Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở Yên Bái - Bài 1: Đúng hướng và hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/12/2018 | 2:09:48 PM

YBĐT - Với một tỉnh miền núi như Yên Bái có phần lớn dân số là lao động nông nghiệp thì việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp (NN) sang phi nông nghiệp (PNN) là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay.

Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Bình và Công ty cổ phần Yên Thành kiểm tra sản xuất tại xưởng chế biến gỗ.
Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Bình và Công ty cổ phần Yên Thành kiểm tra sản xuất tại xưởng chế biến gỗ.

Những năm qua, tỷ trọng ngành nghề PNN đã tăng lên rõ rệt, đóng góp nhiều vào cải thiện, đa dạng hóa thu nhập của người dân. Và mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động ngành NN trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng trở nên cấp thiết.

Tuy có vị trí gần với thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên nhưng Việt Thành vẫn là xã thuần nông. Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Việt Thành đã chú trọng đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu lao động NN sang PNN. 

Với đặc thù của mình, 8 thôn trong xã được xác định thành 3 khu vực phát triển kinh tế. Với lợi thế về đất đồi rừng, khu vực Đồng Phúc được tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp, khu vực Lan Đình phát triển trồng dâu, nuôi tằm và khu vực Phú Thọ thì phát triển lúa chất lượng cao và thương mại, dịch vụ. 

Ông Nguyễn Quốc Tưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: "Những năm qua, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Việt Thành đã tập trung, ưu tiên lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động và tạo điều kiện thuận lợi để lao động có thể chuyển đổi nghề từ làm NN sang những nghề PNN. Đã có nhiều lao động NN chuyển sang nghề may để đi làm tại nhà máy, một số chuyển sang làm nghề cơ khí với mong muốn có việc làm ổn định, có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp. Và thực tế, những lao động này đang có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn trước”. 

Năm 2010, Việt Thành có trên 74% lao động NN, đến năm 2017, số lao động NN đã giảm còn 63,79%. 

Sau khi cùng chúng tôi thăm quan một số mô hình chuyển dịch lao động của xã, ông Nguyễn Quốc Tưởng đưa chúng tôi trở về khu Phú Thọ thăm cơ sở Cơ khí tổng hợp Hoàng Quân của anh Hoàng Hồng Quân. Đang là thời điểm nhiều việc nhất trong năm nên anh Quân cùng 3 lao động dường như không có nhiều thời gian giải lao. 

Dừng tay sau khi cắt xong mấy thanh nhôm, anh Quân chia sẻ: "Từ năm 2010, tôi đã bắt đầu chuyển từ lao động NN sang làm nghề cơ khí. Sau rất nhiều khó khăn như: nâng cao tay nghề, khẳng định chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường… Đến nay, cơ sở sản xuất của tôi đã có doanh thu từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều nếu so với sản xuất NN như bố mẹ tôi hiện nay. Từ khi mở cơ sở này, có khoảng 20 người đã đến để vừa học vừa làm rồi sau thành nghề họ đã trở về để mở cơ sở riêng cho mình”.

Bên cạnh sự thay đổi cơ cấu ngành nghề trong lĩnh vực NN theo hướng công nghiệp hóa là sự thay đổi về cơ cấu ngành kinh tế, là sự biến đổi về cơ cấu của lực lượng lao động. Vì vậy, các ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao gắn với thực hiện quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch thuộc lĩnh vực ngành quản lý nhằm thu hút, tạo việc làm cho lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động NN sang PNN. 

Năm 2018, đã có 40 dự án thuộc lĩnh vực công thương đầu tư trên địa bàn tỉnh, dự kiến thu hút, tạo việc làm cho 2.000 lao động sau khi đi vào hoạt động, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tạo việc làm cho 200 lao động. 

Có 6 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới, nâng tổng số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới là 47 xã, trong đó có tiêu chí về lao động có việc làm đạt trên 90%; có 270 học viên thuộc các huyện phía Tây của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng homestay để kinh doanh du lịch. 

Về đào tạo nghề, năm 2018, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 16.600 người. Trong đó: nhóm nghề NN chiếm khoảng 30%, nhóm nghề PNN chiếm khoảng 70%. 

Hết năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 54%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 27,8%. Các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ về chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn, chủ động, tích cực tuyên truyền, tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động ở trong tỉnh, ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động, một số địa phương đã phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động phi nông nghiệp, đặc biệt là lao động nghề may theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp như thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, huyện Trấn Yên, tuyển dụng lao động để cung ứng đi làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động như huyện Lục Yên, Văn Yên… 

Theo đồng chí Đặng Thanh Hải - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Bình, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại Yên Bình được quan tâm triển khai thực hiện góp phần hoàn thành mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu lao động của năm 2018. Huyện Yên Bình cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn sang PNN tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” nhằm tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực sản xuất lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực NN, hình thành cơ cấu lao động hợp lý, bảo đảm đúng tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho người lao động. 

Phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm huyện Yên Bình có 2% và đến năm 2025, mỗi năm chuyển dịch 2,2% lao động NN chuyển dịch sang PNN. 

Với gần 200 lao động, trong đó phần lớn là lao động NN của huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái, nhiều năm qua, Công ty cổ phần Yên Thành đã giúp nhiều lao động NN trên địa bàn có việc làm và thu nhập ổn định. 

Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết: "Gần 100% lao động của Công ty đều xuất phát từ lao động NN. Họ đến từ các xã như: Tân Hương, Đại Đồng, Bảo Ái… Thu nhập bình quân của lao động trong Công ty đạt từ 5 - 5,5 triệu đồng/tháng”. Trong phân xưởng chế biến gỗ rừng trồng, chị Đỗ Thị Thủy, quê ở xã Tân Hương tâm sự: "Tôi làm việc ở đây đã được hơn 10 năm rồi. So với lao động ở nhà thì thu nhập ở đây cao hơn, ổn định hơn. Ngoài ra, tôi còn được Công ty hướng dẫn, dạy nghề, được tham gia các lớp tập huấn về an toàn lao động…”. 

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ về chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chuyển dịch cơ cấu lao động, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo chỉ tiêu được giao, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm thu hút lao động NN vào làm việc, chú trọng đào tạo nghề PNN cho lao động nông thôn, quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động với nhiều hình thức phù hợp… 

Tuy nhiên, để đạt kết quả cao, bền vững trong chuyển dịch cơ cấu lao động NN sang PNN, Yên Bái cũng cần giải quyết triệt để một số khó khăn, hạn chế như: một số ngành chưa thực sự quan tâm; việc thu hút lao động, giải quyết việc làm theo từng lĩnh vực, ngành nghề gắn với định hướng phát triển của từng địa phương; xác định rõ quy mô sử dụng lao động theo từng giai đoạn của các dự án đầu tư, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền… 

Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 478.302 lao động tham gia hoạt động kinh tế, trong đó, lao động làm việc trong lĩnh vực NN là 310.551 người, chiếm 64,93%, PNN là 167.752 người, chiếm 35,07%, lao động NN giảm 1,68% so với năm 2017, tương ứng 4.645 người.

Trong đó: thành phố Yên Bái giảm 367 người, huyện Yên Bình giảm 1.253 người, huyện Trấn Yên giảm 676 người, huyện Văn Yên giảm 845 người, huyện Lục Yên giảm 177 người, thị xã Nghĩa Lộ giảm 392 người, huyện Mù Cang Chải giảm 1.098 người…

Thành Trung
Bài 2: Khó khăn cần giải quyết

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục