Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Các cơ chế chính sách trong nông nghiệp luôn phát huy hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển, nhất là sau hơn hai năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và gắn với xây dựng nông thôn mới. Cũng trong tiến trình đó, Yên Bái đã triển khai thực hiện Đề án một cách đồng bộ, hiệu quả, đến nay đã bắt đầu cho "hoa thơm, trái ngọt”.
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá: "Sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây, nhất là sau hơn hai năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tốt; thực sự đã là trụ đỡ của nền kinh tế, an ninh lương thực được bảo đảm, đã có nhiều vùng sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn. Tốc độ tăng trưởng trong sản xuất nông - lâm nghiệp đều bảo đảm mục tiêu đề ra".
"Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về sự quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay đã rõ nét hơn. Thay đổi từ sản xuất tự phát, phong trào, quảng canh, nhỏ lẻ sang thâm canh và sản xuất hàng hóa. Dần xóa bỏ tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước” - ông Hùng cho biết.
Trong trồng trọt đã áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất, sản lượng cây lương thực có hạt tăng nhanh.
Năm 2017, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 305.900 tấn, tăng trên 5.200 tấn so với năm 2015 và tăng gần 26.000 tấn so với mục tiêu Đề án. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng trưởng trên 8% so với năm 2015. Giá trị sản xuất trồng trọt năm 2017 đạt hơn 3.215 tỷ đồng, tăng 2,17% so với năm 2015; giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt năm 2017 đạt 57 triệu đồng, tăng 2,76 triệu đồng so với năm 2015.
Từ một địa phương gần như không có gì thì hôm nay Yên Bái đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa với khối lượng và chất lượng cao. Vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung hơn 2.500 ha (tại cánh đồng Mường Lò 1.400 ha; cánh đồng Đại Phú An - Đông Cuông, huyện Văn Yên 600 ha; cánh đồng Mường Lai - Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên 500 ha). Hình thành vùng sản xuất hoa, rau an toàn cung ứng cho thị trường.
Cái được nữa là đã phát triển được các vùng cây ăn quả đặc sản và xây dựng vùng cây ăn quả an toàn sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật. Đến nay, đã có hơn 7.859 ha cây ăn quả, đạt 82,7% kế hoạch Đề án, tăng trên 1.245 ha so với năm 2015. Đặc biệt, vùng cây ăn quả có múi theo thế mạnh của địa phương (cam, quýt, bưởi) đạt trên 3.576 ha.
Từ chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Song song với đó, các giống cây ăn quả đặc sản theo lợi thế vùng miền như: bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam CS1, V2, bưởi Diễn, quýt Đường canh, huyện Văn Chấn, Lục Yên và Trấn Yên... Đây là nền tảng và cơ sở, lợi thế để Yên Bái xây dựng mỗi xã một sản phẩm hàng hóa.
Ngoài những vùng hàng hóa đã có "thương hiệu” kể trên thì trồng dâu, nuôi tằm ở Trấn Yên được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất có hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng thời gian gần đây.
Mặc dù mới phát triển ở một số xã của huyện Trấn Yên, nhưng trong sản xuất đã tạo được mối liên kết giữa các hộ sản xuất, hình thành các tổ nhóm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh có trên 270 ha dâu tằm với 872 hộ nông dân tham gia.
Sản lượng kén tằm 2 năm (2016 - 2017) đạt trên 780 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 80 tỷ đồng. Thu nhập 1ha trồng dâu và nuôi tằm trung bình đạt 220 - 250 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí đầu tư và công lao động cho thu lãi từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng/ha - một con số ấn tượng trong sản xuất nông nghiệp Yên Bái.
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm qua Yên Bái còn có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ vào lĩnh vực NN&PTNT trong 2 năm 2016 và năm 2017 đạt trên 5.941 tỷ đồng.
Trong đó, bình quân mỗi năm hỗ trợ trên 42 tỷ đồng cho phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình hàng hóa và thị trường, nay đã thực sự phát huy hiệu quả và đã cho "hoa thơm, trái ngọt”.
Hiệu quả nhất, tác động mạnh nhất là ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Từ cơ chế chính sách hỗ trợ đã góp phần chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại.
Qua 2 năm (2016 - 2017), chính sách của tỉnh đã hỗ trợ phát triển được 659 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 327 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con/hộ; 21 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 30 con/hộ, nhóm hộ; 48 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa trở lên; 81 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con/lứa trở lên; 108 cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô 15 con trở lên...
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hộ gia đình ông Phạm Đình Ninh ở thôn Suối Chép, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình vốn là một hộ nghèo của xã, năm 2016 tỉnh có cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi vùng sản xuất hàng hóa, gia đình ông đã mạnh dạn vay mượn anh em họ hàng, cùng với nguồn vốn hỗ trợ 15 triệu đồng từ Đề án gia đình đã mua 10 con bò về nuôi.
Sau ba năm đầu tư chăn nuôi bò, nay gia đình có đàn bò 13 con, mỗi năm bò mẹ sinh sản 6-7 con bê, bán cho thu 80 triệu đồng mỗi năm. Gia đình anh Trần Ngọc Trí - thôn Đá voi, xã Thịnh Hưng được hỗ trợ 10 triệu đồng từ Đề án phát triển cây ăn quả, gia đình đã trồng 1ha bưởi Diễn với hơn 500 gốc.
Vùng trồng cây dâu tằm được quy hoạch tập trung ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.
Đưa chúng tôi đi thăm đồi bưởi Diễn gần 3 năm tuổi, cây cao gần đầu người xanh tốt, anh Trí phấn khởi cho biết: "Tiền hỗ trợ từ Đề án là không nhiều, nhưng nó là động lực để các hộ nông dân nông thôn như chúng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Khi cán bộ xã, thôn tuyên truyền gia đình cũng rất ái ngại và không biết phải làm như thế nào dù đất đai, lao động thì thừa ra đấy".
Anh Trí chia sẻ thêm, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, gia đình đã trồng 500 gốc bưởi Diễn trên diện tích 1ha. Làm đúng kỹ thuật, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bài bản, cây sinh trưởng phát triển tốt. Cứ đà này chỉ năm sau cây sẽ ra quả và sẽ là nguồn thu chính để gia đình vươn lên từ chính mảnh đất quê hương mình.
Với lợi thế có hồ Thác Bà rộng lớn, những năm trước bà con các xã ven hồ chủ yếu đánh bắt tự nhiên, có chăn nuôi cũng không nhiều nên sản lượng cá mỗi năm chỉ đạt hơn hai ngàn tấn. Nhưng trong ba năm trở lại đây, trên vùng hồ đã phát triển được trên 1.000 lồng nuôi cá, hàng chục héc-ta eo nghách để nuôi trồng thủy sản.
Hôm nay, Yên Bình đã là "vựa cá” của Yên Bái, không chỉ nhiều về sản lượng mà chất lượng cá cũng xếp hàng đầu. Năm 2017, sản lượng khai thác, đánh bắt toàn huyện đạt gần 6.000 tấn, giá trị mang lại trên 150 tỷ đồng. Yên Bình đã và đang tích cực thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, liên doanh liên kết xây dựng nhà máy, tiêu thụ sản phẩm cho người dân nuôi trồng thủy sản.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Yên Bái đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất tinh thần được nâng lên. Những thành quả, những cái được trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua là rất lớn, đã khẳng định rõ vai trò trụ cột trong nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, từ thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn có những nút thắt, những hạn chế cần tháo gỡ!
Thanh Phúc