Một sáng tháng Sáu, tôi đến Sơn A. Từ đầu xã, hỏi thăm đến ông Thìn, ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường. Thôn Ao Luông 1 - nơi gia đình ông Thìn sinh sống giờ đã mang dáng dấp của "miền quê đáng sống” với những ngôi nhà sàn bằng gỗ hay bê tông rợp bóng nhãn. Đường đi lại trong thôn được bê tông hóa, hai bên đường các loài hoa khoe sắc. Đón chúng tôi bên bậc thang ngôi nhà sàn khang trang là người đàn ông cao lớn, phong thái giản dị, dễ gần.
Câu chuyện giữa chúng tôi khá cởi mở do ông Thìn đã kinh qua nhiều cương vị công tác. 5 năm làm giáo viên, 17 năm trong quân ngũ, 10 năm làm bí thư Đảng ủy xã và hiện ông là người có uy tín, là Chủ tịch Hội Khuyến học, Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) xã Sơn A.
Ông đưa chúng tôi đi thăm thôn xóm. Gặp ông, ai cũng niềm nở chào hỏi và ông cũng vui vẻ hỏi thăm, chia sẻ. Ông Thìn tâm tình: "Muốn làm dân vận mình phải nêu gương, phải công tâm, khéo léo vận dụng cơ hội để thực hiện. Tuyên truyền, vận động dân không nhất thiết cứ phải ở hội nghị, có khi chỉ là cuộc thăm viếng nhỏ tại gia đình, hoặc ngồi nói chuyện cùng nhau. Phải tìm hiểu rõ căn nguyên sự việc để có phương pháp vận động. Cái đích cuối cùng của công tác dân vận là hướng cho mọi người sống hòa hợp, cùng hướng tới những điều tốt đẹp, thực hiện đúng pháp luật để xây dựng thôn bản, làng xóm ấm no, hạnh phúc”.
Có lẽ, cái tâm và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, học Bác "Dân vận khéo làm việc gì cũng thành công” đã giúp ông hoàn thành nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền giao phó. Đó là, khi rời quân ngũ tham gia công tác ở xã năm 1992, lúc đó tình hình Sơn A có rất nhiều vấn đề, trong đó, lớn nhất là đội ngũ cán bộ xã đa số trình độ văn hóa chưa cập theo yêu cầu. Chỉ đạo điều hành bằng nhiệt tình, kinh nghiệm nên nội bộ vướng mắc chưa thống nhất trong tập thể lãnh đạo.
Điều này, dẫn đến kinh tế địa phương không phát triển, hạ tầng nông thôn yếu kém, đời sống nhân dân khó khăn. Do đó, khi được tín nhiệm giao trọng trách từ Trưởng công an, Phó chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã, việc đầu tiên sau khi giữ cương vị lãnh đạo, ông yêu cầu cán bộ đi nâng cao trình độ. Trong công việc chung, ông cùng tập thể xây dựng quy chế làm việc, có phân công trách nhiệm rõ ràng trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã, giữa chính quyền và cấp ủy không lấn sân, làm thay nhiệm vụ, chồng chéo trong công tác lãnh đạo. Ông tuyên truyền vận động, phân tích, thuyết phục cho đội ngũ cán bộ xã nhận thấy tầm quan trọng phải nâng cao trình độ mới đủ năng lực lãnh đạo.
Từ quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu, sau vài năm, đa số cán bộ xã đã có bằng THPT, một số đã có bằng đại học. Trình độ cán bộ nâng lên, bộ máy hoạt động hiệu quả, cộng với người Bí thư Đảng bộ có tác phong giản dị, sâu sát cơ sở trong việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng, tích cực thâm canh tăng vụ 3 thành vụ sản xuất chính để sản lượng lương thực ổn định, giảm đói giáp hạt… nên từ yếu kém, Đảng bộ xã Sơn A được Đảng bộ huyện Văn Chấn phân xếp loại 1, chính quyền được công nhận đạt trong sạch vững mạnh.
Sau hai nhiệm kỳ Bí thư Đảng ủy, ông Thìn được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chế độ. Về với cuộc sống đời thường, mọi người tưởng ông nghỉ ngơi khi con cái đã trưởng thành, nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội, vì ông luôn nghĩ: "Còn sức khỏe là còn cống hiến”.
Được Đảng bộ, nhân dân tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội NCT và Chủ tịch Hội Khuyến học, ông Thìn suy nghĩ, muốn vận động được bà con, bản thân và gia đình mình phải gương mẫu trên mọi công việc, phải thực sự làm tốt vai trò của người đảng viên để "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Nghĩ là làm, ông cùng gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia hoạt động của địa phương. Thể hiện rõ nhất là năm 2013, gia đình ông đã tự nguyện hiến 200 mét vuông đất ruộng, hơn 2.000 gốc tre để làm bờ kè suối Thia, tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn cho người dân địa phương, nhất là khi mùa mưa lũ về.
Nhận xét về đảng viên Hoàng Đình Thìn, đồng chí La Thị Thắm - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn A cho biết: "Mặc dù đã cao tuổi, song đồng chí Thìn luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Với cương vị đứng đầu tổ chức của 2 hội, đồng chí luôn sâu sát để tìm hiểu hoàn cảnh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng hội viên. dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu để nắm bắt rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về NCT, về công tác khuyến học và phổ biến, quán triệt tới các hội viên; tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền về chăm sóc, phát huy vai trò NCT, công tác khuyến học. Có thể thấy, mọi công việc trong thôn, trong xã đều có sự tham gia, đóng góp của đồng chí”.
Giản dị, chân thành, lời nói đi đôi với việc làm, ông là tấm gương để người Thái, người Mường, người Kinh trong thôn, xã, nhất là NCT đoàn kết, hăng hái đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động. Hiện tại, xã Sơn A có trên 400 người cao tuổi tham gia Hội, đạt tỷ lệ 95%, trong đó trên 40% hội viên NCT vẫn trực tiếp lao động sản xuất.
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, NCT đã tích cực hiến đất, ngày công lao động; đồng thời, vận động con cháu, anh em trong nhà, trong họ cùng thực hiện. Sự gương mẫu của NCT đã góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Trước đây, phong trào học tập ở Sơn A còn rất nhiều hạn chế, nhất là việc rất ít con em dân tộc đi học các trường chuyên nghiệp. Từ 2003 đến nay, với trọng trách Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học huyện, Chủ tịch Hội Khuyến học xã, ông đã cố gắng để tạo ra bước chuyển cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Sơn A trở thành một trong những địa phương có phong trào khuyến học mạnh của huyện Văn Chấn.
66 năm tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, ông Hoàng Đình Thìn là tấm gương sáng về học tập theo gương Bác Hồ. Những đóng góp của ông đã được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị ghi nhận qua nhiều bằng khen, giấy khen, vinh danh. Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất chính là từ đóng góp của mình, ông đã góp phần làm quê hương Sơn A ngày càng đổi thay.
Đình Tứ