Biết đến cái tên Háng Đề Chơ, mê mẩn với những câu từ ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang dại nhưng cũng rất thử thách lòng người về độ nguy hiểm của hành trình, đặc biệt hơn nữa khi mang nhiệm vụ tự hào tuyên truyền về du lịch Yên Bái, tôi quyết tâm xách ba lô lên và chinh phục "dải ngân hà" của núi rừng Tây Bắc.
Tháng Tư, nghe đâu đây hơi thở của mùa xuân vẫn còn vương vấn miên man, thì nắng hè đã kịp ùa về trải vàng núi đồi. Từ quốc lộ 32 vượt qua con đường dốc ngược dài 17 km phải mất một giờ đồng hồ chúng tôi mới đến trung tâm xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu.
Anh Hờ A Giang - Bí thư Đoàn xã hồ hởi đón tôi nhưng cũng kèm theo những lời cảnh báo trước về chặng đường tiếp theo. Mặc dù đã mường tượng nhưng khi được trải nghiệm trên con đường đất cheo leo ở nơi vùng cao xa thẳm này tôi mới thấy được những nhọc nhằn của cán bộ bám bản và đồng bào trên địa bàn mỗi khi đi lại.
Trên chiếc xe Win vẫn còn dán tem mác sáng loáng, tôi bám chặt vạt áo của anh Giang khi xe bắt đầu lăn bánh, nhưng càng đi bánh xe lại càng trở nên ì ạch, chậm lại, có đoạn như tuột dốc xuôi về phía sau.
Càng gần về tới bản Đề Chơ đường càng khó đi hơn, đường chưa được đổ bê tông, đất, đá lổn nhổn. Đôi chỗ xe đi vào "ổ gà”, "ổ trâu”, hay phi qua tảng đá người nẩy ngược tưởng chừng rơi khỏi xe. Những lúc như vậy như hiểu ý, anh Giang lại dừng xe một lúc giúp tôi trấn tĩnh tinh thần.
Nhìn khuôn mặt thấm mệt nhưng vẫn háo hức tiếp tục hành trình của tôi, anh Giang cười nói: "Đường như bây giờ là dễ đi lắm rồi đấy, ngày trước người trên xã, trên thôn xuống huyện đều phải đi bộ cả ngày trời. Thấy các bác, các ông mỗi lần đi họp ở huyện là phải mất 3 ngày, chuẩn bị nước, cơm nắm mang theo, một ngày đi, một ngày họp, một ngày về. Bạn cứ chuẩn bị đi, chặng tiếp theo còn khó khăn hơn nhiều".
Đã đi khá nhiều xã vùng cao nhưng quả thật đường lên một trong những xã xa nhất của một trong những huyện xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh với tôi mới chỉ thế thôi cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.
Từ trụ sở UBND xã vào thôn Đề Chơ khoảng 7km nhưng địa hình vùng cao chỉ toàn đồi núi và vực thẳm. Con đường đất đá nhỏ chỉ vừa một chiếc xe đi qua, uốn lượn, gấp khúc bám quanh triền núi. Lỡ có gặp xe đi ngược chiều lại phải dừng lại, lách qua nhau. Dường như thuộc làu con đường, anh Giang lái xe thành thạo hơn, tránh từng viên đá, ổ gà.
Xe lao đi vun vút, có đoạn dốc lên rồi dốc xuống, có khi dựng đứng, có khi chênh vênh sát mép vực và uốn sát vào vách núi, có đoạn lại cua gấp, tưởng như phía trước chỉ là đường cụt, vực thẳm, ngồi sau xe hai tay tôi bám chặt yên, không dám cựa quậy, có chỗ tưởng chừng văng ra khỏi đường mòn, tôi nín thở, tim như ngừng đập.
Dưới tay lái cứng của người con trai vạm vỡ nơi núi rừng và sau 1 giờ 30 phút vật lộn trên con đường mòn "tử thần", thử thách độ gan dạ của bản thân, tôi đến với bản Đề Chơ, bản xa nhất của Làng Nhì.
