Đi về phía có rừng cây Bác Hồ
- Cập nhật: Thứ năm, 6/9/2018 | 8:02:57 AM
YBĐT - "Tre xanh/ Xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành tre ơi". Tôi đem theo những câu thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu của nhà thơ Nguyễn Duy viết về cây tre Việt Nam, đi về phía xã Kiên Thành - nơi có rừng tre măng Bát độ và rừng cây Bác Hồ nổi tiếng thuộc huyện Trấn Yên.
Người dân Kiên Thành luôn chăm sóc tre măng đúng kỹ thuật. (Ảnh: P.V)
|
Những người nông dân Kiên Thành kể cho nghe: Học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ từ cán bộ lãnh đạo huyện đến xã và các nhà khoa học kỹ thuật đến các doanh nghiệp ngày đêm tận tụy về tận từng thôn, từng xóm hướng dẫn nông dân từ cách trồng tre đến thu hái măng, đến cách sơ chế để bảo đảm chất lượng, tránh dập nát, đủ tiêu chuẩn đưa ra thị trường xuất khẩu. Nhiều người dân vẫn đinh ninh nhớ lời Bác dạy, muốn có lợi ích lâu dài phải biết trồng cây, trồng rừng, dù bỡ ngỡ vẫn cứ bảo nhau lên đồi trồng tre. Những rừng tre măng, rừng cây Bác Hồ hình thành từ đó.
Theo lời Chủ tịch UBND xã thì mấy ngọn đồi trước mặt tôi là đồi tre măng. Trước đây là đất lâm nghiệp kém hiệu quả, khi huyện và xã có chủ trương đưa cây tre măng vào trồng thay thế dân hưởng ứng ngay. Những cánh rừng xanh sẫm kia là rừng quế, còn trước mặt đây là rừng tre. Tôi lên đồi xem, đúng là tre.
Cây tre măng là giống cây nhập nội, bắt đầu trồng thí điểm từ hơn 10 năm nay trên đất Kiên Thành. Cây giống là những củ tre chuyển từ nơi khác đến, về đến địa phương đã bị hư hỏng, người dân Kiên Thành lại chưa nắm chắc qui trình kỹ thuật nên tỷ lệ cây sống không cao. Nhiều người chưa thật mặn mà với giống cây trồng mới. Tuy nhiên, người dân vẫn chăm sóc chờ xem kết quả thế nào.
Công ty TNHH Vạn Đạt, Yên Thành, những doanh nghiệp đầu tiên đến Kiên Thành cùng chung tay với chính quyền và người dân giải quyết khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thấy địa phương chọn được hướng đi đúng, Công ty mạnh dạn đầu tư không chỉ cho Kiên Thành mà ở cả một số xã khác được huyện xác định là vùng tre măng. Cây tre măng có chỗ đứng trên đất Kiên Thành, qua mỗi năm một phát triển. Khi tôi đến Kiên Thành, ở đây đã có 1.270 ha, trong đó có hơn 1.050 ha đã được thu măng, mỗi năm thu về cho người dân gần 20 tỷ đồng.
Kiên Thành không chỉ có măng mà còn có quế. Nhiều năm trước đồng bào Dao đã đi đầu trong việc trồng quế và lôi cuốn được cả đồng bào Mông cùng trồng, đưa diện tích quế lên 1.700 ha.
Xã Kiên Thành có 900 hộ gia đình thì có trên 500 hộ tham gia trồng tre măng. Thôn nào trong xã cũng đã trồng tre măng nhưng trồng nhiều hơn, tập trung hơn và hiệu quả hơn là thôn Đồng Cát, Khe Rộng, Cát Tường, Khe Tối, Yên Thịnh và Đồng Ruộng.
Có ngờ đâu cái giống tre này nó lại cho nhiều măng, mà củ nào cũng bằng bắp chân người lớn cả. Hơn 2 ha mỗi năm cũng có trên dưới 150 triệu đồng, thử hỏi nông dân làm gì cho ra một hai trăm triệu đồng dễ đến như vậy. Thế là nhà nọ theo nhà kia đua nhau trồng tre thành nương, thành đồi.
Nhớ khi vừa đặt chân đến Kiên Thành, có người bảo tôi, cứ lên thăm thôn Đồng Ruộng trước đi rồi về nói chuyện sau. Hơi xa đấy, cách trung tâm xã hơn 6 km, đường khó đi hơn nhưng đi được, ô tô của mấy gia đình trên ấy vẫn đi lại được. Tôi biết thôn Đồng Ruộng. Đó là một thôn toàn người Mông.
Giàng A Măng mới hơn 30 tuổi được người dân thôn Đồng Ruộng nhắc đến như một người năng động và sáng tạo nhất ở đây. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, anh đem theo bao hoài bão, ước mơ là phải làm được cái gì đấy để phục vụ dân tộc mình, thôn xã mình.
Tất cả những việc làm hết sức mới mẻ đang diễn ra ở bản người Mông thôn Đồng Ruộng bắt nguồn từ tiền quế, tiền măng và sâu xa hơn là từ tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đậm trong lòng các dân tộc anh em; là từ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước; là từ sự tận tụy miệng nói tay làm của cán bộ và đảng viên.
Đồng Ruộng đã đổi thay như thế thì sự giàu có, khá giả của các thôn khác chẳng có gì là lạ. Những nhà lầu, xe hơi ở thôn Đồng Cát, Cát Tường không còn là chuyện hiếm ở Kiên Thành. Trên đường đi qua thôn Đồng Cát, thấy một anh nông dân đứng thảnh thơi trước ngôi biệt thự có chiếc ô tô đỗ ở sân. Lại gần thì đây là chiếc xe của hãng ô tô TOYOTA nổi tiếng của Nhật Bản. Xe mới cáu cạnh chứ không phải loại mua đi bán lại. Hỏi anh, ở vùng cao như thế này mua xe để làm gì. Anh trả lời ráo hoảnh, chỉ cần hai vụ măng là thừa tiền sắm con xe này. Có tiền thì sắm, lúc rỗi việc tự lái đi thăm thú bạn bè.
Lời của anh nông dân xã vùng cao đặc biệt khó khăn, mới lạ làm sao.
Bội Đông
Các tin khác
YBĐT - Mùa thu nay, có gì đó xốn xang và xúc động! Thị xã Yên Bái bé nhỏ trong hồi tưởng của những người đang sống, mới ngày nào thôi, giờ đổi thay như một giấc mơ - giấc mơ có thật! Thành phố Yên Bái đấy - mà chỉ nay mai thôi, sẽ trở thành đô thị loại 2.
YBĐT - Chuyện trò với cán bộ và những người dân ở làng Tham, làng Dẹt... ai cũng nhất trí rằng Phong Dụ Thượng "mở mày, mở mặt” như hôm nay là nhờ Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đảng bộ mạnh là do "người cầm cờ” mạnh – "người cầm cờ” ấy chính là Bí thư Đảng ủy Siều Ngọc Tân.
YBĐT - Như đã đề cập ở kỳ trước, vấn đề "tam nông" ở thời kỳ nào cũng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII đã khẳng định: "Tỉnh tiếp tục lấy sản xuất nông, lâm nghiệp làm nền tảng để tạo đà phát triển kinh tế xã hội bền vững trong những năm tới".
YBĐT - Trong sản xuất, nông dân Yên Bái không còn lo cái ăn hàng ngày mà đã hướng tới nền sản xuất hàng hóa và thị trường. Song, so với lợi thế và tiềm năng thì sản xuất nông nghiệp Yên Bái vẫn còn nhiều hạn chế.