“Vua rừng” Triệu Tiến Châu
- Cập nhật: Thứ tư, 6/12/2017 | 8:15:22 AM
YBĐT - Đã từng là một người lính trên chiến trường, về với đời thường, không chấp nhận sống cuộc đời an nhàn bên con cháu mà vào rừng để sống cuộc đời gắn bó với thiên nhiên và là ông chủ của gần 200 ha rừng. Nhân vật tôi muốn nói đến là "vua rừng” Triệu Tiến Châu, người Dao ở thôn Minh An, xã Y Can, huyện Trấn Yên.
Vừa bảo vệ rừng tốt, ông Châu thường xuyên trồng mới để bổ sung tập đoàn cây rừng.
|
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, như những thanh niên cùng thế hệ, ông đã anh dũng lên đường ra trận. Về với đời thường, không những tham gia tốt công tác xã hội, ông lại là người đi đầu trong phát triển kinh tế. Hiện nay, dù đã tuổi cao, nhưng với lòng yêu thiên nhiên và muốn làm gì đó cho cuộc đời, ông không chấp nhận sống cuộc đời an nhàn bên con cháu mà vào rừng để sống cuộc đời gắn bó với thiên nhiên.
Thông tin của Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Yên Bái làm tôi háo hức. Để chuẩn bị cho chuyến thực tế trọn vẹn, sau khi xem thời tiết, một ngày mùa đông hửng nắng đẹp, tôi hăm hở phóng xe máy vào xã Y Can. Do được hướng dẫn từ trước, từ quốc lộ 32, đoạn Lâm trường Việt Hưng, tôi rẽ vào thôn Minh An. Thật đã mắt vì mới chục năm thôi mà bên đường nhiều nhà tầng đã mọc lên, trong đó có nhiều nhà xây như biệt thự với hai, ba tầng, có ban công, mái Thái... như nhà giàu thành phố. Nhà ông Châu ở thôn Minh An cũng hai tầng, ngay ngã ba đường. Biết tôi đến, ông Châu gọi điện bảo: "Mình đang ở trên rừng, cách nhà gần chục ki-lô-mét. Cứ ở đó tôi về!” Tôi tự tin: "Chú cứ đợi, cháu sẽ tìm đến!”.
Từ thôn Minh An, theo đường đi xã Kiên Thành, tôi phóng xe vào thôn An Hòa. Hỏi thăm người chủ nhà có ngôi nhà xây lớn bên đường, tôi cởi giầy đi chân trần, phóng xe theo đường mòn vào nơi ông Châu đang ở. Gần 20 năm làm báo, kinh nghiệm không phải ít.
Tranh thủ trời nắng đẹp, tôi cùng ông đi thăm rừng. Quả thật, đã lâu lắm rồi ký ức tuổi ấu thơ của những ngày sớm đi học, chiều chăn bò, lấy củi mới ùa về như hôm nay khi được tận mắt, tận tay ngắm, sờ những những bụi nứa dại, bụi song ken dầy, những bông hoa chuối rừng đỏ thắm, những vạt măng giang vươn tua tủa, những vạt cây rừng tự nhiên xanh thắm...
"Gần 200 ha, vậy chú là "vua rừng" rồi!” tôi nói vui.
Từ ngày có rừng, hầu hết tâm lực của ông Châu dành cho nơi đây. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông đầu tư gần 500 triệu đồng để mở gần 3 km đường và đắp đập thả cả, đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi. Những khu đất trống ven núi, ông trồng xen quế, trồng sắn làm thức ăn chăn nuôi. Có lúc cao điểm, ông nuôi gần 200 con lợn rừng lai, vài chục con trâu, vài trăm con gà để cung cấp cho thị trường, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trời đứng bóng, ông Châu xuống bếp làm cơm. Đúng là người của núi rừng, lại tháo vát, lại kinh qua nhiều năm chiến đấu trong rừng đã quen thiếu thốn, ông làm cơm rất nhanh. Trong rừng, nhưng bữa cơm của chúng tôi có cá, gà thả vườn, đặc biệt có món măng giang ngâm chua và chai rượu ngâm thuốc bổ máu, bổ gan được lấy trên rừng khiến câu chuyện của hai chú cháu ngày càng thân mật. Và, cuộc đời của "vua rừng hiện về như cuốn phim.
Do di chứng của vết thương, năm 1986, ông về nghỉ theo chế độ bệnh binh. Về đời thường, đúng thời gian đất nước và cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Lúc đó, ông luôn suy nghĩ, chiến đấu khó khăn gian khổ, ác liệt còn không sợ, sao phải cam chịu đói nghèo. Vậy là, bản chất kiên cường, không chịu lùi bước trước gian khó của người lính đã thôi thúc ông làm tất cả công việc từ bảo vệ rừng cho lâm trường, đến thu mua lâm sản, chăn nuôi, trồng rừng… để nuôi sống gia đình.
Yêu rừng, giờ phần lớn thời gian ông Châu ở luôn trên trang trại. Như ông bảo, xa rừng là không chịu được. Có lẽ vì vậy, vừa đi thăm chiến trường xưa với đồng đội một tuần tuy rất mệt mỏi nhưng ông vào rừng ngay. Giờ, "bạn” của ông chính là lũ chó, lũ mèo và chiếc đài để nghe tin tức thời sự. Ông bảo, ở trên này, tuy vắng vẻ nhưng nhìn rừng xanh, khí hậu trong lành mình thấy rất sảng khoái, nhất là khi trái gió, trở trời vết thương tái phát.
Sau bữa cơm trưa, chúng tôi nghỉ trên giường tạm lát bằng nứa. Đang say giấc, tôi chợt tỉnh vì tiếng ông Châu: "Sụng lại về bắt gà anh ạ!”. Tôi nằm im thầm nghĩ, người đàn ông này thật kỳ lạ, trong giấc ngủ cũng nghĩ về rừng. Mặt trời dần khuất bóng sau ngọn cây rừng phía xa. Giờ là lúc phải nói lời tạm biệt người chiến sỹ Trường Sơn năm xưa, "vua rừng” hôm nay để về thành phố.
Đình Tứ
Các tin khác
YBĐT - Đi qua những mùa dâu, thêm những mùa no ấm, đủ đầy với người trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên.
YBĐT - Không biết lý do nào để gia đình tan vỡ, để một số người phụ nữ Mông ở thôn Tà Đằng, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu bỏ lại con thơ, tìm hạnh phúc mới; nhiều người chồng sa chân vào con đường phạm tội. Hậu quả là những đứa trẻ bơ vơ, khát cha, khát mẹ, hạnh phúc chỉ còn trong giấc mơ của các bé. Người dân tự đặt cho bản mình một cái tên đầy xót xa: "Bản vắng mẹ".
YBĐT - Tiếng lành đồn xa về một vùng trồng cây ăn quả mới của huyện Trấn Yên khiến tôi nôn nóng muốn vào ngay Hồng Ca để được mắt thấy tai nghe thực hư chuyện người dân ở địa phương này đang giàu lên từ cây ăn quả. Cái tên một chủ hộ làm vườn mà tôi được nghe cán bộ lãnh đạo địa phương nhắc đến nhiều là anh Đoàn Chí Công ở thôn Khe Nhàng.
YBĐT - Tháng này, Đại Minh – Yên Bình rộn ràng lễ hội. Ấy là Lễ hội Bưởi - thứ quả thiết thân gắn bó với đất và người nơi này, giờ càng được tôn vinh.