Trăn trở Sắc Phất

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/6/2018 | 1:54:39 PM

YBĐT - Chúng tôi mới có dịp trở lại Sắc Phất - bản người Dao thuộc thôn Khau Nghiềm, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên. Năm 2008, khi đến Sắc Phất, người dân ở đây mới định cư được hơn 10 năm, đời sống vẫn còn muôn vàn khó khăn. Đến nay, sau 8 năm Sắc Phất đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn đó hàng loạt vấn đề cần được chính quyền cơ sở quan tâm, giúp đỡ.

Máy hút bùn tìm kiếm đá đỏ của người dân.
Máy hút bùn tìm kiếm đá đỏ của người dân.

Đường vào Sắc Phất phải đi qua An Phú - một xã vốn là rốn của cả vùng đá quý Lục Yên. Trước đây, chúng tôi phải gửi xe ở dốc đá rồi đi bộ 5 km để vào bản, nhưng bây giờ những chỗ khó đi đã được đổ bê tông nên có thể đi xe máy vào tận bản.
 
Đây là con đường trước kia được Công ty Liên doanh Việt Nga mở ra để phục vụ khai thác đá quý. Sau gần 20 năm định cư, người dân Sắc Phất đã trải qua nhiều biến cố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Biến cố lớn nhất phải kể đến là những năm 2008, thời gian đó lần đầu tiên đến Sắc Phất, chúng tôi đã phải bàng hoàng trước nạn phá rừng ở đây. Khi đó, nhiều loại gỗ quý bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ và gỗ để tràn lan ngoài bìa rừng.
 
Những năm sau đó, công tác bảo vệ rừng được tăng cường, nạn phá rừng từng bước được ngăn chặn, người dân quay về với đồng ruộng. Tiếp đến, là vấn nạn khai thác đá gốc. Địa hình của Sắc Phất vốn nằm gọn trong vùng "rốn" đá quý huyện Lục Yên nên những người đi tìm vận may từ đá ở khắp nơi vẫn đổ về. Cao điểm nhất là từ năm 2009 đến năm 2011, bãi đá khu vực Cổng Trời tụ tập hàng trăm người đến khai thác đá gốc, kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội khác.
 
Cơn bão đá gốc ào ào cuốn người dân Sắc Phất vào guồng quay của nó như một lẽ tự nhiên. Dân bỏ bê ruộng đất làm phu vận chuyển đá từ trên núi xuống, tập kết dưới bản. Tiền công được tính trên 200.000 đồng/ngày thực sự lớn đối với người dân Sắc Phất. Thế nhưng, họ cũng có thể phải trả giá đắt bằng cả sinh mạng. Ngay cả ông Trưởng bản Sắc Phất - Đặng Kim Sơn, mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng vẫn ngày ngày đi làm phu đá.
 
Gặp ông hồi tháng 7/2011, ông chỉ kịp mời tôi bát mì tôm với chén rượu: "Chiều mình phải đi chuyển đá. Hôm nay họ gọi, nếu không đi thì lần sau họ không gọi nữa đâu”. Cơn bão đá gốc kéo dài vài năm cũng đủ khiến cho người dân Sắc Phất khốn đốn bởi ruộng nương bị bỏ hoang, đời sống bấp bênh, rủi do thường trực.

Cho đến cuối năm 2011, bãi đá Cổng Trời bị lực lượng chức năng huyện Lục Yên dẹp bỏ. Gặp lại Trưởng bản Sắc Phất sau 9 năm, ông Sơn vẫn nhận ra chúng tôi, bởi vì khi đó chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm, tất nhiên là không tính đến cuộc gặp gỡ ngắn ngủi năm 2011. Gặp ông, những câu chuyện cũ của Sắc Phất lại tràn về.
 
Khi đó, bà con đến đây mới được 10 năm, do quá trình di cư từ huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đến xã Yên Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và tiếp đó di cư đến bãi Sắc Phất thuộc xã Minh Tiến. Lúc đó, cuộc sống của 32 hộ người Dao trong bản vô vàn khó khăn.
 
Ông Sơn mong muốn được Nhà nước đầu tư trường học, đường điện, công trình thủy lợi để khai hoang ruộng nước, được công nhận bản mới... Đến nay, mọi ước nguyện của ông và dân bản đã thành hiện thực. Sắc Phất đã được công nhận là một bản mới thuộc thôn Khau Nghiềm, xã Minh Tiến. Bản được đầu tư đường điện, có điểm trường mầm non, tiểu học và một công trình thủy lợi cũng được đầu tư giúp tưới tiêu cho hơn 9 ha ruộng nước.

Mọi thứ đã có, nhưng Sắc Phất cần một sự đột phá về tư duy, phương thức sản xuất, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác. Hiện nay, cả bản có 32 hộ thì chiếm tới 26 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Nhiều năm nay, 9 ha ruộng nước canh tác không hiệu quả mà nguyên nhân chính là ảnh hưởng của việc đào đá đỏ ngay trên chính mảnh ruộng đang canh tác. Từ đầu thôn Khau Nghiềm đến cuối cánh đồng Sắc Phất, ruộng nương gần như bỏ hoang, loang lổ giữa cánh đồng là vết tích của những ao, hố nước đọng lại bởi quá trình hút bùn tìm đá quý.
 
Nhắc lại chuyện xưa với Trưởng bản Đặng Kim Sơn, ông vẫn nhớ lời hứa với chúng tôi rằng, Sắc Phất thiếu thốn mọi thứ, mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư điện, đường, trường, trạm, chúng tôi sẽ chăm chỉ làm ăn, đời sống chắc chắn sẽ thay đổi, ấm no.
 
Ông Sơn ngại ngùng giải thích: "Ruộng nước không đủ, hơn nữa phải hút bùn bên dưới lên mới có thể cày cấy được, tranh thủ tìm kiếm vài viên đá”. Theo lời giải thích của ông Sơn thì cứ đà này có lẽ phải hút toàn bộ bùn ở 9 ha ruộng đó đưa lên mặt thì dân mới có thể cày cấy được. Quan sát trên cánh đồng lúa bản Sắc Phất, chỉ vài khoảnh ruộng có gốc rạ vừa được gặt, còn lại toàn bộ là một mảng trắng xóa như sa mạc và cứ cách một khoảng lại có một máy hút bùn, đãi đá.

Khi chúng tôi bắt đầu đặt chân đến cuối xã An Phú, thông tin đã tới ngay với những người phu làm đá. Mọi công việc đều được ngừng, chỉ có những chiếc máy nặng nề không thể di chuyển, nên vẫn đứng im lìm là những minh chứng rõ nhất cho vấn nạn đào đá quý còn tồn tại trên đất ruộng Sắc Phất.
 
Cuối giờ chiều, một thanh niên trong bản vốn đang làm thuê cho chủ đá trên bãi Cổng Trời lượn lờ chiếc xe máy không còn ống xả thăm dò lai lịch của chúng tôi. Dường như việc dẹp bỏ nạn khai thác đá gốc trước đây đã khiến cho người dân nâng cao cảnh giác hơn. May mắn cho chúng tôi chuyến công tác về Sắc Phất lần này đúng vào buổi họp thôn.
 
Trưởng thôn Khau Nghiềm là ông Hứa Kim Mùi cho biết: "Thú thực, việc trên đã kéo dài từ nhiều năm nay, nhưng cũng có cái khó cho chính quyền thôn. Đất ở Sắc Phất từ trước khi người dân đến định cư thì người dân An Phú đã đến đây xâm canh, đào đá quý. Do vậy, hiện nay tuy đất thuộc bản Sắc Phất nhưng một phần vẫn bị người dân An Phú đến xâm canh”.

Sắc Phất đã được công nhận là một bản mới thuộc thôn Khau Nghiềm, xã Minh Tiến, được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đáng ra phải có sự thay đổi hơn nhiều so với hiện tại. Song, tới nay cả bản vẫn là hộ nghèo và cận nghèo trong khi đất đai sử dụng không hiệu quả. Nên chăng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có biện pháp tích cực hơn để sớm thay đổi bộ mặt nông thôn cho Sắc Phất.
 
Anh Dũng

Các tin khác
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trao đổi với các phóng viên tác nghiệp trong đợt lũ tháng 10/2017 tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh.

YBĐT - Gần một năm trôi qua sau hai đợt lũ lịch sử gây ảnh hưởng nặng nề tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Song những ngày căng mình chống lũ của người dân đã trở thành những ký ức không thể quên trong tâm trí của chúng tôi - những phóng viên của Báo Yên Bái tác nghiệp nơi rốn lũ miền Tây.

Trưởng thôn 1 Hoàng Minh Tuấn (bên phải) thăm hộ anh Nông Minh Hạnh vụ đầu thu hoạch khoảng 10 tấn dưa hấu.

YBĐT - Dưa hấu Phúc Ninh theo xe thương lái đến Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang… được giá 6.000 đồng/kg, người dân bán lẻ ở các xã: Cảm Nhân, Tích Cốc, Xuân Long… giá 7.000 đồng/quả 2 kg cũng nhiều.

Từ khung cửa sổ phóng tầm mắt ra xa cánh đồng Nậm Khắt đang mùa nước đổ đẹp say đắm lòng người.

YBĐT - Mỗi căn nhà ở đây không gọi tên theo số mà được đặt những cái tên rất dân dã như nhà ngô, nhà lúa, nhà chè, nhà sơn tra, nhà thông…, chính đây cũng là những loại hoa quả đặc sản của vùng đất Mù Cang Chải. 

Đồng chí Dương Văn Tiến  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái động viên tinh thần các tình nguyện viên tham gia hiến máu trong hành trình Chủ nhật đỏ.

YBĐT - Phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở Yên Bái được duy trì và ngày càng phát triển mạnh. Là một trong những hoạt động xã hội mang tính nhân văn được triển khai sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân toàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục