Với đặc thù là một tỉnh miền núi đa dân tộc, trong đó có 12 dân tộc bản địa cùng sinh sống lâu đời, đa số các dân tộc thiểu số (DTTS) Yên Bái sinh sống ở vùng núi và vùng cao nên đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chính sách trường nội trú không thể đáp ứng được nhu cầu lớn của học sinh người dân tộc, chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống trường dân tộc bán trú (PTDTBT) là bước đi hết sức đúng đắn. Là "cú huých” làm thay đổi căn bản diện mạo giáo dục dân tộc tại Yên Bái.
Để tạo điều kiện cho học sinh dân tộc có điều kiện học tập tập trung với điều kiện tốt hơn, ngoài những chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng phát triển giáo dục, trong đó có hệ thống trường bán trú.
Đó là Nghị quyết về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2015; Nghị quyết về việc phê duyệt Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh trường PTDTBT, hỗ trợ kinh phí thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú ngoài quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ...
Đặc biệt, Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2015 được ban hành trước khi Chính phủ ban hành Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg về chính sách đối với các trường PTDTBT và học sinh bán trú đã góp phần kịp thời triển khai các chính sách giáo dục, huy động được các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể xã hội tại địa phương vào cuộc, tạo môi trường giáo dục tốt hơn, đồng thời làm tốt công tác huy động trẻ em dân tộc đến lớp, tránh tình trạng học sinh bỏ học...
Từ sự quan tâm đặc biệt đó, theo ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD - ĐT, hiện Yên Bái có 49 trường PTDTBT gồm: 12 trường PT DTBT tiểu học, 16 trường PTDTBT THCS, 21 trường PTDTBT TH&THCS và 56 trường có học sinh bán trú với tổng số 22.388 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, trong đó có 20.907 học sinh bán trú ở trong trường (chiếm tỷ lệ 93,3%).
Đặc biệt, từ khi thực hiện Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, trong vòng hai năm, toàn tỉnh đã đưa trên 7.600 em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số từ hơn 250 điểm trường lẻ về các điểm trường chính để có điều kiện tốt hơn trong sinh hoạt và học tập.
Không chỉ cơ sở vật chất, đầu tư cho trường PTDTBT, với tổng biên chế, lao động toàn ngành là 13.566 người thì đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên các trường PTDTBT là 1.858 người. Nguồn nhân lực này cơ bản được hưởng các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi và chế độ đãi ngộ vật chất khác theo đúng các quy định của Trung ương, của tỉnh từ đó yên tâm công tác.
Cùng nguồn nhân lực, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và nguồn xã hội hóa, cơ sở vật chất trường học phục vụ con em dân tộc từng bước được đầu tư. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú đạt 72%; tỷ lệ phòng ở cho học sinh kiên cố đạt 55%, trung bình 22 em học sinh bán trú ở trong trường/phòng ở...
Tìm hiểu về hiệu quả công tác giáo dục dân tộc chúng tôi đến Văn Yên, huyện miền núi với 27 xã, thị trấn, trong đó có 10 xã đặc biệt khó khăn. Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ gia đình nghèo chiếm 29,04%, vì vậy việc triển khai thực hiện trường bán trú trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc ở Văn Yên là rất cần thiết và hiệu quả.
Giờ lên lớp của cô và trò Trường PTDTBT TH & THCS Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải.
Ông Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng GD - ĐT huyện cho biết: Để phát triển giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục dân tộc, trong giai đoạn 2013 - 2017, toàn ngành đã được đầu tư xây mới, mở rộng quy mô trường lớp với tổng kinh phí 49,990 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước 11,548 tỷ đồng; xã hội hóa 36,690 tỷ đồng; các nguồn vốn khác (chương trình, dự án) 1,752 tỷ đồng.
Tìm hiểu được biết, hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu, kế hoạch phát triển giáo dục tại các địa phương, Phòng GD - ĐT huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác chiêu sinh, tuyển sinh trên địa bàn các xã/thị trấn; văn bản chỉ đạo công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để huy động tối đa học sinh trong độ tuổi ra lớp, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Với sự quan tâm đó, năm học 2018 - 2019, toàn huyện Văn Yên có 61 trường trực thuộc Phòng GD - ĐT (mầm non 26 trường; cấp phổ thông 35 trường) với tổng số 31.105 học sinh, trong đó, học sinh DTTS là 16.965 em, chiếm tỷ lệ 54,5%. Tỷ lệ học sinh dân tộc trong độ tuổi ra lớp trên địa bàn toàn huyện đạt tỷ lệ 91,1%, trong đó, cấp học mầm non đạt 78,9%, cấp học phổ thông đạt 97,4%.
Đặc biệt, việc Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Yên ban hành Nghị quyết số 14, Nghị quyết số 18 về việc huy động, sắp xếp trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp từ năm học 2016 - 2017 đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn huyện được đến trường, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngay từ cấp học mầm non. Tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm tăng gia lao động sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống...
Dù nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế nhưng với sự quan tâm đến giáo dục, trong đó có giáo dục dân tộc mà thật xúc động khi khắp nơi, từ Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình đến hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải đâu đâu cũng thấy những ngôi trường bán trú kiên cố, học sinh người dân tộc được học tập và sinh hoạt tập trung, cơ bản được Nhà nước bao cấp để ăn học.
Về giáo dục dân tộc trong đó có trường bán trú, ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD - ĐT Yên Bái đánh giá: Thực hiện chính sách của Chính phủ và của tỉnh, hệ thống trường PTDTBT và học sinh bán trú được hình thành và phát triển mở ra nhiều thuận lợi đối với sự nghiệp giáo dục, đồng thời việc đầu tư cơ sở vật chất để tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh bán trú được quan tâm đầu tư tập trung.
Hệ thống các nhà công vụ cho giáo viên được quan tâm đã góp phần giúp giáo viên giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống, yên tâm công tác. Việc xây dựng và triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn đã có tác động tích cực đến sự phát triển cơ sở vật chất trường học tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Đình Tứ
Bài 3: Tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc