Kỳ II: Để trẻ không bị hại bởi "yêu râu xanh"
- Cập nhật: Thứ năm, 19/10/2017 | 3:41:04 PM
YênBái - YBĐT - Có tới 70% nạn nhân trẻ em bị xâm hại bởi người quen, thậm chí là chính người thân.
Quy tắc bàn tay.
|
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: "Để phòng tránh, ngăn chặn XHTD trẻ em, chúng ta cần phải thực hiện tốt ba cấp độ (phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp) bảo vệ trẻ em theo các điều 48, 49, 50 Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, trong đó chú trọng đến cấp độ phòng ngừa”.
Bà Lương Thị Huyền - cán bộ kỹ thuật Bảo vệ trẻ em - Vùng Yên Bái và Tuyên Quang (Tổ chức Tầm nhìn thế giới quốc tế tại Việt Nam) chia sẻ: "Để ngăn ngừa, bảo vệ trẻ khỏi bị XHTD, cộng đồng, gia đình và trẻ cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết liên quan đến XHTD; trong đó, gia đình, nhất là bố mẹ cần được trang bị và nên chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về phòng tránh XHTD cho trẻ. Khi có kiến thức, cha mẹ mới có thể dễ dàng nhìn ra những nguy cơ và giúp trẻ phòng tránh bị xâm hại XHTD”.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng tránh XHTD trẻ em thì các vụ việc liên quan đến XHTD trẻ em luôn cần được xử lý nghiêm minh, có tính răn đe, giáo dục cao. Muốn vậy, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống XHTD trẻ em cần được sớm tháo gỡ.
Cùng với đó, công tác hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại cũng còn nhiều khó khăn. Việc bố trí cán bộ trong công tác can thiệp, trợ giúp cho trẻ bị XHTD ở địa phương còn thiếu, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở; chưa có mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ ở thôn, bản; nguồn lực để can thiệp quy trình can thiệp, trợ giúp cho trẻ bị XHTD ở địa phương chưa được hỗ trợ, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn…
Bà Lê Hoàng Anh - Phó trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội):
Trẻ bị XHTD là nỗi đau không thể tả hết của bản thân nạn nhân và gia đình. Nhiều gia đình mất bình tĩnh, không kiểm soát được cảm xúc của mình. Nhưng hơn lúc nào hết, gia đình cần mạnh mẽ để trở thành chỗ dựa giúp trẻ sớm trở lại cuộc sống. Cùng với việc lên tiếng, tố cáo với cơ quan chức năng, gia đình cần giải quyết các vấn đề trước mắt như vấn đề sức khỏe và tâm lý cho trẻ bằng cách đưa trẻ đi khám và điều trị ở các cơ sở y tế; đồng thời, quan tâm, gần gũi, an ủi, làm giảm sự căng thẳng về tinh thần cho trẻ; chăm sóc, cảm thông, không để trẻ cô đơn, mặc cảm, tránh bàn luận, nói bóng gió làm tổn thương trẻ. Và quan trọng nhất hãy dạy trẻ các kỹ năng đề phòng để tránh sự việc lặp lại.
Ông Trần Minh Hải - Thạc sỹ công tác xã hội, giảng viên quốc gia về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho trẻ em: Cha mẹ cần dạy cho trẻ biết cách bảo vệ vùng nhạy cảm của bản thân như không cho người khác nhìn hoặc chạm vào vùng nhạy cảm của mình cũng như chạm hoặc nhìn vào vùng nhạy cảm của người khác; không được nhận quà của người lạ, không đi theo người lạ; nhớ số điện thoại, tên, địa chỉ của cha mẹ... Cha mẹ cần nói, chia sẻ với trẻ về những tình huống, dấu hiệu trẻ cần cảnh giác một cách thường xuyên để hình thành nên những phản xạ giúp trẻ bảo vệ bản thân. Đồng thời, dạy trẻ và tạo sự tin tưởng cho trẻ để trẻ chia sẻ bất kể tình huống, dấu hiệu nào mà trẻ gặp phải. Cha mẹ nên dành mỗi ngày khoảng 30 phút để dạy các kỹ năng và chia sẻ, lắng nghe trẻ. Những điều này có thể đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong việc giúp trẻ tránh xa các nguy cơ nguy hiểm khi cần thiết. |
Thu Hạnh – Hoài Anh
Các tin khác
YBĐT - Để đến bản Lùng Cúng phải đi qua những con đường hiểm trở, bên vách cao, bên vực sâu, lầy lội, mặt đường xẻ tới 2-3 rãnh. Lốp những chiếc xe máy đi qua phải lắp thêm xích. Không điện lưới, không sóng điện thoại, không ti-vi, những cô giáo mầm non vẫn bám trụ trên mảnh đất này...
YBĐT - Theo thống kê, trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 1.000 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em được ghi nhận, tức là cứ 8 giờ trôi qua lại có thêm một trẻ bị XHTD - những con số này cho thấy sự nhức nhối của nạn XHTD trẻ em.
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 3 chuỗi sản xuất chăn nuôi lợn khép kín từ hoạt động sản xuất chăn nuôi, giết mổ đến xuất bán tiêu thụ sản phẩm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
YBĐT - Sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu nhằm tập trung các nguồn lực, sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, tạo động lực cho sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi lợn ở Yên Bái đang diễn ra như thế nào?Đâu là khó khăn cần tháo gỡ?