Giải pháp nào cho việc chuyển địa điểm xây dựng Trường Mầm non Bình Minh ở Yên Bình?

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/4/2018 | 10:36:37 AM

YênBái - YBĐT -  Điểm trường lẻ của Trường Mầm non Bình Minh, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình tại tổ 11, cơ sở vật chất tận dụng lại từ khu Thương nghiệp Yên Bình, xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. 

Điểm trường lẻ của Trường Mầm non Bình Minh được tận dụng lại từ khu nhà thương nghiệp xây dựng từ những năm 80 hiện đã xuống cấp, chật hẹp.
Điểm trường lẻ của Trường Mầm non Bình Minh được tận dụng lại từ khu nhà thương nghiệp xây dựng từ những năm 80 hiện đã xuống cấp, chật hẹp.

Cán bộ, giáo viên và đông đảo người dân thị trấn luôn mong muốn Nhà nước đầu tư, xây dựng một ngôi trường mới, thật sự khang trang, sạch đẹp. Mong muốn đó đã được đáp ứng, khi mới đây huyện Yên Bình triển khai dự án xây dựng Trường Mầm non Bình Minh. Tiếc rằng, khi chủ trương vừa được triển khai đã bị người dân, nhất là phụ huynh học sinh phản ứng khá gay gắt. 

Theo cô giáo Lương Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh thì  qua rất nhiều lần sửa chữa, cải tạo, điểm trường tại tổ 11 cơ bản vẫn đáp ứng được yêu cầu nuôi dạy 282 cháu. Tuy nhiên, do tận dụng lại nhà kho, cửa hàng... nên các lớp học cũ kỹ, lôm nhôm, chưa xứng với một trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ II nên từ nhiều năm qua cán bộ, giáo viên và đông đảo người dân thị trấn, đặc biệt là các bậc phụ huynh học sinh luôn mong muốn Nhà nước đầu tư, xây dựng một ngôi trường mới, thật sự khang trang, sạch đẹp.

Mong muốn của cô trò và người dân thị trấn Yên Bình đã được đáp ứng, khi mới đây huyện Yên Bình triển khai dự án xây dựng Trường Mầm non Bình Minh. Tiếc rằng, khi chủ trương vừa được triển khai đã bị người dân, nhất là phụ huynh học sinh phản ứng khá gay gắt.
 
Cả lãnh đạo phòng Giáo dục - Đào tạo và cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Bình Minh đều cho biết: phụ huynh học sinh phản ứng rất mạnh, cương quyết phản đối việc xây trường trên nền đất thuộc Bệnh viện Đa khoa cũ. Tranh thủ giờ đưa đón con, thông qua các buổi họp, phụ huynh học sinh cứ gặp cán bộ nhà trường ở đâu là họ đưa ra ý kiến phản đối ở đó; phụ huynh Trường Mầm non Bình Minh còn làm đơn tập thể kiến nghị lên huyện, lên tỉnh để phản đối việc này.
 
Ngay khi chúng tôi có mặt ở Trường Mầm non Bình Minh để tìm hiểu câu chuyện thì một số bậc phụ huynh đã tìm đến để đưa ra ý kiến phản đối, dù các phụ huynh này chẳng hề biết chúng tôi là ai, đến nhà trường làm công việc gì! Thời gian qua các cô giáo trong nhà trường còn chịu thêm áp lực từ phía phụ huynh học sinh. "Cứ gặp là các cô, bác đều phản đối, họ còn nói nếu xây trường ở nơi mầm bệnh nguy hiểm như vậy, chúng tôi sẽ cho con cháu nghỉ học luôn!” - một cô giáo cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phụ huynh Trường Mầm non Bình Minh huyện Yên Bình đưa ra 3 lý do để phản đối việc xây Trường Mầm non tại địa điểm mới, đó là: thứ nhất, xây trường trên khu đất mà trước đây là Bệnh viện Đa khoa huyện nên chứa nhiều nguồn bệnh; thứ hai, đất đó rất "mặn” vì đã là bệnh viện thì có nhiều người chết, có nhà xác... nên không thể là nơi nuôi dạy con trẻ; thứ ba, địa điểm mới nằm ngay gần nhà máy xi măng nên rất ô nhiễm, Bệnh viện vì ô nhiễm quá đã phải chuyển đi thì không thể xây trường mầm non ở đó.
 
Chẳng cần xem xét gì nhiều, chúng ta có thể thấy, lý do "xây trường ở nơi có nhiều mầm bệnh” là không thuyết phục vì thứ nhất, rất khó hoặc không thể có nguồn dịch bệnh nào ở Yên Bình mà có thể tồn tại được trong điều kiện tự nhiên nhiều năm qua; thứ hai, công trình trường mầm non được xây dựng mới, trên nền đất được tôn tạo lại... chứ hoàn toàn không phải tận dụng lại các khoa, phòng hay nhà xác làm lớp học.
 
Lý do thứ hai, "đất mặn” đương nhiên không được chấp nhận vì không có căn cứ khoa học, mê tín, dị đoan. Lý do thứ ba "gần nhà máy xi măng nên ô nhiễm, khói bụi” đây là lý do có căn cứ và cần được xem xét!
 
Có thể khẳng định, gần nhà máy xi măng thì không thể nói là không bị ô nhiễm, thực tế suốt một thời gian dài, người dân thị trấn Yên Bình chịu sống trong cảnh ô nhiễm khói bụi mà hai nhà máy xi măng Yên Bình và Yên Bái là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, thời gian qua chủ đầu tư của những nhà máy xi măng này đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xử lý môi trường, kết quả đã hạn chế rất nhiều khói bụi.
 
Cũng cần phải khẳng định rằng, việc xây trường mầm non gần nhà máy xi măng có bảo đảm an toàn về mặt môi trường hay không thì nhất thiết phải dựa trên cơ sở khoa học; cơ sở khoa học ở đây là kết quả quan trắc môi trường. Việc quan trắc (mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí, tiếng ồn...) do cơ quan có thẩm quyền tiến hành bằng các thiết bị kỹ thuật và người có chuyên môn với quy trình thực hiện theo quy định, bảo đảm đưa ra kết quả đủ độ tin cậy.
 
Nếu kết quả quan trắc mà mọi tiêu chuẩn đều vượt mức cho phép thì nhất thiết không được xây trường mầm non tại vị trí đó. Không những thế, các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh đối với các doanh nghiệp để bảo vệ sức khỏe người dân trong vùng theo quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu kết quả dưới mức độ ô nhiễm theo tiêu chuẩn hiện hành thì không có lý do gì mà không xây trường mầm non ở đó!

Xung quanh câu chuyện ở trường Mầm non Bình Minh có thể nói, huyện Yên Bình, Ban Giám hiệu nhà trường và nhất là các bậc phụ huynh cần phải hiểu rằng: việc đầu tư xây dựng một ngôi trường mới đảm bảo khang trang, sạch đẹp, đáp ứng yêu cầu nuôi dạy trẻ mầm non - thế hệ tương lai của quê hương là rất cần thiết, trường chuẩn Quốc gia mức độ II ở ngay trung tâm huyện lỵ không thể lôm nhôm, chắp vá lại từ nhà kho, cửa hàng cũ kỹ, xây dựng từ mấy chục năm trước.
 
Trong bối cảnh rất khó khăn về ngân sách, việc đầu tư công bị hạn chế mà Trường Mầm non Bình Minh nhận được khoản đầu tư lớn từ ngân sách, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, nếu địa phương không hấp thụ được nguồn vốn đó (chậm triển khai dự án) thì Nhà nước sẽ cắt khoản kinh phí đó, Yên Bình sẽ mất cơ hội, cô và trò Trường mầm non Bình Minh còn phải tiếp tục dạy và học ở cơ sở cũ kỹ và tạm bợ ấy. Xây trường sang địa điểm mới thì phụ huynh không nghe, xây ngay trên nền đất hiện tại cũng rất khó vì lấy đâu ra phòng học tạm để duy trì 10 lớp học, 282 học sinh, chưa kể nhà bếp, công trình phụ trợ.

Chắc có lẽ việc tìm thửa đất khác, xa trung tâm thị trấn, thật thanh bình như khu vực tuyến đường mới từ trung tâm thị trấn đi bến gỗ km 11 để xây trường mầm non, khu đất dự kiến xây trường mầm non thuộc tổ 11 chuyển sang đất dân cư... là giải pháp tốt nhất cho các bên trong vụ việc này.

Lê Phiên

Các tin khác
Năm 2017, toàn tỉnh Yên Bái bê tông hóa trên 120 km đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Song song với triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn đã được triển khai thực hiện một cách hiệu quả. 

Công nhân Công ty TNHH Đầm Mỏ chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 12 đề tài, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình thực nghiệm trồng dưa công nghệ cao tại xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Yên Bái đã tạo được vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến. Mối liên kết "4 nhà” chặt chẽ hơn, hàm lượng chất xám tích tụ trong sản phẩm nhiều hơn, giá trị hiệu quả trên mỗi héc - ta canh tác đã được nâng lên rõ rệt.

Nuôi tôm trên hồ Thác Bà đang là tiềm năng, thế mạnh hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Từ trung tâm huyện Yên Bình đi gần 40km, vượt qua quãng đường với nhiều đoạn quanh co, gồ ghề, hiện lên trước mắt tôi là một Mông Sơn với những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang nằm san sát. Mông Sơn giờ đây như khoác lên mình tấm áo mới, nhất là từ khi xã chính thức đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục