Làng thanh niên ngày ấy, bây giờ

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/8/2018 | 7:56:17 AM

YBĐT - Trong câu chuyện ở Làng thanh niên, khó khăn lớn nhất đối với họ không phải là những tháng ngày vất vả khai hoang mà là hành trình đi tìm lời giải cho bài toán trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Văn Đương (đứng giữa) trao đổi với các hộ dân về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.
Ông Phạm Văn Đương (đứng giữa) trao đổi với các hộ dân về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.


Từ chân dốc Thẩm Lé thuộc quốc lộ 32, chỉ mất ít phút rẽ vào là đến địa phận của Làng thanh niên thuộc tổ dân phố 6A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn. Ôi chao! Quả đúng như nhiều người đã nói, nằm dưới những triền đồi, Làng thanh niên giống như một thung lũng thu nhỏ, đẹp tựa bức tranh muôn màu lung linh! Hai bên đường làng, vườn hoa, vườn quả đua nhau khoe sắc, không gian và khung cảnh thiên nhiên níu mắt, níu bước người qua.

Dừng chân trước một khu vườn trĩu trịt nào mận, nào bưởi, tôi hỏi chuyện người đàn ông chừng 50 tuổi:

- Mận sai quá! Năm nay được giá không chú ơi?

- Thời tiết thuận lợi nên cũng khá, mỗi cây được thu từ 70 cân đến 80 cân quả. Giá thì cũng như mọi năm thôi, trên dưới hai mươi ngàn đồng một cân, tùy loại - người đàn ông vui vẻ cho hay.

Trả lời xong, ông mới đưa mắt nhìn và bắt tay chúng tôi. Đôi bàn tay chai sạn, thô ráp của ông khiến tôi có cảm giác lạ lùng. Đôi bàn tay mang lại cho tôi niềm tin về một người tần tảo, quanh năm lao động vất vả, gắn bó với công việc ruộng vườn. Ông là Phạm Văn Đương ở tổ dân phố 6A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ - một trong những người đầu tiên đến mảnh đất này khai phá, lập nghiệp.

- Sao gọi là Làng thanh niên mà cháu thấy toàn người trung tuổi vậy hả chú? - tôi tò mò hỏi ông.
Ông Đương cười giải thích:

- Thì ngày xưa những người đến đây lập nghiệp đều còn trẻ nên lấy tên là Làng thanh niên, chứ bây giờ ai nấy tóc đều đã điểm bạc hết cả rồi.

Chắc hẳn câu hỏi của tôi đã gợi nhắc và mở lại một miền ký ức của người đàn ông này. Trong câu chuyện với ông, nỗi nhớ về một thời thanh niên sôi nổi, mang ước vọng dấn thân, lập nghiệp tại vùng đất mới vẫn tràn đầy nhiệt huyết như ngày nào. 

Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, ông Đương kể rằng, nơi đây chỉ là một vùng đất rậm rạp lau lách, cỏ dại ngút trời mà Xí nghiệp Chè thị trấn để chăn thả trâu, bò. Sau khi đơn vị giải thể là tất cả trở nên vắng vẻ vô cùng.
 
Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, màu mỡ, chính quyền địa phương lúc đó đưa ra chủ trương kêu gọi khai phá, xây dựng và phát triển kinh tế. Hàng chục thanh niên tuổi đời mười tám, đôi mươi của thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đã hưởng ứng lời kêu gọi và cùng nhau đến dựng lán, phát cỏ, trồng ngô, xây dựng Làng thanh niên.
 
Ông Đương còn nhớ rất rõ: "Đó là năm 1992, khi ấy, tôi mới là anh thanh niên 25 tuổi, vừa cưới vợ. Theo lời kêu gọi và vận động của chính quyền địa phương, tôi cùng nhiều gia đình chuyển về đây khai phá đất hoang, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới”.
 
Mắt dõi khắp vườn cây trĩu quả, giọng xúc động, ông Đương kể tiếp: "Ngày mới đến, nơi đây toàn lau sậy, cỏ dại mà thôi. Chỉ có vài túp lều tạm bợ lọt thỏm giữa núi rừng. Khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Điện, đường không có. Từ sinh hoạt thường ngày cho đến hoạt động lao động sản xuất thật sự rất vất vả”.

Trong những thanh niên tham gia khai phá vùng đất này ngày ấy, ngoài ông Đương còn có 18 gia đình nữa. Họ còn rất trẻ và mang trong mình khát khao, ước vọng làm giàu, xây dựng cuộc sống mới. Điển hình như thanh niên Dương Đức Việt. 

Khi ấy, Việt là một trong số ít những người chưa lập gia đình. Giờ đây, mái tóc ông Việt đã điểm bạc, khóe mắt đã nhiều nếp nhăn nhưng kỷ niệm về một thời trai trẻ sôi nổi, tâm huyết thì chưa bao giờ là xưa cũ trong ông.
 
Ông tâm sự: "Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng khó khăn nhất là những thất bại trong việc tìm ra, lựa chọn loại cây trồng nào có thể sinh trưởng, phát triển, hiệu quả ở vùng đất mới. Bao đêm trăn trở suy nghĩ cũng thấy nản, song những lời động viên của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho tôi”.
 
Khó khăn, vất vả là vậy, thế nhưng qua lời kể, tôi thấy toát lên tinh thần quyết tâm, nhiệt huyết, xung kích đi đầu của họ. Họ đoàn kết, gắn bó, động viên nhau cùng vượt qua mọi thử thách.
 
Ông Đương xúc động: "Dù khó khăn, vất vả nhưng ai cũng đồng cảm, sẻ chia cho nhau từng miếng cơm, củ sắn lúc giáp hạt hay chiếc áo ấm khi trời chuyển lạnh. Nhiều hôm, nắng nóng không thể làm việc, chúng tôi phải tận dụng ánh trăng sáng để làm đêm. Rồi nhiều lúc trâu, bò phá nương ngô, chúng tôi lại luân phiên nhau canh gác...”.

Trong câu chuyện ở Làng thanh niên, khó khăn lớn nhất đối với họ không phải là những tháng ngày vất vả khai hoang mà là hành trình đi tìm lời giải cho bài toán trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao. Dường như cuộc sống luôn muốn đặt ra các thử thách để sáng rõ ý chí, quyết tâm, sức trẻ của những thanh niên nơi đây.
 
Lần lượt các loại cây trồng như: ngô, na, hồng... đều đã bén rễ trên đất này, song cuối cùng không được như kỳ vọng, phần vì thị trường bấp bênh, phần vì hiệu quả thấp. Không nản chí, không cam lòng chịu thất bại, họ lại tiếp tục đi tìm lời giải với các cây trồng khác. Cho tới vài năm trở lại đây, khi bắt đầu chuyển sang trồng bưởi, mận cùng các loại đào, bí thì thu nhập của các hộ gia đình trong Làng thanh niên đã có sự khởi sắc.
 


Ông Dương Đức Việt (đội mũ) chăm sóc cây giống.

Đưa chúng tôi đi tham quan gia trại của mình, ông Đương không quên giới thiệu: "Tất cả tổng diện tích khoảng 4,5 ha, trong đó có khoảng 400 gốc bưởi, 200 gốc mận”. Tôi để ý, xen giữa những hàng bưởi, mận là đường bê tông cùng hệ thống mương thủy lợi và bể ủ phân được bố trí hợp lý, khoa học, thuận tiện cho việc chăm sóc.
 
Hỏi về thu nhập, ông cho hay: "Ngoài trồng mận tam hoa và các loại bưởi thì tôi còn nuôi thêm lợn, gà, vừa tăng thu nhập lại tận dụng được nguồn phân chuồng bón cho cây ăn quả. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình cũng thu về hơn trăm triệu đồng”. 

Sau nhiều năm lập nghiệp ở Làng thanh niên, nhiều gia đình khá giả đã chuyển ra xây nhà ngoài quốc lộ 32 nhưng gần như toàn bộ thời gian trong ngày vẫn gắn bó với nơi đây.
 
Ông Việt cho biết: "Công việc của tôi thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kéo dài 8 - 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày với việc cắt tỉa, làm cỏ, bón phân ở vườn đào, vườn mận rồi sang đến vườn cây giống... Vào vụ thu hoạch thì 5 giờ sáng đã ra vườn cắt quả, tiếp theo là đóng gói, giao hàng. Rồi lại bắt đầu một vòng tuần hoàn cắt tỉa, làm đất, chăm bón, thu hoạch”.

Nhắc về Làng thanh niên lập nghiệp, ông Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ tự hào: "Thổ nhưỡng ở khu vực này thích hợp cho trồng cây ăn quả nhưng để trở thành một ngôi làng trù phú như hiện nay, các chàng trai ngày ấy đã dành trọn cả tuổi thanh xuân của mình. Bình quân mỗi hộ ở đây hiện nay có thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng mỗi năm. Đây chính là gương sáng để lớp trẻ hôm nay và các tổ dân phố toàn thị trấn học hỏi”.

Giữa Làng thanh niên lập nghiệp có phong cảnh đẹp tựa tranh, tôi không thể quên cảm giác khi nắm đôi bàn tay chai sạn của ông Đương, trông làn da sạm nắng của ông Việt... Khát vọng lập thân, lập nghiệp của những thanh niên ngày nào đã biến vùng đất khô cằn nở hoa, đơm trái và trù phú, tươi đẹp.

Hùng Cường

Các tin khác
Các em nhỏ tham gia truyền thông về an toàn cho trẻ em trong môi trường mạng tại Diễn đàn Trẻ em tỉnh năm 2018.

YBĐT - Lâu nay, chúng ta vẫn cho rằng thế giới mạng là ảo. Điều này không đúng vì những tổn thương, những sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật. Khi ngày càng nhiều những đứa trẻ bị tổn hại về thể chất và tinh thần từ chính thế giới ảo ấy mới khiến người ta giật mình nhìn lại: lâu nay đã để trẻ đơn độc trong môi trường mạng.

Ông Lập bên vườn thanh long ruột tím.

YBĐT - Trước đây, đồng bào dân tộc Thái Mường Lò chỉ canh tác lúa nước, hết vụ thì trồng rau màu. Vì thế, chuyện ông Lường Trung Lập ở thôn Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ trồng thanh long ruột tím - giống cây ăn quả trước đây chỉ trồng ở miền Nam đã khiến nhiều người bàn tán, nghi ngờ bởi loại cây này họ chỉ mới nghe và xem trên ti vi.

Giống hồng Nhật trồng ở huyện Mù Cang Chải cho quả to, giòn, ngọt, được khách hàng ưa chuộng.

YBĐT - Từ lâu, lúa, ngô, thảo quả… được coi là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao. Nhưng để làm giàu thì đây chưa phải cây trồng phù hợp. Nhưng bây giờ đã có những cây trồng thành lời mở đầu trong đáp án "làm giàu”.

Trang trại chăn nuôi gà Minh Dư của anh Phạm Văn San, thôn 11, quy mô 12 nghìn con.

YBĐT - Chúng tôi về lại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên khi đợt lũ hồi đầu tháng 7 quét qua những tràn ruộng còn để lại lớp bồi sa đặc quánh phủ lấp lúa, ngô trải dọc triền sông, khoác nhọc nhằn lên vùng quê vốn còn lam lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục