Nắng mai trên non cao Lùng Cúng

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/10/2017 | 7:07:00 AM

YBĐT - Để đến bản Lùng Cúng phải đi qua những con đường hiểm trở, bên vách cao, bên vực sâu, lầy lội, mặt đường xẻ tới 2-3 rãnh. Lốp những chiếc xe máy đi qua phải lắp thêm xích. Không điện lưới, không sóng điện thoại, không ti-vi, những cô giáo mầm non vẫn bám trụ trên mảnh đất này...

Để lại phía sau những vất vả, khó khăn, các cô giáo mầm non lại hết lòng dạy dỗ trẻ khi buổi học mới bắt đầu.
Để lại phía sau những vất vả, khó khăn, các cô giáo mầm non lại hết lòng dạy dỗ trẻ khi buổi học mới bắt đầu.


Bản Lùng Cúng, xã Nậm Có được biết tới là nơi xa nhất nhì huyện Mù Cang Chải. Ở độ cao 2.913m so với mặt nước biển, nếu ai đã từng đi qua đều phải "khiếp vía” với những con đường hiểm trở, bên vách cao, bên vực sâu, lầy lội, mặt đường xẻ tới 2-3 rãnh. Để có thể đến bản trên con đường này, lốp những chiếc xe máy phải lắp thêm xích. Không điện lưới, không sóng điện thoại, không ti-vi, những cô giáo mầm non vẫn bám trụ trên mảnh đất này để chăm sóc, nuôi dạy con em đồng bào...

Qua lời giới thiệu của Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có Khang A Chua, tôi quyết định lên Lùng Cúng. Hành trình 25 km từ xã Nậm Có lên Lùng Cúng mới bắt đầu được 2 km đã gặp cô giáo Nông Thị Dương đang vật lộn với chiếc xe máy Jumpiter trườn trên những đoạn đường dốc, bùn đất nhão văng tung tóe. Người phụ nữ không đủ sức để đẩy chiếc xe ra khỏi khe rãnh của con đường sống trâu gồ ghề đành đứng nhìn vậy.
 
Cô giáo tên là Nông Thị Dương, ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ lên vùng cao công tác và được phân lên điểm trường lẻ Lùng Cúng. Bất lực, cô đành nhờ dân bản trông giúp xe rồi lại đi bộ lên. Đường lên bản càng lên cao càng quanh co, trơn trượt, tôi lọt thỏm trong sương mù, chỉ có thể nhìn rõ đường đi trong khoảng cách hơn 20m trở lại. Cuối cùng, sau gần 6 tiếng đồng hồ, tôi cũng ra khỏi sương mù đến một đoạn đường bằng phẳng đầy nắng, đó là đỉnh Lùng Cúng.

Cô giáo Nông Thị Dương kể, lần đầu chưa đi được xe, toàn phải đi bộ, thi thoảng gặp dân bản thì đi nhờ nhưng đi nhiều ngại quá nên quyết tự đi xe lên. Đi xe lúc trời mưa còn lâu hơn đi bộ, đi 2 năm rồi mà lần nào về cũng đau nhừ người. Vậy mà, cứ chiều thứ 6 hàng tuần các cô giáo lại vượt con đường thách thức ấy và tiếp tục cuộc hành trình hơn 100 km để về nhà, khi đó đã rất khuya.
 
Sau một ngày ngắn ngủi quấn quýt bên gia đình, các cô lại vội chia tay với tổ ấm rời nhà lên bản cùng với lương thực, thực phẩm cá mắm, lạc... cho 1 tuần ở miết trên bản. Điểm trường mầm non Lùng Cúng với 2 lớp học đơn sơ, hiện chỉ có vài bộ đồ chơi do các cô giáo tự tay làm.  Lớp học lợp tôn đã bạc phếch màu vì sương gió, nhưng vẫn sống động bởi những mảnh ghép trang trí bằng giấy màu trên tường.
 
Cô giáo Nông Thị Dương sinh năm 1992, cô Lý Thị Kiều sinh năm 1992 ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn và cô Nguyễn Thị Nhung sinh năm 1987, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn nhà cách điểm trường ít nhất cũng 60 km, xa nhất cũng 100 km. Nếu không phải vì thương lũ trẻ nghèo khó vùng cao, chắc có lẽ... Cô giáo Nguyễn Thị Nhung cho biết: "Bọn trẻ bây giờ ngoan lắm, mấy bữa trước, lần đầu tiên đến trường còn khóc như ri, nhiều em chỉ biết bốc ăn, giờ đã biết cầm thìa, biết chào và biết hát”.
 
Ở trên cái vùng đất heo hút này, tưởng chừng như sẽ không có việc gì để làm, vậy mà một ngày của các cô tất bật từ sáng tới tối. Cuộc sống cứ thế xoay quanh việc dạy và dỗ những đứa trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Những đứa trẻ người Mông không biết tiếng phổ thông và những cô giáo bập bẹ tiếng Mông, dùng cả 2 thứ tiếng để giảng dạy, vậy mà họ vẫn cứ say sưa cùng nhau với những tiết tạo hình, âm nhạc...
 
Tối ấy, cô giáo Nhung tranh thủ trời còn nhá nhem, cùng cán bộ xã Sùng A Mang đi sang nhà bé Chang Thị Pàng – cô bé mới được nửa kỳ lớp 6 đã bỏ học ở nhà. Trong cái ánh sáng nhờ nhờ ấy, chị Thào Thị Sông mẹ Pàng đang ru đứa con 9 tháng tuổi, bên cạnh là bé trai 3 tuổi đang ngồi chơi.
 
Ở góc bếp, bé Pàng tay thoăn thoắt đảo nồi cơm, xào rau. Pàng nói: "Em ở nhà nấu cơm cho bố mẹ, trông em thôi, bà bảo thế!”. Thấy cán bộ đến, như mọi lần, bà của Pàng lại khóc vì sợ cán bộ "bắt” đi học. "Các bác không thương tôi à, bắt con bé đi thì ai trông tôi?” - bà của Pàng mếu máo. 

Anh Mang nhẹ nhàng đến bên bà, sau một hồi trao đổi bằng tiếng Mông, bà cụ chỉ còn sụt sịt, không phản đối nữa. "Mai đi lớp nhé, dưới lớp vui lắm, mình được học biết chữ và chơi với các bạn.
 
Đi học mới biết chữ, trông em có mẹ trông, có các cô giáo mầm non trông rồi. Đi học mai kia còn đi làm nuôi bà, nuôi bố mẹ chứ!” - cô Nhung ân cần động viên. Trở về phòng, cô Nhung, Dương và Kiều lại cần mẫn ngồi cắt, dán những đồ trang trí lớp, làm dụng cụ học tập cho lũ trẻ ngày mai. Từ sáng tinh mơ, khi sương còn đẫm trên cành lá cây sơn tra, các cô đã thay phiên nhau đi bộ chừng 1 km ra khe suối xách nước, nấu cơm, quét lớp chuẩn bị đón trẻ.
 
Khi những đứa trẻ ùa đến lớp, ánh mắt trong veo, trên tay cầm theo chiếc cặp lồng cơm mà bố mẹ chúng chuẩn bị sẵn, lớp học lại bắt đầu. Cô giáo Nông Thị Dương chia sẻ: "Họa hoằn lắm, trong chiếc cặp lồng cơm ấy mới có một miếng thịt, còn thường chỉ có cơm và ... cơm. Cháu nào khá thì có miếng cá khô bằng ngón tay hoặc ít rau xào, nhiều khi chỉ có một miếng măng ngâm ớt...
 
Chiều về, trả trẻ xong, ngồi dưới mái hiên nhìn ra dãy núi xa xa lất phất mưa giăng, nỗi buồn nhớ nhà mới ngấm. Sống trong một thế giới riêng, không sóng điện thoại, không điện lưới, không ti-vi nhưng với các cô vẫn còn may mắn khi thi thoảng xin được ít điện chạy bằng sức nước của nhà dân và chiếc điện thoại dù chỉ dùng để làm đèn pin, lưu trữ ảnh, cũng giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà.
 
Tối, cơm nước xong, 3 cô 3 góc với ánh sáng le lói phát ra từ chiếc điện thoại di dộng, ngồi soạn bài. Như mọi ngày, các cô sẽ lên giường đi ngủ từ 7 giờ tối, nhưng hôm nay có khách nên cùng nhau quây quần bên bếp củi với vài bắp ngô vùi trong than, tâm sự đến đêm khuya.
 
Trong ánh lửa chập chờn không rõ khuôn mặt, tôi nghe rõ giọng nói ngập ngừng rồi trùng xuống của cô Nhung khi nhắc về gia đình: "Đứa con gái 7 tuổi nhà em bị bệnh tim bẩm sinh, thiếu vắng vòng tay chăm sóc của mẹ, lại phải nhờ bàn tay chăm sóc  của chồng. Sóng điện thoại không có, nhiều hôm nhận được thư tin về sức khỏe của con không được tốt 2 chúng em lại cùng nhau đi bộ xuống núi một quãng cách đó hơn 4 km để "bắt sóng” gọi về nhà". 

"Nhiều hôm muốn khóc luôn, bởi biết con gái ở nhà không khỏe, nhưng lúc đó đang dạy nên phải chờ đến chiều tối mới đi gọi điện được. Lắm hôm trời mưa, 3 chị em đi gọi điện về trông như vừa từ dưới đất chui lên, mặt bạc trắng bệch vì lạnh, lấm lem bùn đất” - Nhung tâm sự.
 
Là người đến với điểm trường lẻ này sau cùng, nhưng cô giáo Lý Thị Kiều đã lên đây được hơn 4 năm. Cô nhớ lại: "Hết thời gian nghỉ chế độ thai sản, rời nhà lên với Lùng Cúng mà rớt nước mắt, vì thương đứa con thơ 15 tháng tuổi vẫn còn khát sữa mẹ. Con bé không chịu ăn sữa ngoài! Giờ đây con bé cũng đã gần 3 tuổi, ngoan lắm. Tối thứ Sáu nào cũng ngóng mẹ về mới chịu đi ngủ”.
 
Tôi hỏi: "Động lực nào khiến cô tình nguyện ở lại khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở đây?”. Cô trải lòng: "Em đã quen với sự khó, sự khổ ở đây rồi, thực sự em thương bọn trẻ ở Lùng Cúng này lắm. Mùa đông băng tuyết ngoài sân, vậy mà nhiều em mặc mỗi chiếc áo mỏng manh, không quần, không dép đến lớp, bữa ăn chỉ có cơm trắng. Nhiều hôm, có cháu đau ốm, cô hỏi, bố mẹ chúng chỉ bảo kệ nó tự khỏi thôi!”.
 
Khó khăn là thế, nhưng tôi biết, các cô thường bỏ tiền túi ra mua đồ dùng trang trí lớp, làm đồ chơi cho trẻ. Rồi mỗi lần về nhà lên lại vác theo bọc quần áo quyên góp được để phát cho bọn trẻ; dịp tết, mỗi cô lại góp ít tiền mua bánh kẹo, tổ chức cho các cháu vui.

Chia với Lùng Cúng với biết bao cảm xúc, tôi cảm phục những cô giáo vùng cao đang bám trụ nơi núi non hiểm trở này. Phía xa, mặt trời đang vượt lên những ngọn núi, thả những tia nắng đầu tiên. Với tôi, các cô chính là những tia nắng ban mai nơi non cao Lùng Cúng!

Quyết Thắng

Các tin khác
18001776 – đường dây tư vấn miễn phí của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh là một trong những địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về xâm hại tình dục trẻ em.

YBĐT - Theo thống kê, trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 1.000 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em được ghi nhận, tức là cứ 8 giờ trôi qua lại có thêm một trẻ bị XHTD - những con số này cho thấy sự nhức nhối của nạn XHTD trẻ em.

Lãnh đạo Công ty TNHH Đầm Mỏ kiểm tra chất lượng lợn giống.

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 3 chuỗi sản xuất chăn nuôi lợn khép kín từ hoạt động sản xuất chăn nuôi, giết mổ đến xuất bán tiêu thụ sản phẩm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. 

Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển.

YBĐT - Sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu nhằm tập trung các nguồn lực, sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, tạo động lực cho sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi lợn ở Yên Bái đang diễn ra như thế nào?Đâu là khó khăn cần tháo gỡ?

Thầy giáo Nguyễn Đức Thành (thứ 2, bên phải) giới thiệu nơi ở bán trú của học sinh nhà trường.

YBĐT - Là Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Nậm Búng, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, nhưng 3 năm nay, kể từ ngày Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện điều động lên đây công tác, phòng làm việc, cũng là nơi nghỉ của thầy giáo Nguyễn Đức Thành vẫn bố trí ở gầm cầu thang tầng trệt. Ban đầu, nhiều người bảo hâm, thích thể hiện… Thầy chỉ cười, không đáp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục