Cháy hết mình cho một tình yêu

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/12/2017 | 8:21:57 AM

YBĐT - Ở vùng đất quế Văn Yên không ai không biết nghệ nhân người Dao Đặng Nho Vượng. Ông không chỉ được biết đến như người thuộc nhiều làn điệu páo dung, câu hát dân ca dân tộc Dao mà còn là người duy nhất của huyện Văn Yên có thể cùng lúc thổi 2 sáo tồm ông dặt bằng mũi. Ông cũng là người tận tâm "nhóm lửa" rồi nỗ lực tìm cách để ngọn lửa bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao đỏ luôn bừng cháy trên vùng đất quế Văn Yên.

Tiết mục múa gông do nghệ nhân Đặng Nho Vượng dàn dựng đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ XIV năm 2017.
Tiết mục múa gông do nghệ nhân Đặng Nho Vượng dàn dựng đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ XIV năm 2017.

Là người con của dân tộc Dao đỏ ở thôn Làng Vầu, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, ngay từ khi còn nhỏ, Đặng Nho Vượng đã được bà nội dạy cho cách hát những làn điệu páo dung chan chứa tình người, tình yêu quê hương đất nước. Những câu hát ru của mẹ, của bà, tiếng kèn pí lè, tiếng sáo tồm ông dặt du dương trong mỗi dịp lễ hội đã ăn sâu vào tâm hồn, ngấm vào ông như một duyên nợ, cộng với năng khiếu thiên bẩm nên ông sớm biết hát những làn điệu páo dung, biết thổi sáo mũi và chơi các nhạc cụ dân tộc Dao.

16 tuổi, ông Đặng Nho Vượng đã thổi thành thạo sáo mũi, kèn pí lè, biết hát đối, hát giao duyên với thanh niên nam nữ trong làng. Đến năm 1997, ông bắt đầu tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ tại xã Đại Sơn và sáng tác, truyền dạy các bài hát giao duyên cho đội văn nghệ của xã. Với các bài hát giao duyên, ông liên tiếp đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuận quần chúng của huyện, của tỉnh và Hội diễn Văn hóa thể thao các dân tộc Tây Bắc. 
 
Đó cũng là ngọn nguồn đam mê chắp cánh cho người con của vùng đất quế Đại Sơn thể hiện năng khiếu của mình, đồng thời tìm hiểu thêm về các phong tục tập quán, các tri thức dân gian của cộng đồng dân tộc mình để làm giàu thêm kiến thức cho bản thân.

Gần 50 tuổi đời nhưng nghệ nhân Đặng Nho Vượng đã có hơn 30 năm sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Người Dao Đại Sơn coi ông như một người "giữ lửa” văn hóa của dân tộc mình. Phụ nữ người Dao đỏ không ai thuộc nhiều bài hát, điệu múa bằng ông.
 
Đặng Nho Vượng còn là người duy nhất của huyện Văn Yên nắm được bí quyết thổi điêu luyện bằng mũi một loại sáo độc nhất vô nhị của người Dao, đó là sáo tồm ông dặt. Người Dao đỏ ở Văn Yên coi cây sáo tồm ông dặt là sợi dây nối giữa thế giới thần linh với con người.
 
Đây là một nhạc cụ được dùng trong những ngày lễ lớn của cộng đồng. Sáo tồm ông dặt có 7 lỗ sáo, tượng trưng cho 7 người con gái, trong lễ "ma chay phần vàng”, tiếng sáo có lúc mang âm điệu trầm hùng, gợi nhớ đến thuở khai sinh lập địa của tổ tiên; lúc bay bổng, da diết, mềm mại như tiếng hát của người con gái để ru thần linh bằng lòng với những điều ước nguyện, gửi gắm những thông điệp của cộng đồng đến thế giới tâm linh. Sáo tồm ông dặt khi được thổi trên nương lại mang ý nghĩa khác. Đó là tiếng sáo giao duyên của chàng trai gọi bạn tình. Tiếng sáo véo von réo rắt như nước suối, vi vu như tiếng gió, giống như lời tâm tình, đi vào lòng người như bản tình ca trắng trong ở miền sơn cước.
 
Ông Đặng Nho Vượng chia sẻ: "Rất hiếm người biết sử dụng loại sáo này bởi khi thổi phải nín thở một bên mũi để tạo âm điệu qua lỗ mũi còn lại, vừa thổi vừa phải dùng tay để chỉnh âm điệu trên 7 lỗ sáo. Các ngón tay phải nhịp nhàng nên đòi hỏi người chơi không chỉ có năng khiếu mà phải luyện hơi thật khỏe mới có thể tạo ra nhạc điệu từ mũi”. Khó là vậy nhưng với sự kiên trì rèn luyện và khả năng đặc biệt, ông Đặng Nho Vượng đã nắm bắt được kỹ thuật thả cơ, điều hòa hơi để không những thổi điêu luyện một sáo mà còn thổi được hai sáo liền một lúc bằng mũi.

Không chỉ là người duy nhất lưu giữ điệu sáo tồm ông dặt, nghệ nhân Đặng Nho Vượng còn là người có tài trời phú khi vừa có thể chơi thành thạo vừa chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống từ những cây tre, cây nứa. Với những ống tre, ống nứa trên rừng và đôi bàn tay khéo léo, ông đã tạo nên nhiều loại nhạc cụ dân tộc với đủ các cung bậc âm thanh trầm bổng mang đậm sắc thái, tâm hồn của người dân tộc bản địa.
 
Cùng với đó, ông có thể sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ truyền thống của người Dao… Ngoài ra, ông cũng đã dành nhiều thời gian truyền dạy cho các thế hệ trẻ trong xã cách sử dụng nhạc cụ dân tộc, cách hát, múa những làn điệu dân ca của người Dao dưới hình thức "truyền khẩu”.
 
Anh Lý Phúc Tình ở thôn 2, xã Đại Sơn cho biết: "Nhờ có thầy Vượng tận tình hướng dẫn, đến nay, tôi có thể sử dụng thành thạo trống gông - một loại trống thường sử dụng trong các lễ hội dân gian của người Dao đỏ”. Chị Đặng Thị Pham ở thôn Khe Giang, xã Đại Sơn cũng cho biết: "Phụ nữ người Dao chúng tôi hiện nay phần lớn không biết hát páo dung. Nay có bác Vượng thường xuyên dạy hát, dạy cách chơi nhạc cụ dân tộc cho đội văn nghệ và con em trong xã. Vào những ngày nghỉ, tôi cho cả hai con gái theo học để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay, các cháu mới học tiểu học nhưng cũng đã tham gia cùng đội văn nghệ xã trong các đợt hội diễn và đạt nhiều giải cao”.

Là hạt nhân trong phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, ông còn tự nghiên cứu, sáng tác viết lời mới hiện đại vui tươi, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu đôi lứa dựa trên các làn điệu dân ca cổ của dân tộc Dao. Ông đã phục dựng, sáng tác, đạo diễn và tham gia nhiều tiết mục, chương trình văn hóa mang bản sắc người Dao. Trong nhà ông, giấy khen, bằng khen, huy chương, giấy chứng nhận treo kín cả tường. Hầu như năm nào ông cũng được nhận bằng khen, giấy khen các cấp.
 
Gần đây nhất,  với các tiết mục do nghệ nhân Đặng Nho Vượng dàn dựng và đạo diễn, cá nhân ông và đội văn nghệ của xã Đại Sơn đã đạt 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc của huyện Văn Yên năm 2017 và đạt 2 Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ XIV năm 2017.

Sự miệt mài, tâm huyết với văn hóa dân gian của nghệ nhân Đặng Nho Vượng đã được ghi nhận và đền đáp xứng đáng. Năm 2015, Đặng Nho Vượng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
 
Đồng chí Nguyễn Anh Tiến - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Yên cho biết: "Nghệ nhân Đặng Nho Vượng được coi là kho sử sống về văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng người Dao đỏ ở địa phương. Ông có rất nhiều công trong việc sưu tầm những vốn văn hóa cổ mà hiện nay chỉ các cụ cao tuổi, cao niên trong làng mới nắm giữ được. Dựa trên các cuốn sách cổ của người Dao và nhờ sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông đã phục dựng lại các lễ hội, điệu múa, câu hát chứa đựng cả khía cạnh tâm linh lẫn sinh hoạt văn hóa đời thường bị mai một của dân tộc Dao đỏ. Với tình yêu và lòng đam mê nghệ thuật dân tộc, tài năng thiên bẩm, nghệ nhân Đặng Nho Vượng đã thổi những làn gió mới vào những lễ hội, điệu múa dân gian truyền thống, góp phần quan trọng tạo nên những sắc thái mới đa dạng hơn, phong phú hơn nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao đỏ trên vùng đất quế Văn Yên”.

Tự hào với danh hiệu và những thành tích đã đạt được song người "giữ hồn” cho dân tộc Dao đỏ này luôn trăn trở tìm cách để gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc mình. Nghệ nhân Đặng Nho Vượng cho biết: "Với tâm huyết và trách nhiệm của một Nghệ nhân ưu tú, tôi sẽ cố gắng đóng góp công sức của mình để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao, truyền dạy cho lớp trẻ tại địa phương để con cháu không quên nét văn hóa đặc sắc của dân tộc”.

Bước sang tuổi ngũ tuần nhưng nghệ nhân Đặng Nho Vượng vẫn luôn cháy hết mình vì nghệ thuật truyền thống, ông đã góp một phần không nhỏ vào việc "giữ lửa” văn hóa của người Dao trong trong dòng chảy của sự giao thoa các giá trị văn hóa và nhịp sống đầy màu sắc ở vùng đất quế Văn Yên.

Hồng Vân

Các tin khác
Vừa  bảo vệ rừng tốt, ông Châu thường xuyên trồng mới để bổ sung tập đoàn cây rừng.

YBĐT - Đã từng là một người lính trên chiến trường, về với đời thường, không chấp nhận sống cuộc đời an nhàn bên con cháu mà vào rừng để sống cuộc đời gắn bó với thiên nhiên và là ông chủ của gần 200 ha rừng. Nhân vật tôi muốn nói đến là "vua rừng” Triệu Tiến Châu, người Dao ở thôn Minh An, xã Y Can, huyện Trấn Yên.

Cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên trao đổi kỹ thuật nuôi tằm đất với hộ nuôi.

YBĐT - Đi qua những mùa dâu, thêm những mùa no ấm, đủ đầy với người trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên. 

YBĐT - Không biết lý do nào để gia đình tan vỡ, để một số người phụ nữ Mông ở thôn Tà Đằng, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu bỏ lại con thơ, tìm hạnh phúc mới; nhiều người chồng sa chân vào con đường phạm tội. Hậu quả là những đứa trẻ bơ vơ, khát cha, khát mẹ, hạnh phúc chỉ còn trong giấc mơ của các bé. Người dân tự đặt cho bản mình một cái tên đầy xót xa: "Bản vắng mẹ".

Gia đình anh Đoàn Chí Công trồng hơn 400 gốc bưởi da xanh.

YBĐT - Tiếng lành đồn xa về một vùng trồng cây ăn quả mới của huyện Trấn Yên khiến tôi nôn nóng muốn vào ngay Hồng Ca để được mắt thấy tai nghe thực hư chuyện người dân ở địa phương này đang giàu lên từ cây ăn quả. Cái tên một chủ hộ làm vườn mà tôi được nghe cán bộ lãnh đạo địa phương nhắc đến nhiều là anh Đoàn Chí Công ở thôn Khe Nhàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục