Bu Cao chuyển mình sang trang mới
- Cập nhật: Thứ tư, 19/9/2018 | 7:58:10 AM
YBĐT - Là nơi sinh sống của đồng bào Mông, thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn nằm lưng chừng núi quanh năm mây mù. Những tưởng, cuộc sống người dân nơi đây mãi quẩn quanh với đói nghèo, lạc hậu, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện, đặc biệt là đóng góp của người trưởng thôn mà cuộc đời của họ đã sang một trang mới.
Toàn cảnh thôn Bu Cao hôm nay.
|
Từ quốc lộ 32, theo con đường bê tông vượt núi, tôi đến thôn Bu Cao. Nắng tháng Chín vàng như mật phủ trên mái nhà của thôn. Quanh thôn, những đồi chè xanh mướt, cảnh sắc này khiến người ở xa tới không tin mình đang đứng giữa một thôn vùng cao của người Mông. Đúng theo hướng dẫn của các anh chị cán bộ Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn, đến ngôi nhà xây hai tầng khang trang, tôi đã tìm được nhà Trưởng thôn Mùa A Chang.
Giúp tôi dễ hình dung những đổi thay của thôn vùng cao này, Trưởng thôn Chang đưa tôi thăm quanh thôn. Hai bên đường bê tông những ngôi nhà gỗ san sát và điểm nhấn là trường mầm non, nhà văn hóa và ngôi nhà hai tầng của người trưởng thôn. Ngược thời gian, cách đây gần hai mươi năm, lúc đó vừa ngoài hai mươi tuổi, anh Chang lấy vợ. Thôn Bu Cao vốn nghèo, nhà bố mẹ thuộc diện nghèo nhất nên như nhiều thanh niên trong thôn khi lấy vợ anh Chang phải nợ tiền cưới.
Một mình "hạ sơn”, tài sản là mảnh nương mua lại với giá 200.000 đồng cách bản cũ 3 km. Do chưa có người, thưa dân, đất đai rộng rãi nên hai vợ chồng đang độ trẻ được thỏa mãn với khát khao lao động. Miệt mài với gần ngàn mét vuông ruộng nước, vụ chiêm thu cỡ 20 bao, vụ mùa cũng hơn chục bao vừa dư thóc ăn vừa có để bán nếu muốn. Hết hai vụ lúa, lại quay sang trồng ngô, chăm sóc 100 gốc chè Shan và dần có vốn đầu tư nuôi 3 con trâu, đàn lợn, làm đại lý thu mua chè, mở cửa hàng tạp hóa.
Mỗi hộ được cấp gần hai trăm mét vuông đất để làm nhà. Từ vài hộ ban đầu, thôn Bu Cao mới giờ đã "ấm” với tổng số 127 hộ. Vấn đề đặt ra lúc này là tổ chức cho bà con ổn định cuộc sống. Với vai trò trưởng thôn, cùng lo nơi ăn chốn ở cho bà con, Mùa A Chang đã vận động bà con đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo qua chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tích cực đi lao động bên ngoài. Học tập vợ chồng A Chang, bà con trong thôn đã chuyển đổi 70 ha lúa nương sang trồng ngô đồi, sản lượng trung bình 350 tấn/năm. Trên 10 ha ruộng được bà con đầu tư thâm canh bằng giống mới năng suất cao; vậy là, cơ bản đảm bảo lương thực.
Trưởng thôn Mùa A Chang (thứ hai, bên phải) trao đổi với người dân về phát triển sản xuất.
Diện mạo Bu Cao hôm nay thật tươi mới. Làm nhiều việc lớn như vậy, anh thấy có khó không? - tôi hỏi. "Khó lắm đấy! Nhưng là cán bộ, đảng viên, trách nhiệm phải làm thôi và mình phải học gương của Bác Hồ không bao giờ lùi bước trước khó khăn. Thế là mình cố gắng làm để giúp bà con có cuộc sống no ấm!" - Mùa A Chang cười hiền trả lời.
Với những đóng góp cho bà con trong thôn, Mùa A Chang được người dân trong thôn yêu quý. Ông Lý A Vàng - một người dân cho biết: "Có cuộc sống hôm nay, trong thôn ai cũng thầm cảm ơn Đảng, Nhà nước; đồng thời, cảm ơn Trưởng thôn Chang gương mẫu để cả thôn học tập và noi theo”.
Vinh dự cho Trưởng thôn, đảng viên Mùa A Chang là huyện Văn Chấn đã lựa chọn anh là tấm gương tiêu biểu để biểu dương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái. Chia tay Bu Cao và người trưởng thôn gương mẫu, tôi thầm nghĩ, nếu mỗi miền quê núi có những người như Mùa A Chang thì chắc chắn vùng cao Yên Bái sẽ nhanh chóng đổi thay!
Đình Tứ
Các tin khác
YBĐT - Nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Suối Giàng có độ cao trên 1.400 m so với mặt nước biển. Nơi đây được coi là thủy tổ của cây chè Shan tuyết với những rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
YBĐT - Cả một vùng ven hồ Thác Bà rộng lớn với tiềm năng, thế mạnh sẵn có nhưng dường như lại chưa được khai thác hiệu quả. Đâu đó, rất nhiều những nông dân, đặc biệt là những thanh niên trẻ đang ngày đêm trăn trở, từng bước tìm ra hướng đi đúng cho phát triển kinh tế vùng ven hồ.
YBĐT - Đi xe xuyên qua những cánh rừng thông vài chục năm tuổi, mới thấy được ý chí, quyết tâm của những cán bộ lâm nghiệp và người dân ở đây đã tham gia trồng, quản lý, bảo vệ để có được trên 13.604 ha rừng phòng hộ ở vùng cao xa xôi này.
YBĐT - "Tre xanh/ Xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành tre ơi". Tôi đem theo những câu thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu của nhà thơ Nguyễn Duy viết về cây tre Việt Nam, đi về phía xã Kiên Thành - nơi có rừng tre măng Bát độ và rừng cây Bác Hồ nổi tiếng thuộc huyện Trấn Yên.