Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948 – 2018) và 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018)

Nhiệt tâm lan tỏa tinh thần học Bác của một nhà giáo

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/5/2018 | 7:58:43 AM

YBĐT - Không dừng lại ở sự sáng tạo của bản thân trong việc cụ thể hóa những hình thức thực hiện các chỉ thị về học tập và làm theo Bác, cô Chu Thị Tú Liên còn lan tỏa tinh thần ấy sang những học trò của mình.

Cô Chu Thị Tú Liên (giữa) và các bạn trẻ xem tập san “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” được trưng bày tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ.
Cô Chu Thị Tú Liên (giữa) và các bạn trẻ xem tập san “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” được trưng bày tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ.


Liên tục đảm nhiệm nhiều vai trò: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra giáo dục Nghĩa Lộ, Phó Bí thư, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc từ năm 2009-2016; Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Hoàng Văn Thụ (thị xã Nghĩa Lộ) năm học 2016-2017 và giờ là Phó Bí thư, Phó Hiệu trưởng của ngôi trường này nên hẳn rằng, cô Chu Thị Tú Liên là người bận rộn với công việc. 

Song, dù bận rộn đến thế nào, cũng chính trong những năm qua, cô Chu Thị Tú Liên vẫn luôn dành thời gian và sự nhiệt tình để tìm hiểu, tu dưỡng, rèn luyện và còn góp phần lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được sâu rộng hơn trong ngành giáo dục và đào tạo thị xã Nghĩa Lộ. 

Tháng 5/2014, cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc phấn khởi và vinh dự trao tặng một tập san mang tên "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục" cho Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ nhân dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Bác Hồ. Một bản của tập san được trân trọng lưu giữ tại phòng truyền thống của nhà trường. Tập san chính là một hình thức tuyên truyền học tập tư tưởng Hồ Chí Minh rất hiệu quả đối với học sinh cũng như các thầy cô giáo.
 
Và đây cũng chính là sự sáng tạo và tâm huyết của cô Chu Thị Tú Liên để đưa việc học tập và làm theo Bác đến gần hơn với thầy cô và học sinh nhà trường. Tập san gồm 124 bài viết tay của thầy, cô và các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc sưu tầm và biên soạn về những câu chuyện kể về Bác, những bức thư của Bác và những bài học rút ra cho bản thân qua mỗi câu chuyện, bức thư đó. Song, ý nghĩa của tập san này không chỉ nằm ở nội dung nó chứa đựng mà quan trọng hơn là ở quá trình để hình thành nên các bài viết.
 
Cô Chu Thị Tú Liên cho hay: "Tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu cuốn "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục Việt Nam" do Trần Quốc Hùng sưu tầm và biên soạn được Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh in lần thứ nhất năm 2003. Tài liệu gồm các đoạn trích của 15 bức thư, 1 bài thơ, 10 bài nói chuyện, 1 thiếp chúc mừng, 87 ảnh, 1 lời nhà xuất bản và 1 lời giới thiệu. Tôi thấy nội dung này với học sinh tiểu học có lẽ khó có thể hiểu hết ý nghĩa. Vì vậy, tôi nghĩ sao mình không sưu tầm và biên soạn các bài viết, các câu chuyện kể về Bác thể hiện được sự cống hiến của Bác rõ hơn, đồng thời cũng là hình thức tuyên truyền hữu hiệu giúp học sinh và cán bộ giáo viên lần nữa hiểu rõ hơn về Bác và rút ra bài học cho bản thân".
 
Ý tưởng đó đã nhanh chóng được cô Liên hiện thực hóa. Cô cùng đồng nghiệp, học sinh nhà trường sưu tầm, thu thập tài liệu. Tiếp đó, thông qua hoạt động "Giới thiệu sách - viết chữ đẹp", tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đều tham gia thi viết lại một câu chuyện về Bác hoặc một bức thư của Bác và bài cảm thụ sau câu chuyện hoặc một bức thư đó.
 
Từ đó, sẽ lựa chọn ra 124 giáo viên và học sinh chữ đẹp viết thử trên giấy đen trắng, rồi sau đó mới viết vào giấy màu để tập hợp vào tập san. Như vậy, để bài viết có mặt trong tập san, mỗi giáo viên, học sinh phải viết ít nhất 3 lần phần bài của mình; nhiều thầy cô và học sinh, nhất là học sinh lớp 1 có em phải viết lại đến lần thứ 5, 6. Chính quá trình này đã giúp cho các thầy cô và học sinh hiểu sâu sắc hơn về câu chuyện về Bác và ý nghĩa của những câu chuyện đó.

"Tập san Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục" cũng chính là một giải pháp nằm trong Đề tài "Một số biện pháp nhằm thúc đẩy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt giải trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ 7.
 
Cô Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ nhận định: "Hãy đọc sách và hãy làm điều gì đó cho các em học sinh! Hãy đưa việc học và làm theo Bác đến học sinh một cách thiết thực và hiệu quả nhất chính là thông điệp rất có ý nghĩa của tập san này! Trên thực tế, tập san là hình thức đưa việc học và làm theo Bác đến gần học sinh, phụ huynh và giáo viên nhất. Bởi, phụ huynh phải vào cuộc cùng tìm truyện, đọc truyện và hướng dẫn các con em mình rút ra bài học, các em mà bố mẹ không quan tâm thì được các thầy, cô, Đoàn Thanh niên hướng dẫn". 

Đến nay, tập san đã được lưu hành hơn hai năm, được các độc giả tìm hiểu và yêu thích, nhất là các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc.
 
Còn đối với cô Chu Thị Tú Liên cũng chỉ có một mong mỏi: "Hy vọng tập san sẽ là món quà quý đối với các em học sinh và các độc giả. Đọc tập san, các độc giả, nhất là các em sẽ càng yêu quý Bác hơn, yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người và muốn sống sao cho thật đẹp, thật có ích. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, mọi người đều có thể đọc tập san. Cùng với sự trưởng thành về nhận thức, các em sẽ tìm thấy trong những lá thư của Bác, những lời phát biểu, những câu chuyện ấy nhiều ý nghĩa mới mẻ, sâu sắc hơn".
 
 
Màn múa xòe mang tên "Bác Hồ - Người cho em tất cả” trong một chương trình ngoại khóa với chủ đề "Bác Hồ kính yêu” của học sinh Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ.

Không dừng lại ở sự sáng tạo của bản thân trong việc cụ thể hóa những hình thức thực hiện các chỉ thị về học tập và làm theo Bác, cô Chu Thị Tú Liên còn lan tỏa tinh thần ấy sang những học trò của mình. Năm học 2017-2018, cô Liên đã khuyến khích và trực tiếp hướng dẫn hai học sinh lớp 9 của Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và hành vi mang tên: "Học sinh TH&THCS với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
 
Em Lò Thị Mỹ Lệ - nhóm trưởng nhóm nghiên cứu đề tài này chia sẻ: "Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, thiết thực, dễ nhớ, dễ thực hiện với chúng em thì phải làm thế nào? Với chúng em là học sinh TH&THCS thì phải thực hiện nội dung nào của Chỉ thị 05? Học cái gì và học từ đâu?... Và với vai trò là các anh chị phụ trách sao nhi đồng thì chúng em phải tuyên truyền, hướng dẫn giúp các em hiểu và thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương của Bác sao cho hiệu quả? Từ những băn khoăn đó, được sự động viên, khích lệ của cô Chu Thị Tú Liên, chúng em đã mạnh dạn nghiên cứu đề tài này".
 
Với sự hướng dẫn nhiệt tình của cô Liên, hai em Lò Thị Mỹ Lệ và Hà Quang Minh đã nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu thực tế việc học và làm theo Bác ở học sinh TH&THCS tại một số trường trên địa bàn, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực giúp các bạn và các em nhi đồng thực hiện việc học và làm theo Bác một cách dễ dàng, cụ thể, phù hợp với lứa tuổi. Qua đó, thu hút sự tham gia tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành trải nghiệm học tập và làm theo gương Bác Hồ của đông đảo học sinh ở lứa tuổi này.

Để có thể lan tỏa tinh thần học và làm theo Bác tới đồng nghiệp và học trò, cô Chu Thị Tú Liên luôn ý thức được trước hết bản thân mình phải là tấm gương cho tinh thần này. Những năm qua, cô Chu Thị Tú Liên luôn là một trong những điển hình của người cán bộ, giáo viên gắn với sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học và quản lý trong ngành giáo dục thị xã. Cô cũng là người cán bộ thực sự nhiệt tâm với các hoạt động của nhà trường như: Hội thi "Giới thiệu sách - viết chữ đẹp" với chủ đề về Bác, hội thi văn nghệ "Bác Hồ - Người cho em tất cả", thi "Giới thiệu truyện  - sách về Bác Hồ", hoạt động ngoại khóa "Bác Hồ - Người cho em tất cả", "Bác Hồ kính yêu”… để khơi dậy tinh thần học và làm theo Bác ngày một nhiều trong học sinh nhà trường, mong muốn các em không ngừng rèn luyện, phấn đấu trở thành người có ích.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Cựu TNXP Hoàng Thị Ngà, thôn Phai Tung, xã Đại Minh giới thiệu mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình với Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Bình Trịnh Văn Mỳ.

YBĐT - Phát huy cao độ tinh thần "xung phong”, đoàn kết vượt khó vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ bà Chiến, bà Ngà, mà trên địa bàn huyện Yên Bình hơn 41 hộ cựu TNXP đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. 

Các thế hệ cựu chiến binh tỉnh Yên Bái cùng nhau ôn lại thời khắc lịch sử 30/4/1975.

YBĐT - Cùng nhau đi qua tháng Tư lịch sử, những người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam trên quê hương Yên Bái đã có cuộc hội ngộ và cùng nhau sống lại thời khắc ý nghĩa của ngày 30/4/1975.

Các bé ở điểm trường mầm non Vàng Ngần phải học tập trong điều kiện ánh sáng tự nhiên.

YBĐT - Cơn mưa rào đầu hạ chợt đến, chợt đi khiến con đường hơn 30 km ngoằn nghèo với những đoạn leo rồi đổ dốc từ trung tâm huyện Văn Chấn đến hai thôn Vàng Ngần và Thẳm Có đi càng trở nên khó khăn, vất vả. Đây là 2 thôn chưa từng có ánh sáng của điện lưới quốc gia dù ở ngay cạnh

Nhà máy Thủy điện Văn Chấn.

Một giờ học của cô và trò Trường TH&THCS Xuân Tầm, huyện Văn Yên.

YBĐT - Nguyên nhân chủ yếu khiến các em bỏ học là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học tập của con em; một số học sinh không chịu học dẫn đến học tập yếu, kém không theo kịp chương trình rồi bỏ học và theo bố mẹ, anh chị em đi làm ăn xa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục