưởi được. Nhà khác chặt bưởi đi trồng thứ cây khác. 


Đến nay, gia đình ông Đông có gần 400 gốc bưởi các loại.

Còn ông Đông, chẳng chặt, mà tìm cách để trồng thêm: "Tôi về đất Diễn - Hà Nội, đi Cát Quế - Hà Tây, sang Hàm Yên - Tuyên Quang, đến Tân Lạc - Hoà Bình... những nơi người ta trồng bưởi để xem những giống bưởi khác thế nào. Với lại, trong những cây ăn quả có múi, bưởi là thứ quả có thể được lâu. Thế nên, tôi cứ thích bưởi, cứ mặn mà với nó làm vậy”. 

Chương trình "Bạn của nhà nông” trên Truyền hình Việt Nam là nguồn thông tin để ông lần mò tới các địa phương. Năm 2006, 100 gốc bưởi Diễn được ông mang về. Ông trở thành người đầu tiên, duy nhất trong thôn khi ấy có những giống bưởi này trong vườn nhà. Chỉ độ 3 năm sau khi trồng, những gốc bưởi này bắt đầu cho trái, sai dần những năm sau. Song, điều tuyệt diệu đáp đền cho ông không phải những trái bưởi đầu tiên của những giống bưởi kia mà là những mùa hoa đơm nở khi chính những mùa hoa ấy giúp ông mang lại sự hồi sinh cho những cây bưởi Đại Minh vườn nhà sau hàng chục năm mất mùa. 

Bưởi Đại Minh, sau những năm mất mùa, giảm chất lượng, đã được huyện quyết tâm phục hồi lại năng suất, chất lượng. Với sự vào cuộc của Viện Nghiên cứu Rau quả của Trường Đại học Nông - lâm Thái Nguyên, kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất chất lượng bưởi Đại Minh đã được nghiên cứu, thực nghiệm và chuyển giao lại cho người trồng bưởi, mà quan trọng nhất chính là công nghệ thụ phấn chéo. 

Khi ấy, những mùa hoa vườn bưởi giống khác mà ông Đông đang có chính là điều kiện quan trọng phục vụ việc thụ phấn chéo này. Và cũng chả có mấy nhà có được những vườn hoa như thế. Những bông hoa bưởi ấy trở nên vô cùng quý hiếm. "Người ta đến xin hoa nhà tôi nhiều lắm. Có khi hoa còn bị hái trộm ý. Lúc tìm giống bưởi khác về trồng, tôi chỉ nghĩ đất nhà mình không thể không có bưởi được. Thật chẳng ngờ, việc trồng bưởi khác lại giúp mình khôi phục được giống bưởi quê mình như vậy. Và cũng thật mừng là mình đã không chặt bỏ những gốc bưởi năm nào” - thẳm trong ánh mắt, lắng trong miệng cười, dâng trong lời nói của lão nông hôm nay vẫn còn cả nỗi mừng vui ngày nào mà chỉ những ai kiên trì, bền bỉ với những điều mình chọn, đến được ngày "kết trái, đơm bông” mới thấu hiểu. 



Hội thi bóc bưởi trong Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà - hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc.

Qua cơn bĩ cực, bưởi Đại Minh dần lấy lại năng suất, chất lượng. Vườn bưởi Đại Minh, nhất là 17 gốc bưởi già của ông Đông lấy lại vai trò là gia tài đáng quý. 

Từ năm 2013 đến 2016, cả vườn bưởi cho thu hoạch 220 – 230 triệu đồng, trong đó bưởi Đại Minh cho thu khoảng 150 – 170 triệu đồng; năm 2017 này, cho tổng thu hơn 400 triệu đồng, riêng 16 gốc bưởi Đại Minh thương lái đã trả 250 triệu đồng từ sớm vụ. Ông Đông bỏ hẳn nghề mộc, cùng vợ toàn tâm toàn ý dưỡng đất, chăm cây. 

Có thêm thu nhập, ông lại quay ra mở rộng đất vườn. Bưởi lại được ông đưa về trồng. Đến bây giờ, màu xanh miên man của vườn cây trái nhà ông Đông đã bao phủ hơn 3 ha đất vườn với 6 loại bưởi: bưởi chua, bưởi sửu, bưởi da xanh, bưởi đỏ, bưởi Diễn, bưởi Đại Minh. Người ta lại tìm đến ông học cách trồng giống mới. Mỗi năm, từ chiết cành giống cũng mang lại cho ông cả trăm triệu đồng. 

Giờ, người ta có thể gọi ông là ông chủ cũng chẳng sai, bởi có cả đến vài người làm thường xuyên cho ông. Nhất là mùa thụ phấn cho hoa, người làm công đến cả gần đôi chục. Đã có thể bỏ bớt lo toan, đã có thể nhàn nhã với cuộc sống nhưng lão nông ấy vẫn khiến mình bận rộn với cây quả, với cả những mùa hoa cho hơn 100 đõ ong. Chất nhà nông chăm chỉ, chịu khó chưa bao giờ "nguội” trong con người này, cộng hưởng với sự kiên trì và tình yêu cây, đất ghi tên ông trong những danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh. Còn với lão nông ấy, qua năm tháng đời người, đời cây, điều có nghĩa nhất là được làm người nông dân gắn bó với đồng đất và cây trái quê mình. 

Thu Hạnh - Hoài Anh

Các tin khác
Chiến hạm Rạng Đông trở thành Bảo tàng.

YBĐT - Đoàn nhà báo chúng tôi gồm một số tổng biên tập và giám đốc đài phát thanh, nhà xuất bản được sang học tập ở Trường Đảng cao cấp Mát-xcơ-va. Đặt chân lên đất nước quê hương của Cách mạng Tháng Mười - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, chúng tôi ai cũng thấy tự hào.

Quy tắc bàn tay.

YBĐT - Có tới 70% nạn nhân trẻ em bị xâm hại bởi người quen, thậm chí là chính người thân.

Để lại phía sau những vất vả, khó khăn, các cô giáo mầm non lại hết lòng dạy dỗ trẻ khi buổi học mới bắt đầu.

YBĐT - Để đến bản Lùng Cúng phải đi qua những con đường hiểm trở, bên vách cao, bên vực sâu, lầy lội, mặt đường xẻ tới 2-3 rãnh. Lốp những chiếc xe máy đi qua phải lắp thêm xích. Không điện lưới, không sóng điện thoại, không ti-vi, những cô giáo mầm non vẫn bám trụ trên mảnh đất này...

18001776 – đường dây tư vấn miễn phí của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh là một trong những địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về xâm hại tình dục trẻ em.

YBĐT - Theo thống kê, trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 1.000 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em được ghi nhận, tức là cứ 8 giờ trôi qua lại có thêm một trẻ bị XHTD - những con số này cho thấy sự nhức nhối của nạn XHTD trẻ em.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục