Yên Bái: Tiếp nối những mùa quả ngọt

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/7/2018 | 8:01:13 AM

YBĐT - Năm 2017, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh Yên Bái có 7.859 ha, tăng 1.245 ha so với năm 2015, đặc biệt vùng cây ăn quả có múi theo thế mạnh của địa phương là cam, quýt, bưởi có 3.576 ha. Sản lượng quả các loại năm 2017 đạt 36.191 tấn, tăng 5.990 tấn so với năm 2015.

Cây cam đã thay đổi cuộc sống người dân huyện Văn Chấn.
Cây cam đã thay đổi cuộc sống người dân huyện Văn Chấn.

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm vùng chuyên canh cây ăn quả có múi của huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên. Đi giữa những vạt đồi cam nối nhau trải dài hay những vườn bưởi vài chục năm tuổi lúc lỉu quả non căng tròn sức sống, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của những vùng quê này. 

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn như một thung lũng được bao bọc bởi những đồi cam xanh ngút ngàn. Nơi phố núi này mấy mươi năm trước, người dân chỉ biết có mỗi cây chè, gắn với nghiệp chè, cần mẫn ngày ngày mà nghèo vẫn hoàn nghèo. 

Hôm nay, diện mạo của thị trấn đã khác xưa nhiều lắm. Đó là "làng biệt thự" với những ngôi nhà xây mới theo kiểu kiến trúc châu Âu nằm xen kẽ giữa các đồi cam trĩu quả ở khu 7, khu 8 của những ông chủ thu bạc tỷ mỗi năm từ cam.
 
Những năm 1990, nghe nói đến cây cam sành ở huyện Lục Yên đã giúp người dân xóa được nghèo đói và vươn lên làm giàu, một số người dân ở đây đi tìm hiểu và mua giống về trồng thử. Không ngờ cây cam lại hợp thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất này nên bắt rễ rất nhanh. Cây cam được trồng trong những nương chè, quanh nhà, vào cả trong những sườn đồi dốc… và cũng chính từ những đồi cam này, người dân nơi đây đã đến với giấc mơ tiền tỷ.
 
Anh Phạm Văn Đường ở Khu 7 tâm sự: "Để có được cơ ngơi và đồi cam gần 4ha kia, chúng tôi phải bỏ bao mồ hôi, công sức. Có những lúc cam bị bệnh, rớt giá cũng khóc dở mếu dở đấy. Như đợt vừa qua cam bị bệnh chết nhiều cũng khổ người dân nhưng người trồng cam chúng tôi cũng càng đúc kết được kinh nghiệm để chăm sóc cây cam tốt hơn và cho những mùa quả ngọt".

Với tiềm năng sẵn có, đến nay tỉnh Yên Bái đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả có múi lớn, bước đầu khẳng định được tên tuổi và tăng nhanh diện tích. Năm 2017, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh có 7.859 ha, tăng 1.245 ha so với năm 2015, đặc biệt vùng cây ăn quả có múi theo thế mạnh của địa phương là cam, quýt, bưởi có 3.576 ha.
 
Các giống cây ăn quả đặc sản theo lợi thế vùng miền đã được quan tâm đầu tư phát triển như: bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam CS1, V2, bưởi Diễn, quýt Đường canh của các huyện: Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên...
 
Sản lượng quả các loại năm 2017 đạt 36.191 tấn, tăng 5.990 tấn so với năm 2015. Tính đến tháng 6 năm 2018, diện tích cây ăn quả các loại hiện có trên 8.200 ha, sản lượng thu hoạch hơn 11.600 tấn. Tỉnh cũng chỉ đạo phát triển cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam, bưởi thành các vùng tập trung, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với sinh thái chủ yếu ở các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên và Văn Chấn.
 
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng ngày càng được chú trọng. Qua 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, tỉnh đã triển khai thực hiện 37 đề tài, dự án và một số đề tài, dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế.
 
Cụ thể là Đề tài "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất bưởi Đại Minh và kết hợp với nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất bền vững”; thử nghiệm giống cam sành không hạt LĐ06 tại huyện Lục Yên; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng vườn ươm giống cam, quýt bảo đảm chất lượng bằng phương pháp ghép tại huyện Văn Chấn; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống từ cây đầu dòng và phát triển giống bưởi Đại Minh, quýt sen tại huyện Yên Bình...
 
Hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh xây dựng, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ trong tỉnh và ngoài tỉnh, đặc biệt là các hội chợ giới thiệu đặc sản vùng miền. Hiện nay, sản phẩm quả có múi của Yên Bái đã dần đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, các đặc tính quý được duy trì và bảo tồn.
 
Các địa phương đã xây dựng được nhãn hiệu cho cây ăn quả, điển hình như "Cam Sen” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Chấn tổ chức áp dụng và quản lý; huyện Văn Chấn có nhãn hiệu tập thể "Cam Văn Chấn”; huyện Yên Bình với nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Đại Minh”; huyện Lục Yên là nhãn hiệu tập thể "Cam Lục Yên”.
 
Những năm qua, thu nhập từ cây ăn quả đã giúp nhiều hộ dân ở nhiều địa phương không những thoát nghèo mà còn trở thành tỷ phú. Điển hình như người dân vùng cam ở thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm của huyện Văn Chấn; xã Khánh Hòa, thị trấn Yên Thế của huyện Lục Yên; xã Hưng Thịnh, Hưng Khánh của huyện Trấn Yên...
 
Để mãi cho những mùa quả ngọt

Mặc dù cây ăn quả có múi đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Yên Bái nhưng cũng còn nhiều bất cập, hạn chế như: sản xuất manh mún; vườn cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp chiếm tỷ lệ cao do phát triển theo phong trào, không theo quy hoạch; đầu tư thâm canh chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; số lượng trái cây được chứng nhận VietGAP, được cấp mã số vùng trồng còn ít đã ảnh hưởng đến việc ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu…
 
Đáng quan tâm là diện tích, sản lượng cây ăn quả có múi ngày càng tăng trong khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, có đến 65% sản lượng trông chờ vào thương lái. Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là người dân chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc, chăm sóc không đúng kỹ thuật dẫn đến cây bị sâu bệnh hại.
 
Cuối tháng 5 vừa qua, trên 200 ha cam của huyện Văn Chấn bị chết, phải chặt bỏ vì bệnh vàng lá, thối rễ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng là bài học đắt giá cho người trồng cam về việc chăm sóc sai kỹ thuật. Để cây ăn quả đạt được giá trị kinh tế cao, tránh tình trạng được mùa mất giá và kiểm soát được tình hình dịch bệnh, các hộ dân cần liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã.
 
Ông Nguyễn Viết Thành - Giám đốc Hợp tác xã Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Trần Phú, huyện Văn Chấn chia sẻ, Hợp tác xã được thành lập từ tháng 8 năm 2017 với 48 thành viên. Hiện nay, Hợp tác xã có 150 ha cây ăn quả có múi gồm cam sành, cam Đường canh, cam Vinh, quýt sen. 

"Ban Giám đốc Hợp tác xã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật chiết, cấy ghép cam để trồng thay thế những diện tích cam già cỗi hoặc bị sâu bệnh hại cho sản lượng và chất lượng quả thấp, tuyên truyền sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để tạo uy tín với khách hàng, giữ vững chất lượng Cam Văn Chấn" - ông Thành nói.

Mục tiêu đến năm 2020 hình thành các vùng cây ăn quả có múi trên 4.000 ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả lên trên 9.000 ha, tổng giá trị sản phẩm cây ăn quả các loại phấn đấu đạt trên 300 tỷ đồng/năm, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục hỗ trợ trồng mới, cải tạo 2.300 ha cây ăn quả có múi.
 
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: "Chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất theo các vùng chuyên canh tập trung, tận dụng lợi thế điều kiện tự nhiên của từng địa phương, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn, khối lượng hàng hóa lớn. Đồng thời, tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả có múi từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ". 

"Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý các loại quả có múi... Đặc biệt, Yên Bái sẽ chú trọng phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng” - ông Khánh cho biết thêm.
 
Đứng ở góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Xuân Cường - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rau quả, Viện Rau quả Trung ương cho rằng: "Yên Bái cần có hệ thống các giải pháp kinh tế, kỹ thuật đồng bộ để hạn chế các rủi ro trong phát triển cây ăn quả có múi. Một trong những giải pháp có hiệu quả là sử dụng cơ cấu giống rải vụ phù hợp; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh: tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, tưới nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa, tiến hành tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện kích thước quả, áp dụng kỹ thuật bao quả để hạn chế phun thuốc trừ sâu và ruồi đục quả”.
 
Việc thực hiện toàn diện và đồng bộ các giải pháp sẽ giúp cây ăn quả có múi của tỉnh Yên Bái xây dựng được thương hiệu sản phẩm, phát triển bền vững, an toàn và đạt hiệu quả kinh tế cao trong những năm tiếp theo.

Hồng Duyên

Các tin khác
Các lực lượng tham gia khơi thông dòng chảy.

YBĐT - Đã có những chuyển biến tích cực để khơi thông dòng chảy; đã có sự đầu tư cho hệ thống thoát nước thành phố Yên Bái, nhưng câu chuyện chống ngập úng ở thành phố vẫn còn đặt ra với các cấp, ngành và người dân mỗi khi mùa mưa lũ về.

Tổ bảo vệ dân phố khu dân cư Hồng Thái nắm tình hình tại khu dân cư.

YBĐT - Giai đoạn 2016 – 2020, các chi, đảng bộ ở thành phố Yên Bái đã đăng ký xây dựng, thực hiện 58 mô hình "Dân vận khéo” cấp thành phố và duy trì thực hiện 160 mô hình dân vận khéo ở cơ sở.

Ông Hoàng Đình Thìn vận động người cao tuổi trong xã tham gia xây dựng đời sống văn hóa.

YBĐT - Hỏi về gương điển hình tiên tiến học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ công tác tuyên truyền, đồng chí Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn - Phạm Thị Thu Hà giới thiệu ngay với chúng tôi ông Hoàng Đình Thìn ở thôn Ao Luông, xã Sơn A - một điển hình tiên tiến của người Mường về học tập và làm theo Bác.

Anh Mậu đi xe máy chở 50 kg gạo Séng cù đến lễ phát động chương trình tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn tại Hà Nội để giới thiệu sản phẩm.

YBĐT - Không là nông dân, cũng chẳng phải kỹ sư nông nghiệp, nhưng với tình yêu vùng đất, con người Mường Lò, anh Liễu Ngọc Mậu - cán bộ Phòng Nội vụ thị xã Nghĩa Lộ đã dành 5 năm đến gõ cửa các cơ quan chuyên môn để xây dựng sản phẩm Gạo Mường Lò được công nhận chỉ dẫn địa lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục