Chúng tôi đến bản Tà Đằng trong những ngày chớm đông. Bản làng bình yên đã từng bị xáo trộn bởi làn sóng rời khỏi địa phương trái phép. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến là gia đình của em Giàng Thị Là. Cô bé 8 tuổi gương mặt còn lem nhem khói bếp òa khóc khi chúng tôi hỏi đến mẹ.
Trưởng thôn Sùng A Khay ánh mắt đượm buồn kể cho chúng tôi nghe hoàn cảnh của em Là: "Đã 2 năm nay, ngôi nhà nhỏ này không còn rộn rã tiếng cười, nhà chỉ còn 3 bà cháu. Một ngày thức dậy, em không còn thấy mẹ. Nước mắt chưa cạn, sau vài tháng, ngắn ngủi bố em lập gia đình ở nơi khác. Tuổi thơ của Là là những tháng ngày lầm lũi sống bên cạnh bà ngoại. Bà đã già, không thể đưa đi học nên để đến được trường, Là thường đi theo một cô hàng xóm ở gần nhà xuống bán trú học chữ".
Tôi thấy cổ họng mình nghẹn đắng khi nhìn bà ngoại của em Là - bà Giàng Thị Rua, hai hàng nước mắt chảy ra từ khóe mắt hốc hác quầng sâu vì thiếu ngủ. Bà cũng chỉ nhìn cháu rồi khóc, kể cho chúng tôi nghe những khó khăn, thiếu thốn của gia đình.
2 năm qua là nhiều đêm dài không ngủ khi cháu khóc đòi mẹ, khi bữa ăn không đủ no, khi trái gió trở trời bà cháu cùng nhức mỏi. Bà Rua đã ngoài 60 tuổi, lẽ ra đã đến tuổi nghỉ ngơi, vui vầy cùng con, cùng cháu nhưng xót xa cho cháu nhỏ, hàng ngày bà vẫn tìm đủ mọi công việc để lo cho cháu được ấm bụng.
Cùng hoàn cảnh với bà cháu em Giàng Thị Là còn có em Giàng A Vềnh. Bố bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy, mẹ đã rời khỏi địa phương. Anh trai của Vềnh là Giàng A Cớ học lớp 9 và chị Giàng Thị Say học lớp 5.
Khi đi học bán trú, 3 anh em chăm sóc nhau ở trường. Say mới học lớp 5 nhưng cũng chững chạc hơn những bạn cùng lứa, em thường tranh thủ tắm cho Vềnh. Khi em ốm, các em nhờ thầy cô giáo cho thuốc và thay nhau chăm sóc em.
Nghỉ hè, 3 anh em ở với bà nội và chú ruột, hàng ngày lang thang trong rừng, trên nương, giúp chú chăn con trâu, con bò hay kiếm củi. Giàng A Cớ thỏ thẻ: "Em thương Vềnh lắm! Nó còn bé quá, nhớ bố mẹ khóc suốt".
Đang ở tuổi cần được cha mẹ yêu thương dạy dỗ nhất thì các em như những nụ hoa xương rồng tự vươn mình trong cát, tự chống chọi, tự nỗ lực trong sự bao dung, chia sẻ của thầy cô, bạn bè và bà con cùng bản để lớn lên. Không biết tương lai của các em sẽ thế nào nhưng hôm nay nỗi khát khao có vòng tay mẹ lúc nào cũng cháy âm ỉ.
Bản Tà Đằng có khoảng 50 nóc nhà. Làn sóng vượt biên với ước mơ lấy chồng ngoại quốc có cuộc sống sung túc mà không phải lao động vất vả khiến nhiều nóc nhà ở đây vắng đi bàn tay những người phụ nữ. Họ sẵn sàng vứt bỏ gia đình, quê hương để ra đi khi tiền không có, tiếng Việt bập bõm, tiếng Trung thì không đã để lại nhiều hậu quả đau lòng. Thêm việc nhận thức của người dân còn hạn chế với ước mơ làm giàu nhanh chóng, nhiều người đàn ông sa chân vào con đường phạm tội để lại cho bản làng những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa.
Trưởng thôn Sùng A Khay cho biết: "Hoàn cảnh các cháu rất đáng thương. Thôn đã báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp chăm lo cho các cháu, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để phụ nữ không rời khỏi địa phương nữa".
Trước thực trạng này, Đảng bộ, chính quyền xã Xà Hồ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xà Hồ đã có nhiều giải pháp giúp đỡ những đứa trẻ đặc biệt khó khăn, như: tặng quà cho các em vào những dịp lễ tết, đầu năm học mới; tìm các nguồn tài trợ hỗ trợ các em ở nơi học bán trú; quan tâm, chia sẻ, động viên giúp các em vượt qua khó khăn, yên tâm học tập.
Em Giàng Thị Là chia sẻ: "Xuống trường học có thầy cô giáo và bạn bè chia sẻ em cũng đỡ buồn hơn rất nhiều. Em sẽ cố gắng học tập tốt để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn". Dưới mái trường bán trú, các em luôn rạng rỡ nụ cười. Cô giáo Nguyễn Thị Vân - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Biết các em có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô giáo cũng đặc biệt quan tâm giúp đỡ. Vì vậy, các em đều có học lực và hạnh kiểm tốt, đặc biệt em Giàng Thị Là còn là học sinh tiên tiến".
Hiện nay, trên địa bàn thôn Tà Đằng không còn những người phụ nữ rời khỏi địa phương do hiệu quả của công tác tuyên truyền thời gian qua. Hy vọng, với sự bao bọc yêu thương của cộng đồng, các em sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, tự tin bước trên con đường đi đến hạnh phúc.
Phương Thùy - Duy Hùng