Bản nhỏ chỉ khoảng vài chục hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nơi đây chưa có điện, đường vào lại khó khăn, đường như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Từ đây, phóng tầm mắt về phía xa xa chúng tôi nhìn thấy dòng thác Háng Đề Chơ huyền ảo sau làn mây mờ như sợi chỉ giữa núi rừng xanh thẳm. Trời càng về chiều, mây giăng phủ trắng xóa bên những làn nước càng tô thêm cho thác nước vẻ đẹp yêu kiều, tiếp thêm động lực cho chúng tôi phải đến ngay nơi cảnh quan hùng vĩ ấy.
Thấy anh Giang dẫn người lạ theo, đám trẻ con đang nô đùa dưới tán cây mận bên sân nhà ríu rít hỏi chuyện, biết chúng tôi vào thăm thác Háng Đề Chơ mấy em nhỏ cũng đi theo. Ban đầu chúng còn rụt rè nhìn tôi lạ lẫm, nhưng chỉ sau vài bước chân, vài câu hỏi chúng tôi đã rôm rả chuyện trò.
Và thật tình cờ sau đó, trên đường đi chúng gặp một đoàn 4 bạn trẻ từ Hà Nội lên chinh phục con thác, vậy là tất cả nhập thành một đoàn hào hứng đồng hành.
Gió thổi lay động hàng cây, ngọn cỏ, lùa qua từng lọn tóc, đưa tiếng nói, tiếng cười giòn tan, trong trẻo vang vọng khắp các triền đồi. Men theo những nương ngô, vách núi, đi qua những cây cầu gỗ nhỏ xíu chênh vênh, đu theo những rễ cây đến rợn người gần một tiếng đồng hồ nữa chúng tôi mới vào đến chân thác.
Càng gần chân thác tiếng nước chảy càng rõ, tim nghe bồi hồi, háo hức như tiếp thêm sức mạnh, lòng quyết tâm, bước chân mỗi người trở nên nhanh hơn, dồn dập hơn.
Thác Háng Đề Chơ hùng vĩ, sừng sững dần hiện ra hiên ngang. Lòng suối chất đầy những tảng đá khổng lồ nằm dọc ngang. Đá phủ một màu nâu bóng và trơn tuột do lớp rêu dày và quanh năm ẩm ướt. Suối không dốc, cứ triền triền kéo dài như vô tận, cảnh đẹp mà tôi đang chiêm ngưỡng như chỉ có trong phim ảnh.
Nước suối chảy qua những tảng đá như "bàn thạch" được mài giũa công phu, lúc thì nhô lên lúc thì ẩn mình dưới dòng nước trong vắt. Theo dòng suối, ngược lên chân thác tất cả như lạc vào cõi tiên, cảm xúc vỡ òa, ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ.
Đồng bào dân tộc Mông bản Đề Chơ bao đời bám bản, bám rừng, bám thác.
Hồ Thanh Hùng - một bạn trẻ trong đoàn cùng đi không kìm được cảm xúc, se sẽ thốt lên: "Chao ôi! Cảnh mới đẹp, hùng vĩ làm sao. Ban nãy chúng em không dám đi xe máy từ trụ sở xã vào, đi bộ nên khá mệt, có những lúc em định bỏ cuộc rồi. Nhưng cứ nghĩ đến những hình ảnh thác Háng Đề Chơ đăng tải trên mạng em lại có động lực đi tiếp. Đẹp thật đấy ạ, thật không uổng công!".
Dòng thác như một "dải ngân hà” tuột khỏi bầu trời dội xuống ì ầm giữa không gian bao la, bọt nước tung trắng xóa. Đứng trên những tảng đá to giữa lòng suối cách chân thác vài chục mét ngước mắt nhìn lên đỉnh thác, hạt nước li ti bay theo chiều gió tung khắp không gian, dưới ánh mặt trời lóng lánh như đang reo vui, nhảy múa một màn vũ điệu hoang dã.
Ngồi bên chân thác, lặng im nghe tiếng gió, tiếng thác đổ, tiếng gọi của thiên nhiên mà lòng nghe xao xuyến, bâng khuâng. Được trầm mình dưới dòng nước mát, mọi mệt mỏi của chặng đường đã qua được xua tan, thay vào đó là cảm giác ngẩn ngơ hết ngắm nhìn trầm trồ rồi lâng lâng, ngây ngất trong niềm vui chiến thắng khi vượt qua chính mình, chinh phục một thắng cảnh của Tây Bắc.
Thật may mắn trong chuyến hành trình này tôi được gỡ gỡ cụ Vàng Thị Dở, 90 tuổi và nghe câu chuyện thác Háng Đề Chơ. Hóa ra lâu nay, vẫn nhầm tưởng thác Háng Đề Chơ là đặt tên theo bản Đề Chơ mà đâu mấy ai biết ẩn sâu trong đấy là cả một câu chuyện lịch sử của bản nhỏ.
Móm mém uống ngụm nước mát, cụ Dở kể: "Xưa kia bản Đề Chơ chưa có người ở, các cụ đi săn trâu rừng, mải miết đuổi theo trâu đến lúc trâu rơi xuống dòng thác. Khu vực quanh thác địa thế bằng phẳng, nguồn nước dồi dào, khí hậu mát mẻ liền di cư, đem gia đình, con cháu đến đây ở và đặt tên thác là Háng Đề Chơ: Háng hiểu là khe, là suối; Đề là nước; Chơ là chảy. Háng Đề Chơ nghĩa là thác nước chảy".
Dòng thác Háng Đề Chơ chảy quanh nó là những vạt núi phẳng, xanh mát mắt chập trùng, những mảnh ruộng bậc thang được phủ một màu xanh non của lúa, những bãi nương trải dài như vô tận. Nổi bật trên bức tranh thiên nhiên ấy thi thoảng xuất hiện những chòi nhỏ của người dân dựng để trú nắng, mưa khi làm nương, xa xa là bản người Mông nhỏ xinh.
Vẻ đẹp hùng vĩ còn nguyên dấu hoang sơ ở Háng Đề Chơ cứ thế tồn tại, không có rào chắn, không có lối đi sạch sẽ nào được quy hoạch, mà chỉ có cây rừng chen nhau xanh tốt, đá to đá nhỏ nằm bên suối phủ màu rêu. Tất cả là cả một vùng thiên nhiên còn nguyên vẹn đến hoàn hảo, kỳ vĩ. Và những điều ấy tạo nên một bản hùng ca Háng Đề Chơ hùng vĩ nhưng cũng hết sức yên bình, thơ mộng.
Chuyến hành trình hôm ấy tôi còn được nghe thủ thỉ biết bao câu chuyện về người Mông nơi đây, những ngày cuốc đất, vỡ bờ, làm nương rẫy, bám bản, sinh con đẻ cái, cho tới giờ họ vẫn hiền lành, chất phác như thủa nguyên sơ hôm nào.
Nắng chiều dần buông chênh chếch tán lá, tiếng gió xì xào như níu giữ người lữ khách, rời bản Đề Chơ, rời Làng Nhì về với nơi phố thị, lòng tôi tự nhủ nhất định phải kể câu chuyện Háng Đề Chơ, nhất định phải giới thiệu và dẫn bạn bè đến thưởng ngoạn cảnh đẹp, con người mộc mạc nơi đây.
Hành trình chinh phục Háng Đề Chơ sẽ được ghi khắc, cất sâu trong một ngăn riêng của tâm trí tôi. Vượt qua gian nan rồi tươi sáng vẫn luôn chờ ta ở phía trước.
Lê Thương