Lặng lẽ tỏa sáng giữa đời thường

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/3/2018 | 8:08:07 AM

YBĐT - Lặng lẽ tỏa sáng cuộc sống, trong lòng đồng đội, như nhiều tấm gương cựu chiến binh, ông Nguyễn Đức Kế ở thôn Tự Do, xã Y Can, huyện Trấn Yên đã viết tiếp truyền thống Bộ độ Cụ Hồ.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Kế (mặc quân phục) chia sẻ khó khăn, động viên đồng đội.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Kế (mặc quân phục) chia sẻ khó khăn, động viên đồng đội.

Được giới thiệu từ Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái, một sớm đầu xuân, tôi vượt sông Hồng sang thôn Tự Do, xã Y Can, huyện Trấn Yên để tìm đến cựu chiến binh Nguyễn Đức Kế, một người luôn phấn đấu, học tập làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Trong căn nhà xây khang trang, tương đối tiện nghi, trên tường treo nhiều huân, huy chương của Nhà nước; bằng khen, giấy khen của tổ chức chính trị - xã  hội. Câu chuyện của tôi với người cựu chiến binh Trường Sơn tuổi bảy mươi lăm diễn ra rôm rả. Năm 1963, bước vào tuổi 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đức Kế lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Vào bộ đội, được chuyển về huấn luyện tại E82 tỉnh Hưng Yên, sau hai tháng tập quân sự và học chính trị, lý lịch tốt cộng với từng là Bí thư Đoàn trường nên ông được chọn đi học văn hóa cấp tốc để hoàn thành chương trình lớp 10 rồi được đi học trường sỹ quan ở Sơn Tây. Tốt nghiệp, ông được điều về Lữ đoàn dù 305 Hà Bắc.
 
Do lúc đó, lính dù không phù hợp với tình hình thực tế của chiến tranh nên đang tập luyện thì ông lại được điều đi học lớp đặc công để làm nhiệm vụ bảo vệ các cán bộ cao cấp trên đường Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam và ngược lại. 

Trong những chuyến đi đó, năm 1967, trong một trận đánh với biệt kích, ông cùng đồng đội đã dũng cảm chiến đấu và vô tình cứu được Chính ủy Sư đoàn 304, Hiệu trưởng Đại học Quân y - Giáo sư Đỗ Xuân Hợp, người mà sau này quyết định đến sinh tử của ông.
 
Với những chiến công lập được, cuối năm 1969, ông được cấp trên xét và cho đi học sỹ quan tại Liên Xô. Nhưng ác thay, khi khám sức khỏe, các bác sỹ đã phát hiện trong người ông đã có tế bào ung thư ác tính - nguyên nhân là những ngày sống trong môi trường có chất độc da cam. Ngay lập tức, ông được đưa về Bệnh viện 108 rồi lại chuyển sang Bệnh viện 103 điều trị.
 
Những ngày đó, hồng cầu  không sản sinh, tiếp máu đến đâu hết đến đó, người xanh như tàu lá, cái chết đã ở trước mặt. Nhưng số phận mỉm cười với ông, rất may, ông gặp lại Giáo sư Đỗ Xuân Hợp khi một lần Giáo sư sang thăm viện khi xem biển tên và nhận ra ân nhân đã cứu mạng mình trong chiến trường.
 
Với cương vị của mình là Hiệu trưởng Học viện Quân y, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp đã đề nghị Bộ Quốc phòng cho ông được sang Cộng hòa dân chủ Đức để điều trị bệnh. Sáu tháng ở Đức, được điều trị bằng hình thức thay tủy sống, ông được đưa về nước điều trị tại Viện 103. Lần lượt thay nốt tủy của tứ chi, sau 3 năm điều trị, ông được trở về quê hương Y Can, mất 71% sức khỏe.

Về địa phương cũng là lúc đất nước hòa bình, ông xây dựng gia đình và  sinh con. Đất nước lúc đó khó khăn, Y Can là đất thuần nông, để ổn định kinh tế gia đình, với bản chất cần cù sẵn có của người nông dân lại được tôi luyện trong chiến trường Trường Sơn đầy gian khổ, ác liệt, ông đã động viên vợ con tích cực khai hoang, cải tạo vườn tạp, tăng gia sản xuất. 

Với sự cần cù, ham học hỏi, 5 ha rừng được ông trồng quế và cây nguyên liệu có thu nhập khá. Cùng duy trì cây lúa để ổn định lương thực, đất vườn quanh nhà được ông trồng cây ăn quả như như táo, bưởi, mít... thường xuyên có sản phẩm cung cấp cho thị trường. 

Cùng đào ao thả cá, gia đình còn đẩy mạnh chăn nuôi lợn, gà, vịt, bồ câu, nuôi ong lấy mật. Từ sự mày mò, nghiên cứu, ông Kế còn có khả năng nuôi và cho sinh đẻ các loại chim cảnh như: khướu, họa my, chích chòe, cu gáy, chào mào... để cung cấp cho thị trường. 

Dù không giàu sang, nhưng cuộc sống gia đình cựu chiến binh Nguyễn Đức Kế luôn ổn định, các con được học hành đầy đủ, lớn lên xây dựng gia đình, là công dân tốt, luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và của địa phương.
 
Điều đáng quý ở người cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa đó là không chỉ lo ổn định cuộc sống cho gia đình, ông còn tích cực hoạt động công tác địa phương, hoạt động xã hội. Năm 1990, ông được bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã rồi làm Thường vụ Hội Người cao tuổi xã Y Can. Ở bất kỳ công việc nào ông cũng tận tâm, tận lực, hết lòng với công việc.
 
Trong công việc của xóm, của thôn, ông luôn nêu cao tinh thần của người Bộ đội Cụ Hồ, gần gũi thăm hỏi, động viên, hay có tư vấn giúp đỡ mọi gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng cảm với mọi người nên luôn được nhân dân tin yêu, mến phục. Đặc biệt, từ ngày có Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái, ông tích cực tham gia xây dựng Hội.
 
Biết nhiều gia đình hội viên còn khó khăn, dù tuổi cao nhưng ông vẫn lặn lội đến từng gia đình hội viên để thăm hỏi, động viên. Được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Huyện hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Trấn Yên và Chủ tịch Hội CCB xã Y Can, ông đã làm tốt cầu nối giữa Hội với lãnh đạo địa phương do đó vị thế của Hội Truyền thống Trường Sơn ở xã ngày càng nâng cao.
 
Được Ban Chấp hành huyện Hội phân công phụ trách các xã vùng thượng huyện Trấn Yên, ông đã đến từng xã cùng lãnh đạo Hội cơ sở để tháo gỡ khó khăn cho hội viên. Hình ảnh người lính già phóng xe máy về Quân khu 2 hay về Tỉnh đội Yên Bái để tìm giấy tờ cho đồng đội khi làm chế độ chính sách cho anh em đã là việc làm thường xuyên.
 
Gặp tôi, ông Triệu Văn Kim - một hội viên CCB Trường Sơn cho biết: "Chúng tôi đã già, trình độ nhận thức hạn chế, khi đi chiến đấu có nghĩ gì đến hồ sơ giấy tờ đâu. Vì vậy, để tìm giấy tờ hoàn thiện hồ sơ cho anh em, có khi ông Kế phải đi một, hai ngày, kinh phí đi lại đều tự bỏ tiền túi. Để làm hồ sơ cho đồng đội, có ngày phải đi 3 - 4 lần vào các thôn, đường sá rất khó khăn nhưng ông vẫn rất nhiệt tình”.
 
Với sự tích cực của ông Kế, mà các cựu chiến binh Trường Sơn như Triệu Tiến Linh và Dương Hồng Tự của xã Y Can đã được nhận trợ cấp chất độc da cam để cuộc sống vơi bớt khó khăn. Hiện, có 3 trường hợp là Đào Xuân Tiệm, Nguyễn Minh Đông và Triệu Văn Kim đang được hoàn tất hồ sơ để hưởng chế độ. Đây thật sự là điều đáng quý.

Lặng lẽ tỏa sáng cuộc sống, trong lòng đồng đội, như nhiều tấm gương cựu chiến binh, ông Nguyễn Đức Kế đã viết tiếp truyền thống Bộ độ Cụ Hồ, điều này không chỉ giữ gìn, phát huy truyền thống Trường Sơn anh hùng, mà còn giúp với bớt những khó khăn, thể hiện nghĩa tình đồng đội. Nghị lực và tấm lòng của ông là tấm gương sáng để con cháu và thế hệ trẻ noi theo.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Nghĩa Lợi  - điểm đến hấp dẫn du lịch cộng đồng.

YBĐT - Nhiều người nghĩ xây dựng xã Nghĩa Lợi đạt nông thôn mới đã là chuyện "cổ tích giữa đời thường rồi” chứ ai dám nghĩ đến Nghĩa Lợi phát triển thành đô thị được. 

Xã Yên Thành, huyện Yên Bình đã khôi phục được các làng bản nhà sàn truyền thống.

YBĐT - Ẩn chứa trong không gian nhà sàn là cả một kho tàng khoa học nhân văn các dân tộc và không gian văn hóa này còn là tiền đề phát triển kinh tế gắn với loại hình du lịch cộng đồng.

Một ngôi nhà sàn cách tân kết hợp với những vật liệu mới khá đẹp.

YBĐT - Những năm 1990 trở về trước, hình ảnh nhà sàn thưa dần, khiến bao người lo lắng về một không gian văn hóa nhà sàn đang biến mất. 

Cánh đồng hoa cải dầu Nậm Khắt. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Bao cung ruộng bậc thang danh thắng nổi tiếng ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình vào mùa lúa vàng trĩu bông sẽ làm nên những con sóng vàng vỗ dồn lên lưng núi, cho du khách resort ngắm nhìn mê mải. Núi cao, rừng thẳm, hương vị sơn dã ngấm vào từng tế bào, mạch máu, làm cho tâm hồn tôi bỗng phổng phao, tươi mởn, hết cả mệt, hết cả ngại ngần. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục